Nguồn: Trần Cương, 陈刚:窜访台湾、建立亚洲版北约,日本真要“石破”天惊了?, Guancha, 28/09/2024.
Biên dịch: Lê Thị Thanh Loan
Năm nay là lần thứ 5 Ishiba Shigeru (67 tuổi) tham gia cuộc bầu cử chức Chủ tịch Đảng Dân chủ Tự do (LDP). Bốn lần trước, ông đều thất bại và lần này là một trận sống mái.
Mặc dù công chúng đặt nhiều kỳ vọng vào Ishiba nhưng có một khoảng cách lớn giữa ý kiến của công chúng với 368 nghị viên LDP trong Quốc hội và 1,05 triệu đảng viên của LDP. Một ngày trước cuộc bầu cử, truyền thông Nhật Bản đưa tin về thái độ của Aso Taro, vị chính khách 84 tuổi được mệnh danh là “kẻ lập vua” (kingmaker) của đảng này:
“Ủng hộ Takaichi (Sanae)!”
Sau khi Abe Shinzo lãnh đạo LDP giành lại quyền lực vào năm 2012, Aso luôn giữ chức phó thủ tướng hoặc phó chủ tịch trong chính phủ hoặc trong đảng. Ông không chỉ ủng hộ Abe mà còn là một trong những người ra quyết định quan trọng trong việc Suga Yoshihide và Kishida Fumio trở thành thủ tướng sau Abe. Vào lúc LDP buộc phải từ bỏ Kishida do vấn đề giáo phái và quỹ đen, thái độ của Aso chính là mấu chốt cho việc ai sẽ là chủ tịch đảng và thủ tướng tiếp theo.
Với thái độ của Aso, dư luận và xu thế chung của LDP bắt đầu chuyển hướng sang Takaichi.
Đánh giá từ kết quả bỏ phiếu ngày 27, Takaichi nhận được 181 phiếu, trong khi Ishiba chỉ nhận được 154 phiếu trong vòng bỏ phiếu đầu tiên. Do không có ứng cử viên nào nhận được đa số phiếu nên hai người đứng đầu bước vào vòng bỏ phiếu quyết định. Cuối cùng, Ishiba đã giành chiến thắng với chút ít ưu thế là 215 phiếu so với 194 phiếu của Takaichi.
Chiến thắng của Ishiba có chút khiến người ta phải sững sờ.
Sấm động nơi tĩnh lặng
Sau khi LDP giành lại quyền lực vào năm 2012, Abe giữ chức chủ tịch đảng và thủ tướng nội các cho đến năm 2020. Kế nhiệm Abe là nội các tồn tại trong thời gian ngắn của Suga Yoshihide, tiếp đó Kishida Fumio duy trì nội các này trong 3 năm. Suga và Kishida, những người có thời gian tại vị không dài, về cơ bản đã kế thừa đường lối của Abe.
Vào tháng 8, Kishida bất ngờ tuyên bố từ chức. Một nguyên nhân lớn nằm ở vấn đề “quỹ đen” chính trị của LDP (sử dụng quỹ chính trị cho vấn đề cá nhân), mối quan hệ giữa Abe và thân tín với các tổ chức giáo phái… Điều này đã khiến người dân Nhật Bản có thái độ tiêu cực đối với chính trị.
Từ góc độ phát triển kinh tế, dữ liệu do Quỹ Tiền tệ Quốc tế công bố cho thấy, GDP của Nhật Bản đạt 6,27 nghìn tỷ USD vào năm 2012, nhưng sẽ chỉ còn 4,11 nghìn tỷ USD vào năm 2024. Dù việc GDP tính bằng USD của Nhật Bản bị sụt giảm là do đồng Yên mất giá, nhưng sự khó khăn hằng ngày cũng đã trở thành một hiện tượng phổ biến đối với người dân Nhật Bản và điều này đương nhiên dẫn đến sự bất mãn lớn dành cho chính quyền của LDP.
Vấn đề quỹ đen trực tiếp dẫn tới sự sụp đổ của chính quyền Kishida. Bước sang tháng 9, LDP cần bầu lại lãnh đạo đảng để thoát khỏi tình thế khó khăn kể từ Abe.
