Điện lực Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông phát hiện có 20 trạm biến áp bị cắt trộm dây đồng nối hệ thống tiếp địa, tổng chiều dài dây trung tính là 84m.
Ngày 27/9, Công ty Điện lực Đắk Nông cho biết gần một tháng, tỉnh liên tục xảy ra việc cắt trộm dây đồng tiếp địa và dây cáp lực tại nhiều trạm biến áp. Trong đó, TP. Gia nghĩa là nơi xảy ra tình trạng mất cắp thiết bị nhiều nhất.
Riêng ngày 11/9 đến nay, nhiều trạm biến áp thuộc khu vực phường Nghĩa Phú, Nghĩa Trung, Quảng Thành, xã Đắk R’moan và xã Trường Xuân bị cắt trộm dây.
Qua kiểm tra, Điện lực Gia nghĩa đã phát hiện 20 trạm biến áp bị cắt trộm dây nối hệ thống tiếp địa, tổng chiều dài dây trung tính là 84m.
Ông Nguyễn Hữu Trình, Giám đốc Điện lực Gia Nghĩa, cho biết để đảm bảo nguồn điện cung ứng cho khách hàng, Điện lực Gia nghĩa đã thực hiện thay thế bổ sung dây tiếp địa mới cho trạm biến áp, đồng thời báo cơ quan công an.
Theo ông Trình, hành vi cắt dây đồng tiếp địa điện rất nguy hiểm. Trong trường hợp cắt dây đồng tiếp địa thiết bị, trạm biến áp sẽ mất an toàn, không đảm bảo điều kiện kỹ thuật vận hành lưới điện, gây mất điện và mất an toàn cho người và gia súc.
Ðối với điện áp sẽ dao động, khi người dân sử dụng thiết bị thì điện áp sẽ tăng cao, có thể làm cháy thiết bị.
Không chỉ tại Gia Nghĩa, các huyện Đắk Song, Đắk Mil, Đắk R’lấp, Tuy Đức cũng đã phát hiện những trường hợp mất cắp tương tự.
Trong một diễn biến có liên quan, trong thời gian từ tháng 5 đến đầu tháng 7, Công ty Điện lực Kon Tum (PC Kon Tum) liên tục ghi nhận các trường hợp mất trộm dây tiếp địa trạm biến áp tại các huyện Đắk Hà, Đắk Tô và Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum.
Cụ thể, Điện lực Đắk Hà ghi nhận 28 trạm biến áp bị cắt cắt trộm dây; Điện lực Đắk Tô có 1 trạm biến áp; Điện lực Ngọc Hồi có 16 trạm biến áp.
Theo tính toán của PC Kon Tum, tổng chiều dài dây tiếp địa bị mất trộm là gần 220m dây cáp bọc đồng hạ thế M35 và 50m cáp lực hạ thế CV95mm.
Minh Long
Để cấp dưới chiếm đoạt hơn 3,5 tỷ đồng, cựu Trưởng Phòng CSGT Hà Tĩnh bị tuyên án
Cựu Trưởng Phòng CSGT Công an tỉnh Hà Tĩnh, ông Lưu Văn Tiến bị cáo buộc thiếu trách nhiệm, không kiểm tra, để cấp dưới chiếm đoạt hơn 3,5 tỷ đồng.
Truyền thông Nhà nước đưa tin chiều 26/9, TAND tỉnh Hà Tĩnh tuyên án đối với ông Lưu Văn Tiến (trú huyện Cẩm Xuyên) về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Theo cáo trạng được truyền thông trích dẫn, ông Tiến làm việc tại Phòng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh Hà Tĩnh) từ năm 1992. Ông này đảm nhiệm chức Trưởng phòng từ tháng 12/2015 đến tháng 11/2019.
Ông Tiến bị cáo buộc trong thời gian này đã không thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ được giao; không kiểm tra, đôn đốc ông Lê Hữu Nghĩa (Đội phó Tổng hợp – phụ trách kế toán) nộp tiền lệ phí cấp giấy đăng ký và biển số phương tiện giao thông cơ giới đường bộ về Phòng Hậu cần để nộp vào kho bạc và khai thuế theo quy định.
