Tác giả: Markus Frenzel
Việt Hùng chuyển ngữ
14-10-2024
Sự khao khát quyền lực của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình theo đúng nghĩa đen là không có giới hạn: Bắc Kinh sử dụng các hoạt động bí mật để gây ảnh hưởng đến người Trung Quốc sống ở Đức và con cháu của họ. Các chính trị gia Đức cũng đang bị Trung Quốc nhắm tới, như trường hợp của một nhân viên cấp cao tại Tòa Thị chính Cologne.
Vào mùa xuân năm 2017, một nhóm thương nhân nổi tiếng gốc Hoa ở Cologne đã nộp văn bản quy chế cho cơ quan thuế địa phương để thành lập một hiệp hội. Thoạt nhìn, Hiệp hội Doanh Nghiệp Chiết Giang (Zhejiang) của Đức (viết tắt DZU e.V.) có vẻ như là một hiệp hội vô hại của những người nhập cư từ Viễn Đông, muốn kết nối với nhau để làm ăn phát đạt. Nhưng ấn tượng có thể gây hiểu lầm. Hiệp hội này ít nhất cũng có một mục tiêu chính trị.
Theo trang chủ của hiệp hội, DZU muốn tham gia tích cực vào công cuộc xây dựng và phát triển quê hương tổ tiên, đồng thời hỗ trợ sự nghiệp vĩ đại thống nhất Trung Quốc trong hòa bình, cũng như có lập trường vững chắc chống lại ‘sự độc lập của Đài Loan’. Ngoài ra, các thương nhân Trung Quốc muốn “góp phần chống độc lập ở nước ngoài”, dường như thắt chặt mối quan hệ giữa cộng đồng người Hoa hải ngoại và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Có phải DZU đang cố gắng hâm nóng bầu không khí ở Đức ủng hộ chế độ cộng sản ở Bắc Kinh?
Cánh cửa mở rộng ảnh hưởng của chế độ
Việc các doanh nhân Trung Quốc ở Cologne đưa ra tuyên bố về Đài Loan, đặt câu hỏi về sự độc lập của nước này và hành động chống lại chính quyền dân chủ có vẻ hơi kỳ lạ. Tuy nhiên, theo nghiên cứu của NTV, rất có thể có một kế hoạch rõ ràng đằng sau nó. Hiệp hội này duy trì mối quan hệ chặt chẽ với cái gọi là “Mặt trận thống nhất”. Đây là chiến lược của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCS Trung Quốc) nhằm tích hợp tất cả các hiệp hội và những người quan trọng bên ngoài đảng, vào phạm vi quyền lực của mình và đưa họ vào khuôn khổ.
Kể từ khi Tập Cận Bình lên nắm quyền ở Trung Quốc năm 2012, ông ta ngày càng mở rộng hoạt động của “Mặt trận Thống nhất” ra nước ngoài nhằm thu hút 60 triệu “Hoa kiều” trên toàn thế giới vào hàng ngũ. Chế độ cộng sản từ lâu đã mô tả “Mặt trận Thống nhất” là “vũ khí ma thuật” của mình. Các hiệp hội như Hiệp hội Thương gia Cologne dường như là trung tâm của chiến lược, như cuộc họp sáng lập hiệp hội cho thấy.
Vào tháng 6 năm 2017, các đại diện cấp cao từ Trung Quốc đã đổ về khách sạn Hyatt Regency Cologne, nơi diễn ra cuộc họp khai mạc. Trước 380 vị khách đầy ấn tượng, Zheng Xuhan, một doanh nhân địa phương, đã được chọn làm chủ tịch đầu tiên của hiệp hội. Zhang Xiangguo (Trương Tương Quốc), cũng là một doanh nhân tham gia một số hiệp hội người Hoa ở Đức và có quan hệ mật thiết với “Mặt trận Thống nhất” ở Trung Quốc, cũng được bầu vào hội đồng quản trị. Ông này đã gặp các đại diện của Đảng Cộng sản nhiều lần ở Trung Quốc.