Lúc này, Ishiba, người ở vị thế “đối lập” trong đảng và không hợp với các quan điểm chủ lưu, đã có cơ hội. Tuy nhiên, Ishiba đã sớm giải tán phe phái của mình và không có nhiều người đồng chí hướng trong đảng. So với tám 8 cử viên còn lại trong cuộc bầu cử này, Ishiba có đặc điểm là ông đã xa cách phe chủ lưu trong đảng hơn 10 năm qua và mang một hình tượng có hơi hướng cải cách. So với Takaichi (Sanae) (63 tuổi) – người được Abe ưu ái, và Koizumi Shinjiro (43 tuổi) – người rất được lòng đảng và công chúng, Ishiba không có nhiều lợi thế.
Mặc dù xã hội Nhật Bản chưa cởi mở đến mức có một nữ thủ tướng, nhưng Takaichi với đặc điểm chính trị bảo thủ cực đoan, những chuyến viếng thăm đền Yasukuni hằng năm và lập trường ngoại giao đối lập với các nước láng giềng, trước tiên đã giành được sự ưu ái của Abe, tiếp đó lại nhận được sự ủng hộ của Aso. Những điều này đã mang lại cho Takaichi ưu thế áp đảo trước Ishiba trong cuộc bầu cử lần này.
Nhìn từ phương pháp vận động cho cuộc bầu cử, Takaichi đã sớm in cương lĩnh chính trị của mình thành một cuốn sổ nhỏ trước cuộc bầu cử rồi phân phát cho đảng viên và bạn bè ở khắp nơi. Mỗi lần Takaichi đăng bài trên trang cá nhân, luôn có hàng chục nghìn lượt phản hồi. Mỗi cuối tuần, Takaichi đều đến địa phương để gặp gỡ các đảng viên và có mối quan hệ rất tốt với các tổ chức địa phương. Với sự hỗ trợ của những ông lớn, nỗ lực của Takaichi chắc chắn vượt trội so với các ứng cử viên khác trong việc sử dụng các phương tiện truyền thông mới và xây dựng mối quan hệ với các tổ chức đảng.
Kết quả bầu cử ngày 27 cũng thể hiện tương đối rõ vấn đề này. Đầu tiên, ở vòng bầu cử thứ nhất, Takaichi nhận được 181 phiếu, cao hơn 154 phiếu của Ishiba. Sau khi bước vào vòng thứ hai, tuy thua Ishiba nhưng dù là số phiếu nghị viên hay số phiếu địa phương thì Takaichi đều có thể cạnh tranh với Ishiba, gần như ngang tài ngang sức.
Tại sao cuối cùng Ishiba lại thắng? Một nguyên nhân tương đối lớn là bởi nội bộ đảng và công chúng đều đã rất bất mãn với hệ thống Abe hiện tại và cả với Aso, người duy trì hệ thống Abe. Bất chấp lời kêu gọi bỏ phiếu cho Takaichi của Aso trong vòng bỏ phiếu thứ hai, các nghị viên bất mãn với Aso đã bỏ phiếu cho Ishiba. Tất cả nghị viên đều nhận thấy sự bảo thủ ngày càng tăng cao ở Abe và Aso, việc Takaichi kêu gọi kế thừa đường lối của Abe và Aso là rất xa rời thực tế Nhật Bản và không thể tiếp tục như vậy thêm nữa.
Trong đó, đương kim Thủ tướng Kishida cũng tỏ ra bất mãn với Aso. Vào ngày bỏ phiếu ngày 27, các phương tiện truyền thông đã đưa tin về thái độ của Kishida: “(Trong vòng bỏ phiếu thứ hai) Cần xem xét thái độ của phiếu bầu ở địa phương.” Điều này có nghĩa, phiếu bầu của đảng cần phải dựa trên ý kiến của công chúng Nhật Bản, thay vì chỉ nhìn vào các ông lớn. Sau khi kết quả bỏ phiếu được đưa ra, Takaichi bất mãn nói: “Kết quả được quyết định bởi Kishida.” Takaichi đã có trải nghiệm sâu sắc về sự suy giảm tầm ảnh hưởng của Aso.
