Trong bối cảnh trước thềm “Ngày Quốc khánh” (kỷ niệm 75 năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc/ĐCSTQ) đang đến gần, nhà cầm quyền Trung Quốc đang tăng cường hơn công tác an ninh tại một số tỉnh và khu vực ở Tây Tạng, thường xuyên cử quan chức đi ‘khảo sát’ Tây Tạng.
Theo Nhật báo Tây Tạng (Tibet Daily), Bí thư Trần Văn Thanh (Chen Wenqing) của Ban Chính pháp Trung ương ĐCSTQ từ ngày 10 – 13/9 đã tiến hành “các cuộc điều tra” ở Tây Tạng và Tứ Xuyên. Quan chức này đã chủ trì một cuộc họp tại Tứ Xuyên về “chống ly khai và bảo đảm ổn định tại Tây Tạng”; đồng thời đưa ra tuyên bố mạnh mẽ ổn định trật tự và an ninh tại các khu vực có liên quan đến Tây Tạng và 5 tỉnh/khu vực gồm Tứ Xuyên, Vân Nam, Cam Túc, và Thanh Hải.
Tờ báo cũng cho biết Viện trưởng Ứng Dũng (Ying Yong) của Viện Kiểm sát Tối cao ĐCSTQ từ ngày 3 – 4/9 đã dẫn đầu nhóm của Viện này đi khảo sát ở Tây Tạng. Ngoài ra, từ ngày 11 – 12/9 Chánh án Tòa án Tối cao là Trương Quân (Zhang Jun) đã dẫn đầu một nhóm điều tra tại các tòa án Tây Tạng. Tại Lhasa ngày 11/9 ĐCSTQ tổ chức Hội nghị Tòa án toàn quốc về Xúc tiến hỗ trợ Tây Tạng và Tân Cương, theo đó các quan chức đứng đầu này đều đề cập đến “chống chủ nghĩa ly khai” và “ngăn chặn xâm nhập và phá hoại”.
Về vấn đề này, đại diện Kelsang Gyaltsen của Văn phòng Hành chính Trung ương Tây Tạng trú tại Đài Loan, nói với Epoch Times rằng các quan chức chính trị và pháp lý cấp cao của ĐCSTQ tới Tây Tạng bày tỏ lập trường có lẽ là động thái mới để đáp trả việc Mỹ vừa thông qua một dự luật hỗ trợ Tây Tạng, các quan chức Tây Tạng của ĐCSTQ gần đây cũng đã thúc đẩy cái gọi là “kể chuyện tích cực về Tây Tạng” nhằm giành quyền lên tiếng quốc tế tại Tây Tạng. Ngoài ra, vì trong bối cảnh nhiều nước châu Âu và châu Mỹ tăng cường lên tiếng phê phán ĐCSTQ về vấn đề Tây Tạng khi cận ngày “Quốc khánh” (1/10), nên chính quyền ĐCSTQ cũng cảnh giác hơn về tình hình khu tự trị này, đó là lý do tăng cường cử quan chức đến thể hiện thái độ.
Tại New York vào tháng 8 năm nay, các quan chức cấp cao của Mỹ vừa gặp nhà lãnh đạo tinh thần Tây Tạng lưu vong là Đức Đạt Lai Lạt Ma. Trước đó vào tháng 7, Tổng thống Mỹ Biden đã ký “Đạo luật Thúc đẩy giải quyết tranh chấp Tây Tạng-Trung Quốc”. Luật nêu rõ quan điểm của Mỹ là cuộc xung đột giữa Tây Tạng và ĐCSTQ vẫn chưa được giải quyết, theo đó tình trạng pháp lý của Tây Tạng vẫn được xác định theo luật pháp quốc tế. Bộ Ngoại giao ĐCSTQ khi đó đã vào cuộc, cho rằng đây là gửi đi một tín hiệu sai lầm nghiêm trọng đến lực lượng ly khai chủ trương “Tây Tạng độc lập trước Trung Quốc”…
Tháng 9 năm nay, ĐCSTQ đã chính thức thành lập Trung tâm Truyền thông Quốc tế Tây Tạng. Bí thư Đảng ủy Khu tự trị Tây Tạng là ông Vương Quân Chính (Wang Junzheng) cho biết sẽ triển khai công tác tuyên truyền đối ngoại liên quan đến Tây Tạng với phương châm “kể chuyện tích cực về Tây Tạng”. Trong những năm gần đây, ĐCSTQ đã có những cách mới để quảng bá Tân Cương và Tây Tạng, mời những người nổi tiếng trên Internet nước ngoài nói về những vùng này để xây dựng những câu chuyện tích cực, nhằm chống lại những chỉ trích của phương Tây về nhân quyền ở Tân Cương và Tây Tạng.
