Hôm thứ Tư (18/9), một cậu bé 10 tuổi người Nhật Bản đã thiệt mạng sau khi bị một người đàn ông Trung Quốc (44 tuổi) dùng dao tấn công tại Thâm Quyến. Vụ việc này đã khiến cộng đồng người Nhật tại Trung Quốc cảm thấy hoang mang. Giới chức Nhật Bản đã lên tiếng yêu cầu phía Trung Quốc làm rõ. Có những dấu hiện cho thấy, vụ việc có thể khiến giới doanh nhân Nhật Bản đẩy nhanh việc rời Trung Quốc.
Ông A (người được phỏng vấn yêu cầu giấu tên) là một doanh nhân Nhật Bản đã sống ở Thâm Quyến được 5 năm, chia sẻ ông đã vô cùng bàng hoàng trước sự việc này. Trong cuộc phỏng vấn với Đài VOA Mỹ, ông nói rằng thật khó tin rằng vụ việc kinh hoàng và tàn khốc như vậy lại có thể xảy ra ở Thâm Quyến.
“Trước sự việc này, tôi luôn nghĩ Thâm Quyến là một thành phố rất yên bình, đặc biệt là quận Xà Khẩu/Shekou là nơi giàu có và an toàn nhất. Vì vậy, sự việc này khiến tôi cùng những người Nhật sống ở Thâm Quyến rất sốc, cũng đã ảnh hưởng đến trạng thái tinh thần của tôi. Tôi vừa đến hiện trường Xà Khẩu và nói chuyện với những người bạn Nhật Bản sống ở đó, mọi người ai cũng cảm thấy đau lòng”, ông A nói.
Ông A đến Trung Quốc không phải vì làm việc cho một công ty Nhật Bản nào, mà vì ông thích Thâm Quyến, một thành phố phía nam Trung Quốc tràn đầy sức sống và cơ hội kinh doanh. Năm 2019 ông đến Thâm Quyến một mình để khởi nghiệp, nghĩ đây là một thành phố tự do và an toàn. Nhưng vụ việc mới này đã tác động mạnh đến niềm tin cố hữu của ông: “Ví dụ, nếu tôi nói chuyện lớn tiếng với bạn bè Nhật trên đường phố, mặc dù 99% người dân là người tốt nhưng tôi không thể biết được 1% người xấu sẽ làm gì với tôi, họ có thể muốn đánh hay giết tôi. Vì vậy, bây giờ tôi không dám giao tiếp bằng tiếng Nhật trên đường phố, điều này rất ảnh hưởng đối với tôi”.
Trong một cuộc phỏng vấn với Đài Tiếng VOA Mỹ, nhà tư vấn kinh doanh Joel Fukuzawa luôn chú ý quan sát các hiện tượng văn hóa Nhật Bản, cho biết rằng ông cũng nhận thấy sự hoảng loạn trong cộng đồng người Nhật ở Trung Quốc. Ông nói: “Các trường học Nhật Bản không chỉ có ở Thâm Quyến mà còn ở nhiều thành phố Trung Quốc. Lý do khiến kẻ tấn công nhắm vào đứa trẻ là vì cậu bé đang mang một chiếc cặp da thường được học sinh Nhật Bản sử dụng, nhìn qua là có thể được xác định là người Nhật. Vì vậy, hiện nay mọi người trong cộng đồng người Nhật ở Trung Quốc đều nhắc nhở nhau, học sinh tiểu học người Nhật khi ra ngoài nên tránh mang theo cặp sách thường dùng ở Nhật Bản, để giảm nguy cơ bị nhận diện và hòa nhập tốt hơn với xã hội địa phương Trung Quốc”.
Vào tháng 6 năm nay, tại Tô Châu tỉnh Giang Tô cũng có chuyện hai mẹ con người Nhật Bản đã bị một người đàn ông Trung Quốc dùng dao tấn công tại trạm xe buýt của một trường học Nhật Bản, người phụ nữ Trung Quốc đi cùng ô tô không may bị thiệt mạng khi cố gắng ngăn chặn kẻ thủ ác. Mặc dù Chính phủ Nhật Bản đã nhiều lần yêu cầu Trung Quốc đảm bảo an toàn cho công dân Nhật Bản tại Trung Quốc, nhưng cho đến nay Trung Quốc vẫn chưa thực hiện bất kỳ biện pháp mạnh mẽ nào.
Sau vụ việc, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và Ngoại trưởng Motegi Toshimitsu đã đưa ra những nhận xét cứng rắn hiếm hoi, gọi hành vi này là “đáng khinh” và yêu cầu Trung Quốc giải thích. Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Okano Masanori cũng triệu tập khẩn cấp Đại sứ Trung Quốc tại Nhật Bản là Ngô Giang Hạo (Wu Jianghao) để bày tỏ quan ngại nghiêm trọng, yêu cầu Trung Quốc tăng cường các biện pháp an ninh xung quanh các trường học Nhật Bản.
