Dạ Tiệc Tân Niên Họp Mặt 2019 Sydney

Ở Úc khi Mùa Thu đến cũng là lúc không khí Tết Nguyên Đán của cộng đồng Người Việt Tự Do đang dần phai… Có lẽ để nuôi thêm hương vị đầu năm 8 hội cựu học sinh các trường Trung Học lại rộn ràng tổ chức dạ tiệc Tân Niên Họp Mặt (TNHM), một đêm hội hằng năm của Thầy Cô bạn bè với những hoài niệm về trường lớp và bày tỏ lòng tri ân.

Năm nay, Hội Ái Hữu Cựu Nữ Sinh Gia Long New South Wales Úc Châu và Hội Ái Hữu Petrus Trương Vĩnh Ký Úc Châu cùng điều hợp việc tổ chức. Mới 4 giờ chiều mà ban tổ chức đã có mặt rất đông ở nhà hàng Crystal Palace, Canley Heights thuộc vùng Tây Nam Sydney. Bàn ghế đã được sắp xếp chu đáo với bảng màu rõ ràng cho từng hội. Ban tiếp tân rất lịch sự và thân mật chào mời khách: “Chị lấy vé của Trưng Vương à? Xin mời đến khu sbàn màu xanh đậm”. “Anh là khách của Petrus Ký? Mời anh sang các bàn có gắn bảng màu trắng bên kia”. “Thưa Cô, để em đưa Cô vào bàn Nguyễn Đinh Chiểu Lê Ngọc Hân Cô nhé”, tiếng cười nói rộn ràng, ánh đèn flash từ các máy chụp ảnh loé lên liên tục để ghi lại những hình ảnh kỷ niệm vừa đẹp vừa thân thương… Dù là khách mời hay hội viên của 8 hội tổ chức, ai cũng thích chụp hình với cờ luân lưu và biểu ngữ Tân Niên Họp Mặt. Đặc biệt năm nay sân khấu vừa mới được tân trang, màu sắc hết sức nhã nhặn càng làm dòng chữ “ Dạ Tiệc Tân Niên Họp Mặt các Trường Trung Học Miền Nam trước năm 1975 từ Bến Hải đến Cà Mau” trang trọng hơn. Vì thế chắc chắn các nàng sẽ có những tấm hình rất đẹp, rất ý nghĩa.

Chuẩn bị làm lễ chào quốc kỳ Úc Việt

Đến giờ khai mạc, khác với mọi năm, người MC lịch lãm duyên dáng mời cử tọa đứng lên nghiêm trang làm lễ Rước quốc kỳ. Có tiếng ai đó ngạc nhiên: “Rước cờ là sao?” Không cần đến câu trả lời vì lá đại kỳ Việt Nam Cộng Hòa đã được 8 hội viên của các hội trong ban tổ chức cùng trịnh trọng đưa vào sảnh đường một cách  rất đúng nghi thức và vô cùng trang nghiêm. Bài quốc ca thời Đế Quốc Việt Nam của chính phủ Trần Trọng Kim, Việt Nam Minh Châu Trời Đông, được hai ca sĩ Thanh Thúy và Lê Nhân hát một cách hùng hồn làm nền cho Lễ Rước Cờ. Nhịp bước của người rước cờ cùng với lời bài nhạc này đang đưa những trái tim tha hương tìm về cội nguồn. Cả khán phòng lặng đi trong tưởng niệm… Nhạc vừa dứt, cờ vừa an vị trang nghiêm thì lại có tiếng nói khá to vang lên từ giữa khán phòng: “sao không chào quốc..” chữ “kỳ” chưa kịp thốt thì tiếng MC đã vang lên rõ ràng: “Sau đây là lễ chào quốc kỳ Úc Đại Lợi và Quốc Kỳ của Việt Nam Cộng Hòa”. Cả hai bài quốc ca Úc Đại Lợi, và Việt Nam Cộng Hòa đều được cất lên một cách trang trọng đầy nhiệt huyết. Sau đó mọi người cùng mặc niệm để tưởng nhớ công đức tiền nhân dựng nước và giữ nước, các chiến sĩ đã bỏ mình vì lý tưởng tự do, những đồng bào đã bỏ mình trên đường tìm tự do, đặc biệt là tưởng niệm các Ân Sư và đồng môn đã quá vãng. Đây là nét đẹp của Tân Niên Họp Mặt: luôn ghi nhớ tinh thần Tôn Sư Trọng Đạo. Cuối cùng là Lễ Tiễn Cờ: lá đại kỳ được đưa ra khỏi khán phòng trong nền nhạc là bài quốc thiều đầu tiên của thời vua Bảo Đại, bài Đăng Đàn Cung. Như vậy lễ chào cờ đêm nay có 3 phần: Lễ Rước Cờ với nhạc nền Việt Nam Minh Châu Trời Đông, chào cờ Úc và cờ Việt bằng quốc ca Úc và quốc ca Việt Nam Cộng Hòa, Lễ Tiễn Cờ với nhạc nền là bài Đăng Đàn Cung. Rước cờ là một tiết mục mới lần đầu tiên thực hiện tại một dạ tiệc của người Việt Tự Do New South Wales cho nên xin phép được dài dòng đôi chút.

