Trong 10 tháng đầu năm, Việt Nam đã chi gần 1,2 tỷ USD để nhập khẩu gạo, tăng gần 73% so với cùng kỳ năm ngoái và là mức kỷ lục từ trước đến nay.
Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong 10 tháng qua, các doanh nghiệp trong nước đã chi gần 1,2 tỷ USD để nhập khẩu gạo về phục vụ nhu cầu sản xuất và tiêu dùng nội địa, tăng tới 73% so với cùng kỳ năm ngoái.
Riêng tháng 10, giá trị nhập khẩu gạo của Việt Nam đã tăng vọt lên 148 triệu USD, tăng 225% tương đương gấp hơn 3 lần so với tháng 10 năm ngoái.
Đây là con số nhập khẩu cao kỷ lục của ngành gạo từ trước đến nay, đồng thời vượt xa kim ngạch nhập khẩu 860 triệu USD của cả năm 2023.
Ở chiều ngược lại, 10 tháng năm nay, Việt Nam đã xuất khẩu gần 7,8 triệu tấn gạo, giá trị đạt gần 4,86 tỷ USD, cũng là mức cao kỷ lục. Lượng gạo xuất khẩu từ đầu năm đã tăng 10% và giá trị tăng 23% so với cùng kỳ năm 2023.
Trong tháng 10 vừa qua, Việt Nam xuất khẩu 800.000 tấn gạo, thu về 505 triệu USD, tăng 29% về lượng và tăng 27% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
Dù Việt Nam là quốc gia có sản lượng xuất khẩu gạo xếp thứ 3 thế giới nhưng lượng nhập khẩu cũng cao không kém.
Hiện phần lớn gạo nhập về là gạo tấm giá rẻ từ Ấn Độ, Campuchia, Myanmar, Pakistan với giá thấp hơn trong nước.
Nguyên nhân khiến nhập khẩu gạo tăng mạnh là do nguồn cung từ Ấn Độ tăng trở lại, đáp ứng nhu cầu gạo cấp thấp trong nước khi Việt Nam đang ưu tiên sản xuất hàng chất lượng cao.
Ngoài ra, các doanh nghiệp cho biết xu hướng canh tác trong nước thay đổi, khi nông dân chuyển sang trồng gạo thơm xuất khẩu, còn nhu cầu làm bún, phở chỉ cần gạo giá rẻ, độ nở tốt. Do đó, doanh nghiệp nhập loại gạo này để giảm chi phí đầu vào.
“Việc nhập khẩu gạo cấp thấp để sản xuất là hợp lý”, Hiệp hội Lương thực Việt Nam đánh giá. “Nhập khẩu gạo không ảnh hưởng đến an ninh lương thực”, lãnh đạo Bộ NN&PTNT khẳng định.
Việc Ấn Độ nới lỏng xuất khẩu đã khiến giá gạo thế giới giảm mạnh. Ngày 30/10, giá gạo 5% tấm của Việt Nam là 524 USD một tấn, trong khi Thái Lan và Pakistan lần lượt là 486 USD và 461 USD một tấn. Giá gạo 5% tấm của Ấn Độ giảm sâu, còn 444 USD một tấn, thấp nhất trong top 4 quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu.
Hiện giá các loại gạo 5%, 25% và 100% tấm của Thái Lan, Ấn Độ, Pakistan đều thấp hơn giá cùng loại của Việt Nam từ 6-72 USD một tấn.
Số liệu từ Bộ Công thương, năm 2020, lần đầu tiên Việt Nam ghi nhận lượng gạo nhập từ Ấn Độ tăng vọt sau nhiều năm, với 46.700 tấn, tăng hơn 9 lần so với năm 2019.
Năm 2021, Việt Nam nhập khẩu 999.750 tấn gạo, trong đó khoảng 720.000 tấn nhập từ Ấn Độ, với chủng loại gạo nhập chủ yếu là cấp thấp (gạo tấm và gạo trắng khác).
Minh Long
‘Ngân sách nhà nước chi gần 70% để trả lương và chi thường xuyên’
Ngân sách nhà nước chi gần 70% để trả lương và chi thường xuyên, nhưng nghịch lý khi một cán bộ công chức mới dù xuất sắc đến đâu, tiền lương cũng chỉ đủ tiền thuê nhà bình dân và chi tiêu hết sức tằn tiện.
Chiều 4/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2024, dự kiến kế hoạch năm 2025 và một số nội dung quan trọng khác.
Đại biểu Hà Sỹ Đồng (đoàn Quảng Trị) cho biết cơ bản đồng tình với nhiều nội dung trong Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế về tình hình kinh tế- xã hội năm 2024 và dự kiến các nhóm giải pháp đưa ra cho năm 2025.
