Nguồn: Assaf Orion, “Israel and the Coming Long War”, Foreign Affairs, 12/08/2024
Biên dịch: Viên Đăng Huy | Hiệu đính: Nguyễn Thế Phương
Trong những tuần kể từ cuối tháng 7, khi lãnh đạo Hamas Ismail Haniyeh bị ám sát ở Tehran và chỉ huy cấp cao của Hezbollah Fuad Shukr bị giết ở Beirut, đã có nhiều suy đoán về sự bùng nổ của một cuộc xung đột rộng lớn hơn ở Trung Đông. Theo quan điểm này, nếu Iran và Hezbollah chọn trả đũa thông qua các cuộc tấn công trực tiếp lớn vào Israel, họ có thể biến chiến dịch hiện tại của Israel ở Gaza thành một cuộc chiến tranh khu vực. Trong kịch bản này, các lực lượng Israel sau đó sẽ tham gia vào các cuộc giao tranh cường độ cao trên nhiều mặt trận chống lại nhiều nhóm vũ trang, dân quân khủng bố và quân đội của một quốc gia có ngưỡng hạt nhân được trang bị một kho vũ khí khổng lồ gồm tên lửa tầm xa và drone.
Theo một số cách, cuộc chiến tranh khu vực rộng lớn hơn này đã đến gần. Ngay từ đầu, “chiến tranh Gaza” đã là một cách gọi sai. Kể từ cuộc tấn công tàn bạo của Hamas vào ngày 7 tháng 10 gần một năm trước, Israel đã phải đối mặt không chỉ với một mà là nhiều đối thủ trong cuộc chiến đã trở thành một trong những cuộc chiến dài nhất kể từ khi Israel thành lập. Một ngày sau cuộc tấn công của Hamas từ Gaza, Hezbollah bắt đầu tấn công Israel từ Lebanon, tuyên bố rằng họ sẽ tiếp tục các cuộc tấn công của mình miễn là các cuộc giao tranh ở Gaza tiếp tục. Ngay sau đó, Houthis ở Yemen cũng tham gia, liên tục tấn công tàu biển quốc tế ở Biển Đỏ và Biển Ả Rập và phóng tên lửa và drone vào Israel, bao gồm cả một quả phát nổ ở trung tâm Tel Aviv.
Trong khi đó, các dân quân Shiite ở Iraq, và đôi khi là Syria, cũng đe dọa Israel bằng drone và tên lửa. Và vào giữa tháng 4, sau khi Israel thực hiện một cuộc không kích chết người gần một khu phức hợp ngoại giao của Iran ở Damascus, Iran đã trả đũa bằng cách phóng hơn 350 tên lửa đạn đạo, tên lửa hành trình và drone vào Israel, tạo ra một tiền lệ mới cho cuộc chiến trực tiếp và công khai giữa hai nước. Đồng thời, Iran đã tràn ngập Bờ Tây bằng tiền và vũ khí để khuyến khích các cuộc tấn công khủng bố chống lại Israel và phá hoại an ninh bên trong chính Israel.
Tuy nhiên, cho đến nay, cuộc chiến đa mặt trận này có cường độ hạn chế. Nếu Israel hoặc kẻ thù của họ quyết định leo thang trên bất kỳ mặt trận nào khác, điều đó sẽ có ý nghĩa sâu sắc đối với an ninh và chiến lược của Israel. Kể từ cuộc chiến Ả Rập- Israel năm 1973, Israel đã không tiến hành một cuộc chiến toàn diện trên nhiều mặt trận cùng một lúc. Tel Aviv cũng không phải đối mặt với một cuộc tấn công lớn từ một cường quốc khu vực khác. Trong nhiều thập kỷ, Israel thay vào đó tập trung vào giải quyết mối đe dọa từ các nhóm vũ trang phi nhà nước. Kể từ khi thành lập vào năm 1948, khái niệm an ninh của Israel dựa trên các cuộc chiến ngắn trên lãnh thổ của kẻ thù – một cách tiếp cận cho phép tối đa hóa sức mạnh quân sự và bù đắp những bất lợi cơ bản của Israel: lãnh thổ và dân số nhỏ, cũng như thiếu chiều sâu chiến lược và nguồn lực trong nước để hỗ trợ các chiến dịch kéo dài.