Quan chức Trung Quốc đang ở thế tiến thoái lưỡng nan
Tuy nhiên tại cuộc họp báo thường kỳ ngày 19/9, người phát ngôn Lâm Kiến (Lin Jian) của Bộ Ngoại giao Trung Quốc chỉ bày tỏ “tiếc nuối và đau buồn”, biện minh rằng vụ việc chỉ là “trường hợp cá biệt” và “sự cố tương tự luôn có ở bất kỳ quốc gia nào”. Vào ngày 20, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mao Ninh từ chối bình luận thêm về vấn đề này, phủ nhận rằng vụ việc có bất kỳ mối liên hệ nào với hợp tác giám sát Trung Quốc-Nhật Bản về việc Nhật Bản xả nước thải hạt nhân Fukushima.
Về vấn đề này, nhận xét của Fukuzawa là các quan chức Trung Quốc hiện đang rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan. Ông chỉ ra: “Điều Trung Quốc lo lắng không chỉ là mối quan hệ với Nhật Bản, mà quan trọng hơn là tình cảm trong nước. Quan chức Trung Quốc không thể nói lời xin lỗi về sự việc này, bởi vì như vậy là cái tát mạnh vào nền giáo dục chống Nhật Bản của Trung Quốc trong quá khứ. Họ không đủ dũng cảm tự hạ thấp mình để giải quyết vụ việc.”
Nhà nghiên cứu Yumi Iijima tại Viện Quan hệ Quốc tế Nhật Bản cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Đài VOA Mỹ rằng không rõ liệu các sự cố ở Tô Châu và Thâm Quyến có liên quan đến tình cảm chống Nhật hay không. Dù sao có thể thấy chủ nghĩa dân tộc cực đoan mà nhà chức trách Trung Quốc cổ xúy đã khiến hiện nay người nước ngoài ở một số nơi tại Trung Quốc phải đối mặt nhiều rủi ro hơn.
Cựu Đại sứ Nhật Bản tại Trung Quốc là Hideo Tarumi cũng nói rằng Chính phủ Trung Quốc nên tích cực hơn trong việc điều chỉnh tâm lý chống Nhật đang lan rộng ở Trung Quốc. Bình luận về vụ việc ở Thâm Quyến trên tờ Yomiuri Shimbun của Nhật Bản, ông chỉ ra rằng chính quyền Trung Quốc nên xóa các video độc hại và gây hiểu lầm về các trường học Nhật Bản tràn ngập trên mạng xã hội Trung Quốc.
Nhà nghiên cứu Yumi Iijima giải thích thêm rằng động cơ và bối cảnh của vụ việc ở Thâm Quyến vẫn chưa được làm rõ, chẳng hạn như vụ việc nhắm vào người Nhật (hoặc người nước ngoài) hay là bắt chước vụ việc ở Tô Châu, và nhà chức trách Trung Quốc nên giải trình rõ về hành vi này. Nguồn thông tin hạn chế hiện nay khó có thể xóa bỏ được mối lo ngại ngày càng tăng của người dân Nhật Bản.
Sự cố Tô Châu hồi tháng 6 đã khiến Đại sứ quán Nhật Bản tại Trung Quốc phải xem xét lại các biện pháp an toàn cho học sinh Nhật Bản tại Trung Quốc, theo đó Bộ Ngoại giao Nhật Bản đã phân bổ khoảng 350 triệu yên trong yêu cầu ngân sách cho năm tài chính tiếp theo để tăng cường an toàn xe buýt trường học ở Trung Quốc.
Yumi Iijima cho biết để đối phó với vụ việc này, công tác bảo vệ công dân Nhật Bản tại Trung Quốc sẽ tiếp tục được tăng cường, các công ty liên quan cũng có thể xem xét lại các biện pháp và chính sách. Để tránh tạo ảnh hưởng lớn đến quan hệ Trung-Nhật, Trung Quốc cần phản hồi một cách chân thành và việc liên lạc giữa Trung Quốc và Nhật Bản sẽ càng trở nên quan trọng hơn.
Không rõ có phải do ảnh hưởng bởi vụ người Nhật liên tiếp bị tấn công trên đất Trung Quốc, và nước này cần thể hiện một chút sự xoa dịu hay không, nhưng hôm 22/9 , Trung Quốc bất ngờ gỡ bỏ lệnh cấm toàn diện các sản phẩm thủy sản Nhật Bản. Lệnh cấm này được ban hành từ năm ngoái sau vụ Nhật cho nước thải hạt nhân đã qua xử lý chảy ra biển.
Các công ty Nhật Bản có thể đẩy nhanh việc rút lui
Nền kinh tế Trung Quốc đang suy thoái và tình cảm chống Nhật dần dần trở thành lối thoát cho những bức xúc. Ông A nhớ lại: “Chính phủ Trung Quốc luôn sử dụng phương pháp này (phong trào chống Nhật) để giải quyết các vấn đề trong nước khi nền kinh tế suy thoái. Khi tôi học ở Bắc Kinh năm 2011, đó là thời điểm xảy ra cuộc khủng hoảng Lehman Brothers ở Mỹ, khi đó nền kinh tế Trung Quốc cũng bị ảnh hưởng và tình hình chung không mấy lạc quan. Để chuyển hướng sự chú ý của dư luận, Chính phủ Trung Quốc yêu cầu người dân xem lại lịch sử Trung Quốc và Nhật Bản, sau đó phát động phong trào chống Nhật”. Nhưng ông A nhấn mạnh dù tình hình năm 2012 và bây giờ rất giống nhau, tuy thế điểm khác biệt lớn là lần này liên quan đến việc giết người Nhật nên vấn đề ở một cấp độ hoàn toàn khác.