Một đội ngũ ấn tượng gồm những người hảo tâm đã có mặt để đánh dấu sự kiện một hiệp hội địa phương ở Cologne vừa thành lập nhân sự lần đầu tiên – Giám đốc Văn phòng Kinh tế và Thương mại tại Tổng lãnh sự quán Trung Quốc ở Düsseldorf, phó trưởng phòng Bộ Thương mại Chiết Giang và đại diện thành phố Cologne. Hiệp hội tự hào thông báo rằng, hơn một trăm lá thư chúc mừng đã được nhận từ trong và ngoài nước. Trong đó có một thông điệp từ Văn phòng Ngoại giao và Hải ngoại của Ủy ban Nhân dân tỉnh Chiết Giang, một bộ phận của bộ máy “Mặt trận Thống nhất”.
“Mặt trận Thống nhất” đưa vấn đề Đài Loan tới Đức
Mối quan tâm chính trong hoạt động “Mặt trận Thống nhất” toàn cầu của ĐCS Trung Quốc là áp đặt các lập trường chính trị đối với vấn đề Đài Loan. Nhiều hiệp hội cộng đồng hải ngoại gắn liền với chế độ, bao gồm cả ở Đức, đã bày tỏ quan điểm tương ứng. Điều này có lẽ nhằm tạo ấn tượng rằng, tất cả những người gốc Hoa đều có chung một tiếng nói về Đài Loan – Cụ thể là ủng hộ việc thống nhất với Trung Quốc đại lục. Nếu tranh chấp này bây giờ được đưa vào hàng ngũ người Hoa nhập cư, nó sẽ tiềm ẩn nguy cơ xung đột đáng kể cho xã hội Đức: Người Đức gốc Hoa sẽ chịu áp lực phải công khai thể hiện bản thân và hành xử vì lợi ích của Bắc Kinh.
Hơn nữa, ban lãnh đạo hiệp hội Cologne có thể tạo thêm sự chia rẽ giữa Hoa kiều và quê hương mới của họ bằng bản tuyên ngôn nhỏ của họ. Lời kêu gọi “chống độc lập” có thể được hiểu theo cách nào khác? Xét cho cùng, chính phủ liên bang Đức có mối quan hệ kinh tế chặt chẽ với Đài Loan được quản lý dân chủ và cũng duy trì các mối quan hệ chính trị tốt đẹp. Không có tình thế đôi bên cùng có lợi cho Đức, như đại diện hiệp hội tuyên bố.
Người ta đặt câu hỏi, tại sao các đại diện chính thức của thành phố Cologne vẫn tăng cường việc thành lập hiệp hội thông qua sự hiện diện của họ. Và văn phòng báo chí ở tòa thị chính cũng không bình luận gì về việc này. Rõ ràng, lãnh đạo thành phố không muốn biết bất cứ điều gì về mối liên hệ của hiệp hội địa phương với chính quyền Trung Quốc. “DZU e.V. được thành phố Cologne biết đến như một hiệp hội doanh nhân”, họ viết trong một câu trả lời bằng văn bản: “Thành phố Cologne không có thông tin như được mô tả trong câu hỏi”.
Người phụ nữ liên lạc của “Mặt trận Thống nhất” trên đỉnh Tòa Thị chính
Tuy nhiên, mối quan hệ với chế độ thậm chí còn kéo dài đến tận cấp cao nhất của Tòa Thị chính. Danh sách liên lạc bị rò rỉ của “Mặt trận Thống nhất” ở Đức bao gồm một phụ nữ đã làm việc chặt chẽ với chính quyền thành phố Cologne trong nhiều năm. Chu Mạnh (Zhou Meng) là người đứng đầu công ty tư vấn Trung Quốc Join Universe. Đồng thời, bà được coi là “cố vấn và đại sứ kinh doanh Trung Quốc” của thành phố thánh đường. Trong những bức ảnh cách đây vài năm, Chu Mạnh chụp ảnh cùng cựu thị trưởng Jürgen Roters (đảng SPD) và người kế nhiệm Henriette Reker (độc lập).