Gần một năm giao tranh cường độ cao và trung bình ở Gaza và giao tranh cường độ thấp ở biên giới phía bắc với Lebanon đã làm căng thẳng nghiêm trọng mô hình này. Nhiều năm bất ổn chính trị bên trong chính Israel đã gây nguy hiểm cho sức mạnh của đất nước. Nếu Iran, Hezbollah và các nhóm do Iran hậu thuẫn khác cũng hướng tới chiến tranh cường độ cao trên các mặt trận khác, điều tối quan trọng là Israel phải đặt chiến lược an ninh của mình trên một nền tảng vững chắc hơn. Để chiến thắng trong một cuộc chiến đa mặt trận thực sự, Israel sẽ phải kết hợp tất cả các công cụ quyền lực quốc gia – chính trị, quân sự, kinh tế, công nghệ, thông tin và ngoại giao – với sự giúp đỡ quan trọng của các đồng minh và đối tác. Và Israel cũng sẽ cần tìm ra những cách mới để tồn tại trong một cuộc chiến dài hơn, khốc liệt hơn. Lãnh đạo chính trị-quân sự của Israel sẽ cần phải hướng tới một tương lai thậm chí còn nguy hiểm hơn nhưng cũng học hỏi từ lịch sử ban đầu của chính Israel – khi với nguồn lực quân sự hạn chế hơn nhiều, họ thường phải đối mặt với nhiều kẻ xâm lược cùng một lúc và giành chiến thắng.
Chiến tranh bảy mặt trận
Ngay từ đầu, cuộc chiến hiện tại của Israel đã không giống bất kỳ cuộc chiến nào trước đó trong những thập kỷ gần đây. Một ngày sau cuộc tấn công giết người man rợ vào ngày 7 tháng 10 của Hamas—trong đó nhóm này đã giết chết hơn 1.200 dân thường và binh lính và bắt giữ hơn 200 con tin—Israel chính thức tuyên chiến lần đầu tiên sau 50 năm. Ngay từ đầu, rõ ràng cuộc chiến này sẽ khác với các chiến dịch trước đây của Israel ở Gaza. Để loại bỏ mối đe dọa và ngăn chặn những cuộc tấn công như vậy lặp lại, họ cần phải tiêu diệt quân đội khủng bố của Hamas, chấm dứt sự kiểm soát của chúng đối với Dải Gaza và ngăn chặn việc tái vũ trang và trỗi dậy của Hamas trong tương lai.
Để đạt được những nhiệm vụ khó khăn này, Israel phải tiêu diệt các đơn vị quân đội và cơ quan quản lý của Hamas; phá hủy các kho vũ khí, địa điểm sản xuất, đường hầm và sở chỉ huy của nó; và làm suy yếu lực lượng chiến đấu của Hamas. Israel cũng phải bảo vệ biên giới của Gaza về lâu dài, phối hợp với Ai Cập và các đối tác khác. Và đồng thời, Israel cũng phải cố gắng ngăn chặn các thành viên khác của “trục kháng chiến” của Iran, chẳng hạn như Hezbollah và Houthis, tham gia toàn diện vào cuộc chiến.
Khi cuộc tấn công của Israel diễn ra, đất nước này sớm thấy mình phải đối đầu với bảy mặt trận trên khắp Trung Đông. Ở Gaza, các lực lượng Israel kết hợp các cuộc không kích và tấn công trên bộ để tiêu diệt các đơn vị quân đội của Hamas và thiết lập quyền tự do tác chiến. Dọc biên giới phía bắc với Lebanon, họ bắt đầu các hoạt động phòng thủ chống lại Hezbollah, lực lượng đã bắt đầu các cuộc tấn công bằng tên lửa, drone và rốc két thường xuyên vào Israel. Trong những tháng tiếp theo, Israel cũng thực hiện các hoạt động nhắm mục tiêu chống lại các nhân vật cấp cao của Hamas và Hezbollah trên khắp Lebanon, bao gồm cả ở Beirut. Theo thời gian, Israel đã thực hiện các cuộc tấn công ở Iran và Yemen, tiến hành các hoạt động chống khủng bố ở Bờ Tây và nhắm mục tiêu vào các nhóm do Iran hậu thuẫn và các địa điểm đặt vũ khí tiên tiến ở Syria. Được Mỹ và các đối tác khác từ khu vực và phương Tây hỗ trợ, Israel cũng đã có thể triển khai hệ thống phòng không đa quốc gia và đa lớp ấn tượng chống lại các mối đe dọa từ mọi hướng.
Mặc dù đạt được nhiều thành công về quân sự, cuộc chiến đã phải trả giá đắt về con người, kinh tế và chính trị. Sau gần một năm chiến đấu, Israel cần thêm vũ khí, đạn dược và phụ tùng thay thế. Trong ngắn hạn, điều này có nghĩa là dựa nhiều hơn vào Mỹ; về trung và dài hạn, nó sẽ đòi hỏi đầu tư quốc phòng cao hơn nhiều. Kể từ các cuộc tấn công ngày 7 tháng 10, IDF cũng đã mất hơn 700 binh lính và hàng nghìn người khác bị thương. Gánh nặng đối với lính dự bị đã rất nặng nề. Trong bối cảnh này, ngày càng có nhiều lời kêu gọi tuyển thêm các bộ phận khác trong xã hội Israel vào quân đội, đặc biệt là những người cực đoan chính thống, những người hầu hết được miễn nghĩa vụ quân sự và kiên quyết phản đối bất kỳ đòi hỏi mới nào.
