EU thông qua đề xuất áp thuế đối với xe điện Trung Quốc

Trụ sở Liên minh châu Âu tại Brussels, Vương Quốc Bỉ. (Ảnh: jorisvo/ShutterStock)

Ủy ban châu Âu (EU) hôm thứ Sáu (ngày 4/10) cho biết, họ đã nhận được sự ủng hộ đầy đủ từ các thành viên để áp mức thuế lên tới 45% đối với xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc. Đây là một bước quan trọng trước khi Ủy ban đi đến kết luận cuối cùng trong cuộc điều tra chống trợ cấp.

Ủy ban phụ trách giám sát chính sách thương mại của Liên minh Châu Âu (EU), đã đề xuất kế hoạch thuế quan cuối cùng trong 5 năm tới sau cuộc điều tra chống trợ cấp kéo dài một năm, nhằm ứng phó với các khoản trợ cấp không công bằng từ chính quyền Trung Quốc (Đảng Cộng sản Trung Quốc). Theo quy định của EU, trừ khi 15 quốc gia EU, đại diện cho 65% dân số của khối, bỏ phiếu chống lại kế hoạch này, nếu không Ủy ban châu Âu có thể áp dụng thuế quan trong 5 năm tới.

Reuters đưa tin hôm thứ Tư (ngày 2/10) rằng đề xuất này có khả năng được thông qua vì Pháp, Hy Lạp, Ý và Ba Lan sẽ bỏ phiếu ủng hộ, 4 quốc gia này chiếm 39% dân số EU, nghĩa là họ đã vượt qua ngưỡng.

Theo Bloomberg, trong cuộc bỏ phiếu hôm thứ Sáu (ngày 4/10), 10 thành viên EU ủng hộ việc áp dụng thuế quan, bao gồm Pháp, Ý, Ireland, Hà Lan, Đan Mạch, Ba Lan, Lithuania, Bulgaria, Estonia và Latvia, 5 thành viên phản đối bao gồm Đức và Hungary, Malta, Slovakia và Slovenia, trong khi 12 nước khác chọn bỏ phiếu trắng.

Ngành công nghiệp xe hơi, một ngành công nghiệp trụ cột của nền kinh tế Đức, lo lắng về sự trả đũa từ Trung Quốc. Bộ trưởng Tài chính Đức hôm thứ Sáu đã cảnh báo Ủy ban châu Âu rằng “không nên bắt đầu một cuộc chiến thương mại”.

Cổ phiếu của các nhà sản xuất ô tô châu Âu đã bị ảnh hưởng trong vài tuần qua khi các nhà sản xuất bao gồm Stellantis NV, Mercedes-Benz Group AG và BMW AG đưa ra một loạt cảnh báo về lợi nhuận, tuy nhiên sau cuộc bỏ phiếu thuế quan hôm thứ Sáu, giá cổ phiếu tăng trở lại.

Hiệp hội rượu cognac Pháp cho biết trong một thông cáo báo chí gửi tới AFP hôm thứ Sáu: “Yêu cầu của chúng tôi về việc hoãn bỏ phiếu và giải quyết vấn đề thông qua đàm phán đã bị phớt lờ. Chính quyền Pháp đã bỏ rơi chúng tôi. Chúng tôi không hiểu tại sao lại hy sinh ngành công nghiệp của chúng tôi theo cách này”.

Ngành công nghiệp này lo ngại nó sẽ trở thành nạn nhân của cuộc chiến thương mại giữa EU và Chính phủ ĐCSTQ, bởi vì ĐCSTQ có thể áp dụng phụ phí đối với việc nhập khẩu rượu mạnh và các sản phẩm khác từ EU để đáp trả thuế đối với xe điện của Trung Quốc.

Ngành công nghiệp rượu cognac của Pháp cho biết: “Tuy nhiên, chúng tôi hy vọng rằng ý thức chung sẽ chiếm ưu thế. Đối thoại phải tiếp tục để đạt được giải pháp thương lượng, nhằm ngăn sản phẩm của chúng tôi phải chịu thuế bổ sung, và do đó bị loại khỏi thị trường Trung Quốc.”

Chính phủ ĐCSTQ bắt đầu điều tra rượu mạnh của châu Âu vào tháng 1 và công bố vào cuối tháng 8 rằng họ đã tìm thấy bằng chứng về việc bán phá giá. Vào thời điểm đó, Bộ trưởng thương mại ĐCSTQ đã bác bỏ khả năng áp đặt thuế quan tạm thời đối với rượu mạnh, trong đó riêng Cognac đã chiếm tới 95%.

