TTK Mark Rutte: NATO sẽ không bị hăm dọa bởi các mối đe dọa của Nga

Ông Mark Rutte khi còn là thủ tướng Hà Lan. (Ảnh: Jeroen Meuwsen Fotografie/Shutterstock)

Trong chuyến thăm đầu tiên tới phái bộ Ukraine của NATO tại Wiesbaden, nơi sẽ tiếp quản việc điều phối viện trợ quân sự từ Hoa Kỳ, Tổng thư ký NATO Mark Rutte tuyên bố khối liên minh quân sự này sẽ không bị hăm dọa bởi các mối đe dọa của Nga mà vẫn tiếp tục ủng hộ mạnh mẽ Kiev.

“Thông điệp (gửi tới Tổng thống Nga Vladimir Putin) là chúng tôi sẽ tiếp tục, rằng chúng tôi sẽ làm những gì cần thiết để đảm bảo ông ấy sẽ không đạt được mục đích của mình, rằng Ukraine sẽ chiến thắng“, ông Rutte nói với Reuters trong một cuộc phỏng vấn chung với đài phát thanh công cộng Đức Hessischer Rundfunk vào thứ Hai (14/10).

Ông Rutte đã phát biểu tại Clay Barracks, một căn cứ của Hoa Kỳ, nơi đặt trụ sở của phái bộ mới, có tên là NATO Hỗ trợ và Đào tạo An ninh cho Ukraine (NSATU). NSATU sẽ dần đảm nhận việc điều phối viện trợ quân sự của phương Tây cho Kiev.

Động thái này được nhiều người coi là một nỗ lực nhằm bảo vệ cơ chế viện trợ trước khả năng trở lại Nhà Trắng của ông Donald Trump, người chỉ trích NATO. Ông Trump của Đảng Cộng hòa đang chạy đua với bà Kamala Harris của Đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử Hoa Kỳ vào ngày 5 tháng 11. Tuy nhiên, các nhà ngoại giao thừa nhận rằng việc chuyển giao quyền điều phối viện trợ quân sự cho NATO, có thể có tác động hạn chế vì Hoa Kỳ là cường quốc chủ đạo của NATO và cung cấp phần lớn vũ khí cho Ukraine.

Vào thứ Hai (14/10), phát biểu tại một trong 12 lều xanh nơi căn cứ của NSATU đang được xây dựng, ông Rutte đã nói với các binh lính quân đồng minh từ hơn một chục quốc gia đang làm việc trong phái bộ này. Đội quân này sau đó sẽ chuyển đến một nhà chứa máy bay gần đó và được bổ sung thêm binh sĩ từ Ukraine.

NSATU dự kiến ​​sẽ có tổng quân số khoảng 700 người, bao gồm cả quân đội đồn trú tại trụ sở quân sự của NATO SHAPE ở Bỉ và tại các trung tâm hậu cần ở Ba Lan và Romania.

Căn cứ Wiesbaden cũng là nơi đặt đơn vị Hoa Kỳ phụ trách tên lửa tầm xa mà Washington sẽ triển khai tạm thời tới Đức từ năm 2026, nhằm chống lại mối đe dọa mà cả hai nước đều mô tả là do tên lửa của Nga đặt gần Kaliningrad, cách Berlin khoảng 500 km.

Trong chuyến thăm đầu tiên tới Đức với tư cách là người đứng đầu NATO, ông Rutte đã hoan nghênh động thái mà bị Nga lên án là hành động khiêu khích, và đã gây ra một cuộc tranh luận gay gắt trong Đảng Dân chủ Xã hội của Thủ tướng Đức Olaf Scholz.

Ông Rutte tuyên bố NATO cần có đầy đủ các năng lực cần thiết để ngăn chặn mối đe dọa từ Nga.

“Chúng tôi là NATO. Chúng tôi là liên minh phòng thủ, chúng tôi không tấn công. Chúng tôi không muốn chiếm bất kỳ phần nào của bất kỳ quốc gia nào khác bên ngoài lãnh thổ NATO“, ông Rutte khẳng định.

“Liên minh dân chủ này, liên minh quân sự mạnh nhất trong lịch sử thế giới, phục vụ 1 tỷ người, chúng tôi sẵn sàng đối đầu với mọi mối đe dọa. Chúng tôi sẽ không bao giờ bị kẻ thù đe dọa“, cựu thủ tướng Hà Lan, tại nhiệm từ năm 2010 đến năm 2024, nhấn mạnh.

Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden và Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã công bố việc triển khai các tên lửa tầm xa tại Đức vào năm 2026 bên lề hội nghị thượng đỉnh NATO vào tháng 7/2024, mô tả đây là giải pháp tạm thời cho đến khi Đức, Pháp và một số nước châu Âu khác phát triển được tên lửa riêng của mình với tầm bắn tương tự.

Phạm Duy, theo Reuters

Related posts