Đối với những thách thức hiện có này, một cuộc chiến tranh khu vực toàn diện sẽ tạo thêm áp lực mới và chi phí thậm chí còn cao hơn. Để chuẩn bị cho điều đó, Israel cần phải xem xét lại chiến lược an ninh của mình một cách mạnh mẽ hơn, một chiến lược theo một số cách khôi phục lại cách tiếp cận mà họ đã theo đuổi trong những thập kỷ đầu tiên tồn tại.
“Trường hợp bị tấn công ở mọi hướng”
Khi cuộc chiến ở Gaza có nguy cơ trở thành một cuộc xung đột khu vực cường độ cao, nó đánh dấu sự trở lại của mối đe dọa tương tự như những gì mà Israel đã gặp phải trong thời kỳ thành lập nước và trong những thập kỷ đầu tiên mà Israel tồn tại. Trong những năm đó, Israel nhiều lần chiến đấu chống lại liên minh các lực lượng Ả Rập. Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) thời đó được xây dựng và chuẩn bị để đối phó với cái gọi là “trường hợp bị tấn công từ mọi hướng” – một tình huống mà đất nước bị nhiều kẻ thù tấn công đồng thời trên nhiều mặt trận.
Với dân số và lãnh thổ tương đối nhỏ, nhà nước Israel non trẻ bị bao vây bởi các đội quân chính quy thuộc các nước Ả Rập lớn hơn đáng kể. Do đó, chìa khóa cho phòng thủ của Israel là khả năng ngăn chặn các cuộc tấn công của kẻ thù bằng lực lượng chính quy nhỏ bé của mình; nhanh chóng huy động lực lượng dự bị lớn hơn; chuyển sang tấn công, nếu có thể, trên đất của kẻ thù; giành chiến thắng quyết định bằng cách giành được ưu thế cục bộ, từng mặt trận một; và mang lại thất bại cho quân đội kết hợp của kẻ thù, trong một thời gian ngắn. Do sự chênh lệch về tiềm năng con người và quân sự giữa Israel và kẻ thù của mình, khái niệm an ninh chung của Israel cũng có xu hướng nhấn mạnh các cuộc chiến ngắn và quyết định, được tiến hành trên lãnh thổ của kẻ thù. Bằng cách tối đa hóa hiệu quả quân sự của Israel đồng thời giảm thiểu rủi ro cho hậu phương của Israel, những loại chiến tranh này đã phát huy thế mạnh của IDF và cho phép đất nước nhanh chóng đưa nền kinh tế và xã hội trở lại bình thường.
Để thực hiện chiến lược kể trên, khái niệm an ninh bất thành văn này được xây dựng dựa trên ba trụ cột: răn đe, cảnh báo sớm và chiến thắng quyết định. (Sau đó được thêm vào hai trụ cột bổ sung: bảo vệ/phòng thủ và yêu cầu cấp bách tìm kiếm sự hỗ trợ của một cường quốc lớn). Răn đe có nghĩa là sử dụng hàng loạt các chiến thắng đáng gờm của Israel (và thất bại của kẻ thù) để ngăn cản bất kỳ đối thủ nào tấn công đất nước. Cảnh báo sớm cho phép triệu tập nhanh chóng lực lượng dự bị‚ do đó cho phép lực lượng công dân-binh sĩ đông đảo của Israel tiếp tục đóng góp cho nền kinh tế và xã hội cho đến khi được huy động để làm nhiệm vụ. Về mặt quân sự, nó cũng mang lại cho IDF khả năng nhanh chóng tăng cường quân số. Chiến thắng quyết định tìm cách loại bỏ bất kỳ mối đe dọa hiện có nào và tăng cường hơn nữa sự răn đe.
Chiến lược này đã thành công. Trong Chiến tranh giành độc lập năm 1948, sau gần hai năm chiến đấu, Israel đã vượt qua quân đội kết hợp của sáu quốc gia Ả Rập và các lực lượng Palestine. Năm 1967, Israel một lần nữa đối mặt với mối đe dọa đa hướng của Ả Rập, đánh bại quân đội Ai Cập, Jordan và Syria, cộng với lực lượng không quân Iraq và Lebanon trong Chiến tranh Sáu ngày. Và vào năm 1973, Israel đã đẩy lùi và đánh bại Ai Cập và Syria sau cuộc tấn công bất ngờ vào ngày Yom Kippur.
