HarmonyOS khiến ngành công nghệ Trung Quốc rơi vào thế khó xử

Nguồn: Vivian Toh, “Huawei’s HarmonyOS puts China’s tech world in awkward spot,” Nikkei Asia, 22/09/2024

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Áp lực phải ủng hộ hệ điều hành trong nước dẫn đến việc vội vàng phát hành ứng dụng.

Việc Huawei ra mắt hệ điều hành HarmonyOS Next vào tháng 6 vừa qua đã đánh dấu một cột mốc quan trọng đối với gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc. Được nhiều người cho là “tuyên bố độc lập” khỏi Android của Google, phiên bản hệ điều hành mới nhất của Huawei đóng vai trò trung tâm trong tham vọng của công ty nhằm thiết lập một hệ sinh thái nội địa cho các thiết bị thông minh.

Richard Yu, giám đốc điều hành mảng kinh doanh tiêu dùng của Huawei, đã kêu gọi các công ty công nghệ và internet Trung Quốc liên kết với tầm nhìn này, khuyến khích họ tham gia hệ sinh thái Harmony. Và họ đã phản ứng mạnh mẽ, khi hơn 5.000 công ty được báo cáo là đã đăng ký với Harmony và 1.500 ứng dụng đã có sẵn để tải xuống từ cửa hàng ứng dụng của Harmony. Tuy nhiên, bất chấp những con số ấn tượng này, những vết nứt đang bắt đầu xuất hiện trong bản kế hoạch táo bạo.

Lo ngại đã xuất hiện xoay quanh chất lượng và chức năng của các ứng dụng được phát hành cho HarmonyOS. Một số nhân vật trong ngành đã chỉ ra một khoảng trống rõ ràng trong hệ sinh thái: sự vắng mặt của các phần mềm chơi game lớn, một phân khúc quan trọng trong thị trường ứng dụng di động. Thêm vào đó, nhiều ứng dụng được quảng cáo là đã sẵn sàng để tải xuống hóa ra vẫn còn trong giai đoạn demo, với chức năng hạn chế và trải nghiệm người dùng kém. Các ứng dụng nổi tiếng như Taobao, NetEase, iQIYI, và Xiaohongshu cũng nằm trong số những ứng dụng chỉ phát hành phiên bản chưa hoàn chỉnh.

Sự vội vã phát triển và phát hành ứng dụng này, chấp nhận đánh đổi bằng trải nghiệm người dùng, dường như được thúc đẩy bởi sự kết hợp giữa dư luận và mong muốn ủng hộ Huawei như một nhà vô địch quốc gia. Các nhà phát triển đang phải chịu áp lực rất lớn khi được xem là những người ủng hộ “yêu nước” của HarmonyOS, và họ thường ưu tiên lòng yêu nước này hơn là tập trung vào việc đảm bảo trải nghiệm người dùng được tối ưu.

Phân tích độc quyền của chúng tôi về 28 ứng dụng phổ biến của Trung Quốc cho thấy chỉ có ba ứng dụng đã hoàn tất quá trình thích ứng đầy đủ cho HarmonyOS, trong khi 13 ứng dụng khác phát hành phiên bản demo cốt lõi và 10 ứng dụng còn đang trong giai đoạn phát triển ban đầu. ByteDance, một trong những công ty công nghệ lớn nhất Trung Quốc, đang tụt lại đáng kể, khi không có thông báo chính thức nào về tiến độ trên HarmonyOS dù họ được Huawei xem là đối tác chính.

Áp lực buộc các gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc phải thích ứng với HarmonyOS là rất rõ ràng. Ngay cả trong số những ứng dụng đã phát hành phiên bản Harmony, chức năng cũng thường bị hạn chế. Ví dụ, thử nghiệm phiên bản hiện tại của Douyin (phiên bản TikTok của Trung Quốc) trên điện thoại Huawei Mate60 chạy HarmonyOS Next cho thấy các tính năng thiết yếu như Douyin Mall, chức năng tìm kiếm, và cổng thanh toán vẫn còn thiếu. Tương tự, Taobao chỉ mới phát hành phiên bản demo với quyền truy cập hạn chế và Youku, một công ty con của Alibaba, thì yêu cầu người dùng chuyển sang Alipay để thanh toán thay vì tích hợp với Hệ thống Thanh toán Petal của HarmonyOS như tin đồn trước đây.

Mọi sự chú ý hiện đang đổ dồn vào chiếc điện thoại Huawei đầu tiên được cài đặt sẵn HarmonyOS Next, Mate 70, dự kiến sẽ ra mắt vào khoảng ngày 30/09. Tuy nhiên, các nguồn tin nhận định thời điểm phát hành có thể bị trì hoãn do quá trình điều chỉnh trên toàn ngành chậm hơn dự kiến.

Cũng không nên bỏ qua vai trò của công chúng trong việc thúc đẩy những thích ứng vội vã này. Sau khi Huawei tổ chức Hội nghị Nhà phát triển vào tháng 6, một làn sóng chỉ trích đã nổi lên trên mạng, đặc biệt nhắm vào các công ty như Tencent và ByteDance vì các công ty này bị cho là thiếu cấp bách trong việc thích ứng với HarmonyOS. Dường như là một phần trong nỗ lực lớn hơn nhằm thúc đẩy quá trình thích ứng, làn sóng chỉ trích này đã làm nổi bật một động lực mới trong ngành công nghệ Trung Quốc, nơi mà dư luận – nhiều khả năng đã bị thổi phồng bởi các chiến dịch PR được dàn dựng – có thể ảnh hưởng đáng kể đến quyết định của các công ty.

