Thực chiến: Israel khiến 2 ‘cường quốc’ hổ thẹn

Bảo Ngọc

Máy bay chiến đấu của Israel quay trở lại bầu trời phía trên căn cứ gần Tel Aviv (ảnh: Gil Cohen-Magen,/AFP qua Getty Images).

Cùng là những quốc gia đang có chiến tranh hoặc nhăm nhe chiến tranh bằng cách luôn đe dọa láng giềng, nhưng những gì Israel thể hiện bằng thực lực đã cho thấy sự chênh lệch lớn với những gì Nga làm được trên chiến trường và những gì Trung Quốc luôn khoe khoang nhưng thực tế hoàn toàn khác biệt.

Israel gần đây đã thực hiện các cuộc không kích vào một số lượng lớn các mục tiêu của Hezbollah, bao gồm cả các hoạt động ám sát thành công và các nhiệm vụ tiêu diệt kho vũ khí của Hezbollah, đã đạt được chiến thắng bước đầu quan trọng. 

Nhà bình luận gốc Hoa, Thẩm Chu (沈舟) cho biết, Các cuộc không kích chính xác của Israel thể hiện đầy đủ mô hình không kích của chiến tranh hiện đại và là mô hình đầu tiên do quân đội Mỹ sáng tạo. 

Quân đội Nga đã không thực sự thể hiện được khả năng tấn công không kích chính xác của mình trên chiến trường Ukraina và Không quân Trung Quốc hiện cũng không thể làm được điều đó.

Kết quả sơ bộ các cuộc không kích chính xác

Israel và Hezbollah ở Li-băng thực tế đã giao tranh được một năm kể từ khi Hamas tấn công Israel vào ngày 7/10/2023, Hezbollah liên tục bắn hoả tiễn vào Israel. 

Nhà bình luận Thẩm chỉ ra rằng, để tránh giao tranh trên hai mặt trận cùng lúc, Israel chỉ đưa ra phản ứng hạn chế với Hezbollah. Giao tranh giữa hai bên chính thức leo thang vào cuối tháng 8 và đầu tháng 9. Sau khi Israel làm tê liệt Hamas, nước này mới chuyển sức mạnh quân sự chủ yếu sang đối phó với Hezbollah.

Ngày 25/8, Israel phát hiện Hezbollah đã khai triển hàng nghìn bệ phóng hoả tiễn tại hơn 40 khu vực phóng, và sau đó lại phóng khoảng 230 lần nhằm vào Israel. 

Ngay lập tức Israel điều động khoảng 100 chiến đấu cơ và phá hủy chính xác các vị trí phóng hoả tiễn của Hezbollah ở miền nam Li-băng. 

Ông Thẩm Chu nhận định, Israel sẽ không cho phép các cuộc tấn công kiểu Hamas lặp lại một lần nữa, và chiến tranh với Hezbollah đã xảy ra. 

Vào ngày 17/9, chiến dịch ‘ong bầy đàn’ được phát động. Hàng nghìn máy nhắn tin của nhân viên Hezbollah phát nổ đồng thời, sau đó lại đến bộ đàm, khiến hàng chục người thiệt mạng và hàng nghìn người bị thương. 

Theo ông Thẩm, bản thân hành động này vốn đã vô cùng giá trị, hậu quả của nó lại càng đáng kinh ngạc hơn.

Hezbollah lẽ ra phải tạm dừng liên lạc không dây hoặc có dây, và liên lạc nhiều hơn thông qua các cuộc họp truyền thống. Kết quả là Israel đã lần theo dấu vết, thông qua nhiều cuộc không kích chính xác, liên tục tiêu diệt các lãnh đạo cấp cao cũng như cấp thấp của Hezbollah, đồng thời tấn công vào các căn cứ ẩn giấu vũ khí của họ.

Ngày 21/9, Lực lượng Phòng vệ Israel thông báo đã tiến hành 400 cuộc không kích, gần như phá hủy hệ thống chỉ huy quân sự của Hezbollah, và phá hủy hàng nghìn bệ phóng hoả tiễn. 

