Ukraina phát triển ‘Biệt đội báo thù’ phát hiện 12.000 quân địch trong 1 tuần

An Chi

Ảnh minh họa về công việc của trí tuệ nhân tạo. (Ảnh: Bộ Quốc phòng Ukraine).

Bộ Quốc phòng Ukraina đã tự phát triển một nền tảng trí tuệ nhân tạo (AI) mang tên “Avengers” (hay “Biệt đội báo thù”) nhằm nâng cao hiệu quả phân tích tình báo trên chiến trường. Nền tảng này có khả năng tự động phát hiện 12.000 mục tiêu quân địch mỗi tuần, cho thấy tầm quan trọng của công nghệ AI trong cuộc chiến hiện đại và mang lại lợi thế mới cho quân đội Ukraina trên chiến trường.

Theo báo cáo của trang tin quân sự Ukraina “Militarnyi”, vào ngày 23 tháng 9, Văn phòng báo chí của Bộ Quốc phòng Ukraina đã công bố thông tin liên quan, cho biết quân đội Ukraina đang sử dụng nền tảng AI “Biệt đội báo thù” để nâng cao hiệu quả phân tích tình báo trên chiến trường và giảm thiểu rủi ro do sai sót con người.

Nền tảng “Avengers” hay “Biệt đội báo thù” được phát triển bởi Trung tâm Đổi mới của Bộ Quốc phòng Ukraina, thông qua việc phân tích tự động hình ảnh từ máy bay không người lái và camera cố định để đạt được kết quả phát hiện mục tiêu tự động. Nền tảng này hiện đã được tích hợp thành công vào mô-đun streaming VEZHA của hệ thống nhận thức tình huống và quản lý chiến trường DELTA, giúp nâng cao khả năng phân tích AI của “Avengers.”

Trung tâm Đổi mới của Bộ Quốc phòng Ukraina tiếp tục đào tạo mô hình AI của nền tảng “Avengers” bằng dữ liệu mới, điều này giúp nâng cao chất lượng nhận diện các loại phương tiện quân địch, ngay cả trong điều kiện khắc nghiệt, chẳng hạn như xe tăng ẩn nấp trong rừng hay xe bọc thép di chuyển trên đường lầy lội, vẫn có thể được phát hiện hiệu quả.

Ngoài ra, kể từ khi bắt đầu cuộc chiến, Tổng thống Nga Vladimir Putin luôn sử dụng việc đe dọa hạt nhân như một công cụ để cố gắng răn đe sự hỗ trợ của các quốc gia phương Tây đối với Ukraina. Tuy nhiên, theo những thông tin mới nhất, đe dọa hạt nhân của ông Putin đang mất hiệu lực, và ông có thể đang tìm kiếm một chiến lược mới, chuyển trọng tâm sang “chiến tranh ủy nhiệm”. nhằm phát động các cuộc tấn công tinh vi hơn đối với các quốc gia phương Tây.

Kể từ khi Nga xâm lược Ukraina toàn diện, ông Putin và những người ủng hộ ông, bao gồm cả các bình luận viên của đài truyền hình quốc gia Nga, liên tục khoe về khả năng hạt nhân của Matxcova và đe dọa tấn công bằng tên lửa vào các quốc gia ủng hộ Kyiv. Trong tháng này, Giám đốc Cơ quan Phân tích Quân sự và Chính trị Nga, Mikhailov, thậm chí đã công khai nói trên kênh truyền hình đầu tiên của Nga rằng Matxcova nên tấn công các mô hình của London và Washington, những mô hình sao chép Cung điện Buckingham, Big Ben và Toà Bạch Ốc.

Tuy nhiên, theo báo cáo của Washington Post, các nguồn tin gần gũi với các nhà ngoại giao Nga tiết lộ rằng chiến lược khoe khoang khả năng hạt nhân của Matxcova bắt đầu mất đi ảnh hưởng đối với các quan chức phương Tây, và “không thể dọa ai cả”, điều này khiến các đối tác của Nga ở cái gọi là “phương Nam toàn cầu” cảm thấy không hài lòng. (Không có một định nghĩa rõ ràng về phương Nam toàn cầu, nhưng khái niệm này thường được dùng để chỉ phần lớn các quốc gia ở châu Phi, châu Á, và Mỹ Latinh).

Vì “lằn ranh đỏ” của Matxcova liên tục bị vượt qua, ông Putin đang xem xét các chiến lược mới để đối phó với khả năng phương Tây phê duyệt các cuộc tấn công từ xa vào lãnh thổ Nga. Washington Post cho biết, ông Putin có thể sẽ không còn sử dụng việc đe dọa hạt nhân như một phương tiện chính, mà sẽ chuyển sang phản ứng tinh vi và hạn chế hơn, tập trung vào “chiến tranh ủy nhiệm”.

Một nguồn tin có liên hệ với các nhà ngoại giao cấp cao của Nga cho biết, việc sử dụng vũ khí hạt nhân là “kịch bản ít có khả năng xảy ra nhất”, không chỉ vì các đồng minh của Nga ở “phương Nam toàn cầu” sẽ cảm thấy không hài lòng, mà còn vì “về mặt quân sự, điều này không thực sự hiệu quả”.

Washington Post cũng chỉ ra rằng, các phương án khác có thể bao gồm: tăng cường các hoạt động phá hoại nhằm vào các mục tiêu quân sự phương Tây hoặc cơ sở hạ tầng khác, nhưng việc chứng minh rằng Nga tham gia vào các hoạt động này rất khó. Hoặc Nga có thể chuyển sang các tổ chức ủy quyền, chẳng hạn như lực lượng Houthi ở Yemen, lực lượng này đã liên tục tấn công vào các tuyến hàng hải ở Biển Đỏ.

Chính phủ Mỹ cho rằng hiện tại không có nguy cơ trực tiếp nào về việc Nga sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân trong cuộc chiến Nga-Ukraina, và Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) cũng chỉ ra trong báo cáo mới nhất của mình rằng đã có các hành động đe dọa của Nga nhằm “làm rối loạn và trì hoãn các cuộc thảo luận chính trị của phương Tây về các quyết định then chốt liên quan đến việc cung cấp thêm hỗ trợ quân sự cho Ukraina”.

Related posts