Tân Niên Họp Mặt là cơ hội để chúng ta sống lại thời vàng son của tuổi trẻ tại Miền Nam Việt Nam. Thuở ấy hầu như mỗi Thứ Hai Thầy trò chúng ta đều làm Lễ Chào Cờ, hát Quốc Ca để bắt đầu tuần lễ mới. Đó là khoảng thời gian và không gian hằn sâu trong ký ức mà ta không thể nào quên dù rằng đã định cư ở nước ngoài hằng mấy chục năm. Thuở ấy chúng ta ít làm lễ rước cờ vì Việt Nam Cộng Hòa còn là một nền dân chủ sinh động. Đây là sự khác biệt giữa quá khứ và hiện tại, giữa hải ngoại và trong nước trước đây.

Đại diện của 8 hội đoàn

Tiến Sĩ Mandy Thomas, một chuyên gia nghiên cứu về tiến trình định cư của người Việt tị nạn tại Úc, đã nhận xét rằng người Việt thường tạo một “Không Gian Việt Nam” ở bất cứ nơi nào mà chúng ta cư ngụ vì đó là một nhu cầu theo truyền thống văn hóa dân tộc. Cá nhân trong gia đình hay tập thể ngoài cộng đồng, chúng ta đều dành một chỗ trang trọng cho “Khoảng Không Gian Việt Nam” ấy. Nhóm Liên Trường đã tạo và cải biến khán phòng Crystal Palace thành một “Không Gian Việt Nam” và trong không gian ấy chúng ta đã làm Lễ Rước Cờ, Lễ Chào Cờ và Lễ Tiễn Cờ để tưởng niệm nền Cộng Hòa đã mất và vinh danh Lá Cờ Vàng kính yêu của chúng ta. Trong bối cảnh “Không Gian Việt Nam” ấy không có lý do gì mà chúng ta làm lễ rước cờ của nước Úc, một quốc gia đang sinh động, tự do và dân chủ mà chúng ta đang định cư, mặc dù chúng ta vẫn có 2 lá cờ trên giá.

“Không Gian Việt Nam” ở đây còn dẫn chúng ta đến một nghi thức khác: đó là vị trí của Quốc Kỳ Việt Nam Cộng Hòa và Quốc Kỳ Úc Đại Lợi trên giá cờ. Trong bối cảnh “Không Gian Việt Nam”, bối cảnh cùng hồi tưởng lại các trường trung học trước 1975 từ Bến Hải đến Cà Mau, hồi tưởng thời Việt Nam Cộng Hòa, vị trí đúng cho lá cờ Việt Nam là ở bên phải, tính từ phía khán giả nhìn lên. Tất nhiên, nếu đây là một lễ Kỷ Niệm Chiến Thắng Long Tân hay diễn hành  ANZAC Day thì nghi thức thông thường sẽ được áp dụng, nghĩa là cờ chủ nhà Úc sẽ được đặt ở bên phải từ phía cử tọa nhìn lên. Tuy vậy, khuynh hướng chung ngày nay là trưng bày cả một hàng cờ hai bên phía trước khán đài hay sân khấu, hoặc cả một dãy hàng chục lá cờ xen kẻ lẫn nhau trên khán dài hay sân khấu. Vì vậy vị trí không còn rõ ràng như trong trường hợp chỉ có hai lá quốc kỳ Úc Đại Lợi và Việt Nam Cộng Hòa. Như chúng ta đã thấy, khuynh hướng này càng rõ rệt hơn trong bang giao quốc tế khi đại diện hai quốc gia gặp nhau.