Trong ngày 23/9, theo thống kê của Bộ Y tế Li-băng, Israel đã tiến hành hơn 1.600 cuộc không kích, trong khi Hezbollah bắn khoảng 240 quả hoả tiễn về phía Israel, Bờ Tây và Cao nguyên Golan.

Nhà bình luận Thẩm Chu chỉ ra rằng, Hezbollah thỉnh thoảng vẫn bắn hoả tiễn vào Israel nhưng không thể tổ chức một cuộc tấn công quy mô thực sự. 

Hệ thống chỉ huy khó hoạt động bình thường và vũ khí tầm xa cũng bị tổn thất nặng nề. Những tình huống chiến tranh như vậy đáng được tất cả các nước nghiên cứu. 

Theo ông Thẩm, để đối phó với một cuộc chiến có thể xảy ra ở eo biển Đài Loan, quân đội Mỹ và các đồng minh nên có kế hoạch phủ đầu tương tự, và không cho phép hoả tiễn cùng các loại vũ khí tầm xa khác của Trung Quốc được tung ra.

Ngày 1/10, lực lượng mặt đất của Israel chính thức tiến vào Li-băng. Ngày 5/10, Israel tuyên bố đã tiêu diệt ít nhất 440 binh sĩ Hezbollah trong các hoạt động trên bộ, và cũng phá hủy hầu hết vũ khí, đường hầm do Hezbollah cất giữ ở biên giới. 

Ông Thẩm cho hay, hầu hết Hezbollah, vốn bị thất bại nghiêm trọng, đã sơ tán hoặc bỏ chạy, hiệu quả trên bộ của Israel đã đạt được kết quả như mong đợi.

Các cuộc không kích chính xác quy mô lớn sau Chiến tranh Iraq

Nhà bình luận Thẩm Chu cho hay, quân đội Mỹ tiên phong về mô hình tấn công chính xác trên không. Hoả tiễn hành trình Tomahawk phóng từ chiến hạm và tàu ngầm, cũng là một phần của các cuộc không kích chính xác. 

Hoả tiễn được sử dụng để tấn công các mục tiêu có giá trị cao, bao gồm việc phá hủy trước tiên các radar và hệ thống phòng không của đối phương, và vai trò của chúng là không thể thay thế; tuy nhiên, chi phí sản xuất hoả tiễn rất đắt.

Trong Chiến tranh vùng Vịnh, khi quân đội Mỹ tấn công nhiều mục tiêu chiến thuật hơn, họ vẫn sử dụng số lượng lớn bom trên không với sức công phá lớn hơn. 

Đối với các mục tiêu dưới lòng đất, những quả bom xuyên đất cỡ lớn do chiến đấu cơ mang theo cũng hiệu quả hơn hoả tiễn. 

Để cải thiện độ chính xác tấn công của bom thả từ trên không, quân đội Hoa Kỳ đã phát triển bom dẫn đường chính xác, JDAM, được sử dụng theo lô trong Chiến tranh Iraq và Chiến tranh Kosovo. 

Theo ông Thẩm, phi cơ ném bom của Mỹ đã chính thức chia tay việc ném bom rải thảm. Các chiến đấu cơ của Mỹ mang bom dẫn đường chính xác, và có thể nhanh chóng hoàn thành nhiều nhiệm vụ tấn công mặt đất với chi phí thấp hơn. 

Không kích chính xác đã trở thành mô hình không kích hiện đại được không quân nhiều nước theo đuổi. Tuy nhiên, ông Thẩm cho hay, trong 20 năm qua, chỉ có Israel mới thực sự áp dụng nó trên quy mô lớn trong thực chiến. 

Israel tiếp tục thực hiện các cuộc không kích nhằm vào các mục tiêu của Hamas, sử dụng một số hoả tiễn không đối đất tầm ngắn, nhưng thường sử dụng bom dẫn đường chính xác với chi phí thấp hơn. Mỹ đã cung cấp cho Israel ít nhất 3.000 quả bom dẫn đường chính xác.

