Vào ngày 23 tháng 10, Phó Tổng thống Kamala Harris, đề cử viên tranh cử cho vị trí Tổng thống năm 2024 của Đảng Dân chủ, đã có cơ hội vấn đáp trực tiếp với các cử tri dao động trong một buổi tọa đàm tiếp xúc cử tri ở Quận Delaware, tiểu bang Pennsylvania.
Sự kiện vấn đáp trực tiếp này chỉ cách ngày bầu cử (5/11) 13 ngày, khi bà Harris đang nỗ lực thu hút thêm phiếu bầu của các cử tri dao động trong cuộc đua khốc liệt vào Nhà Trắng đối đầu với cựu Tổng thống Donald Trump, đề cử viên tranh cử cho vị trí Tổng thống năm 2024 của Đảng Cộng hòa.
Buổi gặp gỡ do ông Anderson Cooper, điều phối viên kỳ cựu của đài CNN, dẫn dắt, với sự tham gia của 32 cử tri dao động tuyên bố họ sẵn sàng thay đổi quan điểm nếu bị thuyết phục, theo lời của ông Cooper. Một số cử tri dao động đã từng bỏ phiếu cho Đảng Cộng hòa, trong khi số khác bỏ phiếu cho Đảng Dân chủ, và một số chưa từng bỏ phiếu vì lựa chọn cá nhân hoặc vì chưa đáp ứng đủ điều kiện vào thời điểm đó.
Quận Delaware là một khu vực đông dân cư nằm gần thành phố Philadelphia, đồng thời cũng là một quận quan trọng của khu đô thị lớn nhất trong tiểu bang Pennsylvania, nơi được coi là tiểu bang chiến trường quan trọng quyết định kết quả cuộc bầu cử năm 2024.
Bà Harris và ông Trump gần như ngang điểm nhau trong các cuộc thăm dò tại tiểu bang Pennsylvania cũng như tại sáu tiểu bang chiến trường khác, những nơi được dự báo sẽ quyết định kết quả của cuộc bầu cử năm 2024.
Trong suốt buổi gặp gỡ, từ phần phát biểu khai mạc cho đến phần vấn đáp 12 câu hỏi từ khán giả, bà Harris liên tục nhấn mạnh sự khác biệt giữa bà và ông Trump, đồng thời thể hiện tầm nhìn lãnh đạo tập trung vào các giải pháp giải quyết vấn đề cũng như cam kết hợp tác lưỡng đảng.
Dưới đây là 5 điểm chính rút ra từ sự kiện này.
1. Chỉ trích mạnh mẽ ông Trump
Trong các phát biểu của mình, bà Harris không ngần ngại chỉ trích cựu Tổng thống Trump, mở đầu bằng một tuyên bố khai mạc kéo dài năm phút rưỡi, trong đó bà liệt kê rất nhiều lý do khiến bà cho rằng ông Trump không xứng đáng đảm nhận chức vụ tổng thống một lần nữa.
Được thúc đẩy từ câu hỏi mở đầu của ông Cooper, bà Harris nói: “Tôi tin rằng Donald Trump là một người bất ổn, càng ngày càng trở nên thiếu kiên định, không phù hợp để phục vụ [đất nước]”.
Bà Harris tiếp tục liệt kê một số quan chức trước đây từng đảm nhận những chức vụ quan trọng trong nội các trong chính quyền Trump đã từ bỏ ủng hộ ông, như cựu Phó Tổng thống Mike Pence và cựu Chánh văn phòng Nhà Trắng John Kelly.
“Tôi nghĩ điều đó khiến nhiều cử tri phải lo ngại về tương lai của đất nước chúng ta nếu Donald Trump nắm quyền lãnh đạo“, bà Harris nói.
Khi được hỏi liệu bà có tin rằng ông Trump là một kẻ phát xít hay không, bà Harris đã trả lời dứt khoát: “Đúng, tôi tin là vậy“.
