13 triệu nhân viên giao đồ ăn ‘mắc kẹt’ trong hệ thống giao đồ ăn của Trung Quốc

Cảnh nhân viên giao hàng của Meituan trên đường phố Bắc Kinh ngày 15/4/2019. (Ảnh: 4H4 PH / Shutterstock)

Theo thống kê, năm 2021, số lượng nhân viên giao đồ ăn ở Trung Quốc đã lên tới hơn 13 triệu người. Hơn 13 triệu người này chỉ là một phần của nhóm việc làm linh hoạt tại Trung Quốc, nhưng vấn đề nan giải về sinh kế của họ lại đại diện cho cuộc sống thực tế của đại đa số người lao động.

Họ là những người đã bước vào tuổi trung niên, có người đang đối mặt với khủng hoảng tuổi trung niên, có người mới 20 tuổi vừa tốt nghiệp. Đặc điểm nhất quán là số lượng đơn hàng nhiều, thời gian làm việc dài, nghỉ ngơi ít, áp lực cao, v.v.

Theo thống kê, tổng số nhân viên giao đồ ăn, chuyển phát nhanh và tài xế công nghệ ở Trung Quốc đã lên tới hơn 80 triệu người. Mỗi người đều có những lý do riêng khi lựa chọn giao đồ ăn, nhưng cuối cùng có lẽ không phải vì yêu thích. Đối với hầu hết mọi người, họ tham gia vào nghề này chỉ để kiếm tiền và mưu sinh.

Trong số đó, có những người kinh doanh thất bại, họ bắt đầu giao đồ ăn để nuôi gia đình. Họ làm việc hơn 10 tiếng mỗi ngày. Cũng có những người giao đồ ăn vào đêm khuya chỉ vì phí giao hàng cao hơn.

Theo The Paper, ngày 6/9, nhân viên giao hàng 55 tuổi họ Viên đột ngột qua đời ngay trên chiếc xe điện của mình trên đường phố Hàng Châu. Ông thường chỉ ngủ 3 – 4 tiếng mỗi ngày. Đôi khi, ông xuất phát lúc 6h sáng và chạy đến tận 3h đêm. Trên trên vai ông có thể là gánh nặng nuôi sống cả gia đình.

Nhưng thời gian làm việc kéo dài không phải là yếu tố duy nhất đè nặng lên người giao hàng. Để có thể chạy nhanh và không bị trễ, tai nạn giao thông cũng là một trong những nguyên nhân chính đe dọa sức khỏe và sự an toàn của người giao đồ ăn.

Dữ liệu từ năm 2017 cho thấy, trong nửa đầu năm tại Thượng Hải, cứ 2,5 ngày lại có một nhân viên giao hàng bị thương hoặc tử vong do tai nạn giao thông. Vào thời điểm đó, số lượng và quy mô người giao hàng ít hơn rất nhiều so với ngày nay.

Tốc độ là tiền và tiền là thời gian. Người giao hàng bị giới hạn bởi thuật toán thời gian. Thông thường, giao một đơn hàng có thể mất 10 phút, nhưng nếu lái xe chỉ mất 8 phút, thì lần sau nền tảng sẽ đưa ra thời gian giao hàng là 8 phút. Điều này cũng buộc họ phải chạy nhanh hơn để không bị quá giờ.

Trước đây, cái giá phải trả cho việc giao hàng quá giờ thậm chí còn cao hơn. Giờ đây, hình phạt của hệ thống “cải tiến” không còn nghiêm trọng như vậy nữa.

Tuy nhiên, một khi nhận được đánh giá không tốt, họ không những không thể nhận được những đơn hàng chất lượng cao, mà có thể còn bị trừ tiền và bị phạt. Thậm chí, họ phải giao nhiều đơn hàng hơn để bù đắp cho tác động của những đánh giá không tốt.

