Nguyễn Huy Cường
11-10-2024
Một bài báo lớn về đường sắt cao tốc kéo cái tựa đề làm những người hay đi máy bay thấy … nhột. Đó là dòng chữ lớn: Đường sắt cao tốc Bắc Nam, sức bật cho nền kinh tế Viêt Nam: Đối thủ đáng gờm của hàng không.
Tựa đề này có hai phần, phần “sức bật” tôi không bàn hôm nay. Bây giờ bàn về khâu “cạnh tranh với hàng Không”.
Cần biết, ba năm nay, bình quân giá vé máy bay một chiều Hà Nội – Sài Gòn khoảng 1.8 triệu. (Có lúc chỉ có giá 1,1 triệu, có lúc khoảng 2.5 triệu một vé, tôi lấy bình quân là 1.8 triệu).
Cần biết, hiện nay giá vé máy bay đang hàm chứa khá nhiều điểm cần điều chỉnh khi giá vé ít hơn tiền thuế, phí linh tinh khác. Trong tương lai, để cạnh tranh, để phù hợp với một nền kinh tế Thị trường (thật) mọi mức thuế hợp lý hơn cùng với việc hàng không phát triển mạnh hơn, giá vé sẽ rẻ hơn là điều có thể dự đoán.
Còn vé tàu cao tốc thì thế nào? Xin tham chiếu nguyên văn vài nhận định của chính bài báo này như sau: “Với quan điểm giá vé phải cạnh tranh với hàng không, phù hợp với khả năng chi trả của đại đa số người dân, đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam dự báo sẽ cạnh tranh trực tiếp với ngành hàng không trong tương lai.
Vé hạng cao nhất cũng chỉ bằng 75% giá vé máy bay“.
Lời bình: Giá vé (một loại hàng hóa – dịch vụ) là một đại lượng được toan tính, cân đối bởi rất nhiều yếu tố. Bài trên trang này thường phục vụ cho giới bình dân, nên tôi xin lấy những ví dụ “phi hàn lâm” như sau.
Ông hàng phở nấu nồi phở 200 tô (dự kiến cho buổi bán hàng) hết 5 triệu. Số tiền này bao gồm tiền thuê mặt bằng, tiền mua thực phẩm, tiền chi cho lao động thuê mướn, tiền thuế, tiền khấu hao dụng cụ, tiền lãi nếu khi khởi nghiệp phải vay mượn v.v…
Như vậy mỗi tô phở có giá khoảng 25.000 đồng. Giá bán ít nhất phải là 26.000 đồng, giá có lãi khoảng 35.000 đồng.
Tất cả khái toán trên là tính trên sự ổn định, ổn định về mặt bằng thuê mướn, chế độ thuế khoá, ổn định về xã hội trong đó có sức mua của người tiêu dùng.
Trong những nhận định trên, không có chỗ nào, không cho ai đem “áp” giá bằng … quan điểm cả. Kể cả quan điểm của Bộ Giao thông Vận tải.
Hai chữ “quan điểm” là một trạng thái động, anh đứng ở chỗ nào, quan sát ở góc nào, có giá trị vào phân khúc thời gian nào?
Vậy thì anh đứng ở chỗ gần với nơi khai sinh ra Vinashin, Cát Linh – Hà Đông, đứng ở chỗ … doanh nghiệp in tiền cũng lỗ, mà phán như trên, mà ấn định giá vé tàu mười lăm, hai mươi năm sau, e là không được.
Căn cứ nào để nói là không được??? Thì đây, xin trích nguyên văn đoạn tiếp theo của bài báo:
“Theo dự thảo tờ trình của Bộ GTVT, giá vé dự kiến của đường sắt tốc độ cao (ĐSTĐC) Bắc – Nam bằng khoảng 75% mức trung bình vé máy bay hàng không giá rẻ và phổ thông.
Trong đó, mỗi ki lô mét vé hạng nhất dự kiến là 0,18 USD (khoang VIP), hạng hai 0,074 USD và hạng ba là 0,044 USD. Như vậy, chặng Hà Nội – TP.HCM dài 1.541 km, vé tàu cao tốc hạng nhất khoảng 6,9 triệu đồng/chiều; hạng hai là 2,9 triệu đồng/chiều và hạng ba là 1,7 triệu đồng/chiều”.
Rõ rồi chứ ạ? Cái giá ở mức trung bình là 2.9 triệu đồng/vé hạng hai không thể nào…cạnh tranh với giá vé máy bay “hàng không giá rẻ” – chữ này là chữ ghi rất rõ trong đoạn văn trên.
Ấy là chưa nói đến vé tàu cao tốc hạng nhất tới sáu bảy triệu bạc, nếu một lần đi-về bằng vé này mất đứt hai tháng lương kỹ sư, đủ mua sáu vé máy bay hạng nhất nữa thì thật là … khôi hài.
Không thể đem cái giá gần ba triệu (vé bình thường) của tàu cao tốc để làm cho anh hàng không giá rẻ “gờm” cả.
Chắc tựa đề này do bên báo chí nổi hứng lên viết vậy, chứ chiếu vào đoạn trên và đoạn dưới của bài báo, chỉ cách nhau mươi dòng thì thấy … khác lắm.
Nếu diễn tiến đúng như nói trên, thì tàu cao tốc chỉ làm cho anh hàng không cười bằng mũi!
(Còn tiếp, sẽ bàn về “sức bật” kinh tế)
Nguồn: Tiếng Dân