Trong suốt buổi tọa đàm, bà Harris vẫn tiếp tục chỉ trích mạnh mẽ ông Trump khi trả lời 9 trong số 12 câu hỏi, và nhắc đến tên ông Trump 27 lần trong sự kiện tiếp xúc cử tri chỉ kéo dài vẻn vẹn 60 phút.
2. Cam kết hợp tác lưỡng đảng
Bà Harris cam kết sẽ trở thành nhà lãnh đạo tập trung vào các giải pháp giải quyết vấn đề cũng như hợp tác với lưỡng đảng để giải quyết rất nhiều vấn đề lớn mà cử tri đang phải đối mặt như chi phí nhà ở và chi phí sinh hoạt đắt đỏ, và điều mà bà gọi là hệ thống nhập cư có lỗ thủng.
“Chúng ta cần phải vượt qua thời kỳ chính trị đảng phái đang làm chậm trễ quá trình phát triển của đất nước, và điều đó đòi hỏi sự hợp tác giữa các đảng phái. Tôi đã thực hiện điều đó trước đây. Tôi cam kết sẽ làm việc với Đảng Dân chủ, Đảng Cộng hòa và các đảng phái độc lập để giải quyết nhiều vấn đề nan giải [mà cử tri đang phải đối mặt]“, bà Harris nói.
Trong suốt buổi tọa đàm, bà Harris đã lặp lại nhiều lần ý tưởng hợp tác đa đảng nhằm giải quyết các vấn đề nan giải của đất nước, đặc biệt khi đề cập đến việc giải quyết cuộc khủng hoảng biên giới.
“Người dân Hoa Kỳ quan tâm đến việc [đất nước] chúng ta có những giải pháp thực tế, hợp lý từ một nhà lãnh đạo sẵn sàng hợp tác [với các đảng phái] vì lợi ích của người dân Hoa Kỳ, chứ không phải vì lợi ích cá nhân“, bà Harris tuyên bố.
3. Chịu áp lực về vấn đề nhập cư
Ông Cooper đã khéo léo lồng ghép thêm một số câu hỏi sau khi bà Harris đưa ra câu trả lời, đặc biệt là về vấn đề nhập cư trái phép.
Sau khi bà Harris trả lời một câu hỏi về chủ đề này, ông Cooper lưu ý rằng mới đây chính quyền Biden đã ban hành các sắc lệnh khiến số lượng di dân vượt biên trái phép suy giảm đáng kể. Tuy nhiên, ông Cooper hỏi tại sao những sắc lệnh này không được ban hành sớm hơn.
“Chúng tôi đã làm việc với Quốc hội và hy vọng có thể tìm ra một giải pháp dài hạn để giải quyết vấn đề [di dân vượt biên trái phép] thay vì chỉ [sử dụng] một giải pháp ngắn hạn“, bà Harris trả lời.
Khi được hỏi liệu bà Harris có tiếc nuối khi các sắc lệnh hành pháp không được ban hành sớm hơn, bà Harris đã trả lời: “Tôi nghĩ chúng tôi đã làm đúng, nhưng điều tốt nhất cho người dân Hoa Kỳ là lưỡng đảng cùng hợp tác“.
Ông Cooper cũng lưu ý rằng dự luật biên giới lưỡng đảng mà bà Harris ủng hộ cũng bao gồm khoản ngân sách 650 triệu USD dành cho việc xây dựng bức tường biên giới, điều mà trước đây bà Harris đã lên tiếng chỉ trích.
“Vậy bà có muốn [tiếp tục] xây dựng một số đoạn tường [biên giới] hay không?” ông Copper hỏi.
Bà Harris trả lời: “Tôi muốn gia cố biên giới của chúng ta“.
4. Chấm dứt thủ tục Filibuster để thông qua luật phá thai liên bang
Trong một cuộc phỏng vấn với NBC vào ngày hôm trước, phóng viên đã hỏi liệu bà Harris có sẵn sàng chấp nhận bất kỳ nhượng bộ nào về quyền phá thai nếu Quốc hội không thể thông qua dự luật bảo đảm quyền phá thai liên bang. Bà Harris đã không ngần ngại trả lời rằng bà sẽ không nhượng bộ.
