Cưỡng chế nghĩa vụ quân sự đang khiến người Ukraine căng thẳng

Nguồn: Paul Hockenos, “Conscription Is Breaking Ukraine,” Foreign Policy, 28/10/2024

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Ukraine đang rất cần nhân lực ở tiền tuyến – nhưng người dân nước này đang tuyệt vọng mong chờ một giai đoạn nghỉ ngơi.

Ở Ukraine ngày nay, không có chủ đề nào gai góc hơn chủ đề nghĩa vụ quân sự bắt buộc. Rất ít người muốn nói về nghĩa vụ quân sự một cách công khai, và những người đàn ông trong độ tuổi nghĩa vụ quân sự, từ 25 đến 60 tuổi, thì đặc biệt kín tiếng. “Nó quá nhạy cảm. Tôi hy vọng anh hiểu,” một người đàn ông nói với tôi khi nhắc đến nhiều gia đình trong số bạn bè của anh, những người có con trai, anh em trai, và cha đang ở mặt trận hoặc đã hy sinh ở đó. Một số người lo sợ rằng việc lên tiếng có thể khiến Bộ Quốc phòng gửi cho họ một lá thư thông báo về việc nhập ngũ. Hoặc tệ hơn, họ có thể bị các sĩ quan tuyển quân trên đường phố bắt giữ một cách ngẫu nhiên và nếu giấy tờ của họ chứng minh họ đủ điều kiện phục vụ, họ sẽ bị đưa thẳng đến trại huấn luyện tân binh.

Hồi đầu tháng 10, Marco, một nhà phân tích năng lượng người Ukraine yêu cầu giấu tên, cho biết anh rể của mình, một chuyên gia công nghệ thông tin, đã bị cảnh sát giao thông chặn lại trên một con đường gần Kyiv. Nhưng các cảnh sát này không chỉ có một mình. Nhân viên Bộ Quốc phòng được phân công vào bộ phận tuyển quân đã đi cùng họ. Họ yêu cầu được xem “hồ sơ quân sự” của người đàn ông 30 tuổi này, nó là một loại hồ sơ do bộ cấp, có chứa tất cả dữ liệu liên quan đến nghĩa vụ quân sự, chẳng hạn như tuổi tác, tình trạng nghề nghiệp, và tình trạng sức khỏe. Tất cả nam giới Ukraine từ 18 đến 60 tuổi đều phải có một hồ sơ như thế. Người anh rể này không có giấy tờ chứng minh đã khám sức khỏe định kỳ hàng năm, và vì thế, anh đã được đưa đến một phòng khám y tế địa phương, khám sức khỏe trong hai giờ, rồi ngày hôm sau được đưa thẳng đến một trại huấn luyện bên ngoài Kyiv.

Trong cuộc trò chuyện của chúng tôi, Marco liên tục lắc đầu tỏ vẻ không thể tin nổi. Anh rể tôi không phải là mẫu người mà lực lượng vũ trang cần ở mặt trận, anh nói. Nếu không có những chuyên gia như anh ấy, nền kinh tế của Ukraine sẽ bị đình trệ.

Sau gần ba năm bị tấn công liên tục, người dân Ukraine đã trở nên mệt mỏi với cảnh thiếu thốn hàng ngày, và rộng hơn là với thảm kịch của một cuộc chiến mà họ cho rằng đáng lẽ phải kết thúc sớm hơn, nhưng vẫn chưa thấy hồi kết. Nhiều người không hài lòng với lệnh gọi nhập ngũ – và những phương pháp gọi nhập ngũ có tính xâm phạm – và cũng không hài lòng với một thay đổi về thuế gần đây khi thu nhập của họ bị đánh thuế quân sự 5%, tăng từ 1,5%, để cung cấp cho lực lượng vũ trang.

“Ai nấy đều sợ – điều đó cũng dễ hiểu,” Ivona Kostyna, giám đốc của tổ chức phi chính phủ Veteran Hub, chuyên cung cấp và hỗ trợ các dịch vụ cho cựu chiến binh, cho biết. “Anh phải nhớ rằng không có một người nào ở đất nước này mà cuộc sống của họ chưa bị đảo lộn vì chiến tranh.” Kostyna cho rằng việc mở rộng chế độ nghĩa vụ quân sự và mức thuế mới là cần thiết, nhưng cảnh báo không nên xem nhẹ sự hy sinh mà những biện pháp này đòi hỏi.

Việc lực lượng Ukraine bị dàn mỏng trên tuyến đầu ở phía đông và phía nam – và kể từ tháng 8 là ở Nga – không phải là bí mật, và nhân lực mới là điều rất cần thiết. Một số đơn vị bộ binh đã chiến đấu với các cuộc tấn công liên tục của Nga từ các chiến hào kể từ mùa xuân năm 2022, khi cuộc xâm lược toàn diện bắt đầu – và một số đơn vị còn chiến đấu lâu hơn thế – mà không có thời gian nghỉ ngơi phù hợp. Lực lượng vũ trang của Ukraine không có thủ tục giải ngũ, nên về cơ bản điều đó khiến nhập ngũ trở thành một tấm vé một chiều: một điều kiện không công bằng với những người ở chiến trường và cũng không hấp dẫn đối với những dân thường đang cân nhắc việc nhập ngũ.