Quân đội Mỹ có ít nhất 550.000 bộ bom dẫn đường chính xác trong kho. Đơn giá ban đầu là khoảng 40.000 USD.  Sau khi sản xuất hàng loạt, đơn giá giảm xuống còn 18.000 USD. Phiên bản nâng cấp mới nhất có giá khoảng 30.000 USD. 

Đơn giá của hoả tiễn hành trình Tomahawk vào khoảng 2 triệu USD, giá xuất khẩu khoảng 4 triệu USD. Theo ông Thẩm, ưu điểm của bom dẫn đường chính xác là khá rõ ràng, quân đội Mỹ cũng có kế hoạch sử dụng bom dẫn đường chính xác để nhanh chóng đánh chìm hạm đội Trung Quốc.

Lực lượng Không quân Israel đã tham gia vào cuộc chiến kéo dài một năm chống lại Hamas, và toàn bộ lực lượng này đã thực hiện các cuộc không kích chính xác trong thực chiến. 

Hezbollah có một số lượng nhỏ vũ khí phòng không và chúng nhanh chóng bị tiêu diệt. Israel không sử dụng hoả tiễn đất đối đất, mà chỉ sử dụng các đòn không kích chính xác để phá huỷ mục tiêu.

Lực lượng không quân lớn thứ sáu thế giới được quân đội Mỹ giúp thành lập

Theo Bảng xếp hạng các cường quốc không quân toàn cầu, Mỹ, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nhật Bản được xếp trước Israel. 

Không quân, Hải quân, Lục quân và Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ lần lượt xếp thứ 1, 2, 4 và 5; 

Không quân Nga xếp thứ 3; Không quân Ấn Độ xếp thứ 6; Không quân Trung Quốc xếp thứ 7; Lực lượng Phòng vệ Israel đứng thứ 8.

Nếu các quân chủng khác nhau của quân đội Mỹ không bị tách ra, Israel sẽ là lực lượng không quân lớn thứ sáu trên thế giới. Pháp, Anh, Hàn Quốc, Ý và Úc xếp sau Israel.

Nhà bình luận Thẩm Chu cho hay, Israel có ít chiến đấu cơ hơn Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nhật Bản, nhưng khả năng không kích của nước này được thể hiện trong chiến đấu thực tế, chỉ đứng sau quân đội Mỹ.

Không quân Nga thường xuyên được khai triển trong cuộc chiến ở Ukraina, nhưng không dám dễ dàng xâm nhập vùng trời nằm trên khu vực kiểm soát thực tế của Ukraina. 

Ông Thẩm quan sát thấy, chiến đấu cơ của Nga cũng đã phóng một số hoả tiễn không đối đất, và ngày càng thả bom từ trên không xuống các vị trí của Ukraina cách đó hàng chục km, nhưng chúng được cho là không chính xác. 

Giải pháp của quân đội Nga là tăng trọng lượng của quả bom và tăng tầm sát thương, để bù đắp cho sự thiếu chính xác của vũ khí.

Quân đội Nga có 110 chiến đấu cơ đa năng Su-30 và Su-35, cùng 127 phi cơ tấn công Su-34. 

Đây là lực lượng chính được khai triển trên chiến trường Nga-Ukraina. Quân đội Nga cũng có 101 chiến đấu cơ Su-27, 85 chiến đấu cơ Mig-29 và 90 chiếc Mig-31, nhưng chúng hiếm khi xuất hiện trên chiến trường Nga-Ukraina, trong đó có chiến đấu cơ Su-57 và Mig-35 là mới nhất. 

Quân đội Nga còn có 273 phi cơ cường kích Su-24 tham chiến với số lượng ít; Tu-22, Tu-95, Tu-160 và các phi cơ ném bom khác chỉ phóng hoả tiễn không đối đất trong phạm vi lãnh thổ.

Theo nhà bình luận Thẩm, quân đội Nga có đủ số lượng chiến đấu cơ, nhưng chưa thể thực sự thể hiện được khả năng không kích hiện đại của mình. 

Chiến đấu cơ của Nga đã bị hoả tiễn phòng không bắn hạ nhiều lần, trong giai đoạn đầu của cuộc chiến, nhưng chúng chưa bao giờ có thể phá hủy được khả năng phòng không của Ukraina. 