Chính vì thành công đó mà mối đe dọa từ các đội quân quốc gia liên kết chống lại Israel đã giảm dần. Ai Cập và Jordan đã ký hiệp ước hòa bình với Israel, và với sự sụp đổ của Liên Xô, nước bảo trợ chính của người Ả Rập, tiếp theo là cuộc xâm lược Iraq của Mỹ và cái gọi là Mùa xuân Ả Rập, sức mạnh tương đối của các quốc gia khác đã suy yếu. Sau năm 1973, Israel không bao giờ phải đối mặt với một liên minh Ả Rập nữa. Thay vào đó, họ chủ yếu chiến đấu chống lại các tổ chức khủng bố phi nhà nước, bao gồm Hezbollah và các nhóm Palestine ở Lebanon; Hamas, Phong trào Hồi giáo Thánh chiến Palestine (PIJ) và các tổ chức khác ở Gaza và Bờ Tây; và các nhóm Thánh chiến toàn cầu, chẳng hạn như al Qaeda và Nhà nước Hồi giáo (còn gọi là ISIS), trên khắp khu vực. Những kẻ thù đó thực sự được các cường quốc trong khu vực như Iran và Iraq tài trợ, nhưng ngoại trừ Chiến tranh vùng Vịnh năm 1991, khi nhà độc tài Iraq Saddam Hussein phóng tên lửa đạn đạo vào Israel, các cuộc giao tranh trực tiếp giữa Israel và các quốc gia đó đã không xảy ra, ngoại trừ với Syria ở Lebanon.
Trong khi đó, mối đe dọa từ vũ khí đạn đạo đối với hậu phương của Israel, được thể hiện qua các tên lửa và rốc két của Iraq, đã khuyến khích Israel bổ sung trụ cột bảo vệ vào khái niệm an ninh của mình. Trong hai thập kỷ qua, họ đã phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa và rốc két đa tầng, bao gồm các hệ thống Vòm Sắt, David’s Sling và Arrow —và các hệ thống laser mới đang được phát triển. Trong những năm qua, Israel đã tập trung các nỗ lực phòng thủ vào các nhóm kẻ thù phi nhà nước, điều chỉnh một số trụ cột phòng thủ ban đầu của mình để đối phó với những kẻ thù yếu hơn nhưng cũng không mang tính quy ước. Ví dụ: hệ thống cảnh báo sớm đã được sử dụng thường xuyên hơn nhiều để báo động về các cuộc tấn công khủng bố hơn là các cuộc xâm lược của kẻ thù.
Ở cấp độ chiến lược quân sự, các nhà hoạch định IDF đã tìm cách duy trì khả năng đồng thời bảo vệ Israel khỏi nhiều kẻ tấn công tiềm năng trong khi tiến hành một chiến dịch tấn công quyết định chống lại một kẻ tấn công duy nhất. Về vấn đề này, bắt đầu từ những năm đầu của thế kỷ này, Israel coi mặt trận đất liền chính là miền nam Lebanon, nơi đặt căn cứ của Hezbollah, nhóm phi nhà nước được vũ trang mạnh nhất trong khu vực. Hamas ở Dải Gaza được coi là thứ yếu, trong khi Iran, không có chung biên giới với Israel, là một chiến trường độc nhất. Giả định hoạt động của các chiến lược gia Israel là khi chiến tranh xảy ra, việc đối phó với Hamas có thể đợi cho đến khi Israel giành được chiến thắng quyết định ở Lebanon.
Dấu chấm hết của chiến tranh ngắn ngày
Trong cuộc chiến hiện tại ở Gaza, khiếm khuyết của khuôn khổ an ninh hiện có đã trở nên rõ ràng. Đầu tiên, vào ngày 7 tháng 10 năm 2023, Israel đã không thực hiện được ba trong số bốn trụ cột: khả năng răn đe của họ tỏ ra không hiệu quả, hệ thống cảnh báo sớm của họ thất bại và hệ thống phòng thủ mặt đất yếu ớt của họ đã sụp đổ trước cuộc xâm lược ồ ạt của Hamas. Quan trọng không kém, khi cuộc chiến diễn ra, nhiều nguyên tắc và giả định làm cơ sở cho học thuyết và kế hoạch an ninh hiện có đã mâu thuẫn: Israel đang chiến đấu trong một cuộc chiến bắt đầu trên chính đất của mình, và các cộng đồng biên giới ở phía bắc và phía nam của họ đã bị di dời; mặt trận chính là ở Gaza, chống lại Hamas, chứ không phải Lebanon, thành trì của Hezbollah vốn mạnh hơn nhiều; Israel đã chọn một cuộc chiến dài hơn là một cuộc chiến ngắn; và nhiều kẻ thù được Iran hậu thuẫn đã tham gia, bao gồm cả chính Iran, một cường quốc khu vực lớn.
