Thượng Hải phát phiếu tiêu dùng tổng trị giá 500 triệu tệ, cư dân mạng không đón nhận

Thượng Hải vào tháng 5/2024. (Ảnh minh họa: Shutterstock)

Kỳ nghỉ lễ “Quốc khánh” của Trung Quốc đang đến gần. Chính quyền thành phố Thượng Hải thông báo sẽ phát hành phiếu tiêu dùng tổng trị giá 500 triệu nhân dân tệ (khoảng 71,22 triệu USD) bắt đầu từ thứ Bảy (28/9) để kích thích ngành dịch vụ. Bởi vì có những hạn chế/điều kiện trong việc sử dụng phiếu tiêu dùng, chẳng hạn như “giảm giá có hạn”, “đến trước được phục vụ trước”, v.v., nên đã bị đông đảo cư dân mạng chỉ trích đây là động thái không có thành ý.

Các học giả tin rằng phiếu tiêu dùng dành cho người tiêu dùng ở Thượng Hải có bản chất tương tự như “phiếu giảm giá”. Chúng không được phân phối rộng rãi lại còn đặt ra ngưỡng tiêu dùng, nên lợi ích có thể bị hạn chế.

Nền kinh tế Trung Quốc trì trệ và mức tiêu dùng của người dân nhìn chung đã bị hạ cấp, ngay cả ở các thành phố hạng nhất cũng không ngoại lệ. Chính quyền thành phố Thượng Hải đã đi đầu trong thông báo hôm thứ Tư (25/9) rằng họ sẽ đầu tư 500 triệu nhân dân tệ vào quỹ thành phố để phát hành phiếu giảm giá tiêu dùng “Le – Shanghai” cho 4 khu vực dịch vụ chính. Trong số đó, số tiền được phân bổ là 3.600 tỷ nhân dân tệ cho ngành ăn uống, 90 triệu nhân dân tệ cho ngành lưu trú, 30 triệu nhân dân tệ cho ngành điện ảnh và 20 triệu nhân dân tệ cho các hoạt động thể thao. Lô phiếu đầu tiên có thể được nhận bắt đầu từ Thứ Bảy tuần này.

Tuy nhiên, phiếu giảm giá chỉ áp dụng khi tiêu dùng ở mức quy định, chẳng hạn như giảm giá 50 nhân dân tệ khi mua đồ ăn từ 300 nhân dân tệ trở lên, và giảm giá 300 nhân dân tệ khi sử dụng dịch vụ lưu trú từ 1.200 nhân dân tệ trở lên, giống như giảm giá “nhân dịp kỷ niệm tròn năm của cửa hàng bách hóa”. Theo tờ “Nhật báo Giải phóng” tại Trung Quốc đưa tin hôm 26/9, bốn loại phiếu tiêu dùng sẽ được phát hành theo hai giai đoạn, trên cơ sở “đến trước được trước”, và sẽ được phát hành thông qua 4 nền tảng thanh toán và bán vé khác nhau.

Việc “Taobao hóa” phiếu tiêu dùng gây xôn xao dư luận Thượng Hải

Đối với các biện pháp có lợi này, nhiều người dân Thượng Hải lại không mấy lạc quan. Cô Dương, một cư dân Thượng Hải không muốn nêu tên, đã nói trong cuộc phỏng vấn với Đài Á Châu Tự Do (RFA) rằng chính quyền Thượng Hải “Dùng Taobao quen quá rồi, bây giờ liền áp dụng vào thực tế, quá buồn cười, một chút thành ý cũng không có, không thể nào thúc đẩy tiêu dùng được.”

Cô cũng lo lắng rằng chính quyền Thượng Hải đang sử dụng tiền của người nộp thuế để trá hình trợ cấp cho các doanh nghiệp.

Những nghi ngờ cũng xuất hiện trên mạng xã hội Weibo ở Trung Quốc.

Cư dân mạng Thượng Hải “happymiracle09” đã đăng một bài báo chỉ trích chính quyền vì “nếu không muốn thì đừng phát ra, vừa muốn kích thích người dân tiêu dùng, lại vừa không muốn bơm tiền”.

Một cư dân mạng Thượng Hải khác “idsmamdad童装” cũng phàn nàn rằng tiền mặt dễ dùng hơn phiếu giảm giá tiêu dùng. Cư dân mạng này viết: “Phát tiền đi ! Ông anh, chứ chỉ luôn muốn bỏ ra ít nhất để nhận được nhiều nhất, coi người ta là kẻ ngốc ư.”

Cư dân mạng Thượng Hải “豌豆多多哦” đặt câu hỏi về “thiện chí” của chính quyền Thượng Hải trong việc phát hành phiếu tiêu dùng, cô viết: “Tại sao mỗi lần phân phát lại cứ che che giấu giấu như vậy, nói cho bạn biết trợ cấp, nhưng không cho bạn biết đi nhận ở đâu?”

Ngay cả người dân ở các tỉnh, thành khác cũng không vừa mắt với chính sách mang lại lợi ích cho người dân của chính quyền thành phố Thượng Hải.

Một người dùng Weibo tại Quảng Đông có tên “比叡咖哩改三” viết: “Chính quyền địa phương (Thượng Hải) đã tự mình làm điều đó. Họ muốn kích thích tiêu dùng nhưng không có nhiều tiền, sợ đắc tội địa phương khác và trung ương.”

