Liên minh “đèn giao thông” cầm quyền Đức tan rã sau khi Thủ tướng Olaf Scholz tuyên bố sa thải Bộ trưởng Tài chính Christian Lindner hôm Thứ Tư, do vấn đề niềm tin trong hợp tác về các chính sách tài chính và viện trợ cho chính quyền Kiev. Liên minh đỏ-xanh còn lại của ông trở thành thiểu số, ông Scholz tuyên bố sẽ tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm vào tháng 1/2025, mà khi đó ông có khả năng cực cao sẽ không đạt đủ phiếu tín nhiệm, và điều ấy sẽ kích hoạt việc Đức phải tiến hành bầu cử chính quyền vào mùa Xuân, tức là sớm hơn lịch thường lệ vào mùa Thu sang năm.
Trong khi ống kính truyền thông đổ dồn về Mỹ, thì một sự kiện lớn đã xảy ra ở Đức. Liên minh cầm quyền nước này chính thức tan rã hôm Thứ Tư khi Thủ tướng Olaf Scholz tuyên bố sa thải Bộ trưởng Tài chính Christian Lindner, chỉ vài giờ sau khi Donald Trump tuyên bố chiến thắng bầu cử Tổng thống Mỹ.
Theo Euro News và DW News thì trong liên minh đã tồn tại các mâu thuẫn suốt 3 năm cầm quyền, và cuối cùng thì nay không thể tiếp tục được nữa. Theo tuyên bố chính thức từ phía ông Scholz, thì đó là do sự bất đồng quan điểm nhiều lần lặp lại, thể hiện sự không tin tưởng trong liên minh. Chưa có báo cáo về tuyên bố chính thức từ phía ông Lindner sau sự vụ này.
Theo một sự kiện gần đây nhất, Bộ trưởng Ngoại giao Đức Annalena Baerbock (Đảng Xanh) vừa kết thúc chuyến thăm Kiev, và ngay trước khi bầu cử tổng thống Mỹ có kết quả, bà tuyên bố Đức sẽ giữ vững cam kết hỗ trợ Kiev.
Trong khi ông Scholz cùng Đảng Dân chủ Xã hội Đức (SPD) của mình và Đảng Xanh ủng hộ việc tiếp tục duy trì cho Kiev trong cuộc chiến tranh Ukraine, thì ông Lindner và Đảng Dân chủ Tự do (FDP) của mình chần chừ và chưa tán thành chủ trương này, trong tình huống Đức đang gặp khó khăn lớn về phương diện kinh tế. Ông Lindner đã từng yêu cầu Bộ Quốc phòng hạn chế hỗ trợ quân sự cho Kiev với lý do khó khăn về ngân sách. Berlin đã giảm gần một nửa số viện trợ cho Ukraine từ 7,5 tỷ euro (8 tỷ USD) vào năm 2024 và chỉ còn 4 tỷ euro (4,3 tỷ USD) vào năm 2025. Ngoài ra, việc ông Trump đắc cử rõ ràng sẽ ảnh hưởng tới vấn đề chiến tranh Ukraine.
Do đó, theo các đánh giá sơ bộ, thì nguyên nhân của liên minh tan vỡ là do mâu thuẫn nội bộ lâu năm, và một số mâu thuẫn mới nhất nảy sinh đã khiến liên minh tan rã.
Liên minh “đèn giao thông” Đức được cấu thành từ SPD (đỏ) đứng đầu, FDP (tạm hiểu là vàng), và Đảng Xanh (xanh) đã nắm nội các nhiệm kỳ này vào ngày 8/12/2021 và ông Scholz của đảng SPD trở thành Thủ tướng, ông Lindner của đảng FDP trở thành Bộ trưởng Tài chính, và ông Robert Habeck của Đảng Xanh trở thành Bộ trưởng Kinh tế và Khí hậu.
Việc FDP rời khỏi liên minh đèn giao thông hôm Thứ Tư 6/11/2024, dẫn tới chỉ còn liên minh đỏ-xanh, không đủ đa số ghế đảm bảo cho quyền lãnh đạo chính phủ.
Ông Scholz trong tuyên bố của mình đã kêu gọi mở cuộc bỏ phiếu tín nhiệm vào 15/1 sang năm. Nếu ông không đạt đủ phiếu tín nhiệm, điều có khả năng rất lớn sẽ xảy ra, thì Đức sẽ tổ chức bầu cử chính phủ mới vào tháng 3/2025, tức là sớm hơn 6 tháng so với dự kiến vào tháng 9/2025.
Theo CNN phân tích, nền chính trị Đức nhiều năm qua chủ yếu là do đảng SPD và CDU luân phiên nắm quyền.
Tiền nhiệm của ông Scholz, bà Angela Merkel của đảng bảo thủ cánh hữu CDU (Liên minh Dân chủ Kitô giáo) đã giữ chức Thủ tướng tận 16 năm (2005–2021), và là người đầu tiên trong lịch sử Đức sau Đại Thế chiến II kết thúc chức Thủ tướng mà không tham gia tranh cử tiếp. Bà Merkel được coi như một bộ mặt quen thuộc đại biểu cho Đức khi các đồng nghiệp trong EU của bà theo nhau thay đổi, Bà có quan hệ rất tốt với ông Trump của Mỹ.
