Các cơn bão lần lượt đổ bộ vào Trung Quốc Đại Lục trong năm nay. Sau khi tỉnh Hải Nam vừa hứng chịu siêu bão Yagi, có thông tin cho rằng cơn bão số 13 năm nay Bebinca đang “tăng tốc”, có thể đổ bộ vào Chiết Giang và Thượng Hải. “Cường độ cao nhất” sẽ xảy ra ở nhiều nơi trong ngày 15 và 16/9, gây lo ngại.
Mạng thời tiết Trung Quốc hôm 14/9 đưa tin, cơn bão số 13 năm nay Bebinca có thể đổ bộ vào Chiết Giang với “cường độ cực đại”. Bị ảnh hưởng bởi nó, các khu vực phía bắc Chiết Giang sẽ có mưa lớn từ đêm 15/9 đến ngày hôm sau, mưa bão lớn ở sẽ xảy ra một số khu vực phía bắc Chiết Giang. Gió trên vùng biển ven biển miền trung và bắc Chiết Giang và Vịnh Hàng Châu có thể đạt cấp 11 trở lên, cục bộ có thể lên cấp 14-15.
Theo Đài Khí tượng Trung ương Trung Quốc, lúc 5h ngày 14/9, tâm bão Bebinca (cấp bão nhiệt đới nghiêm trọng) nằm ở phía tây bắc Thái Bình Dương, cách thành phố Chu Sơn, tỉnh Chiết Giang khoảng 1.000 km về phía đông đông nam. Dự kiến bão đổ bộ vào bờ biển từ Thái Châu, Chiết Giang đến Kỳ Đông, Giang Tô từ đêm 15 đến rạng sáng 16 ở cấp bão cuồng phong hoặc cấp bão mạnh, sức gió cấp 12 – 14, tốc độ gió 35 – 42 mét/giây.
Ngoài ra, thời tiết ở Chiết Giang diễn biến bất thường, nhiệt độ cao kéo dài ở nhiều nơi, “số ngày nhiệt độ cao trong năm nay đã lên tới 61 ngày”, một lần nữa phá kỷ lục địa phương về số ngày nhiệt độ cao trong năm. Khi bão Bebinca đến gần, gió và mưa cũng sẽ tăng cường ở Chiết Giang.
Theo tin tức trên trang web chính thức của Thượng Hải vào ngày 14/9, bão Bebinca đang tăng tốc và dự kiến sẽ đổ bộ vào khu vực từ phía bắc Chiết Giang đến Thượng Hải trong sáng sớm đến sáng ngày 16/9, cường độ khi đổ bộ là cấp bão nhiệt đới hoặc cấp bão nhiệt đới mạnh. Từ đêm 15 rạng ngày 16, tại Thượng Hải sẽ có mưa to đến rất to, lượng mưa cục bộ đạt 120 – 180 mm, cường độ mưa giờ cao nhất 50 – 70 mm. Sức gió đất liền là đạt cấp 9 – 11, vùng cửa sông Dương Tử và ven biển dọc sông đạt cấp 12 – 14.
Theo Beijing News, Ban Tổng chỉ huy Phòng chống lũ lụt và cứu trợ hạn hán quốc gia Trung Quốc đã phát động ứng phó khẩn cấp cấp độ 4 nhằm kiểm soát lũ lụt và phòng chống bão tại các tỉnh thành như Thượng Hải, Chiết Giang và Phúc Kiến vào lúc 18:00 ngày 13/9. Đài Khí tượng Trung ương đưa ra cảnh báo bão xanh lúc 10:00 ngày 13/9.
Cục Khí tượng Trung ương Đài Loan cho biết, lúc 8h sáng ngày 12/9, tâm bão Bebinca ở vị trí 17,5 độ vĩ Bắc và 139,8 độ kinh Đông, di chuyển theo hướng Bắc – Tây Bắc với tốc độ 21 km/h.