Ông Florent Morillon, chủ tịch Hiệp hội rượu cognac Pháp, cho biết cơ quan đàm phán thương mại gần đây đã nhận được “thông báo về ý định áp thuế” từ Trung Quốc. Thuế suất trung bình là 35%.

Vùng Cognac của Pháp có 4.400 trang trại, 120 nhà máy chưng cất và 270 đại lý, tạo ra 15.000 việc làm trực tiếp và 70.000 việc làm gián tiếp ở Pháp.

Các quy định thực thi của Ủy ban phải được công bố trên Công báo chính thức (Official Journal of the European Union, OJEU) chậm nhất là ngày 30/10/2024, trong đó sẽ bao gồm những kết quả điều tra cuối cùng.

Trung Quốc đang dư thừa sản lượng xe điện

Trong cuộc bỏ phiếu hôm thứ Sáu, Đức, nền kinh tế lớn nhất EU và là nhà sản xuất ô tô lớn, đã bỏ phiếu chống lại đề xuất này. Doanh số bán hàng của hãng xe Đức tại Trung Quốc chiếm gần 1/3 tổng doanh số của hãng. Volkswagen cho biết việc áp thuế là “cách làm sai lầm”.

Stellantis, công ty sở hữu Fiat, cho biết họ ủng hộ cạnh tranh tự do và công bằng, đồng thời chỉ ra rằng ngành này đang chịu áp lực từ các kế hoạch giảm lượng carbon đầy tham vọng và “cuộc tấn công kinh doanh toàn cầu của Trung Quốc”.

Ủy ban châu Âu chỉ ra rằng Trung Quốc có sản lượng dư thừa 3 triệu xe điện cần xuất khẩu hàng năm, gấp đôi so với thị trường EU. Xét rằng mức thuế ở Mỹ và Canada là 100%, rõ ràng những chiếc xe điện này sẽ được xuất khẩu sang châu Âu đầu tháng 7, EU bắt đầu áp dụng mức thuế chống trợ cấp tạm thời lên tới 37,6% đối với xe điện do Trung Quốc sản xuất. Động lực bán hàng của các hãng ô tô Trung Quốc tại châu Âu đã chậm lại: doanh số bán hàng giảm mạnh 48% trong tháng 8, chạm mức thấp nhất trong 18 tháng.

Trong 5 năm qua, EU đã có lập trường ngày càng cứng rắn đối vớ Bắc Kinh, coi Trung Quốc (ĐCSTQ) là đối thủ cạnh tranh và đối thủ có hệ thống. Thủ tướng Hungary Viktor Orban hôm thứ Sáu cho biết, EU đang tiến tới một “cuộc chiến tranh lạnh về kinh tế” với Bắc Kinh.

Bộ Thương mại ĐCSTQ cho rằng thuế quan sẽ “làm lay động và cản trở” niềm tin của các công ty Trung Quốc khi đầu tư vào châu Âu. Phòng Thương mại ĐCSTQ ra tuyên bố tới EU, bày tỏ sự bất bình mạnh mẽ với việc EU thực hiện các biện pháp “bảo hộ thương mại” và kêu gọi EU trì hoãn áp thuế đối với xe điện Trung Quốc để tránh leo thang căng thẳng thương mại.

Bắc Kinh đã thực hiện các biện pháp trả đũa trước đó, khởi động các cuộc điều tra trong năm nay đối với việc nhập khẩu rượu mạnh (brandy), sản phẩm sữa và sản phẩm thịt lợn của EU.

Ủy ban Châu Âu cho biết họ sẵn sàng tiếp tục đàm phán với Bắc Kinh về các lựa chọn thay thế thuế quan và có thể xem xét lại các cam kết về giá – bao gồm giá nhập khẩu tối thiểu và giới hạn số lượng thông thường, trước đó, các kế hoạch liên quan do các công ty Trung Quốc đề xuất đã bị từ chối.

Mức thuế hiện tại dao động từ 7,8% đối với Tesla đến 35,3% đối với SAIC, một con số cũng áp dụng cho các công ty khác được coi là không hợp tác với các cuộc điều tra của EU. Các mức thuế này là thuế đối kháng được bổ sung bên cạnh thuế nhập khẩu ô tô tiêu chuẩn 10% của EU.

Trí Đạt

Related posts