An Chi
Đối với các sinh viên du học Mỹ, Washington đã kiểm soát ngày càng nghiêm ngặt về việc họ có mối liên hệ với ĐCSTQ hay không. Ngay từ đầu năm nay, một số phương tiện truyền thông Trung Quốc đã phát hiện ra rằng, ngay cả những sinh viên Trung Quốc từng học tại các trường đại học danh tiếng ở Mỹ trước đó cũng bị cấm tái nhập cảnh.
Gần đây, Bộ An ninh Quốc gia Trung Quốc đã kêu gọi các sinh viên và phụ huynh có ý định du học ở nước ngoài cần “cảnh giác” với các trung tâm tư vấn du học, vì họ có thể đưa vào hồ sơ xin học “nhiều nội dung phù hợp với thành kiến chống Trung Hoa, chứa đựng các phát ngôn chính trị phản động”.
Thế nhưng, khi nhìn thấy những từ ngữ chính trị như ‘phản Hoa’, ‘phản động’ mà chính quyền sử dụng để gán mác cho người khác, cư dân mạng Trung Quốc lập tức chỉ ra rằng, ‘nên gọi đó là nội dung phản ĐCSTQ’, ‘chống ĐCSTQ thì bị nói thành phản Hoa’.
Tác giả người Hoa, Nhan Đơn (颜丹) chỉ ra rằng, người dân Trung Quốc có phản ứng này không chỉ vì những từ như “phản Hoa” đã bị chính quyền sử dụng từ lâu, với mức độ thường xuyên, mà còn vì lý do quan trọng nhất là bằng chứng cụ thể về ‘nội dung phản Hoa’ hầu như rất ít được chính quyền công khai.
Một số người dùng mạng đã chế giễu rằng, ‘chính là Đảng không nói cho bạn biết họ đã thêm nội dung bất hợp pháp gì”.
Không những cư dân mạng không nhìn thấy các nội dung đó, mà ngay cả ‘người trong cuộc’ là du học sinh Trung Quốc cũng chưa từng được xem qua.
Bộ An ninh nhà nước Trung Quốc cho biết, vào tháng 5 năm 2024, một trung tâm tư vấn du học đã bí mật chỉnh sửa ‘làm đẹp’ hồ sơ của sinh viên tên Trương (Zhang) mà anh không hề hay biết.
Theo tác giả Nhan Đơn, điều này kỳ lạ. Nếu một người không biết “nội dung phản Hoa” thì làm sao người đó có thể “phản Hoa” được? Có vẻ như các bên trung gian chưa thực sự hữu ích với “lực lượng chống Trung Hoa ở nước ngoài”.
Ngay cả Bộ An ninh nhà nước Trung Quốc cũng cho rằng, các cơ sở này theo đuổi lợi ích kinh tế và tỷ lệ du học. Nói cách khác, việc ‘chỉnh sửa và tô vẽ’ các hồ sơ xin du học là nhằm đáp ứng càng nhiều càng tốt các yêu cầu của chính phủ các nước tiếp nhận sinh viên du học.
Ví dụ, nếu ai đó yêu cầu sinh viên không có mối liên hệ chặt chẽ với ĐCSTQ, thì sinh viên đó phải tìm cách chứng minh điều này, đặc biệt là khi xin vào các trường đại học ở Mỹ.
Tuy nhiên, khi tố cáo và chỉ trích các thế lực “phản Hoa ở nước ngoài”, Bộ An ninh nhà nước Trung Quốc lại không hề đề cập đến vấn đề này, thậm chí còn không dám nhắc đến tên nước Mỹ.
Kể từ tháng 7 năm 2020, sau khi Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ là ông Donald Trump muốn cấm hoàn toàn các thành viên ĐCSTQ và gia đình họ nhập cảnh vào Mỹ, đồng thời xem xét việc trục xuất họ, thì từ ‘thoái đảng’ đã tăng vọt trong tìm kiếm trên Google, trong đó số lượt tìm kiếm cụm từ ‘cách thoái đảng’ tăng 150% và cụm từ ‘quy trình thoái đảng’ tăng 120%.
Và từ tháng 10 năm đó, sau khi Cục Di trú Mỹ ban hành chính sách ‘trừ khi có trường hợp miễn trừ, bất kỳ ai là đảng viên ĐCSTQ hoặc các đảng phái toàn trị khác, thành viên của các chi nhánh hoặc cơ quan liên quan, dù ở trong nước hay nước ngoài, mà có ý định nhập cư, đều sẽ bị từ chối’, đã có nhiều quan chức ĐCSTQ cùng gia đình họ, cũng như sinh viên Trung Quốc đang học ở Mỹ, công khai thoái đảng.