Theo báo cáo của DW News hồi tháng 7, 61% người Đức tin rằng tình trạng nước Đức hiện nay tồi tệ hơn thời bà Merkel nắm quyền, và 28% người Đức nói rằng liên minh đèn giao thông là một “chính phủ tồi tệ” (bad government), đang chật vật với các vấn đề khủng hoảng năng lượng ở Đức, và các chính sách liên quan tới chiến tranh Ukraine và chiến tranh ở Trung Đông.
Theo CNN việc 3 đảng cần gộp thành 1 liên minh đã dẫn tới các mâu thuẫn trong nội các, kể cả mâu thuẫn về hệ tư tưởng.
Tháng 9/2024, đảng dân túy AfD (Con đường khác cho Nước Đức) đã thắng trong bầu phiếu ở tiểu bang Thuringia miền Đông nước Đức, trở thành đảng cực hữu đầu tiên thắng được bầu cử cấp tiểu bang, kể từ Đại Thế chiến II (sau Đức Quốc xã). AfD là đảng mới nổi, lần đầu tiên có được ghế trong Bundestag (Quốc hội Đức) vào năm 2014.
Nhiều tháng căng thẳng về chính sách ngân sách và định hướng kinh tế của Đức đã bùng lên vào Thứ Tư, theo CNN. Về cơ bản, nhu cầu đầu tư của Thủ tướng Scholz đã xung đột với cách tiếp cận thận trọng hơn của Bộ trưởng Tài chính Lindner đối với việc cho vay của chính phủ.
Ông Scholz tuyên bố ông đã sa thải ông Lindner vì ông ấy ngăn chặn các kế hoạch kinh tế của ông Scholz, đồng thời nói với các phóng viên, “Lindner tỏ ra không sẵn sàng thực hiện bất kỳ đề xuất nào của chúng tôi” và do đó, “không có nền tảng của niềm tin cho bất kỳ sự hợp tác nào trong tương lai.”
Ông Lindner cáo buộc ông Scholz đã yêu cầu ông tạm dừng “phanh nợ” (brake) –một điều khoản hiến pháp ngăn cản chính phủ vay quá mức và tích lũy nợ– điều mà ông Lindner cho biết ông không sẵn sàng làm.
Thủ tướng Scholz nói với các phóng viên vào tối thứ Tư rằng “chủ nghĩa ích kỷ của Lindner là hoàn toàn không thể hiểu nổi.”
Vấn đề nhức nhối vẫn đè nặng lên chính phủ là làm thế nào để cân đối ngân sách năm tới, vốn có thâm hụt hàng tỷ euro. Với việc FDP rời khỏi liên minh, thì tình hình dự kiến sẽ còn phức tạp hơn.
Carsten Brzeski, nhà kinh tế cấp cao tại ngân hàng ING của Hà Lan, cho rằng “những căng thẳng dai dẳng không bao giờ kết thúc” trong chính phủ Đức cũng như “sự bất đồng rõ ràng về cách đưa nền kinh tế Đức thoát khỏi tình trạng trì trệ và yếu kém về cơ cấu hiện nay” là những lý do dẫn đến tình trạng suy thoái và sụp đổ kinh tế.
Nền kinh tế Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, đã suy giảm lần đầu tiên vào năm ngoái kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát.
Trong 5 năm qua, nó chỉ tăng trưởng 0,2%, so với mức tăng trưởng 4,6% ở 20 quốc gia sử dụng đồng euro, 4,1% ở Pháp và 5,5% ở Ý.
Có một số lý do khiến nền kinh tế Đức trì trệ. Các doanh nghiệp sử dụng nhiều năng lượng của nước này đã phải chịu tác động kéo dài của cuộc khủng hoảng năng lượng do chiến tranh Ukraine. Các vấn đề của Đức còn mang tính cơ cấu, từ chi phí lao động cao, dân số già đi nhanh chóng và nạn quan liêu cho đến cơ sở hạ tầng vật chất và kỹ thuật số lỗi thời.
Nước này phải đối mặt với sự cạnh tranh từ Trung Quốc trong việc sản xuất một số mặt hàng xuất khẩu chính, điều này đã gây thiệt hại nặng nề cho ngành công nghiệp ô tô nổi tiếng của Đức. Volkswagen, nhà sản xuất lớn nhất nước Đức, đang cân nhắc việc đóng cửa nhà máy ở quê nhà lần đầu tiên trong lịch sử 87 năm.
Sự sụp đổ của liên minh cầm quyền và sự bất ổn chính trị có thể góp phần củng cố sự ủng hộ cho phe cực hữu khi người dân ngày càng mất niềm tin vào các đảng chính thống. Lãnh đạo đảng AfD Alice Weidel đã ca ngợi sự sụp đổ của liên minh như một “sự giải phóng” cho nước Đức.
“Sự kết thúc của liên minh đèn giao thông là sự giải phóng cho đất nước chúng ta.” bà Weidel viết trên X (Twitter).
Nhật Tân