WAPO: Ông Tần Cương bị giáng xuống cấp thấp nhất tại NXB của Bộ Ngoại giao ĐSCTQ

Ông Tần Cương. (Ảnh chụp màn hình video)

Ông Tần Cương, cựu Ngoại trưởng Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), đã bị cách chức sau khi “mất tích” được 1 tháng vào năm ngoái. Tin tức mới nhất từ nguồn của Washington Post là ông bị giáng xuống cấp thấp tại nhà xuất bản của Bộ Ngoại giao ĐCSTQ.

Hiện giới chức ĐCSTQ chưa xác nhận thông tin này. Phân tích của chuyên gia cho rằng ĐCSTQ thường xử lý các quan chức cấp cao một cách kín đáo, nên rất khó xác nhận tung tích thực sự của ông Tần Cương.

Ngày 8/9, tờ Washington Post đưa tin, theo 2 cựu quan chức Mỹ, ông Tần Cương đã được phân công làm việc ở cấp thấp tại Nhà xuất bản Tri thức Thế giới do Bộ Ngoại giao Trung Quốc điều hành, “ít nhất là trên giấy tờ”.

Theo báo cáo, nhà xuất bản này nằm trong một con hẻm ở trung tâm Bắc Kinh, và có một hiệu sách mở cửa cho công chúng. Hiệu sách là một căn phòng nhỏ chứa đầy hồi ký của các nhà ngoại giao ĐCSTQ và lãnh đạo Tập Cận Bình.

Mới đây, khi một phóng viên của tờ Washington Post đến thăm hiệu sách, nhân viên trong cửa hàng nói, anh chưa hề nghe nói rằng ông Tần Cương sẽ làm việc ở nhà xuất bản. Nhân viên lễ tân trả lời điện thoại cũng cho biết, không biết tin tức trên có đúng sự thật hay không.

Washington Post cho rằng ông Tần Cương đã thoát khỏi rắc rối. Sự sắp đặt của ĐCSTQ đối với ông không chỉ là một hình phạt, mà còn là lời cảnh cáo cho những người khác.

Báo cáo dẫn lời ông Christopher K. Johnson, cựu nhà phân tích cấp cao về Trung Quốc tại CIA, hiện là giám đốc của công ty tư vấn China Strategies Group, nói rằng sự thăng tiến nhanh chóng của ông Tần Cương khiến các đồng nghiệp cảm thấy khó chịu, vì cho rằng ông đã vượt qua những người khác.

Về việc này, ông Vương Hách, một chuyên gia về các vấn đề Trung Quốc, cho rằng sau khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền, tầm quan trọng của toàn bộ hệ thống ngoại giao của ĐCSTQ đã tăng lên. Ông Tần Cương đã nhanh chóng được thăng chức phó lãnh đạo cấp nhà nước, và là phó lãnh đạo cấp nhà nước trẻ nhất. Nếu không có sự tin tưởng của ông Tập Cận Bình, sự thăng tiến này là điều không thể.

Ông nói: “Một trong những yếu tố khiến Tần Cương có thể hạ cánh nhẹ nhàng là tội mà ông gây ra không quá lớn. Ngoài ra, có thể ông Tập Cận Bình đã ra tay giúp đỡ, và chưa hoàn toàn bỏ rơi ông ấy. Hệ thống ngoại giao rất đặc biệt, ông Tập Cận Bình không có người đáng tin cậy, nên cũng khó có thể thanh trừng.”

Ông Vương Hách cho rằng ông Tần Cương ‘ngã ngựa’ phần lớn là do mâu thuẫn nội bộ trong hệ thống ngoại giao. Về số phận của Tần Cương có lẽ có chút hồi hộp, nhưng không có nghĩa là cuộc đời chính trị của ông sẽ hoàn toàn chấm dứt.

Ông Diệp Diệu Nguyên (Yao-Yuan Yeh), Chủ tịch nghiên cứu quốc tế tại Đại học St. Thomas ở Hoa Kỳ, nói với Epoch Times rằng phương thức mờ ám này khiến mọi người không thể đoán được lằn ranh đỏ của ĐCSTQ ở đâu. Đồng thời nó cũng có thể được sử dụng để tạo ra sự cân bằng khủng bố và khiến mọi người run sợ. Đây là một chiến thuật thống trị.