Trong một bức ảnh khác, có thể thấy Chu Mạnh cùng với đại sứ lúc bấy giờ là Shi Mingde, người đang cầm bức ảnh một bài báo Trung Quốc về người phụ nữ vào ống kính. Cologne và Bắc Kinh là hai thành phố kết nghĩa. Khi Thị trưởng Reker có chuyến đi đến Trung Quốc cùng phái đoàn cấp cao của thành phố, bà đã đi cùng với Chu Mạnh. Cùng với bà cố vấn quản lý Chu Mạnh, đại diện của thành phố Cologne đã đến thăm một nhà máy của Hoa Vi (Huawei).
Phái đoàn của Reker sau đó đã gặp một quan chức cấp cao của bộ máy “Mặt trận Thống nhất”. Ji Lin (Cát Lâm), Chủ tịch Hội đồng Tư Vấn Chính trị Thành phố Bắc Kinh, đã bổ nhiệm nữ doanh nhân Chu Mạnh – người Cologne – làm “cố vấn hải ngoại” của Bắc Kinh. Sau đó, Chu Mạnh hướng dẫn thị trưởng Cologne xem một chương trình trên đài truyền hình Bắc Kinh. 200 triệu khán giả đã theo dõi sự xuất hiện của chính trị gia Đức trên truyền hình nhà nước.
Người phụ nữ liên lạc phủ nhận liên hệ
Khi NTV đối mặt với Chu Mạnh về nghiên cứu mối liên hệ của bà ta với bộ máy quyền lực của Đảng Cộng sản, ban đầu bà phủ nhận. Người phụ nữ trả lời một câu hỏi bằng văn bản: “Tôi không phải là thành viên của ‘Mặt trận Thống nhất’.” Tôi “không có điểm liên lạc trực tiếp” với “Mặt trận Thống nhất”. Nhưng sau đó, bà đã giới hạn phát biểu của mình: “Tuy nhiên, tôi đã được bầu làm thành viên của ‘Hiệp hội Hữu nghị Hải ngoại Trung Quốc’ vào năm 2019“. Tổ chức này là một phần của bộ máy “Mặt trận Thống nhất”, báo cáo cho “Văn phòng Hoa kiều ở nước ngoài” và do đó là công cụ trung tâm để gây ảnh hưởng ở nước ngoài.
Nhà vận động hành lang Trung Quốc cũng xác nhận rằng, bà được bổ nhiệm làm “Cố vấn nước ngoài cho Hội đồng Tư Vấn Chính trị Thành phố Bắc Kinh” vào năm 2016. Bây giờ bà ấy muốn trở thành “người xây cầu”, như bà ấy nói. Việc Chu Mạnh làm việc cho cả hai bên là một lợi thế. Chu Mạnh viết: “Đặc biệt với vai trò kép là ‘Cố vấn Trung Quốc và Đại sứ Kinh tế’ từ Cologne và ‘Cố vấn ở nước ngoài’ cho Hội đồng Tư Vấn Chính trị ở Bắc Kinh, tôi có thể hoàn thành một cách tối ưu chức năng cầu nối cho trao đổi văn hóa và kinh tế giữa hai thành phố“.