Ông Cooper đã cẩn thận nhắc lại câu hỏi này một lần nữa, lưu ý rằng để luật phá thai liên bang được thông qua thành công cần ít nhất 60 phiếu ủng hộ tại Thượng viện và đa số ủng hộ tại Hạ viện.
“Nếu điều đó không thể xảy ra, bà sẽ làm gì?” ông Cooper hỏi.
“Nói thật với ông, tôi nghĩ chúng ta cần nghiêm túc xem xét lại việc chấm dứt thủ tục filibuster“, bà Harris trả lời, đề cập đến quy tắc tại Thượng viện yêu cầu có ít nhất 60 phiếu để tranh luận kết thúc và một dự luật sẽ được đưa ra bỏ phiếu trước Thượng viện. Thủ tục Filibuster cho phép một nhóm nhỏ các Thượng nghị sĩ cố tình kéo dài tranh luận nhằm ngăn cản một dự luật được bỏ phiếu trước Thượng viện.
Qua các thời kỳ, thủ tục Filibuster đã nhận phải rất nhiều lời tán dương lẫn chỉ trích từ cả hai phía. Phía chỉ trích cho rằng nhóm thiểu số đang lợi dụng Filibuster để ngăn chặn Quốc hội thông qua các dự luật. Trong khi phía tán dương cho rằng Filibuster là yếu tố quan trọng để đảm bảo các dự luật giải quyết vấn đề phải được lưỡng đảng tại Thượng viện đồng thuận cũng như bảo vệ quyền lợi của nhóm thiểu số tại Thượng viện.
5. Chia sẻ cá nhân về đức tin và nỗi đau mất mẹ
Bà Harris đã chia sẻ về cuộc sống cá nhân của mình khi trả lời câu hỏi về hệ phái đức tin Baptist của bà và nỗi đau trước sự ra đi của mẹ bà.
Bà Harris nói rằng bà đã cầu nguyện mỗi ngày.
“Tôi được [cha mẹ] nuôi dạy với niềm tin vào một Chúa nhân từ, và rằng đức tin [không chỉ là tôn thờ mà còn] là hành động. Công việc cuộc đời của bạn nên là suy nghĩ [làm cách nào] để nâng đỡ người khác, và chăm sóc cho người khác. Và điều đó ảnh hưởng rất nhiều đến cách tôi suy nghĩ về công việc của mình”, bà Harris nói.
Sau đó, khi được hỏi liệu bà có còn cảm thấy đau buồn về sự ra đi của mẹ bà vào năm 2019 do ung thư hay không, bà Harris chia sẻ: “Bạn không bao giờ nguôi ngoai nỗi buồn [mất mẹ].Tôi không nghĩ có một cách nào đó đúng đắn hay chuẩn mực để bộc lộ nỗi đau mất mát. Điều quan trọng nhất là mọi người không nên kìm nén cảm xúc của mình, và mọi người xung quanh nên thông cảm để người đó có thể vượt qua nỗi đau theo cách của riêng mình”.
Bà Harris từng dẫn trước ông Trump 3,7 điểm phần trăm trong các cuộc thăm dò toàn quốc vào cuối tháng Tám. Khoảng cách đó đã thu hẹp xuống còn 1,7 điểm, và một số cuộc thăm dò khác cho thấy ông Trump hiện đang vượt lên.
Cuộc chạy đua khốc liệt vào Nhà Trắng tại tiểu bang Pennsylvania với 19 phiếu đại cử tri, đang ở thế cân bằng, theo các cuộc thăm dò.
Hơn 26,5 triệu cử tri đã lựa chọn bỏ phiếu sớm tại các điểm bỏ phiếu hoặc bỏ phiếu qua thư trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2024, theo phòng thí nghiệm bầu cử của Đại học Florida. Hơn 158 triệu cử tri đã tham gia bỏ phiếu trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2020.
Thiên Vân, theo The Epoch Times