Tuân theo khái niệm chiến thắng quyết định của mình, Israel đã bắt đầu đánh bại quân đội khủng bố của Hamas. Sau gần một năm, họ đã đạt được những tiến bộ đáng kể hướng tới mục tiêu này, thể hiện khả năng tình báo và hoạt động cao, chiến đấu quyết liệt trong các khu vực đông dân cư, trên và dưới mặt đất. Hầu hết các đơn vị quân đội của Hamas đã bị đánh bại và giải tán, hầu hết các địa điểm sản xuất và tên lửa của họ đã bị phá hủy và hơn một nửa lực lượng của họ – ít nhất 17.000 trong tổng số ước tính 30.000 chiến binh – đã bị giết. Tuy nhiên, Israel vẫn còn một chặng đường dài để loại bỏ mối đe dọa, Hamas đã có dấu hiệu trỗi dậy, tuyển mộ thêm thành viên mới vào hàng ngũ của mình và ngoan cố duy trì quyền kiểm soát trên mặt đất.
Trước đây, Israel đã nhận thức sâu sắc về một khung thời gian hoạt động ngắn ở cả trong nước và quốc tế – hay còn được gọi là “đồng hồ cát” – cho các chiến dịch quân sự của mình và do đó đã tìm cách nhanh chóng tối đa hóa lợi ích trước khi bị Mỹ và các cường quốc khác gây áp lực phải dừng lại. Ngược lại, việc kéo dài cuộc chiến hiện tại, một phần do sự lựa chọn của Israel, đã gây ra tổn thất nặng nề cho quân đội, xã hội và nền kinh tế của nước này. Sự tàn phá rộng lớn của Dải Gaza và thương vong dân thường lớn do Hamas báo cáo đang làm suy yếu danh tiếng và vị thế của Israel, gây ra sự chỉ trích quốc tế ngày càng tăng và các bước trừng phạt ban đầu. Cuộc chiến dài kể từ ngày 7 tháng 10 đã nhấn mạnh, bằng chính những trách nhiệm của mình, tầm quan trọng của nguyên tắc từ trước của Israel ủng hộ các cuộc chiến ngắn ngày.
Nếu cuộc chiến trở nên rộng hơn cũng như kéo dài hơn, các giả định an ninh hiện có sẽ còn bị thách thức hơn nữa. Trong một cuộc chiến tranh khu vực toàn diện, Israel sẽ không chỉ chiến đấu với các đội quân khủng bố và dân quân do Iran tài trợ mà còn với cả chính Iran. Cùng nhau, những kẻ thù này sẽ tấn công Israel từ Gaza, biên giới phía bắc và Bờ Tây, cũng như từ xa – từ phía đông và phía nam. Cũng giống như Israel phải mất vài cuộc chiến và nhiều thập kỷ để chiến thắng mối đe dọa từ các liên minh Ả Rập, chiến thắng trước trục Iran sẽ đòi hỏi một cuộc đấu tranh lâu dài.
Cơn bão đang đến
Một cuộc chiến rộng hơn sẽ có sức tàn phá lớn hơn nhiều so với bất cứ điều gì đã thấy cho đến nay. Iran và phe trục có thể sẽ hành động với sự phối hợp tác chiến chặt chẽ hơn nhiều. Các lực lượng phe trục cũng có thể tấn công các lực lượng Mỹ trong khu vực, cũng như Jordan và các quốc gia vùng Vịnh như Ả Rập Saudi và UAE. Ít nhất ở cấp độ chính trị và hậu cần, Trung Quốc và Nga cũng có thể bị lôi kéo vào, do đó mở ra một mặt trận tích cực khác trong cuộc cạnh tranh cường quốc của họ chống lại phương Tây.
Một mặt là Israel, mặt khác là Hezbollah, Iran và có thể cả những nước khác, sẽ sử dụng nhiều khả năng hơn, bao gồm cả những vũ khí chưa được sử dụng. Tốc độ tấn công cũng sẽ tăng theo cấp số nhân. Trong 11 tháng qua, Hezbollah đã phóng hơn 7.600 quả rốc két vào Israel và Israel đã tấn công hơn 7.700 mục tiêu của Hezbollah ở Lebanon. Trong một cuộc chiến toàn diện, quy mô trao đổi đó có thể diễn ra trong vòng vài ngày. Kết hợp với hàng nghìn tên lửa đạn đạo, tên lửa hành trình và drone do Iran bắn ra, kho vũ khí khổng lồ của Hezbollah sẽ thách thức đáng kể hệ thống phòng không của Israel. Ngoài ra, Israel có thể sẽ tổ chức một cuộc tấn công trên bộ vào lãnh thổ Lebanon và Hezbollah sẽ cố gắng thực hiện các hoạt động xuyên biên giới vào Israel. Các dân quân của Iran dự kiến sẽ tấn công Israel từ cả Lebanon và Syria, và nếu họ thành công, thông qua Jordan.