Người dân nên nâng cao khả năng tiêu dùng hơn là tăng tiêu dùng

Ông Ngô Sắt Chí (Wu Se-chih), giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc, một tổ chức nghiên cứu ở Đài Bắc, Đài Loan, cho biết việc Thượng Hải phát hành “phiếu giảm giá” dành cho người tiêu dùng nhằm mục đích thúc đẩy sự thịnh vượng của các lĩnh vực cụ thể thông qua tiêu dùng có mục tiêu, nhưng lợi ích có thể cực kỳ hạn chế vì theo mô hình giới hạn “ai đến trước thì được trước” thay vì phân phối phổ biến, chính là nhắm đến những người có khả năng chi tiêu để đạt được hiệu suất kỹ thuật số ngay lập tức. Điều này phù hợp với quán tính hoạt động ngắn hạn dưới sự cai trị của ĐCSTQ. Tuy nhiên, một khi ngưỡng tiêu thụ được đặt ra, sự tiếp nhận của công chúng có thể không cao.

Ngoài ra, ông nói rằng mức tiêu dùng ở Thượng Hải gắn liền với phong cách sống và ngành giải trí, và mô hình thanh toán phải là: Người dân tiêu dùng trước, các cửa hàng giảm giá, sau đó sử dụng phiếu giảm giá để nhận trợ cấp từ chính phủ, nhưng lại có chỗ cho những hành vi gian dối, các cửa hàng vô đạo đức có thể tăng giá một cách trá hình, sau đó thực hiện giảm giá để duy trì lợi nhuận cao hơn. Nếu tình huống như vậy xảy ra, người tiêu dùng sẽ bị lợi dụng và cuối cùng sẽ không được hưởng bất kỳ lợi ích thực sự nào. Cũng không chắc liệu cửa hàng cung cấp chương trình giảm giá cuối cùng có nhận được trợ cấp từ chính phủ hay không.

Ông Ngô Sắt Chí nói với VOA rằng: “Người dân hiện không hề muốn tăng tiêu dùng, mà là muốn nâng cao khả năng tiêu dùng, đây hoàn toàn là khái niệm khác. Chính sách ‘phiếu tiêu dùng’ e là giống như hòn đá, ném nó xuống nước và không có bất cứ hiệu quả nào. Các vấn đề cơ cấu hiện tại của Trung Quốc rất nghiêm trọng, không thể chỉ dùng tiêu dùng để giải quyết vấn đề tiêu dùng.”

Ông Ngô Cầm Sắt nói rằng Thượng Hải là thành phố quốc tế của Trung Quốc và cũng đã phát triển nhiều ngành nghề hàng đầu. Do đó, nếu ngay cả Thượng Hải cũng phải dựa vào việc phát hành phiếu giảm giá tiêu dùng để kích thích nền kinh tế, điều này nhấn mạnh rằng vị thế dẫn đầu kinh tế Trung Quốc của Thượng Hải đã bị lung lay. cũng có nghĩa là sự thịnh vượng của các thành phố khác của Trung Quốc có thể còn tồi tệ hơn.

Phiếu tiêu dùng thúc đẩy tiêu dùng, nhưng hiệu quả chỉ “sớm nở tối tàn”

Thượng Hải đã từng phát hành phiếu tiêu dùng với tổng trị giá 1 tỷ nhân dân tệ vào đầu tháng 8/2022. Vào thời điểm đó, do lệnh phong tỏa vì dịch bệnh ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế, chính quyền thành phố Thượng Hải đã phát hành phiếu tiêu dùng điện tử thông qua “đăng ký trực tuyến và quay số” để thúc đẩy tiêu dùng.

Về biện pháp phiếu tiêu dùng này, ông Lại Vinh Vĩ, trợ lý giáo sư tại Đại học Khoa học và Công nghệ Long Hoa ở Đào Viên, phía bắc Đài Loan, tin rằng động thái này của chính quyền Thượng Hải chỉ có thể thúc đẩy tiêu dùng ngắn hạn và không thể đảo ngược sự suy giảm cơ cấu dài hạn của nền kinh tế Trung Quốc.

Ông cho rằng phiếu tiêu dùng ở Thượng Hải có nhiều hạn chế, hiệu quả giống như phiếu giảm giá dùng cho “kỷ niệm tròn năm của cửa hàng bách hóa” với sức hấp dẫn hạn chế. Hơn nữa, người tiêu dùng Trung Quốc đang tiết kiệm nhiều hơn và chi tiêu ít hơn, điều đầu tiên cần cắt giảm là những hoạt động giải trí không cần thiết, do đó, sẽ chỉ có một số ít người sẵn sàng chi thêm 250 nhân dân tệ để được giảm giá 50 nhân dân tệ.

Ông Lại Vinh Vĩ nói với VOA: “Sau khi sử dụng hết phiếu tiêu dùng, người ta sẽ không tiêu dùng. Cho nên tác dụng của nó chỉ tồn tại trong thời gian ngắn. Nó chỉ là sự ‘hồi xuân’ tạm thời, chữa trị triệu chứng chứ không chữa tận gốc”.

Việc Thượng Hải phát hành phiếu tiêu dùng có thể nhằm mục đích cho thấy rằng nền kinh tế Trung Quốc không bi quan như thế giới bên ngoài đã đánh giá. Tuy nhiên, ông Lại Vinh Vĩ tin rằng động thái của chính quyền Thượng Hải thay vào đó đã bộc lộ mức độ nghiêm trọng của nền kinh tế Trung Quốc, giống như chính quyền các cấp, họ đã “không còn trốn tránh” mà bắt đầu tích cực cứu nền kinh tế.

Tuy nhiên, ông cho rằng phiếu tiêu dùng Thượng Hải chỉ là chính sách kích cầu ngắn hạn nhằm hưởng ứng “kỳ nghỉ lễ Quốc khánh” và chỉ được phát hành tại một thành phố duy nhất ở Thượng Hải nên không thể thúc đẩy tiêu dùng nhiều.

Theo Lâm Nãi Quyên, VOA

Related posts