Mỹ và NATO tiếp tục cung cấp thêm vũ khí phòng không cho Ukraina, khiến chiến đấu cơ Nga e ngại tiến thêm một bước.

Ấn Độ có 242 phi cơ Su-30, 66 phi cơ Mig-29, 45 chiến đấu Mirage-2000 và đang tiếp nhận chiến đấu cơ Rafale. 

Ông Thẩm chỉ ra rằng, 130 phi cơ tấn công Jaguar ban đầu đã tham gia cuộc chiến với Pakistan, nhưng Ấn Độ vẫn chưa chứng tỏ được khả năng thực hiện các cuộc không kích chính xác quy mô lớn.

Nhật Bản có 155 chiến đấu cơ F-15 nhưng đều là loại chiếm ưu thế trên không; 62 chiến đấu cơ F-2 chủ yếu mang hoả tiễn chống hạm để bảo vệ vùng biển Nhật Bản và rất ít luyện tập tấn công mặt đất; các phi cơ F-35 mới nhận được có khả năng tấn công mặt đất, nhưng vẫn cần thời gian để huấn luyện.

Theo ông Thẩm, ngoài quân đội Mỹ, khả năng không kích mà Israel thể hiện trong các cuộc chiến quy mô lớn hiện đứng thứ hai thế giới. 

58 phi cơ F-15, 175 phi cơ F-16 và 39 chiếc F-35 của Israel đều đến từ Mỹ.  Công nghệ của các hệ thống vũ khí liên quan cũng được Mỹ đào tạo. Chiến thuật không kích của Israel cũng được huấn luyện bởi Mỹ.

Ngày nay, hầu hết các phi công của Israel có kinh nghiệm thực chiến trong không kích vượt trội hơn so với hầu hết phi công Mỹ, đặc biệt là trong việc sử dụng phi cơ F-35. Hiện tại, Israel đứng đầu trong lĩnh vực này.

Sự bối rối của Không quân Trung Quốc

Sách Trắng Quốc phòng của Nhật Bản tiết lộ số chiến đấu cơ đang hoạt động của Trung Quốc gồm có 200 chiếc J-20, 262 chiếc J-16, 97 chiếc Su-30 và 24 chiếc Su-35, trong đó có 588 chiếc chiến đấu cơ J-10; Su-27/J-11 đã giảm nhẹ xuống còn 327 phi cơ; số lượng phi cơ J-15 hoạt động trên hàng không mẫu hạm vẫn ở mức 60.

Ông Thẩm cho hay, Trung Quốc cũng có đủ số lượng chiến đấu cơ, nhưng không có phi cơ cường kích nào ngang tầm với Su-34 của Nga, mà chỉ có một số chiếc JH-7 lạc hậu. 

J-11 của quân đội Trung Quốc thiếu khả năng tấn công mặt đất, nên J-16, Su-30 và Su-35 phải đảm nhận nhiệm vụ kép, là không chiến và không kích. Về mặt lý thuyết, J-10 cũng có khả năng tấn công mặt đất, nhưng dự kiến ​​nó sẽ không dễ dàng rời khỏi vùng lãnh hải.

J-20 của Trung Quốc vẫn chưa thể hiện được khả năng tấn công trên không. J-15 theo chân hàng không mẫu hạm Liêu Ninh, Sơn Đông ra biển, nên chỉ có thể được sử dụng cho mục đích phòng không ngắn hạn, khó thực hiện nhiệm vụ không kích.

Ông Thẩm quan sát thấy rằng, khả năng không kích của Không quân Trung Quốc còn kém hơn cả quân đội Nga.

Chiến đấu cơ Trung Quốc thường xuyên vượt qua đường trung tuyến trên eo biển Đài Loan, nhưng nếu thực sự xảy ra chiến tranh, để tránh các hoả tiễn phòng không của Đài Loan, có lẽ quân Trung Quốc sẽ không dám dễ dàng tiếp cận không phận eo biển Đài Loan, khiến việc thực hiện nhiệm vụ không kích sẽ gặp khó khăn. 