Nhà chức trách cho rằng sự thiếu trách nhiệm của ông Tiến dẫn đến việc ông Nghĩa giữ lại 280 cuốn biên lai thu lệ phí đăng ký đã sử dụng và chiếm đoạt hơn 3,5 tỷ đồng tiền thu lệ phí trong vòng 4 năm, từ tháng 1/2016 đến tháng 11/2019. Số tiền này ông Nghĩa đã sử dụng vào mục đích cá nhân.
Ngày 27/7/2023, ông Nghĩa bị công an bắt tạm giam về hành vi “Tham ô tài sản”. Ngày 17/9/2023, ông Nghĩa đã tử vong tại nhà tạm giữ Công an huyện Thạch Hà, nguyên nhân được cho biết là do treo cổ.
Tháng 11/2023, ông Tiến bị khởi tố và cấm đi khỏi nơi cư trú.
Theo HĐXX, bị cáo Tiến được hưởng tình tiết giảm nhẹ do thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, đã tự nguyện nộp hơn một tỷ đồng để khắc phục một phần hậu quả. Trong quá trình công tác, bị cáo được tặng nhiều bằng khen, huy chương…
Kết thúc phiên tòa, HĐXX tuyên phạt bị cáo Tiến 30 tháng cải tạo không giam giữ.
Bảo Khánh
ADB viện trợ 2 triệu USD cho người dân Việt Nam bị thiệt hại bởi bão Yagi
Khoản viện trợ trị giá 2 triệu USD của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) nhằm hỗ trợ các nỗ lực ứng phó của Chính phủ nhằm cung cấp cứu trợ nhân đạo ngay lập tức trước thiệt hại do bão Yagi.
Ngày 27/9, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho biết đã chính thức phê duyệt khoản viện trợ trị giá 2 triệu USD nhằm hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong việc cung cấp các dịch vụ cứu trợ khẩn cấp cho những người dân bị ảnh hưởng bởi cơn bão Yagi.
Khoản viện trợ được cấp vốn từ Quỹ Ứng phó thiên tai châu Á – Thái Bình Dương, được thiết kế để cung cấp hỗ trợ cho các quốc gia thành viên đang phát triển của ADB bị ảnh hưởng bởi các thảm họa lớn do thiên tai.
Ông Shantanu Chakraborty – Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam cho hay: “Khoản viện trợ của ADB sẽ hỗ trợ các nỗ lực ứng phó rộng hơn của Chính phủ nhằm cung cấp cứu trợ nhân đạo ngay lập tức. ADB cũng cam kết hợp tác với Chính phủ trong công cuộc phục hồi sau thảm họa ở các tỉnh bị ảnh hưởng để xây dựng lại tốt hơn và cải thiện khả năng chống chịu, điều này rất quan trọng bối cảnh thiên tai đang gia tăng.”, theo TTXVN.
Bão Yagi được Việt Nam nhận định là cơn bão mạnh nhất trong vòng 30 năm qua trên khu vực Biển Đông, theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia. Chỉ trong 24 giờ, cường độ bão tăng 8 cấp và duy trì cấp siêu bão trong thời gian dài, sau khi đổ bộ vào phía Đông của đảo Hải Nam (Trung Quốc) và các tỉnh thành Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương (Việt Nam). Ngoài ra, mức độ giảm cấp trên đường đi của bão không theo quy luật thông thường.
Bão Yagi và hoàn lưu sau bão gây thiệt hại nặng nề tại 26 tỉnh, thành phía Bắc Việt Nam.
Theo Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai (Bộ NN-PTNT), tính đến ngày 24/9, đã có 337 người thiệt mạng và mất tích, 1.935 người bị thương do sức tàn phá của bão, lũ lụt và sạt lở đất sau đó
Tổng cộng khoảng 37 triệu người bị ảnh hưởng. Thiệt hại kinh tế theo ước tính ban đầu trên 50.000 tỷ đồng (hơn 2 tỷ USD), dự báo có thể giảm tốc độ tăng trưởng GDP năm 2024 khoảng 0,15%.
Nguyễn Sơn