Tuy nhiên, cách làm này không chỉ khiến mọi người bối rối, mà còn gây ra sự kém hiệu quả. Suốt ngày nghi ngờ nhau, suy đoán không giới hạn, cuối cùng toàn bộ chính quyền chỉ có thể chờ chỉ đạo từ trên xuống, càng ngày càng kém hiệu quả.

Ông Tần Cương giữ chức Đại sứ ĐCSTQ tại Hoa Kỳ vào tháng 7/2021, và giữ chức vụ Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương tại Đại hội toàn quốc lần thứ 20 của ĐCSTQ vào tháng 10/2022. Ông được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Ngoại giao của ĐCSTQ vào tháng 12 cùng năm.

Tháng 3/2023, ông Tần Cương trở thành Ủy viên Quốc vụ ĐCSTQ và được thăng cấp phó lãnh đạo nhà nước, trở thành “lãnh đạo đảng và nhà nước” trẻ nhất trong giới quan trường của ĐCSTQ lúc bấy giờ. Nhìn chung, ngoại giới đều cho rằng ông Tần Cương đã chiếm được lòng tin của ông Tập Cận Bình.

Ông Tần Cương “mất tích” một tháng sau ngày 25/6 năm ngoái. Các quan chức ĐCSTQ vẫn chưa giải thích về tung tích của ông. Điều này gây ra nhiều đồn đoán từ thế giới bên ngoài, trong đó có việc liệu ông có bị trừng phạt vì ngoại tình hay không.

Tháng 9/2023, The Wall Street Journal trích dẫn các nguồn tin, nói rằng ông Tần Cương đã ngoại tình với người dẫn chương trình Phoenix TV Phó Hiểu Điền khi ông ‘đóng quân’ ở Hoa Kỳ. Một đứa trẻ được sinh ra ở Hoa Kỳ, điều này có thể gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia.

Ngoài ra, tháng 12/2023, kênh truyền thông Politico của Mỹ cũng đưa tin, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Andrei Rudenko đã bay tới Bắc Kinh vào tháng 6 năm nay, để báo cáo với ông Tập Cận Bình rằng ông Tần Cương và các lãnh đạo cấp cao của Lực lượng Tên lửa đã bị Mỹ xúi giục nổi loạn.

Vụ rò rỉ bí mật của Lực lượng Tên lửa xảy ra vào cuối tháng 10/2022. Vào thời điểm đó, một báo cáo từ Đại học Không quân Hoa Kỳ đã liệt kê chi tiết quy mô của Lực lượng Tên lửa ĐCSTQ, bao gồm trụ sở chính, khu nấu ăn và tọa độ căn cứ.

Sau khi báo cáo của Đại học Không quân Hoa Kỳ được công bố, tất cả các quan chức cấp cao của Lực lượng Tên lửa đều bị ông Tập Cận Bình khiển trách. Ông Tần Cương cũng biến mất vào cuối tháng 6/2023, sau đó bị cách chức Bộ trưởng Ngoại giao và Ủy viên Quốc vụ.

Tháng 7 năm ngoái, ông Tần Cương bị cách chức Bộ trưởng ngoại giao. Phiên họp toàn thể lần thứ 3 Ban Chấp hành Trung ương ĐCSTQ khóa 20 tổ chức vào tháng 7 năm nay đã loại bỏ ông Tần Cương khỏi chức vụ Ủy viên Trung ương, nhưng vẫn gọi ông là “đồng chí”.

Trước đó, nhật báo “Sing Tao Daily” thân ĐCSTQ phân tích rằng trong số các quan chức bị đình chỉ tư cách đại biểu Đại hội Nhân dân Toàn quốc, một số đã bị cách chức hoặc từ chức. Những người bị cách chức thường bị “nghi ngờ vi phạm pháp luật, kỷ luật nghiêm trọng”. Những người từ chức chỉ có thể bị “nghi ngờ vi phạm nghiêm trọng kỷ luật”, có tính chất khác nhau.

Ông Tần Cương tự nguyện từ chức, chứ không phải bị cách chức, nên có thể sẽ “hạ cánh an toàn”. Ngoài ra, ngay cả sau khi từ chức Ủy viên Trung ương, ông Tần Cương vẫn được gọi là “đồng chí”, để bày tỏ sự “buông tay nhẹ nhàng”.

Bình Minh (t/h)

Related posts