Hiện nay có khoảng 100.000 người dân Nhật Bản ở Trung Quốc, khiến Trung Quốc là nơi có người Nhật cư trú lớn thứ hai sau Mỹ. Mặc dù Trung Quốc đã thu hút một lượng lớn công dân Nhật Bản và gia đình họ, số lượng người Nhật ở Trung Quốc vẫn tiếp tục giảm kể từ khi đạt đỉnh điểm 150.000 người vào năm 2012.
Theo nhà nghiên cứu Yumi Iijima, với việc trong những năm gần đây nhà chức trách Trung Quốc bắt giữ các công dân Nhật Bản vì tội gián điệp cùng hoạt động trì trệ của các công ty Nhật Bản tại Trung Quốc, ngày càng nhiều người Nhật bắt đầu lo lắng về sự an toàn và rủi ro khi định cư tại Trung Quốc. Các sự cố ở Tô Châu và Thâm Quyến đã làm trầm trọng thêm tình trạng bất ổn này, khiến một số công ty Nhật Bản tại Trung Quốc đã bắt đầu đánh giá lại các biện pháp an toàn.
Sau vụ việc, Tập đoàn Panasonic của Nhật Bản cũng thông báo sẽ cho phép nhân viên người Nhật Bản và gia đình nộp đơn xin tạm trở lại Nhật Bản và công ty sẽ chịu mọi chi phí. Nhiều công ty Nhật Bản, như Tập đoàn Toshiba và gã khổng lồ ô tô Nhật Bản Toyota, cũng kêu gọi nhân viên của họ ở Trung Quốc luôn cảnh giác và chú ý đến an toàn. Liệu sự cố này có ảnh hưởng đến việc các công ty Nhật Bản đẩy nhanh việc rút lui khỏi Trung Quốc hay không là vấn đề đáng được quan sát theo dõi.
Công ty Nhật ở Trung Quốc cân nhắc cho nhân viên tạm về nước
Nhà tư vấn kinh doanh Fukuzawa cho hay, vấn đề doanh nghiệp Nhật Bản rút khỏi Trung Quốc cần được quan sát ở hai bình diện: sản xuất và dịch vụ. Ông chỉ ra dưới ảnh hưởng của dịch COVID-19 và chiến tranh thương mại Mỹ – Trung, doanh nghiệp sản xuất Nhật Bản đã không ngừng rút khỏi Trung Quốc và chuyển hướng sang các khu vực như Trung, Nam Mỹ hay Ấn Độ.
“Cái chết của cậu bé Nhật Bản chắc chắn sẽ đẩy nhanh hơn nữa xu thế rút lui của các công ty sản xuất. Đây là lý do tại sao các công ty như Panasonic đang hành động, bởi họ khó thu được nhiều lợi nhuận hơn tại địa phương. Trong bối cảnh ngành ô tô Trung Quốc bước vào kỷ nguyên điện hóa, ngành công nghiệp ô tô Nhật Bản thực sự đang gặp khó trước Trung Quốc. Đối với họ, việc ở lại Trung Quốc hiện chẳng có ích lợi gì, họ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc rút lui”, ông lưu ý.
Mặt khác, ngành dịch vụ sẽ không rút khỏi Trung Quốc. Fukuzawa ví dụ trường hợp nhà bán lẻ Nitori đang mở chi nhánh thứ 100 tại Trung Quốc, hầu hết các sản phẩm của họ đều được sản xuất tại Trung Quốc và được bán trực tiếp từ nguồn gốc sản xuất; hay như Sushiro và Marugame Udon tại Trung Quốc vẫn phát đạt dù thỉnh thoảng có làn sóng người Trung Quốc tẩy chay chống Nhật.
Nhưng ông cũng cho rằng mặc dù ngành dịch vụ của Nhật Bản sẽ vẫn tiếp tục duy trì tại Trung Quốc, nhưng nếu tâm lý bài Nhật của Trung Quốc tiếp tục gia tăng thì họ cũng không loại trừ có thể rút lui nhanh hơn ngành sản xuất, vì rủi ro của họ tương đối nhỏ hơn.
Ông A dự đoán trong bối cảnh kỳ nghỉ Quốc khánh Trung Quốc đến gần, nhiều nhân viên Nhật Bản tại Trung Quốc sẽ nhân cơ hội này để quay trở lại Nhật Bản, đặc biệt là những người có gia đình. Dù vậy ông A cho biết ông vẫn ở lại Thâm Quyến.
Theo VOA