Bản chất thương vong của Israel và kẻ thù cũng sẽ thay đổi. Ngoài các chiến binh, thương vong trong cuộc chiến cho đến nay bao gồm dân thường ở Gaza, nơi Hamas đã sử dụng làm lá chắn sống, và các khu vực biên giới của Israel và Lebanon. Các cuộc tấn công của Houthis ở Biển Đỏ cũng đã làm chuyển hướng vận chuyển quốc tế, dẫn đến những tổn thất kinh tế đáng kể cho Ai Cập và Jordan nhưng tương đối ít thương vong. Trong một cuộc chiến rộng lớn, tổn thất về người có thể sẽ mở rộng ra các bộ phận rộng lớn hơn của dân số ở các quốc gia và vùng lãnh thổ đang có chiến tranh, và sẽ có thiệt hại lớn hơn nhiều đối với các trung tâm dân cư và cơ sở hạ tầng quốc gia, bao gồm các cơ sở năng lượng và dầu mỏ quan trọng.
Số lượng lớn các chủ thể sẽ tạo ra một cơn lốc hỗn loạn của riêng nó. Giống như quyết định của một chủ thể thứ cấp trong trục của Iran, Hamas, đã châm ngòi cho chuỗi sự kiện hiện tại, việc đưa thêm những người chơi trực tiếp vào cuộc chiến, bao gồm cả dân quân ở Iraq và Syria, cũng như Hezbollah, sẽ khiến cho việc dự đoán và chỉ đạo cuộc xung đột đang diễn ra thậm chí còn khó khăn hơn. Sự phức tạp thêm của cả nhiều kẻ thù và đối tác cũng sẽ khiến việc hình thành và thực hiện một chiến lược chung trở nên khó khăn hơn, cũng như kiểm soát leo thang và chấm dứt chiến tranh.
Trong tất cả những vấn đề này, việc bảo tồn các nguồn lực quân sự và kinh tế sẽ rất quan trọng. Với nhiều mối đe dọa dọc biên giới Israel, IDF có thể được yêu cầu hoạt động ở Lebanon, Gaza, Bờ Tây và có thể cả Syria, ngay cả khi họ tiếp tục bảo vệ biên giới hòa bình với Ai Cập và Jordan. Nhu cầu về nhân lực sẽ còn cao hơn nữa. Các tiếng nói chỉ trích trong nội bộ Israel đã lên án thực tế rằng trong những năm trước đây, chính phủ phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt ngân sách dẫn đến việc cắt giảm lượng lớn ngân sách quốc phòng của Israel, giải tán các lữ đoàn xe tăng, phi đội không quân và các đơn vị khác. Giờ đây, các nhà lãnh đạo quân sự của Israel nói rằng IDF cần thêm 15 tiểu đoàn, tương đương khoảng 10.000 binh sĩ, để có thể giải quyết các nhiệm vụ hiện tại và đang chờ xử lý, bao gồm cả khả năng thực hiện các cuộc tấn công đồng thời trên nhiều mặt trận. Tính đến thời điểm hiện tại, lực lượng mặt đất của IDF đang được triển khai ở Gaza sẽ cần đến Lebanon nếu chiến tranh mở rộng, và lực lượng dự bị vốn đang chịu rất nhiều áp lực sẽ phải gánh vác gánh các nhiệm vụ thậm chí còn nặng nề hơn.
Khả năng chịu đựng của Israel đang trở nên quan trọng như khả năng tung ra một đòn quân sự quyết định. IDF đã được tối ưu hóa cho các cuộc đụng độ cường độ rất cao kéo dài vài tuần. Trong tình hình chiến tranh kéo dài hiện nay, các lực lượng Israel không chỉ cần thêm nhân lực và đội hình chiến đấu mà còn cần thêm nhiều kho vũ khí, đạn dược và phụ tùng thay thế. Hiện tại, Israel đã có thể nhận được nguồn viện trợ bổ sung thêm từ Mỹ, nhưng về trung và dài hạn, Israel sẽ cần tăng đáng kể ngân sách quốc phòng và mở rộng các ngành công nghiệp quốc phòng của mình. Nền kinh tế Israel đã bị ảnh hưởng đáng kể bởi chiến tranh, bao gồm cả việc hạ xếp hạng tín dụng và gián đoạn chuỗi cung ứng. Các doanh nghiệp nhỏ và ngành công nghệ cao cũng phải đối phó với tình trạng chủ sở hữu và công nhân bị huy động trong nhiều tháng. Những tác động này sẽ chỉ tăng cao trong một cuộc chiến tranh khu vực quy mô lớn, với khả năng kẻ thù tấn công đáng kể vào hậu phương của Israel.
