Theo công an, ông Phạm Đức Anh đã đưa ra thông tin gian dối, lừa đảo một người dân 2 tỷ đồng để “chạy quy hoạch sử dụng đất”.
Ngày 5/10, Cơ quan điều tra Công an tỉnh Đồng Nai cho biết vừa khởi tố, bắt tạm giam Phạm Đức Anh (SN 1987, ở TP. Biên Hòa) để điều tra về hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, theo quy định tại Điều 174 BLHS.
Bị can Phạm Đức Anh nguyên là nhân viên Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh Đồng Nai.
Theo điều tra ban đầu, năm 2021, dù không có thẩm quyền trong việc điều chỉnh, cập nhật quy hoạch sử dụng đất của tỉnh Đồng Nai, nhưng ông Phạm Đức Anh đã đưa ra thông tin gian dối, cam kết sẽ làm được quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030.
Do tin tưởng, ông H. (ấp Suối Sóc, xã Xuân Mỹ, huyện Cẩm Mỹ) đã nhờ ông Anh làm quy hoạch sử dụng đất cho mình với chi phí 2 tỷ đồng.
Sau khi nhận tiền, ông Anh đã sử dụng tiền vào việc chi tiêu cá nhân chứ không làm quy hoạch như cam kết.
Công an tỉnh Đồng Nai thông báo ai là bị hại thì liên hệ Văn Phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đồng Nai (47 Nguyễn Ái Quốc, khu phố 2, phường Tân Hiệp, TP. Biên Hòa) gặp điều tra viên Trần Công Thành (số điện thoại 0985.801.018) để được hướng dẫn giải quyết.
Phạm Toàn
Bộ Công an bỏ quy định người dân được giám sát cảnh sát giao thông bằng ghi âm, ghi hình
Bộ Công an cho hay qua hơn 4 năm thực hiện việc ghi âm, ghi hình cảnh sát giao thông theo Thông tư 67/2019 đã không còn phù hợp với tình hình thực tế, phát sinh nhiều bất cập.
Bộ Công an vừa ban hành thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 67/2019, quy định về thực hiện dân chủ trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Thông tư có hiệu lực thi hành từ 15/11.
Theo thông tư mới, Điểm c Khoản 1 Điều 5 quy định về nội dung công khai của công an nhân dân trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông gồm: Các phương tiện, thiết bị kỹ thuật để phát hiện vi phạm hành chính theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính.
So với quy định trước đây, nội dung công khai “trang phục, số hiệu công an nhân dân” đã được loại bỏ.
Bên cạnh đó, tại Điều 11, Thông tư quy định về hình thức giám sát của nhân dân trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông cũng được thay đổi.
Theo quy định mới, người dân được giám sát thông qua các hình thức sau: “Tiếp cận thông tin công khai của lực lượng công an và trên các phương tiện thông tin đại chúng; qua các chủ thể giám sát theo quy định của pháp luật; tiếp xúc, giải quyết trực tiếp công việc với cán bộ, chiến sĩ; kết quả giải quyết các vụ việc, đơn thư, khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; quan sát trực tiếp công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.
Quá trình giám sát phải đảm bảo không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cán bộ, chiến sĩ khi đang thực thi nhiệm vụ; ở ngoài khu vực thực thi công vụ, đồng thời tuân thủ các quy định pháp luật khác có liên quan”.
Trong khi đó, theo quy định cũ, Điều 11 Thông tư 67/2019 quy định: “Thông qua thiết bị ghi âm, ghi hình hoặc quan sát trực tiếp nhưng phải đảm bảo các điều kiện sau:
a) Không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cán bộ, chiến sỹ khi đang thực thi nhiệm vụ;
b) Ngoài khu vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (đối với nơi có triển khai khu vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông);
c) Tuân thủ các quy định pháp luật khác có liên quan”.
Như vậy, hình thức giám sát thông qua thiết bị ghi âm, ghi hình đã được loại bỏ.
Nhiều bất cập trong ghi âm, ghi hình
Trong giai đoạn xây dựng dự thảo thông tư, Bộ Công an cho hay qua hơn 4 năm thực hiện, Thông tư 67/2019 không còn phù hợp với tình hình thực tế, phát sinh nhiều bất cập.
Việc giám sát của một số người dân đối với lực lượng cảnh sát giao thông có lúc, có nơi chưa khách quan, đúng quy định, lợi dụng quyền giám sát để quay phim, ghi hình, chụp ảnh quá trình làm việc với cán bộ, chiến sĩ cảnh sát giao thông và chia sẻ lên mạng xã hội.
Bên cạnh đó, một số người chống đối đã lợi dụng xúi giục người dân gửi đơn khiếu nại, tố cáo đi nhiều nơi gây phức tạp cho công tác thi hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông.
Việc công khai kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính đang bị một số người lợi dụng để gây khó khăn cho lực lượng cảnh sát giao thông làm công tác tuần tra, kiểm soát trên đường.
Bộ Công an cũng cho rằng một bộ phận cán bộ, chiến sĩ cảnh sát giao thông chưa chịu khó học tập, nghiên cứu tài liệu, chưa gắn việc thực hiện dân chủ trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông với việc thực hiện nhiệm vụ công tác chuyên môn được giao.
Do vậy, khi làm việc trực tiếp với người dân, những cán bộ, chiến sĩ này chưa nắm được pháp luật, nghiệp vụ, dẫn đến quá trình xử lý tình huống chưa giải thích thỏa đáng những yêu cầu, hỏi đáp của người dân.
Ngoài ra, quy định về nội dung công khai tại Thông tư 67/2019 hiện không còn phù hợp với một số văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành…
Minh Long