Đối với các sinh viên du học Mỹ, Washington đã kiểm soát ngày càng nghiêm ngặt về việc họ có mối liên hệ với ĐCSTQ hay không. Ngay từ đầu năm nay, một số phương tiện truyền thông Trung Quốc đã phát hiện ra rằng, ngay cả những sinh viên Trung Quốc từng học tại các trường đại học danh tiếng ở Mỹ trước đó cũng bị cấm tái nhập cảnh.
Theo thống kê từ một cô gái bị trục xuất tại sân bay Mỹ, còn có 10 sinh viên Trung Quốc khác có trải nghiệm tương tự. Nguyên nhân chủ yếu liên quan đến hai vấn đề: thứ nhất là liên quan đến trường đại học và chuyên ngành mà họ đang theo học ở Trung Quốc, chẳng hạn như các chuyên ngành sinh học, y tế dự phòng, vật lý và hóa học vật liệu, kỹ thuật truyền thông tại các trường đại học hàng đầu và nổi tiếng, thì khả năng cao họ sẽ bị từ chối; thứ hai là mối liên hệ với ĐCSTQ: nếu họ là đảng viên, từng tham gia quân đội, hoặc nhận được hỗ trợ từ chính phủ, thì thường rất khó để nhập cảnh.
Về vấn đề này, một luật sư từ Tòa án Tối cao California của Mỹ chỉ ra rằng, đây chính là chính sách nhắm vào những người có liên quan hoặc có nền tảng từ ĐCSTQ.
Luật sư cho biết: ‘Học sinh học về điện tử, học công nghệ cao chắc chắn sẽ bị thẩm vấn, chưa kể đến khả năng có liên quan đến bảy lĩnh vực quốc phòng’, đây là những điều mà Đạo luật 10043 của cựu tổng thống Trump được thiết kế ra, sau đó đã được mở rộng’.
Tác giả Nhan Đơn nhận định, xem ra, bây giờ muốn đến Mỹ thì thật sự không thể không cắt đứt mối quan hệ với ĐCSTQ và công khai chống lại chế độ này.
Dù là du học hay di cư, Mỹ dường như đang bao vây toàn diện Bắc Kinh. Thực tế, Bộ An ninh nhà nước Trung Quốc hoàn toàn không dám nói với người dân rằng, nhân viên của họ và con cái họ đã sớm nằm trong danh sách bị chính phủ Mỹ cấm nhập cảnh.
Vào tháng 5 năm 2021, truyền thông chính thức của ĐCSTQ đưa tin rằng, khi con cái của một cán bộ thuộc Bộ Công an Trung Quốc bị Đại sứ quán Mỹ từ chối cấp visa, đã nhận được thông báo rằng Mỹ đã tạm ngừng cấp visa B1, B2, B1/B2, F1, F2, J1 và J2 cho các quan chức từ cấp phó giám đốc (hoặc tương đương) trở lên của Cục Di trú Trung Quốc, bao gồm cả Cục Quản lý Xuất nhập cảnh, cùng với vợ/chồng và con cái chưa kết hôn dưới 21 tuổi, cũng như nhân viên đang công tác tại Ủy ban Giám sát Quốc gia, Bộ An ninh nhà nước và Bộ Công an, cùng với vợ/chồng và con cái dưới 30 tuổi.
Tác giả Nhan Đơn dẫn lời một số luật sư về di trú cho rằng, đây là Mỹ đang tăng cường các biện pháp trừng phạt đối với ĐCSTQ. Bởi vì ‘những người này đã đánh cắp thông tin tình báo của Mỹ và thực hiện chính sách đàn áp nhân quyền của ĐCSTQ, chẳng hạn như cuộc đàn áp Pháp Luân Công, những người thỉnh nguyện, những người khiếu kiện, bàn tay của những đối tượng gây tội ác đã nhuốm máu’.
Hoa Kỳ đang áp dụng các biện pháp trừng phạt rộng hơn và cụ thể hơn để đưa ra cảnh báo rõ ràng đối với những nhân sự trong hệ thống an ninh quốc gia, an ninh công cộng, chính trị và pháp luật vẫn tiếp tục tuân theo ĐCSTQ trong việc đàn áp nhân quyền.
