Đặng Thế Phong nhạc sĩ tài hoa đoản mệnh (1918-1942)

Tám Vạn

Sau khi thân phụ qua đời, gia đình lâm vào cảnh túng quẫn, nhạc sĩ Ðặng Thế Phong phải bỏ dở chuyện học hành và lên Hà-Nội tìm phương kế mưu sinh. Ông làm họa sĩ cho tờ báo “Học sinh” và tham gia khóa học “dự thính” tại trường Cao đẳng Mỹ thuật Ðông Dương. Thời gian học ở đây, có giai thoại về ông như sau: Trong một kỳ thi, Ðặng Thế Phong vẽ bức tranh cảnh một thân cây cụt, vị giáo sư người Pháp nhìn bức tranh một thân cây trơ trụi không vươn cành, trổ lá và nói “tranh vẽ rất đẹp nhưng em Ðặng Thế Phong sẽ không thọ được lâu”! Câu nói ấy như vận vào cuộc đời người thanh niên trẻ tuổi trước một tương lai nhiều thử thách.

Trong những buổi sinh hoạt Hướng Ðạo, các ca khúc tươi trẻ như “Sáng trong rừng”, “Sáng trăng” v.v. đã được viết lên từ trái tim lâng lâng của người nhạc sĩ trẻ tuổi, giàu nghị lực và ưa thích lang bạt kỳ hồ. Bài hát “Ðêm thu” cũng ra đời từ đấy. Ông đã trải lòng mình trước khung cảnh đêm mùa thu vắng vẻ, lắng nghe từng tiếng côn trùng rả rích và ngắm nghía những ánh sao lung linh trong trời đất. Vườn trăng loang ánh bạc “nhẹ nhàng say gió lay” làm ngất ngây, xao xuyến những cánh hoa đêm …

“Làn gió lướt tới cuốn đưa hồn ta phiêu diêu theo mây trắng trôi lờ lững

Ngàn muôn tiếng réo rắt côn trùng như than như van mơ hồ theo gió lan

Trăng xuống dần, cỏ cây thêm âm thầm”

Hoàn cảnh đẩy đưa, ông đã có lần dừng chân nơi xứ Chùa Tháp và mở lớp dạy nhạc ở đó. Cuộc sống rày đây mai đó đã không phác họa được một tương lai rực rỡ. May mắn thay, cung đàn phím nhạc đã ít nhiều giúp ông tạm quên đi nẻo đời cơ cực, đói cơm thiếu áo. Nửa năm sau, bước chân phiêu linh lại trở về chốn cũ. Ông độ nhật bằng nhiều nghề như viết báo, vẽ tranh, làm nhạc công, ca sĩ.

Lần dạo thuyền trên sông Thương cùng các bạn, và hay tin người yêu đau nặng, ông đã vẽ nên một bức tranh buồn bã từ những phím nhạc bâng khuâng. Cái kiếp con người bao đời vẫn gian lao như con thuyền trôi không định hướng giữa đêm trăng qua nhạc phẩm “Con thuyền không bến”. Năm đó, ông đã giới thiệu bài hát này tại rạp hát lớn Hà-Nội cùng với tiếng hát của mình …

“Lướt theo chiều gió

Một con thuyền theo trăng trong

Trôi trên sông Thương

Nước chảy đôi dòng biết đâu bờ bến

Thuyền ơi thuyền trôi nơi đâu”

Cuộc sống mưu sinh vất vả đã làm ông mệt mỏi và mang thêm chứng bệnh nan y. Ông lìa bỏ cuộc đời này trong vòng tay người yêu thủy chung và duy nhất sau khi đã để lại cho đời một nhạc khúc sau cùng, “Vạn cổ sầu” tức “Giọt mưa thu” vào mùa thu năm 1942 …

“Người mong mây tan cho gió hiu hiu lạnh

Mây ngỏ trời xanh

Chắc gì vui, mưa còn rơi

Bao kiếp sầu ta nguôi”

Mây không tan và mưa vẫn rơi hoài như đeo đẳng một mảnh đời bất hạnh. Ðặng Thế Phong là một trong những nhạc sĩ tiên phong và hiếm, quý của dòng nhạc tiền chiến lãng mạn. Cuộc sống ngắn ngủi, chỉ vỏn vẹn với 24 mùa xuân cơ cực trong đời và dăm ba bài hát buồn tê tái nhưng ông đã ảnh hưởng nhiều đến những thế hệ âm nhạc sau này. Những ca khúc mùa thu của nhạc sĩ Văn Cao, Ðoàn Chuẩn, Hoàng Dương, v.v. là những bước tiếp nối của mùa thu sầu vạn cổ trong cõi nhạc Ðặng Thế Phong. Ðông tàn, Xuân khuất, Hạ mãn, Thu sang khiến cho đất trời bâng khuâng, mây xám xây thành, lá xanh trên cành đổi sang màu vàng úa và rụng rơi đầy những lối ngõ, đường thuôn. Ai lại không thấy buồn khi chứng kiến cảnh trời đất giao mùa, thấm thía kiếp người hữu hạn và bóng thời gian cứ hun hút. Mấy mươi năm sau, những bài hát mùa thu của ông vẫn đẹp như tương tư khung trời mùa thu đất Bắc, có gió heo may lành lạnh với sương thu nhè nhẹ rơi và những áng mây trôi bàng bạc.

Related posts