Ngược lại, Nga có dân số gấp ba lần rưỡi Ukraine, và tổng số quân nhân đang tại ngũ của nước này là khoảng 1,5 triệu người, so với khoảng 900.000 người của Ukraine (dù các ước tính có thể khác nhau). Và tính đến tháng 10, quân đội Triều Tiên – hiện có khoảng 3.000 người – đang hỗ trợ người Nga trên chiến trường và tạo thêm một bước ngoặt mới cho cuộc chiến. Chính phủ Ukraine cho biết 12.000 lính Triều Tiên đang được đào tạo tại Nga. Rõ ràng, người Nga cũng đang phải vật lộn để lấp đầy hàng ngũ của mình.

Cho đến gần đây, Ukraine đã thận trọng hơn kẻ thù của mình về việc chi viện cho các đơn vị đã kiệt sức và suy yếu, dù những người đàn ông dưới 60 tuổi đã bị cấm rời khỏi Ukraine kể từ khi chiến tranh bắt đầu. Bản chất của chế độ nghĩa vụ quân sự đang được tranh luận sôi nổi, với một số người ủng hộ mô hình nghĩa vụ bắt buộc như của Israel, trong khi những người khác ủng hộ một hệ thống hoàn toàn tự nguyện như ở Mỹ. Vào tháng 4, Kyiv đã hạ độ tuổi động viên từ 27 xuống 25 – đồng thời giảm bớt các trường hợp được miễn nhập ngũ. Các khoản tiền tưởng cho lính tình nguyện đã được tăng lên và một chiến dịch truyền thông mới đã được phát động.

Khắp nơi ở Kyiv – trên các biển quảng cáo, dọc theo các con phố, trong tàu điện ngầm và tàu lửa, và cả trong các quán cà phê và quán bar đông đúc – các tấm biển của Bộ Quốc phòng đang vẫy gọi những người trẻ tuổi. “Nhiều vị trí, tùy theo kinh nghiệm và sở thích của bạn,” đây là nội dung của một trong những quảng cáo như vậy, đi kèm là bức hình một người lính vũ trang đeo khẩu trang đen. “Chúng tôi đảm bảo bạn có thể lựa chọn đơn vị mà bạn muốn phục vụ,” quảng cáo nói thêm, một đặc quyền cho phép các thành viên trong gia đình phục vụ cùng nhau. Một quảng cáo khác có hình một phụ nữ trẻ mặc áo phông màu xanh lá cây của quân đội đang ôm một con mèo. Nó thông báo tuyển dụng vị trí chỉ huy đội y tế và tiền thưởng khi ký hợp đồng là 150.000 hryvnia Ukraina, tương đương khoảng 3.600 đô la Mỹ.

Bộ Quốc phòng cho biết tỷ lệ nhập ngũ tự nguyện vẫn cao nhưng chưa đủ để cạnh tranh với lợi thế nhân khẩu học và chiến thuật tuyển quân lạnh lùng của Nga.

Tại Quảng trường Độc lập ở trung tâm thành phố Kyiv, đài tưởng niệm tự phát dành cho những người lính đã hy sinh trong chiến tranh giúp người ta hình dung phần nào về số lượng binh lính Ukraine đã thiệt mạng – một con số mà chính phủ không tiết lộ vì mục đích tinh thần. Hàng ngàn lá cờ Ukraine cỡ bàn tay, với hai màu xanh và vàng – cùng chân dung, nến, vòng hoa, ảnh và nhiều loại cờ khác – được chất đầy trên các sườn đồi thoai thoải của quảng trường. Trên các lá cờ, một cái tên viết tay được theo sau bởi ngày sinh và ngày mất. Phía trên đài tưởng niệm trang nghiêm là một cột cao 60m với bức tượng một người phụ nữ cầm một cành hoa hồng trên tay – biểu tượng của nhà nước Ukraine.

Trong những tháng sau cuộc xâm lược năm 2022, nhiều người cả nam lẫn nữ đã đổ xô đi đăng ký nhập ngũ. Các hàng người kéo dài tại các trung tâm tuyển quân, chạy vòng quanh các khu phố. Các khoản quyên góp tư nhân ồ ạt đổ về các lữ đoàn. Ngày nay, mối đe dọa sống còn đối với Ukraine vẫn không hề kém phần cấp bách – và mong muốn được sống theo các tiêu chuẩn dân chủ của người Ukraine vẫn không hề suy giảm. Và ở Kyiv, sự ủng hộ liên tục của công chúng đối với lực lượng vũ trang vẫn hiện diện khắp mọi nơi. Ví dụ, quán cà phê kiêm quán bar Kharakternyky ở bên ngoài Maidan do những người lưu vong của thành phố Mariupol bị chiếm đóng điều hành đã gây quỹ cho một lữ đoàn bao gồm những người lính từ khu vực của họ.