Lần đầu tiên Tân Niên Họp Mặt thực hiện các lễ Rước Cờ, Chào Cờ và Tiễn Cờ với tâm nguyện chân thành là đóng góp phần nào vào việc vinh danh cờ vàng của tự do dân chủ, gìn giữ màu cờ của tổ quốc thân yêu của người Việt tỵ nạn.


Liên Trương họp ca Xuân Họp Mặt

Trở lại đêm Tân Niên Họp Mặt. Sau phần nghi thức chào cờ là phần giới thiệu 8 hội trong ban tổ chức. Đại diện các trường đã hãnh diện tiến ra sân khấu trong nhạc hiệu của trường mình kèm theo lời giới thiệu sơ lược về lịch sử trường. Ý nghĩa của việc giới thiệu này là giúp mọi người hiểu thêm một thời tốt đẹp đã mất đi, cũng như là cơ hội để các cựu học sinh biết thêm về các trường bạn ngày xưa. Sâu xa hơn nữa, dạ tiệc Tân Niên Họp Mặt và việc giới thiệu này còn nhằm mục đích tôn vinh nền giáo dục nhân bản, khai phóng và dân tộc của Việt Nam Cộng Hòa mà người học sinh phải biết ghi ơn và trân quý.  Năm nay, do sự đổi mới ban nhạc không ngồi trên sân khấu nên đôi khi thiếu sự kết hợp ăn ý giữa ban nhạc và MC trong tiết mục này. Cuối cùng của phần nghi lễ lá cờ luân lưu tổ chức được trao từ hai hội Gia Long và Petrus Ký đến hai hội Trưng Vương và Chu Văn An rồi kết thúc bằng diễn văn ngắn gọn của hai hội trưởng Gia Long và Petrus Trương Vĩnh Ký.


Ban hợp ca Petrus Trương Vĩnh Ký

Văn nghệ gồm 2 phần chính: phần một gồm các tiếc mục của 8 hội tổ chức và phần hai có sự đóng góp của thân hữu. Mở đầu là bài Xuân Họp Mặt được trình bày bởi các đại diện của 8 hội, lời ca vui tươi giúp ta níu chút ý xuân đang vuột khỏi tầm tay. Bài “Một Mai Giã Từ Vũ Khí” của hội Hồ Ngọc Cẩn làm người nghe thương cảm. Ngay lập tức, Chu Văn An khơi lại mùa xuân với nhạc phẩm Xuân Đã Về rồi lại ưu tư với “Những Bước Chân Âm Thầm”. Các nàng dâu của Petrus Trương Vĩnh Ký cùng thân hữu ca ngợi kỳ công của Hai Bà Trưng bằng nhạc phẩm rất nhẹ nhàng tình cảm “Hồ Lãng Bạc”. Cũng trong tinh thần ca ngợi sự bất khuất quật cường này, Petrus Ký đã hợp ca bài Đêm Mê Linh một cách hùng tráng mà không kém phần tha thiết. Phải chăng Hội Petrus Ký đang ngầm nhắc hôm nay là ngày quốc tế phụ nữ, cũng là mùa lễ hai vị Nữ Vương, anh thư số một của dân tộc và gửi đến ta lời mong ước sẽ có một ngày “rạng Lạc Hồng”? Tình yêu quê hương làng xóm được Hội Phan Thanh Giản Đoàn Thị Điểm và Đồng Hương Cần Thơ khơi dậy qua bài “Tôi Yêu”. Duyên dáng và rực rỡ, cựu nữ sinh Trung Vương đã hoàn toàn chinh phục người xem qua bài vũ Hoa Anh Đào. Nhìn những đôi tay dịu dàng, diêu luyện diễn tả hoa anh đào đang nở rồi rơi lã tã trên không, khó có thể cho rằng các chị là những vũ công amateuse!!! Đã có hoa đào ắt phải có sắc xuân: các nàng Trưng Vương làm tăng thêm mùa lễ hội với bài “Xuân Ca”. Gia Long dùng “ Tình Khúc Mùa Xuân” đáp lại. Mùa xuân của năm nàng Gia Long gửi đến ta thật là tình tứ, ngọt ngào. Giọng truyền cảm vút cao của Gia Long Đăng Lan nỉ non tâm sự “Yêu là Chết ở Trong Lòng”. Nguyễn Đình Chiểu & Lê Ngọc Hân chạnh lòng trước vận nước, cùng đòi lại độc lập dân tộc với bài “Trả Lại Cho Dân” và sau đó đưa cử tọa về những cánh đồng quê hương êm đềm và sự chân chất của dân Việt với bài “Chăn Vịt ở Phương Nam”. “Diễm Xưa” là nhạc phẩm một thời làm nhức nhối các trái tim non trẻ của học sinh các trường ở Miền Nam trước năm 1975, đêm nay nàng dâu của hội Hồ Ngọc Cẩn lại làm mềm lòng khán giả với bài tình ca này. Phần xướng danh các trường có cựu học sinh tham dự dạ tiệc đêm nay cũng được thực hiện xen kẻ với các màn văn nghệ. Gần 50 tên trường có học sinh tham dự đã được xướng danh. Từ Bến Hải với trường Nguyễn Hoàng Quảng Trị, đến Quốc Học, Đồng Khánh Huế, rồi dần đến tận cùng phía Nam như Trường Nguyễn Trung Trực (Rạch Giá) , Trường Thủ Khoa Nghĩa (Châu Đốc), đến các cao nguyên như trường Couvent des Oiseaux (Đà Lạt), Trường Thánh Phao Lồ (Pleiku)…  Danh sách các trường được liên tục chuyển lên cho MC. Người ta mong nghe đến tên trường mình không phải đơn thuần là vì lòng hoài niệm trường lớp thầy cô bạn bè, mà còn vì trong sâu thẳm tâm hồn người học sinh ngày xưa vẫn mang nặng lòng biết ơn một nền giáo toàn diện và tốt đẹp mà mình đã được may mắn hưởng thụ. Như vậy đêm nay đã có các cựu học sinh của gần 50 trường ở Miền Nam trước 1975 cùng tụ hội về đây.