Đưa ra ý kiến, ông Đồng nêu trong kỳ họp này, một cụm từ được nhắc đến rất nhiều từ phiên khai mạc cho đến các phiên thảo luận là “thể chế là điểm nghẽn của điểm nghẽn”. Quốc hội đã và đang bàn rất nhiều đề xuất từ Chính phủ nhằm tháo gỡ vướng mắc về thể chế, trong đó có 5 luật về đầu tư và 7 luật về tài chính, ngân sách.
Ông Đồng nhắc lại việc cùng tổ thảo luận thảo luận với Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, nghe bộ trưởng khẳng định các luật về đầu tư có nhiều điểm mới rất đột phá, khơi thông được các nguồn lực, nhất là những lĩnh vực mới. Ông Đồng cho hay đánh giá cao về điều này, “nhưng theo tôi, để gỡ được điểm nghẽn thể chế rất cần nhân lực, mà nhân lực thực sự cũng đang bị nghẽn“.
“Bao nhiêu năm qua, chúng ta nói rất nhiều đến sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế, cải cách tiền lương. Nhưng khi phát biểu ở tổ, Tổng Bí thư nói, việc này mới làm từ xã, huyện, một số vụ, cục, tổng cục…, còn Trung ương thì chưa đụng được gì.
Tổng Bí thư cũng nói ngân sách đang chi khoảng gần 70% để trả lương, chi thường xuyên, vậy tinh giản biên chế đã thực sự đạt yêu cầu chưa?
Rồi ở nhiệm kỳ này, đã có rất nhiều những phát biểu, những tranh luận kéo dài về việc “chữa bệnh” cán bộ, công chức sợ sai, sợ trách nhiệm. Nhưng kết quả xếp loại chất lượng công chức năm 2023, có 6,57% là không hoàn thành nhiệm vụ, còn lại đều hoàn thành và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Vậy là đã đánh giá đúng tình hình chưa?” – ông Đồng đặt câu hỏi.
Ông Đồng bày tỏ đồng tình với ý kiến của các đại biểu trước đó về thực trạng nhân lực khu vực công chuyển sang khu vực tư đang diễn ra rất nhiều, trong đó phần lớn là nhân lực chất lượng cao.
Về cải cách tiền lương, không thể phủ nhận nỗ lực tăng lương cơ sở 30% của năm nay, nhưng, ông Đồng nêu thực tế một cán bộ công chức mới được tuyển dụng dù xuất sắc đến đâu, lương cũng mới chỉ đủ tiền thuê nhà ở mức bình dân và chi tiêu hết sức tằn tiện chứ chưa nói đến những nhu cầu chính đáng khác.
“Thế nên rất dễ hiểu là các địa phương thời gian vừa qua xin cơ chế riêng để thu hút nhân tài, Quốc hội cũng ủng hộ nhưng “nhân tài thì như lá mùa thu” – ông Đồng nói.
Ông Đồng cho hay Quốc hội đã và đang bàn rất nhiều đề xuất từ Chính phủ nhằm tháo gỡ vướng mắc về thể chế. “Nhưng tôi chưa thấy có đề xuất nào tháo gỡ điểm nghẽn về nguồn nhân lực. Mà khó khăn về nguồn nhân lực hiện nay là hết sức to lớn. Tôi đề nghị nên đột phá chính từ khâu này thì mới có thể gỡ được những điểm nghẽn đang cản trở sự phát triển của đất nước” – đại biểu đề nghị.
Trong phần phát biểu buổi sáng, đại biểu Đồng đã đề cập đến khuyết thiếu trong ứng phó với thiên tai.
Ông Đồng cho rằng cần dành nguồn lực đầu tư công giai đoạn 2026- 2030 xây dựng Đề án chống xâm nhập mặn và Đề án chống sạt lở gắn với di dân, tái định cư, ưu tiên đặc biệt cho những vùng bờ sông, bờ biển, vùng núi có nguy cơ sạt lở. “Chúng ta cần có những giải pháp mạnh mẽ từ sớm, từ xa. Không thể mỗi đợt thiên tai lại cướp đi sinh mạng hàng trăm, hàng ngàn người như thời gian vừa qua”, ông Đồng nhấn mạnh.
Ngoài ra, đề cập đến vấn đề tài sản công, đại biểu tỉnh Quảng Trị đề nghị Chính phủ khẩn trương chỉ đạo Bộ Tài chính xử lý dứt điểm các trụ sở cơ quan trung ương đóng trên địa bàn địa phương do đã xây mới hoặc chuyển đi nơi khác.
Dẫn minh chứng, ông Đồng cho hay trụ sở Tòa án nhân dân TP. Đông Hà (tỉnh Quảng Trị) với diện tích hơn 2000 m2, nằm tại vị trí đắc địa của thành phố đã bị bỏ hoang từ năm 2016 đến nay. Mặc dù tỉnh Quảng Trị và Tòa án nhân dân tối cao đề nghị Bộ Tài chính cho phép bán đấu giá hoặc chuyển cho địa phương nhưng vẫn chưa được giải quyết, gây lãng phí, tạo dự luận không tốt.
Nguyễn Quân