An Chi
Hôm 22/9, trong lúc tham dự “Tuần lễ cấp cao Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc” tại New York, ông Tô Lâm, Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước Việt Nam đã gặp ông Brendan Nelson – Phó chủ tịch hãng Boeing, kiêm chủ tịch Boeing Global và đề nghị hãng này đầu tư vào Việt Nam.
Tường thuật của VnExpress cho hay, ông Tô Lâm đề nghị hãng Boeing sớm nghiên cứu, khai triển đầu tư các nhà máy sản xuất linh kiện, xây dựng trung tâm bảo dưỡng thiết bị, máy móc máy bay quy mô khu vực gắn với các phi trường lớn của Việt Nam.
Bên cạnh đó, ông Tô Lâm cũng đề nghị Boeing tiếp tục “phối hợp chặt chẽ với các đối tác Việt Nam để chuyển giao các đơn đặt hàng mua máy bay đã ký kết thời gian qua”.
Ông cũng nói Việt Nam cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi, phù hợp với quy định để các nhà đầu tư Mỹ, trong đó có Boeing, đầu tư kinh doanh hiệu quả và bền vững tại Việt Nam.
Theo ông Tô Lâm, Việt Nam đang đầu tư mạnh mẽ cho hạ tầng hàng không, trong đó nổi bật là dự án phi trường Long Thành tại tỉnh Đồng Nai, có tổng mức đầu tư khoảng 16,06 tỷ USD, với quy mô 5.000 hécta hướng tới là một trong những “trung tâm trung chuyển hàng không của khu vực”.
Ngoài ra, phi trường Tân Sơn Nhất ở Tp HCM, cũng đang được mở rộng với dự án bổ sung nhà ga T3, có tổng mức đầu tư gần 11.000 tỷ đồng (khoảng 447,3 triệu USD).
Đáp lại lời kêu gọi của lãnh đạo Việt Nam, ông Brendan Nelson khẳng định trong thời gian tới hãng Boeing sẽ hỗ trợ xây dựng hệ sinh thái hàng không tại Việt Nam, trong đó chú trọng việc xây dựng cơ sở hạ tầng hàng không, đào tạo nhân lực, xây dựng phi trường, cơ sở sửa chữa, bảo trì máy bay.
Ngoài ra, Boeing đã có nhiều cuộc làm việc với lãnh đạo Vietnam Airlines, hai bên hứa hẹn trong năm 2028 hoàn thành hợp đồng đã ký kết về việc bán 50 phi cơ trong chuyến thăm của Tổng Thống Joe Biden tới Việt Nam vào năm ngoái.
Một cập nhật khác cũng liên quan đến chuyến đi Mỹ của nhà lãnh đạo Việt Nam.
Thông báo từ Tòa Bạch Ốc cho hay, Tổng thống Joe Biden dự kiến sẽ có cuộc gặp với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm vào thứ Tư, ngày 25/9 (theo giờ Mỹ).
Cuộc họp, được Reuters đưa tin đầu tiên, dự kiến sẽ diễn ra bên lề Đại hội đồng Liên Hợp Quốc tại New York.
Trả lời BBC News vào ngày 23/9, Giáo sư Carl Thayer, nhà quan sát chính trị Việt Nam lâu năm tại Đại học New South Wales (Úc) cho rằng, đây sẽ là một cuộc gặp quan trọng.
“Cuộc gặp này thể hiện sự coi trọng lẫn nhau mà mỗi nhà lãnh đạo dành cho mối quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện vừa mới được thiết lập. Tổng thống Biden đang ra hiệu rằng Việt Nam là một đối tác kinh tế và ngoại giao quan trọng tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”, ông Thayer nói.
Ông Thayer cũng cho rằng sự kiện này sẽ “giúp nâng cao vị thế trong nước của ông Tô Lâm, với tư cách là người kế nhiệm ông Nguyễn Phú Trọng”.
Trước cuộc gặp với ông Biden, ông Tô Lâm, trên cương vị Chủ tịch nước, đã có cuộc hội đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin hồi tháng Sáu khi ông Putin thăm cấp nhà nước tới Việt Nam.
Ông cũng đã hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong chuyến thăm cấp nhà nước tới Trung Quốc vào tháng Tám.
Việc gặp đủ lãnh đạo Mỹ, Trung Quốc và Nga – ba cường quốc có mối quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện với Việt Nam – theo đánh giá của Giáo sư Carl Thayer, là một thành tích đáng kể của ông Tô Lâm.
Landmark 72 tầng ở Hà Nội được rao bán với giá hơn 18,000 tỷ đồng
Công ty tái bảo hiểm toàn cầu AON Plc, chủ sở hữu của Landmark 72 muốn bán 100% cổ phần trong tài sản bất động sản này với giá hơn 1.000 tỷ won (tương đương 18,465 tỷ đồng), theo thông tin từ truyền thông Hàn Quốc.
Nguồn tin từ các ngân hàng đầu tư tại Seoul cho biết công ty AON Plc đang đàm phán với một vài nhà đầu tư tiềm năng để bán toàn bộ cổ phần của tòa nhà cao thứ hai Việt Nam.
Một số công ty quản lý bất động sản và cơ sở hạ tầng lớn được cho là đang cân nhắc mua khối bất động sản này. Một công ty chứng khoán của Hàn Quốc cũng nằm trong số những nhà đầu tư tiềm năng.
Theo thông tin từ The Korea Ecocnomic Daily, công ty chứng khoán Mirae Asset của Hàn Quốc đang muốn chuyển trái phiếu thành cổ phần tại tổ hợp ba tòa nhà Landmark 72, bao gồm văn phòng và không gian bán lẻ.
