An Chi
Một cựu giảng viên Trường Đảng Trung ương Trung Quốc cho biết, một trong những lý do ông Tập Cận Bình sẽ hủy bỏ lễ diễu binh là do sức khỏe của ông.
Hôm 30/9, chính quyền Trung Quốc đã khai mạc chuỗi hoạt động kỷ niệm 75 năm Quốc Khánh.
Tuy nhiên, lễ diễu binh được đồn đại trước đó không diễn ra. Lễ kỷ niệm nay nay có vẻ khá khiêm tốn. Sự sắp xếp chỗ ngồi cho các bô lão trong ĐCSTQ tại sự kiện cũng khác với những lần trước.
Về vấn đề này, bà Thái Hà (蔡霞), cựu giảng viên tại Trường Đảng Trung ương Trung Quốc, cho biết trong một chương trình phỏng vấn rằng, một trong những lý do ông Tập Cận Bình hủy bỏ lễ diễu binh là do sức khỏe của ông.
Bà Thái cho rằng có 3 lý do khiến lễ diễu binh bị huỷ.
Thứ nhất là sức khỏe của ông Tập có thể không cho phép ông xuất hiện.
Thứ hai, ông Tập đã cân nhắc đến vấn đề an ninh. Một lý do khác là vấn đề kinh tế của Trung Quốc.
Bà Thái chỉ ra rằng chính quyền Trung Quốc đã sử dụng mọi biện pháp để kích thích kinh tế và thị trường chứng khoán trước ngày 11 tháng 10, với mục đích tạo ra một bầu không khí lễ hội trước dịp Quốc Khánh, “để ổn định lòng dân, tránh xảy ra các vấn đề nghiêm trọng trong dịp lễ”.
Cựu giảng viên trường Đảng trung ương Trung Quốc nói rằng, lễ kỷ niệm Ngày Quốc khánh Trung Quốc năm nay giống như một “dịp vui” của người dân Trung Quốc.
Bà nói: “Lần này, tôi cảm thấy ngân hàng trung ương đã bơm tiền mạnh tay, đột ngột triệu tập cuộc họp Bộ Chính trị nhằm thúc đẩy kích thích kinh tế.
Còn có lễ hội biểu dương đoàn kết dân tộc trên toàn quốc và lễ trao huy chương, điều mà trong các năm trước đây không hề có, ngay cả vào dịp kỷ niệm ngày thành lập ĐCSTQ, cũng không có.
Năm nay, họ đã làm tất cả những điều này. Thực ra, họ chỉ muốn người dân thấy vui để không bị phản kháng. Bằng những cách này, ĐCSTQ có thể duy trì được bao lâu, chúng ta hãy cùng chờ xem”.
Ngoài ra, việc sắp xếp chỗ ngồi cho các khách mời và các bô lão trong ĐCSTQ cũng là vấn đề gây chú ý.
Ngoài 7 Ủy viên Thường vụ hiện tại của ĐCSTQ, còn có 15 cựu lãnh đạo cấp trung ương đã nghỉ hưu tham dự buổi khai mạc các hoạt động mừng Quốc khánh, được tổ chức tối 30/9 tại Bắc Kinh.
Trong số đó có cựu Chủ tịch Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc Lý Thuỵ Hoàn (李瑞环), cựu Thủ tướng Quốc vụ viện Ôn Gia Bảo, và một số người khác.
Tuy nhiên, 5 người gồm cựu Tổng Bí thư ĐCSTQ Hồ Cẩm Đào (胡锦涛), cựu Thủ tướng Quốc vụ viện Chu Dung Cơ (朱镕基), cựu Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội Ngô Bang Quốc (吴邦国), lão thành Đảng Tống Bình (宋平), và cựu Bí thư Ủy ban Chính pháp Trung ương La Cán (罗干) không tham dự.
Trong số đó, ông Lý Thuỵ Hoàn và ông Ôn Gia Bảo ngồi hai bên ông Tập Cận Bình. Tại buổi tiệc, ông Tập cũng thường xuyên trò chuyện với 2 nhân vật này.
Cựu Phó thủ tướng Trung Quốc Vương Kỳ Sơn (王岐山), người đã lâu không xuất hiện trước công chúng, cũng tham dự buổi lễ. 王岐山
Về vấn đề này, nhà bình luận chính trị lưu vong tại Mỹ, Trần Phá Không, (陈破空) cho rằng, sự xuất hiện của các lão thành chính trị trong các hoạt động kỷ niệm 75 năm ĐCSTQ lên cầm quyền lần này, cùng với việc các phương tiện truyền thông Đảng lần lượt công bố tên tuổi của họ, là có lý do, trong đó “lý do lớn nhất là khủng hoảng của ĐCSTQ đang ở mức chưa từng có.
Bề ngoài là để thể hiện sự đoàn kết của Đảng, nhưng chủ yếu là do khủng hoảng, bao gồm khủng hoảng kinh tế và khủng hoảng chính trị.