Nỗi lo mất đi sự ủng hộ của Huawei, công ty có ảnh hưởng đáng kể đến ngành công nghệ Trung Quốc, dường như đang buộc các công ty khác vội vàng phát hành phiên bản demo cho ứng dụng của mình, ngay cả khi chúng chưa hoàn toàn sẵn sàng.

Cộng đồng người hâm mộ nhiệt thành của Huawei đóng vai trò quan trọng trong động thái này. Vì mong muốn thấy HarmonyOS thành công, những người ủng hộ công ty đã lên mạng xã hội để ca ngợi hệ điều hành mới và gây sức ép buộc các công ty khác đẩy nhanh nỗ lực thích ứng của họ.

Theo dữ liệu từ các nền tảng ý kiến dư luận của bên thứ ba, sau hội nghị ngày 21/06, tình cảm tích cực đối với HarmonyOS đã thống trị các cuộc thảo luận trực tuyến. Trong số 27.695 bình luận trên Weibo, 64,4% khen ngợi HarmonyOS vì hiệu suất mượt mà của nó – đây là một con số đáng kể khi HarmonyOS chỉ nắm giữ 17% thị trường Trung Quốc cho đến nay. Tuy nhiên, bản chất hung hăng của một số bình luận đang gây lo ngại. Ví dụ, một lời chỉ trích các chiến thuật tiếp thị của Huawei đã nhận được 99 phản hồi, nhiều trong số đó chứa các cuộc tấn công cá nhân ác ý.

Việc Huawei ra mắt điện thoại gập ba Mate XT, chỉ 13 giờ sau khi Apple ra mắt iPhone 16 vào ngày 10/09, đã minh họa cho tầm ảnh hưởng sâu rộng của Huawei đối với dư luận Trung Quốc. Trên nền tảng mạng xã hội phổ biến Weibo, Huawei chiếm 10 vị trí trong số 31 chủ đề thịnh hành trên toàn quốc ngày hôm đó, so với ba vị trí của iPhone16.

Đối với các nhà phát triển, quá trình chuyển đổi sang HarmonyOS đầy rẫy những thách thức. Chi phí điều chỉnh là một rào cản đáng kể, đặc biệt là đối với các studio phần mềm nhỏ. Các nhà phát triển phải thiết kế lại giao diện và đảm bảo khả năng tương thích trên nhiều thiết bị, bao gồm điện thoại thông minh, máy tính bảng, và đồng hồ thông minh. Điều này tạo ra gánh nặng đáng kể, từ đó làm tăng chi phí phát triển ứng dụng. Đối với nhiều người, quyết định hỗ trợ HarmonyOS không phải vì lợi nhuận tiềm năng trên thị trường mà là vì duy trì mối quan hệ tốt đẹp với Huawei.

Huawei đã công bố mục tiêu đầy tham vọng là tạo ra 5.000 ứng dụng HarmonyOS gốc trong năm 2024, với mục tiêu cuối cùng là 500.000 ứng dụng. Tuy nhiên, dựa trên tốc độ phát triển hiện tại, có vẻ mục tiêu này sẽ không đạt được. Việc vội vã phát hành phiên bản demo có thể giúp Huawei đạt được các mục tiêu ngắn hạn, nhưng lại làm suy yếu khả năng tồn tại lâu dài của hệ sinh thái nếu người dùng chỉ có những trải nghiệm kém chất lượng.

Nỗ lực thúc đẩy HarmonyOS của Huawei không chỉ là tạo ra một giải pháp thay thế cho iOS và Android; mà còn là một động thái chiến lược nhằm đảm bảo các nguồn doanh thu mới. Công ty đang tìm cách bắt chước thành công của Apple trong việc tạo ra thu nhập đáng kể từ hệ sinh thái của mình. Các báo cáo tài chính mới nhất của Apple cho thấy các dịch vụ như phí App Store, còn được gọi là “thuế Apple”, hiện chiếm 28% tổng doanh thu của công ty, nhấn mạnh tiềm năng của các phần mềm trong việc trở thành một nguồn lợi nhuận lớn.

Huawei rõ ràng có ý định tương tự, tận dụng vị thế thống lĩnh của mình trên thị trường Trung Quốc để thiết lập một hệ sinh thái toàn diện, bao gồm không chỉ điện thoại thông minh mà còn nhiều thiết bị khác, từ thiết bị đeo tay đến sản phẩm nhà thông minh, tất cả đều chạy trên HarmonyOS.

Trong lúc Huawei tiếp tục thúc đẩy HarmonyOS, những tác động lớn hơn đối với ngành công nghệ Trung Quốc đang trở nên rõ ràng hơn. Dù sự trỗi dậy nhanh chóng của hệ điều hành này mang đến những cơ hội mới, nó cũng đặt ra những thách thức đáng kể. Các nhà phát triển phải vượt qua áp lực của việc thích ứng nhanh chóng, và sự thành công của HarmonyOS sẽ không chỉ phụ thuộc vào các ưu điểm kỹ thuật của nó mà còn phụ thuộc vào khả năng thích ứng của ngành mà không phải hy sinh khả năng đổi mới hoặc trải nghiệm của người dùng.

Cuộc đua để xây dựng một hệ sinh thái thống trị và khiến mọi người muốn sử dụng nó đang ngày càng trở nên nóng bỏng, những tháng tới sẽ là quãng thời gian để quyết định xem HarmonyOS có thể thực sự cạnh tranh được với các đối thủ toàn cầu hay không.

Vivian Toh là tổng biên tập viên của techtechchina, một công ty khởi nghiệp về tin tức công nghệ của Trung Quốc.

Related posts