Tầm nhìn hạn hẹp
Cho đến nay, chính phủ Israel vẫn tiếp tục tập trung vào các mục tiêu của mình ở Gaza: đánh bại Hamas, loại bỏ mối đe dọa mà tổ chức này gây ra và đưa con tin về nước. Đối với các mặt trận khác của cuộc chiến, chỉ thị chính của chính phủ chỉ là tránh leo thang và ngăn chặn các hành động có thể cản trở nỗ lực chính ở phía nam. Bất chấp các cuộc tấn công ngày càng gia tăng từ nhiều mặt trận, Israel vẫn chưa xây dựng được một chiến lược toàn diện để đối phó với những thách thức phức tạp rộng lớn hơn này trên toàn bộ chiến trường. Ví dụ như ở biên giới phía bắc: mặc dù các nhà lãnh đạo Israel đã hứa hẹn bằng lời nói về việc bảo vệ khu vực và cho phép thường dân di tản trở về nhà an toàn, nhưng chính phủ vẫn chưa chính thức thông qua mục tiêu này như một mục tiêu chiến tranh.
Làm trầm trọng thêm vấn đề, chính phủ Israel phần lớn đã không giải quyết được các khía cạnh pháp lý và chính trị của cuộc chiến. Cuộc chiến càng kéo dài, Israel càng phải đối mặt với sự cô lập về chính trị và các câu hỏi về tính hợp pháp của các hoạt động của mình, ngay cả khi quan điểm quốc tế tiêu cực về phe đối địch – giữa Gaza và Tehran – vẫn khá ổn định. Một lý do cho điều này là chính phủ Israel đã từ chối trình bày bất kỳ tầm nhìn tích cực nào cho “ngày sau” chiến tranh ngoài việc đánh bại Hamas. Trong một cuộc xung đột khu vực rộng lớn, vấn đề này cũng có thể mở rộng sang các vũ đài khác: đặc biệt là ở Lebanon, điều quan trọng là Israel phải có một kết thúc rõ ràng và giải thích cách thức định hình các mối quan hệ và kiến trúc an ninh trên khắp Trung Đông, đồng thời để ý kỹ các mối đe từ của Iran.
Israel cần khẩn trương nhận ra toàn bộ thách thức chiến lược mà họ phải đối mặt. Ngay cả khi Hamas gây bất ngờ cho các đối tác của mình về thời điểm tấn công vào ngày 7 tháng 10, thì cuộc chiến hiện tại và cuộc chiến khu vực có thể sớm xảy ra sau đó, phải được xem xét trong mối liên hệ với tầm nhìn lớn hơn, dài hạn của Iran nhằm làm suy yếu và tiêu diệt Israel. Iran và các đồng minh của họ đã thể hiện sự táo bạo ngày càng tăng trong việc sẵn sàng tấn công Israel. Iran đã phô trương các hệ thống vũ khí mới – bao gồm tên lửa, drone và tên lửa chống tăng tiên tiến – gây ra mối đe dọa nghiêm trọng cho Israel, và họ đã thực hiện một loạt các chiến lược chiến đấu – chiến tranh đường hầm, chiến đấu từ ngay bên trong các nhóm dân thường, và chiến tranh thông tin và pháp lý – khiến Israel khó có thể phát huy tối đa sức mạnh tương đối của mình. Chuyển sang một cuộc chiến cường độ cao sẽ là một bước quan trọng khác trong chiến dịch của phe đối địch.
Để ngăn chặn mối đe dọa rộng lớn hơn này, Israel không thể chỉ dựa vào sức mạnh quân sự thô sơ nữa. Họ phải sử dụng tất cả các công cụ khác nhau của quyền lực quốc gia cũng như sự giúp đỡ của các đồng minh và đối tác – thậm chí có thể là một liên minh các lực lượng. Sự hỗ trợ như vậy sẽ giúp Israel giảm thiểu một số lỗ hổng của mình, bao gồm cả việc bù đắp các nguồn lực kết hợp của kẻ thù và bù đắp cho việc thiếu chiều sâu chiến lược. Tiềm năng của cách tiếp cận liên minh đã được chứng minh mạnh mẽ bằng chiến thắng vang dội của Israel và các đối tác trước cuộc tấn công bằng tên lửa và drone của Iran vào giữa tháng Tư.
Trung tâm của một liên minh như vậy phải là Mỹ, nước dẫn đầu kiến trúc an ninh Trung Đông cùng với các quốc gia cùng chí hướng và các đối tác trong khu vực. Mối quan hệ của Israel với các nước láng giềng cũng sẽ được hưởng lợi rất nhiều từ việc bình thường hóa quan hệ với Ả Rập Xê Út, nhưng một bước đi như vậy sẽ đòi hỏi những tiến bộ đáng kể trong quan hệ Israel-Palestine. Tuy nhiên, mối quan hệ chiến lược của Israel với Washington là và phải vẫn là trụ cột trung tâm trong an ninh quốc gia. Trong trường hợp xảy ra một cuộc chiến tranh khu vực quy mô lớn, mối quan hệ này sẽ còn quan trọng hơn nữa.