Cựu Giám đốc Văn phòng Pháp luật Chính phủ Nội Mông của Trung Quốc, Đỗ Văn (杜文), đã đăng bài phân tích, cho biết:
“Ông Tập Cận Bình sắp xếp mọi thứ quá công phu như vậy, rõ ràng là nhằm truyền đạt thông điệp về sự đoàn kết giữa các lãnh đạo cũ và mới của hệ thống ĐCSTQ ra thế giới bên ngoài.
Tuy nhiên, trong một thời điểm mang tính biểu tượng sâu sắc như vậy, nhiều nhân vật quan trọng lại không xuất hiện, thật sự cho thấy màn phô diễn quá lộ liễu. Điều đáng chú ý nhất là, tại sự kiện quan trọng như vậy lại không thấy bóng dáng của cựu Tổng Bí thư Hồ Cẩm Đào.
Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng lý do ông Hồ Cẩm Đào, Chu Dung Cơ và Tống Bình không tham dự là do tình trạng sức khỏe không cho phép”.
Giáo sư Chương Thiên Lượng (章天亮), tại Học viện nghệ thuật Phi Thiên, cho biết: “Cựu Thủ tướng Chu Dung Cơ đã im hơi lặng tiếng hơn ba năm, vì vậy sức khỏe của ông chắc chắn đã gặp vấn đề lớn“.
Giáo sư Chương nói thêm rằng: “Đối với ông Hồ Cẩm Đào, tôi nghĩ sức khỏe của ông chắc chắn cũng không tốt”.
Ông Chương chỉ ra rằng, vào tháng 1 năm nay, sau gần 6 năm im hơi lặng tiếng, con trai của ông Hồ Cẩm Đào là Hồ Hải Phong đã được điều về Bắc Kinh và được thăng chức thành Thứ trưởng Bộ Nội vụ.
Theo giáo sư Chương, có thể đây là vì “sức khỏe của Hồ Cẩm Đào không tốt, nên ông Tập làm vậy để an ủi ông hồ, trước khi ông Hồ nhắm mắt xuôi tay”.
Còn về lão thành Đảng, Tống Bình, giáo sư Chương Thiên Lượng cho rằng, ông đã hơn 100 tuổi, chắc chắn cũng vì lý do sức khỏe mà không thể tham dự.
Đối với việc ông Ôn Gia Bảo và Lý Thuỵ Hoàn ngồi hai bên ông Tập Cận Bình, giáo sư Chương nhận định, có thể ông Tập cố ý làm như vậy để truyền đạt một “tín hiệu về cải cách và mở cửa” ra bên ngoài.
Trong giai đoạn đầu cầm quyền, ông Tập đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ ông Ôn Gia Bảo, đặc biệt là trong vấn đề Cựu bộ trưởng thương mại Bạc Hy Lai (薄熙来).
Trong cuộc họp báo cuối cùng, ông Ôn Gia Bảo cũng đã phát biểu:
“Sau khi phá tan “bè lũ bốn tên, ĐCSTQ đã đưa ra các nghị quyết về một số vấn đề lịch sử của Đảng từ khi thành lập, quyết định thực hiện cải cách và mở cửa, nhưng di chứng của những sai lầm trong Cách mạng Văn hóa vẫn chưa được loại bỏ hoàn toàn.
Bây giờ đã đến giai đoạn quyết định của cải cách, cần phải có cải cách hệ thống chính trị để bảo đảm sự thành công của cải cách hệ thống kinh tế.
Nếu không thực hiện cải cách hệ thống chính trị, những thành quả đã đạt được từ cải cách và xây dựng có thể sẽ bị mất đi, và các vấn đề mới phát sinh trong xã hội cũng sẽ không thể được giải quyết từ gốc rễ”.
Từ những phát biểu này, ông Ôn Gia Bảo dường như là một người theo chủ nghĩa cải cách, thậm chí còn quyết liệt hơn cả ông Đặng Tiểu Bình, theo báo Sound of Hope.
Còn ông Lý Thuỵ Hoàn đã gia nhập Bộ Chính trị sau vụ thảm sát Thiên An Môn năm 1989.
Có tin đồn cho rằng vào thời điểm đó, ông Đặng Tiểu Bình không hài lòng với ông Giang Trạch Dân và có ý định thay thế Giang bằng ông Lý, cho thấy ông Đặng Tiểu Bình rất hài lòng với ông Lý Thuỵ Hoàn.
Vậy thì việc ông Tập Cận Bình kéo hai người này về gần mình có liên quan rất lớn đến việc ông hiện đang thực hiện một cú đảo ngược 180 độ về kinh tế.
Bởi vì ông Tập biết rằng kinh tế hiện không khả quan, nên ông đã khẩn trương, rầm rộ phát động nhiều chính sách kích thích kinh tế.
Giáo sư Chương Thiên Lượng giải thích: “Lý do ông Tập làm như vậy chỉ có một, đó là ông biết rằng vấn đề kinh tế đã liên quan đến vận mệnh của ĐCSTQ, cũng như vấn đề quyền lực cá nhân của ông.
Nếu lại để người dân Trung Quốc phải sống khổ sở như trước, thì họ sẽ không thể sống nổi, và chắc chắn sẽ vùng lên chống lại”.