Ông Ngô Đức Vinh, phó giáo sư phụ trách Khoa Khoa học Khí quyển tại Đại học Trung ương Đài Loan, cho biết, theo chương trình dự báo của SET News Channel (SETN), vào lúc 2h sáng 12/9, cơn bão nhiệt đới nhẹ Bebinca sẽ mạnh lên thành bão nhiệt đới mạnh vào tối 12/9, dự kiến sẽ chuyển hướng từ bắc bắc tây sang tây bắc, tiến về phía quần đảo Ryukyu của Nhật Bản, vào ngày 15/9 sẽ vào Biển Đông, và vào ngày 16/9 sẽ đổ bộ vào tỉnh Chiết Giang, xác suất ảnh hưởng đến Đài Loan là thấp.
Ông Ngô Đức Vinh cho biết, 50 đường đi mô phỏng mới nhất (8h tối ngày 11/9) của Trung tâm Dự báo Thời tiết Trung hạn Châu Âu (ECMWF) cho thấy đường đi trung bình giống với dự đoán của Cục Khí tượng Trung ương Đài Loan, nhưng một số đường đi rất gần với Đài Loan nên vẫn phải quan sát chặt chẽ. Theo mô phỏng mô hình mới nhất của ECMWF, cơn bão Bebinca sẽ đổ bộ vào miền trung Trung Quốc vào lúc 8h tối ngày 17 và có một vùng nhiễu động khác đang phát triển ở vùng biển phía đông Philippines và không có tác động trực tiếp đến Đài Loan. Về xu hướng tương lai, mô phỏng mô hình ở các quốc gia khác nhau rất khác nhau và cần được quan sát thêm.
Bước sang năm 2024, các cơn bão thường xuyên đổ bộ vào Trung Quốc Đại Lục, gây ra thiên tai liên miên cho người dân.
Tối 25/7, bão Gaemi, cơn bão thứ ba trong năm nay đổ bộ vào Phủ Điền, tỉnh Phúc Kiến, gây thảm họa cho khoảng 630.000 người tại 721 thị hương trấn, thuộc 7 quận, huyện của tỉnh Phúc Kiến. Mực nước ở 4 con sống vượt mức báo động, hàng ngàn công trình xây dựng phải bị đóng cửa tạm dừng hoạt động. Bị ảnh hưởng bởi hoàn lưu ngoại vi của bão Gaemi, hơn 10 tỉnh, thành phố trong đó có Bắc Kinh, Liêu Ninh bị ảnh hưởng mưa lớn nhiều ngày tại nhiều nơi và xảy ra thiên tai như lũ quét, lở đất ở nhiều nơi. Trong nhân dân có tin đồn rằng các hồ chứa nước ở nhiều nơi xả lũ bất ngờ khiến hàng loạt nhà cửa bị ngập, cây trồng hoa màu bị phá hủy và rất nhiều bị thương, thiệt mạng.
Khoảng 16:20 ngày 6/9, bão số 11 Yagi (cấp siêu bão) năm nay đổ bộ vào vùng ven biển thị trấn Ông Điền, thành phố Văn Xương, tỉnh Hải Nam, trở thành cơn bão mạnh thứ hai đổ bộ vào Trung Quốc trong 75 năm qua kể từ khi Đảng Cộng sản Trung Quốc thành lập chính quyền. Tỉnh Hải Nam bị ảnh hưởng nặng nề. Theo video, ban công và bậu cửa sổ của nhiều tòa nhà dân cư bị bão cuốn bay, kính bị vỡ, thậm chí cả các tòa nhà cao tầng cũng bị gió làm rung lắc. Nhiều cư dân mạng Trung Quốc để lại bình luận rằng cơn bão đã trở thành “kính chiếu yêu” để soi ra những công trình bã đậu chất lượng kém.
Các phương tiện truyền thông chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc đưa tin, tính đến 15:00 ngày 7/9, bão Yagi đã ảnh hưởng đến tổng cộng 526.100 người tại 19 thành phố và quận ở tỉnh Hải Nam. Các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất là Hải Khẩu và Văn Xương, thiệt hại kinh tế trực tiếp lên tới gần 60 tỷ nhân dân tệ. Tuy nhiên, dữ liệu thương vong chính thức nhìn chung được cho là đã bị chính quyền ĐCSTQ giảm nghiêm trọng so với thực tế.
Trí Đạt