Năm 2015, AON đã vượt qua Goldman Sachs và Công ty đầu tư quốc gia Qatar Investment Authority (QIA), trong thương vụ mua lại khu phức hợp Landmark 72 với giá 454 tỷ won (khoảng 8.383 tỷ đồng theo tỷ giá hiện tại)từ công ty xây dựng của Hàn Quốc SM Keangnam Enterprises Ltd, đơn vị xây dựng Landmark 72.
SM Keangnam Enterprises, trước đây là Keangnam Enterprises đã xây dựng khu phức hợp ba tòa nhà có diện tích sàn 608.946m2 vào năm 2012. Bất động sản này bao gồm một tòa tháp tổng hợp 72 tầng với chiều cao 350m và hai tòa tháp đôi 48 tầng dành cho nhà ở có chiều cao 212m nằm tại quận Nam Từ Liêm, Hà Nội .
Landmark 72 từng là tòa nhà cao nhất Việt Nam cho đến khi tập đoàn Vingroup xây dựng tòa Landmark 81 cao 81 tầng với chiều cao 461m tại TP.HCM vào năm 2018.
Phan Vũ
Kiểm toán Nhà nước kiến nghị xử lý hàng loạt vi phạm ở Bộ Y tế
Kiểm toán Nhà nước vừa hoàn thành báo cáo kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công năm 2023 tại Bộ Y tế.
Quản lý, điều hành thu, chi ngân sách nhiều hạn chế
Về chi đầu tư phát triển, việc đăng ký nhu cầu, phân bổ vốn các dự án khởi công mới năm 2023 chưa sát thực tế, dẫn đến nhiều dự án đăng ký vốn nhưng không phân bổ được, trong năm phải điều chỉnh kế hoạch vốn 2 đợt; việc giao vốn còn chậm.
Về giải ngân vốn chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội, đến hết niên độ năm 2023 chỉ giải ngân được hơn 23/1.465 tỷ đồng, đạt 1,6% và đến tháng 4/2024 mới giải ngân được 34/1.465 tỷ đồng, đạt 2,3%.
Trong công tác quản lý tiến độ, năm 2023 có 7 dự án thuộc nguồn vốn ngân sách Trung ương chậm tiến độ, trong đó: Ba dự án nhóm A có nhiều vướng mắc dẫn đến chậm tiến độ. Đến thời điểm kiểm toán vẫn đang thực hiện các thủ tục theo chỉ đạo của cấp có thẩm quyền, chưa tái khởi động lại.
Trong khi đó, các dự án nhóm B chậm tiến độ phải thực hiện điều chỉnh gia hạn, một số dự án tuy đã được gia hạn song vẫn chậm; một số gói thầu chậm tiến độ so với quy định của hợp đồng ban đầu.
Thu tiền của bệnh nhân dù giá đã có trong BHYT
Trong thu dịch vụ y tế, theo Kiểm toán Nhà nước, một số đơn vị chưa ghi nhận doanh thu dịch vụ khám chữa bệnh (KCB) đối với các dịch vụ đã hoàn thành; phản ánh chưa đúng tính chất nguồn thu; một số dịch vụ y tế xây dựng giá có danh mục thuốc, chi phí đã được kết cấu trong cơ cấu giá dịch vụ KCB được BHXH chi trả nhưng cơ sở KCB vẫn thu thêm tiền của bệnh nhân.
Ngoài ra, còn tình trạng áp giá dịch vụ KCB chưa chính xác; thực hiện vượt số ca thí điểm kỹ thuật mới, phương pháp mới so với số ca thí điểm được phê duyệt của Bộ Y tế.
Đối với chi dịch vụ khám, chữa bệnh, Kiểm toán Nhà nước nêu thực trạng hạch toán chi phí trong năm một số khoản chi chưa đúng quy định. Điển hình như chi phí khám, chữa bệnh chưa tương ứng với doanh thu ghi nhận trong năm; nhiều khoản phụ cấp vượt hoặc không đúng quy định.
Trong quản lý thuốc, hóa chất, vật tư còn tình trạng nhập kho một số danh mục thuốc trúng thầu có thời hạn sử dụng thấp hơn so với hồ sơ mời thầu và hợp đồng đã ký; tỷ lệ nhập thuốc thấp so với số lượng trúng thầu, thành phần kiểm nhập chưa đầy đủ theo quy định…
Kiến nghị xử lý tài chính 119,848 tỷ đồng
Kiểm toán Nhà nước kiến nghị xử lý tài chính hơn 119 tỷ đồng, trong đó, tăng thu NSNN hơn 62 tỷ đồng; thu hồi, giảm chi ngân sách trên 57 tỷ đồng và kiến nghị khác hơn 71 tỷ đồng.
KTNN cũng kiến nghị kiểm điểm trách nhiệm với những sai sót, tồn tại trong lập, phê duyệt dự án không đảm bảo về nguồn vốn, phải điều chỉnh dự án theo quy mô, tổng mức đầu tư mới dẫn đến chi phí lập báo cáo nghiên cứu khả thi cho dự án ban đầu không sử dụng được cho dự án hiện tại (Dự án Viện Pháp y Quốc gia);
Kiểm điểm trách nhiệm trong lập, phê duyệt dự toán chi phí và thực hiện xây dựng quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 đối với dự án không thuộc đối tượng theo quy định, trong đó có dự án xây dựng ký túc xá 5 tầng Trường Đại học Y Dược Thái Bình; dự án cải tạo, mở rộng Trường Cao đẳng Dược Trung ương Hải Dương (giai đoạn 2), làm tăng chi phí đầu tư dự án…
Minh Long