Trước nền kinh tế liên tục suy giảm, mối quan hệ chặt chẽ với các giáo phái và hành vi sử dụng tiền không sạch sẽ của các nghị viên Quốc hội, người dân Nhật Bản đã không còn có thể chịu đựng thêm nữa. Họ hy vọng chấm dứt thời đại Abe. Đối với chính trường Nhật Bản, việc Ishiba đắc cử chẳng khác nào sấm động nơi tĩnh lặng và thời khắc thay đổi chính quyền tồi tệ của Abe đã đến.
Tìm kiếm niềm tin nơi người dân
Người dân có còn lòng tin với những hủ bại của chính quyền Abe nữa không? Đây là vấn đề lớn đầu tiên mà Ishiba Shigeru cần giải quyết sau khi được bầu làm chủ tịch đảng.
Trong suốt cuộc bầu cử, 9 ứng cử viên liên tục tỏ ra mềm mỏng hơn về vấn đề quỹ đen. Suy cho cùng, Abe có không ít thân tín trong đảng, họ có kinh nghiệm đảm nhận các chức vụ quan trọng hoặc hiện đang nắm giữ các chức vụ quan trọng trong đảng và chính phủ. Nếu thiếu đi sự hợp tác của những người này thì sẽ rất khó giữ được sự ổn định trong công tác đảng và chính phủ.
Vấn đề giáo phái hầu như không được đề cập đến trong cuộc bầu cử. Cá nhân ông Abe qua đời sau khi bị một nạn nhân của giáo phái ám sát, các giáo phái vẫn duy trì ảnh hưởng trong chính trường Nhật Bản. Việc để các giáo phái xâm nhập vào trung tâm chính trị là lỗi của Abe và những người khác, nhưng việc loại bỏ ảnh hưởng của giáo phái không phải là điều dễ dàng ở Nhật Bản hiện nay.
Trong cuộc bầu cử này, những vụ bê bối kinh tế khác nhau trong thời Abe không trở thành tâm điểm tranh luận giữa các ứng cử viên. Giữa việc tránh né những sai lầm của cựu lãnh đạo và mong muốn về một chính phủ trong sạch của người dân đã hình thành một sự chênh lệch rất lớn.
Sau khi được bầu làm chủ tịch, Ishiba đã phát biểu như sau:
“Trở về điểm ban đầu, xây dựng một chính đảng tự do, khoáng đạt và nói lên sự thật, xây dựng một chính đảng công bằng, liêm chính, luôn khiêm tốn và trở thành một chính đảng có khả năng tuân thủ quy tắc.”
Những mục tiêu mà Ishiba nhắc đến đối kháng trực tiếp với những gì LDP đã làm kể từ Abe. Có thể đặt câu hỏi ngược lại rằng, liệu LDP thời Abe và sau Abe có còn liêm chính không? Đã từng có thái độ khiêm tốn chưa? Đã tuân thủ các quy tắc xã hội cơ bản nhất chưa?
Việc người dân Nhật Bản có còn tin tưởng LDP hay không cần phải trải qua cuộc thử lửa. Dựa trên phát biểu của Ishiba, nội các sẽ được thành lập vào tháng 10, sau cuộc tranh luận công khai với phe đối lập thì xác định rõ trọng tâm của cuộc tranh luận tuyển cử, bước vào cuộc tổng tuyển cử diễn ra vào tháng 11, chiếm được lòng tin của người dân qua cuộc tuyển cử, thực sự nhận được sự ủng hộ trở lại của người dân và định hình lại con đường phía trước của Nhật Bản.
Khi Ishiba thành lập nội các, những thành viên nội các quan trọng nhất sẽ là những nhân vật chủ chốt trong cuộc bầu cử lần này, đặc biệt là Takaichi Sanae. Trong đảng, Takaichi về cơ bản nhận được sự hỗ trợ tương tự như Ishiba, sự hỗ trợ kiểu này cần phản ánh được nhu cầu chính trị của họ trong công tác đảng và hành chính. Tuy nhiên, Takaichi đại diện cho đường lối của Abe và Ishiba không có lựa chọn nào khác ngoài việc trọng dụng Takaichi. Điều này sẽ cho phép “độc tố còn sót lại” của Abe tiếp tục phát tác trong công tác đảng và công việc hành chính quốc gia trong tương lai, đây sẽ là trở ngại khiến những cải cách do Ishiba chủ trương không thể diễn ra suôn sẻ.