Tốc độ nhanh hơn và thời gian giao hàng ngắn hơn, đồng nghĩa với việc thu nhập cao hơn cho nhân viên giao hàng. Tuy nhiên, do các thuật toán trên nền tảng và chi phí điều hành, nên cũng có sự phân chia điển hình là 20%-80% cho ngành giao đồ ăn.

Theo báo cáo khảo sát năm 2023 của “Mạng cơ sở dữ liệu Pishu”, gần 50% nhân viên giao đồ ăn có thu nhập hàng tháng từ 4.000 tệ đến 5.999 nhân dân tệ (khoảng 14 triệu – 21 triệu VNĐ), hơn 60% người có thu nhập hàng tháng từ 4.000 đến 7.999 tệ (khoảng 840 – 1,680 Úc kim).

Thu nhập một tháng của người giao hàng từ 8.000 nhân dân tệ (khoảng 28 triệu VNĐ) trở lên chỉ chiếm 7%. Có lẽ “ông hoàng giao hàng” đột ngột qua đời nêu trên thuộc về 7% ít ỏi này.

Đối với bản thân nhân viên giao hàng, áp lực cũng rất cao.

Một nhân viên giao hàng cấp cao thực hiện hàng chục đơn đặt hàng mỗi ngày. Việc giao tiếp với người bán, khiếu nại của khách hàng, giới hạn về thời gian trên nền tảng, thậm chí cả trách nhiệm trong cuộc sống gia đình đều gây áp lực tâm lý lớn cho họ.

Cuối cùng, chỉ với một tác động nhỏ nhất từ ​​bên ngoài, những áp lực tâm lý này cũng sẽ như giọt nước tràn ly. Đây là lý do vì sao trong những năm gần đây, ngày càng xảy ra ​​nhiều tranh chấp giữa những người giao hàng với nhân viên bảo vệ, chủ đầu tư, thậm chí cả ban quản lý đô thị. Đằng sau mỗi sự kiện ngoài tầm kiểm soát đều có nguyên nhân và hậu quả do áp lực nặng nề.

Quan trọng hơn, thuật toán khuyến khích của nền tảng khiến người giao hàng phải làm việc nhiều giờ hơn nếu muốn nhận được mức lương cao. Hơn nữa, thời gian làm việc có khi kéo dài hơn chục tiếng mỗi ngày.

Có vẻ như đây là một phần thưởng, nhưng cho dù họ chẳng thèm cái gọi là thu nhập ngoài giờ gấp 1,5 lần, thì việc kiểm soát thời gian vẫn tiếp tục gây áp lực cho sức khỏe của họ về lâu dài. Vì vậy, về lâu dài, mối quan hệ giữa nhân viên giao hàng và nền tảng giống như kiểu “hợp tác đôi bên cùng có lợi” trong ngắn hạn. Sau khi rời khỏi nền tảng giao hàng, nhân viên giao hàng và nền tảng sẽ không còn bất kỳ sự ràng buộc nào.

Đây không phải là một câu chuyện hay về việc người chủ và nhân viên làm việc cùng nhau. Khi ngày càng có nhiều người đổ xô đến nền tảng này để làm người giao đồ ăn và số lượng đơn đặt hàng đạt đến mức trần, thì “phần bánh” mà mỗi người có thể nhận được đương nhiên sẽ giảm đi.

Kể từ khi đại dịch viêm phổi Vũ Hán (COVID-19) mới kết thúc, đơn giá của nhân viên giao đồ ăn tiếp tục giảm, từ mức giá trung bình hơn 6 tệ (khoảng 21.000VNĐ) xuống còn 5 tệ (17.000VNĐ), thậm chí dưới 5 tệ.

Cuối năm 2023, “Sanlian Life Weekly” (Tam Liên) đưa tin, thu nhập trên mỗi đơn hàng của một nền tảng giao đồ ăn hiện chỉ khoảng 4,5 tệ (khoảng 15.700VNĐ).

Môi trường chung đang thay đổi, thu nhập của nhân viên giao đồ ăn cũng đang thay đổi. Đặc biệt khi cơ hội việc làm mới không tốt, mọi người sẽ có xu hướng làm những công việc như giao đồ ăn, do đó nguồn cung sẽ bắt đầu mất cân bằng.