Nguyễn Đình Chiểu& Lê Ngọc Hân

Sẽ là một thiếu sót rất lớn nếu không nói đến màn ca nhạc cảnh “Gươm Thiêng Trưng Nữ” của Nghệ Sĩ Đăng Lan được trình diễn bởi các hội viên trong ban tổ chức. Những lời ca bi hùng, cả nhu lẫn cương. Âm giai được phối hợp nhạc xưa với nhạc Rap ngày nay để ca ngợi chiến công của nhị vị Trưng Vương. Cả mười diễn viên của Tân Niên Họp Mặt trình diễn bằng cả trái tim của mình. Các chị đã rất chịu khó luyện tập để có những đường gươm thực thụ từ các võ sư tên tuổi. Từng động tác chính xác và hùng tráng, từng bước chân uy mãnh đã nói lên rằng năm người thể hiện ba nữ tướng và Hai Bà Trưng là con nhà võ hay ít nhất là những môn đồ lâu năm của môn Võ Dưỡng Sinh. Các chị đánh gươm rất đẹp và chuyên nghiệp. Riêng Đăng Lan quá xuất sắc trong vai Trưng Trắc. Chị làm người xem ngạc nhiên với đao pháp sắc sảo hùng tráng. Được biệt cả nhạc phẩm lẫn nhạc cảnh đều do chị dàn dựng rồi cùng võ sư của mình tập luyện cho diễn viên. Đây quả là một món quà tinh thần cho ngày phụ nữ quốc tế nói chung và mừng lễ kỷ niệm hai vị nữ anh hùng của lịch sử Việt Nam nói riêng.

Phần hai của chương trình văn nghệ được tiếp nối một cách hứng khởi. Các bài nhạc Pháp của thập niên 1960 xen lẫn những ca khúc trữ tình Việt Nam vang lên bởi những giọng hát dễ thương và sinh động. Những đôi chân khi nhịp nhàng uyển chuyển, khi gấp rút quây quần trên sàn nhảy làm không khí đêm hội càng sôi nổi hơn. Hình như không ai muốn ra về, trừ những bậc cao niên trưởng thượng mà sức khỏe không cho phép. Khi tan tiệc, rất nhiều khách mời đã đến chúc mừng sự thành công của Tân Niên Họp Mặt đêm nay. Xin cám ơn ban tổ chức, cả 8 hội đoàn của các trường, và đặc biệt cám ơn người MC xinh đẹp đã hết lòng làm cho Tân Niên Hợp Mặt luôn mới mẻ, sinh động.

Tân Niên Họp Mặt năm 2019 đã kết thúc trong tình thân và sự lưu luyến. Việc tiếp theo của chúng ta là cùng xây dựng để Tân Niên Họp Mặt 2020 càng sinh động và có ý nghĩa hơn.

Sydney Tháng 3 năm 2019

Thanh Bình

Related posts