Thừa Thiên – Huế: 4 cán bộ, đăng kiểm viên bị bắt với cáo buộc nhận hối lộ

Đăng kiểm viên Ngô Văn Tuấn lúc bị bắt. (Ảnh: congan.thuathienhue.gov.vn)

4 cán bộ, đăng kiểm viên thuộc Chi cục Thủy sản tỉnh Thừa Thiên – Huế bị cáo buộc thông đồng với các đơn vị cấp chứng thư giám định máy tàu, cơ sở thi công cải hoán tàu cá rồi nhận tiền của các ngư dân.

Ngày 3/10, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết vừa ra quyết định khởi tố vụ án hình sự “Nhận hối lộ” xảy ra tại Chi cục Thủy sản tỉnh Thừa Thiên – Huế giai đoạn 2019 -2022. Đồng thời công an khởi tố bị can 5 người để điều tra về hành vi “Nhận hối lộ” theo khoản 2, điều 354 Bộ luật Hình sự 2015.

Trong đó, 4 người gồm bị tạm giam gồm:

– Nguyễn Văn Bôn (SN 1976, trú tại phường Gia Hội, TP. Huế) -đăng kiểm viên, Trưởng phòng tàu cá;
– Trần Chuối (SN 1977, trú tại phường Kim Long, TP. Huế) – đăng kiểm viên;
– Ngô Văn Tuấn (SN 1988, trú tại xã Lộc Sơn, huyện Phú Lộc);
– Phạm Bá Hiếu (SN 1955, trú tại phường Phú Hậu, TP. Huế) – Nguyên Giám đốc Công ty tàu thuyền An Thuận, Thuận An, TP. Huế).

Bạn đang sao chép nội dung của Trí Thức VN. Nếu là cá nhân sử dụng, vui lòng ghi rõ nguồn trithucvn.co. Nếu là website, kênh truyền thông, vui lòng chỉ sử dụng nội dung khi có sự cho phép của Trí Thức VN.

Riêng Nguyễn Hải Thụy (SN 1979, trú tại phường Thủy Vân, TP. Huế) – đăng kiểm viên, Trưởng phòng thanh tra – kiểm ngư bị cấm đi khỏi nơi cư trú.

Theo thông tin ban đầu của cơ quan công an, Chi cục Thủy sản tỉnh Thừa Thiên – Huế là cơ quan Nhà nước. Cơ quan này có chức năng kiểm tra an toàn kỹ thuật tàu cá để cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật, đăng kiểm tàu cá ở tỉnh Thừa Thiên – Huế.

Các đăng kiểm viên thuộc Chi cục Thủy sản tỉnh bị cáo buộc đã móc nối, thông đồng và câu kết với các đơn vị cấp chứng thư giám định máy tàu, cơ sở thi công cải hoán tàu cá rồi nhận tiền của các ngư dân và thực hiện việc hợp thức hóa hồ sơ cải hoán tàu cá nhằm nâng công suất máy tàu không đúng quy định.

Ngày 26/9, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, môi trường Công an tỉnh Thừa Thiên – Huế đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với 4 người và cấm đi khỏi nơi cư trú một đối tượng để điều tra hành vi “Nhận hối lộ” theo khoản 2, Điều 354 Bộ luật hình sự.

Ngày 1/10, cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thừa Thiên – Huế đã thi hành các quyết định trên đồng thời khám xét nơi ở và nơi làm việc của 5 bị can để thu thập tài liệu chứng cứ và tài sản tham nhũng để điều tra.

Bảo Khánh

Đề xuất xây cảng tàu khách quốc tế Nhà Rồng – Khánh Hội hơn 600 tỷ đồng

Phối cảnh dự án Cảng Nhà Rồng – Khánh Hội. (Ảnh: saigonport.vn)

Cảng Nhà Rồng – Khánh Hội có vị trí đắc địa khi nằm ngay trung tâm TP.HCM, sát bến Bạch Đằng, đối diện là Khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Công ty Cổ phần Cảng Sài Gòn (đơn vị quản lý, khai thác cảng Nhà Rồng – Khánh Hội, quận 4, TP.HCM) vừa có đề xuất chủ trương đầu tư dự án cảng tàu khách quốc tế Nhà Rồng – Khánh Hội.

Theo đề xuất, dự án cảng tàu khách quốc tế Nhà Rồng – Khánh Hội được đề xuất xây dựng trên diện tích 68.618 m2, bao gồm khu 3 và một phần cầu K10 kéo dài tới đường Nguyễn Tất Thành, quận 4, TP.HCM.

Mục tiêu của dự án là xây dựng một bến cảng đủ khả năng tiếp nhận tàu du lịch quốc tế, với sức chứa lên tới 1.000 hành khách, cùng với các dịch vụ neo đậu du thuyền.

Dự án còn hướng tới việc xây dựng các khu phức hợp phục vụ quản lý khai thác, quảng trường, bến xe buýt và bãi đỗ xe phà.

Dự kiến, dự án có tổng mức đầu tư 624,9 tỷ đồng. Cảng Sài Gòn đặt kế hoạch hoàn thành dự án trong khoảng thời gian từ năm 2025 đến 2027, với cơ cấu tài chính bao gồm 30% vốn tự có và 70% vốn vay từ các ngân hàng thương mại và các nguồn vốn hợp pháp khác.

Ông Nguyễn Lê Chơn Tâm, Tổng giám đốc Cảng Sài Gòn, cho rằng với đề xuất này, Cảng Sài Gòn đặt tâm huyết gìn giữ di sản hơn 160 năm của mình, đồng thời phát triển trung tâm phục vụ khách du lịch tàu biển trong và ngoài nước, góp phần vào kinh tế du lịch của TP.HCM nói riêng và khu vực phía Nam nói chung.

Cảng Nhà Rồng – Khánh Hội có vị trí đắc địa khi nằm ngay trung tâm TP.HCM, sát bến Bạch Đằng, đối diện là Khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Cảng Nhà Rồng – Khánh Hội hiện nay đã đón tiếp nhiều tàu du lịch quốc tế có trọng tải lớn, như tàu Seabourn Encore dài 210m và hơn 1000 hành khách, Azamara Onward với 400 thuyền viên và hơn 600 hành khách, và tàu Silversea Cruises với 290 thuyền viên và 300 hành khách.

Theo quy hoạch hành khách đường biển đến cảng biển TP.HCM giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, dự kiến có khoảng 101.500 hành khách sẽ đến cảng khu vực sông Sài Gòn, trong đó có 81.200 khách quốc tế.

Dự án Cảng Nhà Rồng – Khánh Hội không chỉ phục vụ khách quốc tế mà còn hướng tới khai thác dịch vụ vận tải nội địa, đặc biệt là các tuyến du lịch ven sông và tàu cao tốc kết nối với Vũng Tàu, Côn Đảo.

Minh Long

Related posts