Ông Kelsang Gyaltsen nói với Epoch Times rằng ĐCSTQ có nhiều kế hoạch ở các khu vực Tây Tạng, chẳng hạn như đề xuất cái gọi là chiến lược cai trị Tây Tạng trong kỷ nguyên mới. Phải tăng cường kiểm tra điện thoại di động của người Tây Tạng xem có ảnh chân dung của Đức Đạt Lai Lạt Ma hay không, người nào có sẽ bị tịch thu điện thoại.
Mặt khác, ĐCSTQ tin rằng văn hóa tôn giáo và đặc điểm dân tộc Tây Tạng là điểm nóng của bất ổn trong khu vực, khiến họ xác định đó là cái gọi là “độc hại” cần phải loại bỏ. Ông Kelsang Gyaltsen cho hay, ở các khu vực Tây Tạng hiện tại tất cả các trường tư thục và trường học do chùa điều hành đã bị đóng cửa, thay vào là cưỡng chế thấm nhuần nền giáo dục của ĐCSTQ.
Ông lưu ý: “Tập Cận Bình hiện nay đề xuất cái gọi là ‘cộng đồng vì tương lai chung của dân tộc Trung Hoa’, không được nói đến đặc thù của dân tộc [ít người], cũng không được đề cập đến ngôn ngữ, văn hóa của mỗi dân tộc. Khi trẻ em vào học những trường kỹ thuật của ĐCSTQ, chúng phải rời xa cha mẹ, xa ngôn ngữ, văn hóa, tôn giáo của dân tộc mình, điều này đã hoàn toàn trần trụi trở thành chính sách đồng hóa dân tộc”.
Ông cho rằng người dân Tây Tạng hoàn toàn không thể chống cự lại ĐCSTQ dưới sự kiểm soát chặt chẽ như vậy, và tình hình Tây Tạng rất nguy cấp.
Tuy nhiên, ông Kelsang Giesen tin rằng vấn đề Tây Tạng đã thu hút nhiều sự chú ý của quốc tế hơn với việc Mỹ thông qua dự luật này, cái gọi là “kể chuyện tích cực Tây Tạng” của ĐCSTQ là bịa đặt những lời dối trá để bịa đặt lịch sử, dùng thứ tư duy hủ lậu mà muốn cố gắng thuyết phục cộng đồng quốc tế sẽ không có tác dụng thực chất.
Học giả người Úc gốc Hoa là Phùng Tôn Nghĩa (Feng Chongyi) nói với Epoch Times rằng Tây Tạng và Tân Cương luôn là trọng tâm duy trì sự ổn định của ĐCSTQ. Người Tây Tạng sử dụng các phương tiện bất bạo động để chống lại, tức là bất hợp tác bất bạo động. Ở một số tỉnh và khu vực mà ĐCSTQ tấn công lần này, các Lạt ma trẻ đã tự thiêu để phản đối, cho thấy người Tây Tạng luôn đặc biệt căm ghét và bất mãn chế độ ĐCSTQ áp đặt.
Ông nói rằng khi ĐCSTQ thành lập các trại tập trung ở Tân Cương, người Hồi giáo đã phản đối mạnh mẽ và nhiều người bỏ chạy nên đã thu hút nhiều hơn chú ý của quốc tế. Trong bối cảnh các cuộc biểu tình ở Tây Tạng luôn tồn tại là tình trạng tăng cường đàn áp của ĐCSTQ. “ĐCSTQ đàn áp những người bất đồng chính kiến, đàn áp các tôn giáo khác nhau, đàn áp các chủng tộc và quốc tịch khác nhau – đó là chính sách nhất quán do bản chất của bộ máy toàn trị xác định”.
Theo Hải Chung, Lạc Á, Epoch Times
Bạn đang sao chép nội dung của Trí Thức VN. Nếu là cá nhân sử dụng, vui lòng ghi rõ nguồn trithucvn.co. Nếu là website, kênh truyền thông, vui lòng chỉ sử dụng nội dung khi có sự cho phép của Trí Thức VN.