Gần đây, trên mạng đưa tin chính quyền Quận 1, thành phố Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc, đã tịch thu đất của một số ngôi làng với mức bồi thường rất vô lý. Hai nữ sinh viên đại học đã phát tờ rơi kêu gọi dân làng phản kháng và bị cảnh sát bắt giữ. Hàng trăm dân làng giận dữ bao vây xe cảnh sát, giải cứu thành công 2 nữ sinh này.
Theo một đoạn video được cư dân mạng “Ngày hôm qua” đăng trên nền tảng YouTube, ngày 30/8, hàng trăm dân làng ở làng Nhậm Trạch, thị trấn Đại Mã, quận sân bay Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc, đã bao vây một chiếc xe cảnh sát để phản đối việc cảnh sát bắt giữ 2 nữ sinh đại học phát tờ rơi trong làng.
Một số người dân tiết lộ, gần đây chính quyền quận sân bay đã thu hồi đất của nhiều ngôi làng ở thị trấn Đại Mã để xây dựng một cảng cạn quốc tế mới. Tuy nhiên, việc bồi thường rất bất hợp lý và bị người dân địa phương phản đối rộng rãi.
Chiều ngày 30/9, hai nữ sinh đại học phát tờ rơi ở làng Nhậm Trạch, kêu gọi dân làng phản đối việc phá dỡ vô lý. Họ đã bị nhân viên ủy ban thôn bắt giữ và báo cảnh sát.
Sau khi biết tin, dân làng đã chạy đến ủy ban làng để phản đối hành động của ủy ban. Dân làng tức giận bao vây ủy ban. Cảnh sát cố gắng bắt 2 nữ sinh đại học. Người dân đã đụng độ với nhân viên ủy ban và cảnh sát.
Dưới áp lực của dân làng, khoảng 2h sáng ngày hôm sau, cảnh sát đã thả 2 nữ sinh đại học, người dân dần dần giải tán. Ngày hôm sau, rất đông dân làng vẫn tụ tập trước đồn cảnh sát địa phương, để phản đối sự can thiệp của cảnh sát vào việc phá dỡ.
Theo video, dưới ánh đèn đêm, rất đông người dân đã bao vây cảnh sát và xe cảnh sát, xung đột gay gắt nổ ra tại hiện trường. Một người đàn ông nói: “Để bảo vệ công lý và bảo vệ quê hương, chúng tôi sẽ chiến đấu đến cùng!” Một người đàn ông khác than thở: “Việc bồi thường này thực sự rất vô lý!”
Trong phần bình luận của video nói trên, cư dân mạng bình luận: “Chúng tôi ở Trịnh Châu, chuyện này quá phổ biến. Chẳng ai quan tâm, thật là đáng buồn”.
“Hơn 1.000 người chúng tôi đi khiếu nại vì bị chiếm đất, đã bị bắt, bị đánh đập. Tìm phóng viên đến thì bị đuổi đi, không ai dám đến nữa!”
“Cảnh sát bây giờ trở thành đầy tớ của bọn quan liêu! Thật đáng buồn và ghê tởm.”
“Họ chỉ là những tên côn đồ đội lốt cảnh sát. Trong thể chế này, các hệ thống công, công tố, tư pháp và hành pháp đều cùng một nhà. Các giai cấp bị trị ở phía dưới là mục tiêu của chế độ độc tài của họ.”
Chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) cưỡng bức tước đoạt đất đai của nông dân, nhiều cuộc phản đối của dân làng liên tiếp nổ ra.
Theo video được cư dân mạng “Ngày hôm qua” đăng tải, vào ngày 23/8, tại làng Ngưu Bái, thị trấn Hoàng Kiều, huyện Bình Xuyên, thành phố Bạch Ngân, tỉnh Cam Túc, chính quyền địa phương đã “cưỡng bức thu hồi đất mà không bồi thường”. Họ còn phái hơn 100 cảnh sát và côn đồ đàn áp dân làng biểu tình, ngay cả phụ nữ cũng không tha.
Ngày 31/7, tại làng Thạch Cang Phòng, thị trấn Lưỡng Diện, huyện Trương Bắc, thành phố Trương Gia Khẩu, tỉnh Hà Bắc, dân làng phản đối chính quyền cưỡng bức thu hồi đất đã bị cảnh sát đàn áp. Vào ban đêm, một lượng lớn xe cảnh sát lao ra đồng để bao vây dân làng. Ít nhất 13 người đã bị bắt, trong đó có cả phụ nữ.
Ngày 20/5, hàng trăm dân làng đã biểu tình trong 3 ngày tại thị trấn Thượng Chúng Phụ, Lạc Bình, thành phố Cảnh Đức Trấn, tỉnh Giang Tây, phản đối việc chính quyền địa phương thu hồi đất của họ để xây dựng các dự án thủy lợi, nhưng “không có bất kỳ khoản bồi thường nào.”
Tuy nhiên, cuộc biểu tình đã bị cảnh sát đàn áp dữ dội. Một lượng lớn cảnh sát đã giải tán đám đông. Trong quá trình này, các cuộc đụng độ gay gắt đã nổ ra. Thậm chí, một cụ ông 80 tuổi còn phải nhập viện do bạo lực và bị thương, khiến dân làng phẫn nộ.
Nền kinh tế hiện tại của Trung Quốc tiếp tục xấu đi. Một lượng lớn các nhà máy đã đóng cửa, đầu tư nước ngoài cũng rút lui, dẫn đến tình trạng thất nghiệp ngày càng nhiều. Ngày càng nhiều người sống trong cảnh khó khăn, sự bất mãn của công chúng đã lan rộng.
Các cuộc biểu tình của nông dân nối tiếp nhau nổi lên. Các cuộc biểu tình của công nhân, chủ sở hữu và những đối tượng khác cũng thường xuyên diễn ra.
Theo báo cáo mới nhất của “Chinadissent.net” (Mạng lưới Dị Ngôn) do tổ chức nhân quyền quốc tế “Freedom House” công bố, từ tháng 1 – 3/2024, đã có 655 vụ bất đồng chính kiến đã xảy ra ở Trung Quốc, tăng 21% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó, các nhóm biểu tình chủ yếu là người lao động. Tiếp theo là các nhóm tôn giáo, chủ sở hữu và người mua nhà, nông dân, sinh viên, phụ huynh học sinh, nhà đầu tư, người tiêu dùng, nhà hoạt động, người Tây Tạng, người Mông Cổ.
Khu vực có nhiều cuộc biểu tình nhất là Quảng Đông, tiếp theo là Sơn Đông, Hà Nam, Liêu Ninh, Hà Bắc, Bắc Kinh và Chiết Giang.
Lý Mộc Tử / Vision Times