Tác giả Nhan Đơn chỉ ra rằng, ĐCSTQ hiện nay đã nổi tiếng xấu, mà Bộ An ninh Quốc gia vẫn muốn dùng ‘phản Hoa’ để lật ngược tình thế, liệu có hiệu quả không? Điều này chẳng khác nào việc bị ức hiếp ở bên ngoài, rồi về nhà trút giận lên vợ con. Khi đó, sự việc chỉ càng cho thấy sự bất tài và thiếu tự tin của Bắc Kinh mà thôi.
Theo tác giả, hiện tại sở dĩ các cơ sở tư vấn du học bị trấn áp là do Bộ An ninh nhà nước Trung Quốc, vốn đã bắt đầu quan tâm chăm sóc đến nền kinh tế, nhận thấy rằng trong bối cảnh vốn đầu tư đang nhanh chóng rút chạy, các tỷ phú di cư ồ ạt, đồng thời tầng lớp trung lưu cũng như các cơ quan chính phủ đang nhanh chóng rơi vào cảnh nghèo đói, thì các cơ sở tư vấn du học có nguy cơ bị đóng cửa bất cứ lúc nào sẽ không có đóng góp lớn về nghĩa vụ đóng thuế, nhưng chính quyền có thể vẫn còn có nguồn thu nhập từ tiền phạt để khai thác.
Tác giả Nhan Đơn chỉ ra rằng, người Trung Quốc thậm chí còn không có tiền mua thực phẩm, vậy làm sao họ vẫn có đủ kinh phí để lo cho các cơ sở du học?
Quan trọng hơn, tình cảm chống ĐCSTQ của người dân Trung Quốc đang ở mức cao nhất mọi thời đại và không cần bất kỳ “lực lượng chống ĐCSTQ” nào thúc đẩy tình hình.
Ví như “Phong trào giấy trắng” do các sinh viên đại học từ hàng trăm trường đại học ở Trung Quốc khởi xướng và tiếp tục phát huy.
Hay như tiếng gầm thét của những người thất nghiệp sinh năm thập niên 80, 90 ở khu vực bình luận. Tất cả họ đều gọi ĐCSTQ là “tàn quân trộm cắp” và “tổ chức tà giáo”.
Ông Nhan Đơn chỉ ra thêm các vụ việc khác như:
Trong một, hai năm qua, người dân đã giận dữ hỏi chính phủ về tung tích của một bà mẹ có 8 đứa con ở Từ Châu bị xiềng xích; vụ 4 cô gái bị đánh đập ở Đường Sơn; kết quả điều tra và xử lý vụ xe chở dầu hỏa được dùng để chở ngũ cốc và dầu ăn; nguồn gốc của chuỗi ngành công nghiệp thu hoạch nội tạng từ người còn sống; và thậm chí là vô số người dân Trung Quốc nghèo khổ, gặp thiên tai, thất nghiệp cần chính phủ hỗ trợ.
Trớ trêu thay, họ chỉ có thể bất lực nhìn Kho bạc nhà nước bị phung phí. Qua những sự thật mà chính người dân đã nghe, đã nhìn thấy và đã trải qua, họ cảm thấy tuyệt vọng với ĐCSTQ. Liệu họ có còn cần “sự giúp đỡ” từ chế độ này không?
Tác giả Nhan Đơn chỉ ra thêm về vụ việc nhiều trẻ em ở Trung Quốc bị tiêm vắc xin độc hại vào năm 2018; việc các ngân hàng ở Hà Nam bốc hơi tiền gửi của khách hàng; thị trường chứng khoán lao dốc.
Vào tháng 5, cư dân mạng Trung Quốc bình chọn rằng, nếu chỉ một quốc gia có thể sở hữu vũ khí hạt nhân thì họ mong đó sẽ là Hoa Kỳ.
Tác giả Nhan Đơn kết luận, bất kể có tiền hay không, người dân Trung Quốc đều phải tự đi bằng đôi chân của mình. ĐCSTQ đã không được lòng dân trong nhiều năm.
Ngày nay, hơn 400 triệu người dân Trung Quốc đã thoái xuất khỏi các tổ chức đảng, đoàn và đội của ĐCSTQ. Theo ông Nhan, chế độ này sắp sụp đổ vì đã gây ra nhiều tội ác.
Bộ An ninh nhà nước Trung Quốc đã kéo dài sự tồn tại của ĐCSTQ và hỗ trợ sự chuyên chế này. Dù không làm gì, Bộ an ninh này vẫn sẽ bị liệt kê trên bia tội ác. Nếu Bộ này không vạch ra ranh giới rõ ràng với ĐCSTQ, họ sẽ bị liên luỵ và không thể cứu vãn tình hình.