Một báo cáo do Guanyan Report Network công bố vào cuối tháng 7 cho thấy, số lượng nhân viên giao đồ ăn ở Trung Quốc đã lên tới 13 triệu người vào đầu năm 2021. Kể từ đó, số lượng nhân viên giao đồ ăn trên 2 hai nền tảng giao hàng lớn đã tăng lần lượt là 1 triệu và 3 triệu người.

Khi số lượng nhân viên giao đồ ăn tăng lên, quyền thương lượng của họ cũng giảm dần. Nếu bạn không làm thì người khác sẽ làm, câu này rất phù hợp với ngành công nghiệp giao đồ ăn.

Kinh tế học truyền thống cho chúng ta biết rằng người sử dụng lao động và người lao động tương đối bình đẳng. Khi điều kiện của người sử dụng lao động quá khắc nghiệt, thị trường sẽ đưa ra những lựa chọn, và người sử dụng lao động có thể sẽ không tuyển được nhân viên phù hợp.

Tuy nhiên, đối với các nền tảng giao đồ ăn, do ngày nay cơ hội việc làm ngày càng ít, nhóm người thất nghiệp đang chờ đợi và khao khát một công việc lương cao hơn, nên có vẻ như một nền tảng như thế này mới có thể thỏa mãn họ. Do đó, nhân viên giao đồ ăn bị hạn chế bởi nền tảng, và khả năng thương lượng của họ trên nền tảng cũng không ngừng suy yếu.

Nhân viên giao hàng có thể làm việc tới 300 giờ một tháng. Hệ thống làm việc 8 giờ và thời gian nghỉ cuối tuần là một điều xa xỉ đối với họ, nhưng đây không phải là lý do để họ không theo đuổi hệ thống làm việc 8 giờ.

Nhân viên giao hàng được nền tảng tuyển dụng, nhưng theo hợp đồng lao động, họ có liên kết với “bên thứ ba”. Để giảm chi phí lao động, các nền tảng giao đồ ăn thường ủy thác cho các công ty bên thứ ba tuyển dụng người giao hàng.

Họ không có 5 loại bảo hiểm và một quỹ nhà ở, đồng thời lợi ích mà họ có được cũng rất thấp. Thậm chí nhân viên giao đồ ăn không phải là nhân viên của các công ty bên thứ ba.

Công ty dịch vụ lao động bên thứ ba ký thỏa thuận với nhân viên giao đồ ăn. Những nhân viên này đại diện cho một hộ cá thể, mối quan hệ giữa hai bên giống như quan hệ hợp tác hơn là quan hệ lao động.

Kiểu hợp tác này đương nhiên sẽ ảnh hưởng rất lớn đến lợi ích của nhân viên giao đồ ăn. Vì là đối tác nên khi gặp tai nạn giao thông, họ sẽ khó đòi công ty nền tảng giao đồ ăn bồi thường hơn.

Về mặt lý thuyết, luật pháp Trung Quốc thiên về bảo vệ người lao động. Trong quan hệ lao động, nghĩa vụ chứng minh thường bị đảo ngược, tức là người sử dụng lao động phải cung cấp bằng chứng thay cho người lao động. Tuy nhiên, do nhân viên giao đồ ăn không xác định được mối quan hệ lao động với công ty nền tảng, nên khó có thể được bồi thường theo quy định của pháp luật.

Ngày nay, những người giao đồ ăn quá giờ không còn phải chịu chế độ xử phạt khắc nghiệt như xưa. Sau khi làm việc quá thời gian nhất định, nền tảng cũng sẽ buộc họ phải nghỉ ngơi, để đảm bảo an toàn giao thông. Nhưng đối với ngành phân phối với hàng chục triệu nhân viên này, những thách thức họ gặp phải vẫn rất lớn.

Vũ Chân / Vision Times

Related posts