An ninh là thế mạnh, kinh tế là điểm yếu
Mặc dù Ishiba Shigeru từng giữ chức tổng thư ký và là một trong ba nhân vật tầm cỡ của đảng. Tuy nhiên, đó là kết quả của việc trong cuộc bầu cử thủ tướng năm 2012, Ishiba đã nhận được nhiều phiếu hơn Abe ở vòng bỏ phiếu đầu tiên rồi thua ở vòng hai, vậy nên Abe sau đó buộc phải trọng dụng Ishiba. Trên phương diện công tác đảng, Ishiba vẫn chưa phát huy hết vai trò tổng thư ký.
Về mặt kinh tế, sau khi Kishida trở về Nhật từ Mỹ vào ngày 24 tháng 9, Ishiba ngay lập tức gọi điện nói: “Tôi nghĩ việc duy trì chu kỳ lành tính của tăng trưởng và phân phối kinh tế là rất quan trọng.” Ý muốn nói rằng sẽ đi theo đường lối kinh tế của Kishida, làm Kishida cảm thấy yên tâm. Vào ngày 25, trong một cuộc họp báo về chính sách kinh tế, Ishiba đã công khai tuyên bố rằng ông sẽ kế thừa đường lối của Kishida và giành được sự ủng hộ của Kishida. Nhưng đồng thời, ông cũng bộc lộ sự bất lực đối với kinh tế.
Ngược lại, sở trường mà Ishiba giỏi nhất là quốc phòng và điều ông mà thích nói đến nhất là đường sắt. Đường sắt hoàn toàn là sở thích cá nhân nên sẽ không nhắc nhiều ở đây. Về vấn đề quốc phòng và quân sự, bao gồm việc sử dụng vũ khí, những trận đánh lớn trong chiến lược quân sự, đội hình quân sự trong tương lai…, nếu không có một chút kiến thức quân sự thì sẽ khó có thể trò chuyện với ông. Khi nghe Ishiba nói về quân sự, đôi lúc sẽ cảm thấy ông phải là trung đoàn trưởng hay sư đoàn trưởng của một đội ngũ nào đó. Ông từng giữ chức Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Những phẩm chất chuyên môn như vậy liệu có thích hợp hơn với vai trò trung đoàn trưởng hay sư đoàn trưởng? Liệu Ishiba có thực sự có trí tuệ chiến lược và khả năng đánh bại kẻ địch về mặt chiến lược trong các cuộc chiến sau này?
Người ta chú ý rằng vào ngày 25 tháng 9, hai ngày trước cuộc bầu cử, tàu khu trục “Sazanami” của Lực lượng Phòng vệ Hàng hải Nhật Bản đã cùng với tàu khu trục “Sydney” của Australia và tàu tiếp tế “Aotearoa” của New Zealand, lần đầu tiên đi qua eo biển Đài Loan kể từ khi Thế chiến thứ hai kết thúc. Truyền thông Nhật Bản nhấn mạnh, đây là phán đoán quan trọng mà Kishida đưa ra trước khi từ chức nhằm kiềm chế Trung Quốc. Ishiba, người thành thục về quốc phòng, phải hiểu rõ hơn Kishida về vai trò của Nhật Bản trong mối quan hệ giữa Trung Quốc đại lục và Đài Loan. Khả năng thách thức những giới hạn mới sẽ chỉ nhiều hơn, chứ không ít hơn Kishida.
Ishiba từng nhiều lần nhấn mạnh rằng Ukraine bị Nga tấn công vì vẫn chưa gia nhập NATO, đồng thời chủ trương thành lập NATO phiên bản châu Á. Trên cơ sở liên minh (quân sự) Nhật-Mỹ hiện có và việc thiết lập quan hệ quân sự giữa Nhật Bản với các nước như Philippines và Australia, dưới con mắt của Ishiba thì không khó để kết hợp các mối quan hệ quân sự này thành một NATO bản châu Á. Tuy nhiên, nếu một NATO châu Á được thành lập, cuộc đối đầu giữa Nhật Bản với các nước láng giềng và cuộc chạy đua vũ trang giữa các quốc gia châu Á sẽ ngày càng gay gắt hơn. Theo hiến pháp hiện hành của Nhật Bản, những hạn chế trong việc quân đội ra nước ngoài để hỗ trợ các cuộc chiến hoặc trận đánh ở các quốc gia khác khiến NATO phiên bản châu Á của Ishiba khó thành hiện thực.
