Theo cập nhật của Eurostat hôm Thứ Ba, số người tị nạn ‘được bảo vệ’ ở Đức vốn khoảng hơn triệu đã giảm xuống hàng trăm nghìn, chỉ trong 1 tháng.
Nằm trong tình trạng người tị nạn ‘được bảo vệ’ tạm thời, hơn 1 triệu người Ukraine được hưởng các ưu đãi đặc thù ở Đức: không cần thị thực, miễn phí nơi ở, y tế, giáo dục, tiền trợ cấp, v.v.
Theo con số thống kê của tháng 7 mà Eurostat công bố hôm 10/9, có tổng số 4,1 triệu người tị nạn không phải từ EU, mà là từ Ukraine, đang hưởng tình trạng ‘được bảo vệ’ tạm thời ở các nước thành viên của EU.
Đức là quốc gia dẫn đầu với 1.110.600 người, chiếm 26,9%. Tiếp đó là Ba Lan, 976.205 người, 23,7%, và Cộng hòa Xéc, 369.610 người, 9.0%.
Eurostat chỉ ra rằng tại Đức, con số này giảm 236.925 người (-17,6%) so với 1 tháng trước đó.
Eurostat có đề cập đến lý do xét lại tình trạng tị nạn và khả năng rời khỏi Đức để tới nơi khác. Tuy nhiên sự sụp giảm đột ngột gần 250.000 ở Đức, nơi chiếm 1/4 người tị nạn Ukraine ở EU, có thể còn là vì nguyên nhân khác, khi hiện nay ở Đức có những tiếng nói ở các cấp chính quyền chỉ trích rằng chế độ trợ cấp dành riêng cho người tị nạn Ukraine ở Đức là ưu đãi quá mức.
Riêng tiền trợ cấp hàng tháng, đã là 563 Euro (khoảng 610 USD), cao hơn đáng kể so với các nước khác.
Các đảng đối lập, trong đó có CSU (Liên minh Xã hội Kitô), đã chỉ ra rằng ưu đãi quá cao đã khiến người Ukraine tị nạn không chịu đi làm. Theo một báo cáo của Deutsche Welle đầu năm nay, tỷ lệ có công ăn việc làm trong những người tị nạn từ Ukraine chỉ là 20% ở Đức, thấp nhất nếu so với các nước khác.
Hồi tháng 6, nghị sỹ Alexander Dobrindt của CSU đã nhấn mạnh rằng Berlin phải điều chỉnh lại chế độ phúc lợi xã hội, và yêu cầu “nghĩa vụ hợp tác mạnh mẽ hơn đối với người xin tị nạn về vấn đề phải đi làm việc.” Ông kêu gọi giới chức các cấp của Đức hãy gia tăng áp lực lên người tị nạn từ Ukraine, để họ tìm việc làm, và có trục xuất những người tị nạn nào mà không hợp tác.
Bộ trưởng Nội vụ Bavaria Joachim Herrmann cho rằng Berlin cần cắt giảm ưu đãi cho những người tị nạn Ukraine đang nằm trong độ tuổi nhập ngũ, vì họ lẽ ra nên trở về Ukraine để chiến đấu cho nước của họ chứ không phải tới Đức làm dân tị nạn.
Người đồng cấp của ông ở Baden-Wuerttemberg, Thomas Strobl, cũng cho rằng ân huệ quá tốt của Đức đang ảnh hưởng tới cuộc “chiến tranh vệ quốc” của người Ukraine, vì nó khiến người ta không muốn về nước để chiến đấu.
Khi phát biểu ở một sự kiện hôm 7/9 vừa qua, Thủ tướng Đức Olaf Scholz nói rằng tuy Đức đã có các chính sách khích lệ công ăn việc làm cho người tị nạn từ Ukraine, nhưng mà, chỉ có 200.000 trong số đó có công ăn việc làm, trong khi “hàng trăm ngàn người khác” vẫn đang thất nghiệp.
“Cho nên, tôi mong rằng những người [Ukraine] đó hãy đi làm việc,” ông thủ tướng nói.
Theo ông Scholz, một trong những khó khăn tìm việc là tay nghề và chuyên môn chưa đủ cao. Ông kiến nghị trước hết hãy đi làm việc bán thời gian (part-time).
Ông đưa ra con số 2.000 người tị nạn là bác sỹ từ Ukraine, nhưng trong đó chỉ có 120 người lấy được chứng chỉ hành nghề ở Đức.
Nhật Tân