Tám mặt trận
Với Iran là cốt lõi của trục kháng chiến và Hezbollah là mối đe dọa quân sự nghiêm trọng nhất ở biên giới Israel, chiến lược của Israel phải đối phó với các mối đe dọa theo thứ tự mức độ nghiêm trọng và cấp bách của chúng. Đầu tiên, Israel nên tìm cách chấm dứt chiến tranh ở Gaza và chuyển hướng các cuộc giao tranh ở đó sang một chiến dịch dài hơi. Tại thời điểm này, đây chủ yếu là một bước đi chính trị, vì các hoạt động quân sự đã trở nên hạn chế hơn. Tất nhiên, Israel sẽ cần tiếp tục chiến đấu với Hamas và tìm kiếm thất bại lâu dài của họ, nhưng điều đó có thể xảy ra sau khi con tin được thả.
Dần dần, với sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế và các quốc gia Ả Rập, một chế độ Palestine mới phải thay thế được Hamas ở Gaza, có thể là trong từng khu vực một. Để ngăn Hamas tiếp quản Bờ Tây, Israel nên ổn định lãnh thổ bằng cách hỗ trợ quản trị có trách nhiệm, hỗ trợ nền kinh tế và thúc đẩy pháp quyền, thông qua cả cảnh sát của chính họ và lực lượng an ninh của Chính quyền Palestine. Và Israel nên thúc đẩy các điều kiện thuận lợi để giải quyết xung đột về lâu dài đồng thời tránh các bước có thể dẫn đến việc sáp nhập Bờ Tây và thực tế một nhà nước.
Sớm muộn gì Israel cũng sẽ phải giải quyết mối đe dọa Hezbollah ở Lebanon, tốt nhất là bằng con đường ngoại giao nhưng nhiều khả năng là bằng chiến tranh. Tối ưu nhất, họ sẽ làm điều này bằng một cuộc tấn công phòng ngừa được lên kế hoạch cẩn thận vào thời điểm họ chọn lựa hơn là bằng một cuộc leo thang hoặc một sự xấu đi không kiểm soát của cuộc chiến hiện tại. Cho đến khi có thể thực hiện một bước như vậy, Israel nên cố gắng chấm dứt chiến sự ở Lebanon và tách Hezbollah khỏi biên giới thông qua ngoại giao, nhưng không ảo tưởng rằng điều này sẽ giải quyết được vấn đề. Nếu rõ ràng Hezbollah đang chuẩn bị cho một cuộc tấn công lớn vào Israel, Israel nên cân nhắc một cuộc tấn công phủ đầu khác, nhưng lần này với tín hiệu mạnh hơn nhiều, bao gồm cả vũ lực gây chết người chống lại nhiều mục tiêu hơn.
Israel cũng sẽ phải tiếp tục ngăn những nỗ lực của Iran nhằm trang bị vũ khí cho các lực lượng ủy nhiệm của mình và theo đuổi vũ khí hạt nhân. Điều này sẽ đòi hỏi sự hợp tác mạnh mẽ hơn với các đối tác của Israel, bao gồm, trước hết là Mỹ, nhưng cũng có các quốc gia cùng chí hướng khác ở phương Tây và khu vực. Và để thực sự chấm dứt mối đe dọa mà Houthi gây ra cho các lợi ích quốc tế sẽ đòi hỏi một cách tiếp cận tập thể giải quyết vấn đề ngay từ nguồn gốc: bằng cách giải quyết chuỗi cung ứng đang chuyển hỗ trợ và công nghệ vũ khí của Iran cho Houthis và bằng cách làm suy yếu quyền lực của Houthis ở Yemen bằng cách củng cố các đối thủ cạnh tranh của họ.
Để giành chiến thắng trong một cuộc chiến đa mặt trận kéo dài và cường độ cao, Israel sẽ phải tăng ngân sách quốc phòng; mở các dây chuyền sản xuất đạn dược mới; củng cố cơ sở hạ tầng quốc gia quan trọng của mình, chẳng hạn như năng lượng và truyền thông; và mở rộng nhóm tuyển dụng của IDF sang các bộ phận khác của xã hội Israel. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là Israel sẽ phải giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị của đất nước, điều đã làm suy yếu khả năng phục hồi của họ, khuyến khích kẻ thù của họ và ngăn cản Israel phát triển chiến lược rộng lớn hơn. Mặt trận quan trọng nhất của cuộc chiến là mặt trận thứ tám: hậu phương. An ninh quốc gia của Israel bắt đầu ngay tại quê nhà, và cho đến khi chính phủ có thể đoàn kết ngôi nhà chia rẽ của mình và khôi phục sự thống nhất của Israel, nếu không sẽ không thể khôi phục an ninh và hòa bình ở Israel và trong khu vực.
ASSAF ORION là nghiên cứu viên quốc tế Liz và Mony Rueven tại Viện Chính sách Cận Đông Washington và là thành viên nghiên cứu cấp cao tại Viện nghiên cứu an ninh quốc gia ở Israel. Ông là người đứng đầu chiến lược của Lực lượng Phòng vệ Israel từ năm 2010 đến năm 2015.