Trước cuộc bầu cử, Ishiba nói khá nhiều đến việc sửa đổi hiệp định địa vị giữa Nhật Bản và Mỹ. Thỏa thuận này có phần giống với “quyền ngoại trị” của các cường quốc mà Trung Quốc từng buộc phải chấp nhận trong quá khứ. Là một quốc gia độc lập, nhưng trong hầu hết các trường hợp, Nhật Bản không có thẩm quyền cảnh sát đối với quân nhân và thân nhân quân nhân thuộc cơ sở quân sự Mỹ đóng tại nước này. Ở Nhật Bản hằng năm xảy ra một lượng lớn các vụ án dân sự và hình sự liên quan đến quân nhân và thân nhân quân nhân Mỹ, mà việc Nhật Bản không có thẩm quyền xử lý đã dẫn đến sự bất mãn tột độ của người dân đối với chính phủ. Mặc dù yêu cầu sửa đổi hiệp định địa vị Nhật-Mỹ của Ishiba nhận được sự ủng hộ của dư luận Nhật Bản, nhưng vẫn tồn tại nhiều rủi ro liên quan đến việc liệu có thể thực hiện được hay không và có bị Mỹ làm khó trong quá trình thúc đẩy hay không.
Tương lai của quan hệ Trung-Nhật khó đoán định
Vào cuối nhiệm kỳ của chính quyền Abe, Nhật Bản đã lệnh cho các doanh nghiệp cắt đứt quan hệ với Huawei, trên thực tế đã làm gián đoạn các hoạt động trao đổi công nghệ cao giữa Trung Quốc và Nhật Bản. Trong 3 năm qua, thông qua an ninh kinh tế, Kishida đã ngăn chặn mối liên kết chuỗi công nghiệp cao giữa Trung Quốc và Nhật Bản, khiến thương mại Trung-Nhật giảm dần qua từng năm và sự giao lưu giữa hai nước bước vào giai đoạn vô cùng khó khăn.
Vì từng 4 lần thất bại nên có lẽ Ishiba không ngờ rằng mình sẽ đắc cử lãnh đạo đảng trong cuộc bầu cử lần này. Mặc dù đã quyết định tranh cử nhưng ông vẫn đến thăm Đài Loan vào tháng 8. Dù khi trả lời giới truyền thông, Ishiba rất cẩn trọng và chỉ nói rằng: “Tôi sẽ cố hết sức để tìm cách né tránh (một cuộc chiến ở eo biển Đài Loan).” nhưng bản thân việc đến thăm Đài Loan cũng chính là một dạng nhận thức và ủng hộ đối với “Đài Loan độc lập”.
So với các thành viên Quốc hội khác, Ishiba đến thăm Trung Quốc tương đối nhiều, thường xuyên tiếp xúc với những người thuộc mọi tầng lớp ở Trung Quốc và có một số hiểu biết về Trung Quốc. Tuy nhiên, Ishiba coi kiến thức quân sự là đặc điểm chính trị của mình, còn về mặt kinh tế thì hiện vẫn chưa đưa ra được chính sách phù hợp để đảo ngược tình trạng suy thoái và đưa nền kinh tế từng bước phát triển trở lại. Về mặt chính trị, ngoại giao và quân sự, dư luận Nhật Bản vẫn chưa đưa ra kết quả rõ ràng về việc liệu có gia tăng đối đầu với Trung Quốc hay không.
Việc cải cách nền chính trị trong nội bộ nước Nhật và tái thiết quan hệ đối ngoại của Nhật Bản là trách nhiệm quan trọng của Ishiba Shigeru và nội các của mình. Mối quan hệ Trung-Nhật không thể tiếp tục xấu đi, nhưng liệu Nhật Bản có thể thực sự tạo ra đột phá không?