Nhiều vấn đề ngày nay chỉ có thể được giải quyết ở cấp độ toàn cầu. “Do đó, tôi thấy không có xung đột lợi ích trong công việc của mình”, Chu Mạnh tiếp tục nói với NTV. Chu Mạnh phủ nhận việc các đối tác Bắc Kinh của phái đoàn doanh nghiệp Cologne là một phần của Mặt trận Thống nhất vài năm trước. Chu Mạnh viết: “Hội đồng Tư Vấn Chính trị là một tổ chức gồm đại diện của các đảng dân chủ và những cá nhân ngoài đảng phái”. Nhưng đó chính là mục tiêu và bản chất của “Mặt trận Thống nhất”: Đưa những người không thuộc ĐCS Trung Quốc vào hàng ngũ và đưa họ vào bộ máy cộng sản. Hội nghị tư vấn đóng vai trò trung tâm trong việc này.
Tòa Thị chính không biết gì, Reker tiếp tục hành trình
Chính quyền thành phố không muốn biết bất cứ điều gì về mối liên hệ của Chu Mạnh với “Mặt trận Thống nhất”. Tuy nhiên, điều đáng chú ý là ban lãnh đạo Tòa Thị chính dường như ít quan tâm đến việc họ sẽ gặp ai ở Trung Quốc. Phái đoàn Cologne đã gặp Ji Lin (Cát Lâm) vào năm 2016 “với tư cách là chủ tịch Hội đồng tư vấn chính trị của thành phố Bắc Kinh”, văn phòng báo chí cho biết bằng văn bản. Việc Hội đồng Tư Vấn Chính trị là một bộ phận của bộ máy “Mặt trận Thống nhất” dường như không được tòa thị chính biết đến. Đã có một cuộc trao đổi sôi nổi giữa thành phố Cologne và Bắc Kinh trong nhiều năm qua. Tòa thị chính Cologne không biết gì, Reker tiếp tục hành trình.
Cách đây vài tuần, Thị trưởng Henriette Reker đã đến thăm Trung Quốc một lần nữa; năm ngoái bà đã đến thăm Bắc Kinh và Thượng Hải. Ngay cả trước [dịch] Corona, cũng đã có một số chuyến đi đến Viễn Đông. Theo đó, chế độ Trung Quốc nhìn nhận thị trưởng Cologne một cách tích cực. Việc Reker tái đắc cử năm 2020 với “gần 60% phiếu bầu” thậm chí còn được đưa tin trên các trang web chính thức ở Trung Quốc. “Năm 2019, nhân kỷ niệm 70 năm thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, bà đã nhận được Giải thưởng Hữu nghị của Chính phủ Trung Quốc”.
Tại những chỗ kết nối với Cologne, bạn có thể quan sát cách hoạt động của “Mặt trận Thống nhất” ở Đức. Ở các thành phố khác như Düsseldorf, Frankfurt, Schwetzingen và Hamburg, mối liên hệ với chính quyền địa phương cũng rất cao. Các mối liên hệ cá nhân trong giới chính trị được thiết lập và duy trì vì lợi ích của Cộng hòa Nhân dân – đồng bào gắn bó chặt chẽ với quê hương và do đó với ĐCS Trung Quốc.
Trong nhiều tháng, NTV đã cố gắng liên hệ với Hiệp hội Doanh nghiệp Chiết Giang DZU của Đức, nhưng không ai trả lời các cuộc gọi, cũng như không có email nào có câu hỏi chi tiết được trả lời. Trên hết, chúng tôi muốn nghe ý kiến từ chủ tịch câu lạc bộ Zheng Xuhan, nhưng ông ta cũng không trả lời bất kỳ câu hỏi nào. Các hoạt động và mối quan hệ của các thương gia Trung Quốc ở Cologne cho thấy sự xâm nhập về mặt chiến lược và chính trị vào xã hội Đức như thế nào. Nhưng hầu như không ai ở Đức biết về mối nguy hiểm này.
______
Bạn có thể tìm thấy toàn bộ nghiên cứu trong cuốn sách bằng tiếng Đức: “Rò rỉ về Trung Quốc: Mạng lưới bí mật của Bắc Kinh ở Đức”, tác giả Markus Frenzel, xuất bản ngày 14-10-2024. Sách có bán trên Amazon, tại link này: https://www.amazon.de/