Trung Quốc có 100 phi cơ ném bom H-6, nhưng không thể mang theo nhiều bom hàng không, chủ yếu mang hoả tiễn chống hạm, mạo hiểm một mình ra khơi để cố gắng tấn công chiến hạm Mỹ; họ cũng có thể đi vòng qua phía đông Đài Loan để phóng hoả tiễn không đối đất. Tuy nhiên, thiếu sự hộ tống của chiến đấu cơ, thì lực lượng Trung Quốc rất khó để bảo đảm an toàn cho bản thân.

Các phi công Trung Quốc coi việc huấn luyện tấn công mặt đất là huấn luyện mục tiêu và thường mang theo hoả tiễn để mô phỏng các cuộc tấn công đổ bộ. 

Có rất ít báo cáo về việc quân đội Trung Quốc huấn luyện thả bom dẫn đường chính xác. 

Hoả tiễn không đối đất của Bắc Kinh chủ yếu được sao chép từ Nga, nhưng vẫn chưa làm chủ được công nghệ hoả tiễn mới nhất của Matxcova. 

Hoả tiễn không đối hạm và không đối đất tầm xa của Trung Quốc kế thừa đặc điểm kích thước lớn và trọng lượng nặng của hoả tiễn Nga. Chúng được cho là chỉ có thể được mang theo bởi phi cơ ném bom H-6, có thể treo 6 quả hoả tiễn, nhưng trên thực tế, trong quá trình huấn luyện, chúng thường chỉ treo 2 quả.

Nhà bình luận Thẩm Chu cho rằng, Bắc Kinh có lẽ biết rằng khả năng tấn công trên không của họ còn hạn chế, nên các cuộc tấn công tầm xa của họ chủ yếu dựa vào hoả tiễn đất đối đất. 

Iran đã tiến hành hai cuộc tấn công quy mô lớn vào Israel trong năm nay. Vào ngày 1/10, nước này đã phóng 200 hoả tiễn đạn đạo nhưng hầu hết đều bị đánh chặn. 

Hoả tiễn Đông Phong 15 (东风) và Đông Phong 16 của quân đội Trung Quốc mỗi lần chỉ có thể phóng vài trăm quả. Đài Loan, quân đội Mỹ và các đồng minh sẽ không ngồi yên chờ đợi hoả tiễn của Trung Quốc rơi xuống đầu mình, và có thể phản công vào các căn cứ hoả tiễn của Trung Quốc bất cứ lúc nào. 

Để bù đắp cho khả năng tấn công tầm xa còn thiếu, Bắc Kinh cũng đã phát triển hoả tiễn tầm xa, nhưng rất khó để thực hiện các cuộc tấn công chính xác.

Khi Bắc Kinh chứng kiến khả năng không kích chính xác của Israel, tất nhiên họ cũng sẽ nhìn ra khả năng không kích chính xác của quân đội Hoa Kỳ. 

Các căn cứ hoả tiễn, chiến hạm, bến cảng, sân bay, kho đạn dược của Trung Quốc có thể bị pháo kích bất cứ lúc nào. Ông Thẩm chỉ ra rằng, chiến dịch đánh phủ đầu chính xác có lẽ là điều mà các quan chức Trung Quốc lo sợ nhất.

Chiến đấu cơ tàng hình và lực lượng đặc nhiệm của quân đội Mỹ có thể nhanh chóng tấn công trước. Nếu Bắc Kinh gây chiến, tất cả các quan chức cao nhất của Quân ủy Trung ương Trung Quốc và Trung Nam Hải cho tới  các chỉ huy của tất cả các tập đoàn quân, lữ đoàn, tiểu đoàn, cũng như các bí thư đảng ủy các tỉnh, thành phố ven biển của Trung Quốc, có thể đều sẽ trở thành mục tiêu của quân đội Mỹ, giống như kết cục của các thủ lĩnh Hezbollah. 

Theo nhà bình luận Thẩm Chu, đến lúc đó, e rằng sẽ không có nhiều quan chức Trung Quốc dám đảm nhận những vị trí này, và ĐCSTQ sẽ sớm tan rã!.

Related posts