“Nhưng tình hình bây giờ đã khác,” Andreii, một hướng dẫn viên du lịch và sinh viên triết học ở Kyiv cho biết. Khi chiến tranh bắt đầu, “họ là những người thực sự tin tưởng, những người muốn ra tiền tuyến và chiến đấu. Bây giờ thì khác rồi.” Andreii mới 23 tuổi và do đó chưa đến tuổi nhập ngũ. Nhưng nếu có thể rời khỏi đất nước, cậu sẽ làm vậy. “Mục đích là chính đáng, và tôi biết chúng ta cần những người lính,” cậu nói. “Nhưng tại sao lại là tôi, trong khi rất nhiều người bằng tuổi tôi hiện đang ở nước ngoài, còn những người khác thì có tiền để trả cho các viên chức quân đội hoặc bác sĩ?”

Các vụ hối lộ để tránh nghĩa vụ quân sự đã gây ảnh hưởng lớn đến các chiến dịch tuyển quân, cũng như làm giảm lòng tin của công chúng vào nhà nước và quân đội. Trong tháng này, các cáo buộc mới đã buộc tội 33 sĩ quan trả tiền cho các chuyên gia y tế để làm giả hồ sơ khuyết tật về thể chất, nhờ đó giúp họ trốn nghĩa vụ quân sự và rời khỏi đất nước theo ý muốn. Vụ bê bối mới nhất đã khiến Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố đóng cửa các ủy ban y tế phụ trách kiểm tra sức khỏe vào cuối năm nay.

Người Ukraine hiểu rõ những điều kiện cho phép nam giới – và phụ nữ làm trong ngành dịch vụ y tế, những người cũng có thể bị gọi nhập ngũ – có thể tránh nghĩa vụ quân sự, chẳng hạn như đang là sinh viên, có các vấn đề sức khỏe, hoặc đang làm việc trong các lĩnh vực quan trọng. Ohla, vợ của một sĩ quan đang ở tiền tuyến, nói với tôi rằng cô đã nghiến răng khi đi qua một phòng tập thể dục đầy những chàng trai trẻ lực lưỡng đang tập luyện theo nhạc techno. Nhưng cô thừa nhận mình không biết những người đàn ông đó: họ có thể dưới 25 tuổi, hoặc là cựu chiến binh, hoặc thậm chí đang tập luyện để chuẩn bị triển khai.

“Ở Kyiv, bạn có thể thấy rằng Ukraine vẫn chưa hoạt động như một nền kinh tế thời chiến,” Kostyna nói, ám chỉ đến mức sống tương đối cao và lối sống về đêm xa hoa. “Điều này sẽ thay đổi. Quân đội của chúng ta cần chi viện trên chiến trường và cần tiền cho các hoạt động của mình.” Nếu những đóng góp này không đến một cách tự nguyện – hoặc không đủ lượng cần thiết – thì nhà nước phải ra lệnh, bà nói. Kostyna tin rằng người dân Ukraine bình thường sẽ chấp nhận điều này – vì chiến thắng của Nga là điều vô cùng khủng khiếp.

Kostyna cho biết người dân Ukraine còn nhiều sức chiến đấu hơn nữa, nhưng sự quản lý yếu kém, bao gồm tham nhũng và hệ thống hành chính kém hiệu quả, đang gây tổn hại cho dân thường. Bà nhận định “Tình hình phải được cải thiện. Gánh nặng phải được phân bổ đều hơn.” Ví dụ, phải có cơ hội giải ngũ cho các đơn vị tiền tuyến và có lực lượng dự bị quân sự phù hợp. Hiện tại, lực lượng dự bị duy nhất của Ukraine là nhóm cựu chiến binh.

Một số nhà quan sát đổ lỗi rằng tình trạng phẫn nộ chung đối với chính phủ đã khiến chính phủ phải tìm cách che đậy gánh nặng thực sự của chiến tranh. Cho đến gần đây, “chính phủ đã cố gắng che dấu người dân về thực tế và sự nghiêm trọng của chiến tranh,” Adil Abduramanov, một sinh viên ngữ văn tại Kyiv, nói, “nhưng sau đó họ không thể che giấu được nữa. Họ buộc phải trở thành kẻ xấu và thực hiện các biện pháp không được lòng dân. Sự thay đổi trong cách kể chuyện này là một cú sốc đối với người dân Ukraine bình thường.” Nó cũng không phải là khởi đầu thuận lợi cho một mùa đông chắc chắn sẽ thử thách ý chí của người Ukraine.

Paul Hockenos là một nhà báo sống tại Berlin. Cuốn sách gần đây của ông là “Berlin Calling: A Story of Anarchy, Music, the Wall and the Birth of the New Berlin” (The New Press).

Related posts