Mới đây đại biểu QH Trương Trọng Nghĩa cho biết QH sẽ có cuộc bỏ phiếu thông qua đề xuất của Bộ Tài chính tăng thuế các hoạt động văn hoá từ 5% lên 10%. Bản thân Luật sư Trương Trọng Nghĩa không đồng tình với việc tăng thuế gấp đôi này.
Nhiều người cho rằng có sự đánh đồng các hoạt động văn hoá nghệ thuật chạy theo thị hiếu vì lợi nhuận với các hoạt động văn hoá nghệ thuật giá trị cao đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn hoá nghệ thuật lành mạnh.
Thực tế chỉ có một số rất ít các ca sĩ, nghệ sĩ, người mẫu, bộ phim ăn khách còn đại bộ phận văn nghệ sĩ ở mọi lĩnh vực âm nhạc, sân khấu, điện ảnh, văn học cùng các doanh nghiệp kinh doanh biểu diễn, nhà sách, sân khấu, điện ảnh v.v. đều đang vô cùng khó khăn về kinh tế do các loại hình văn hoá nghệ thuật lành mạnh luôn kén khách. Nhiều bộ phim có giá trị nghệ thuật và giá trị nhân văn đầu tư hàng chục tỷ nhưng ra rạp chỉ thu về vài tỷ. Nếu thuế áp 10% nữa thì nhà sản xuất chỉ còn nước phá sản.
Vấn đề tăng thuế gấp đôi các hoạt động văn hoá đang là chủ đề vô cùng nóng của các nhà hoạt động văn hoá cả nước. Mới đây các nhà sản xuất điện ảnh tư nhân đã cùng nhau gửi kiến nghị lên QH khẩn thiết yêu cầu các ĐBQH vì sự phát triển văn hoá nước nhà hãy không thông qua đề xuất tăng gấp đôi thuế đánh vào các hoạt động văn hoá.
Trong Kiến nghị khẩn thiết trên có đoạn:
“Chúng tôi có được nghiên cứu và tham khảo Dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng do Chính phủ trình Quốc hội và dự kiến thông qua vào cuối tháng 11 năm 2024. Trong đó, Ban soạn thảo đề xuất áp dụng mức thuế suất 10% (thay vì 5% như hiện nay) đối với dịch vụ điện ảnh. Chúng tôi cho rằng, đề xuất này là không hợp lý.”
1. Quyết định 2156/QĐ-TTg ngày 11/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ về chiến lược phát triển điện ảnh chỉ rõ:
“Đến năm 2030: Phấn đấu xây dựng điện ảnh Việt Nam trở thành nền điện ảnh có bản sắc và uy tín ở châu Á, có những tác phẩm đạt giải thưởng quốc tế cao và tài năng điện ảnh tầm cỡ trong khu vực và thế giới”.
2. Khoản 1 Điều 5 của Đạo luật Điện ảnh như sau:
“Nhà nước có chính sách huy động các nguồn lực, thực hiện các biện pháp bảo đảm môi trường đầu tư, kinh doanh lành mạnh, phát triển thị trường điện ảnh, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động điện ảnh để xây dựng ngành công nghiệp điện ảnh gắn với phát triển kinh tế – xã hội và hội nhập quốc tế”.
3. Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam vào ngày 22/12/2023 tại Hà Nội và có những chỉ đạo rất cụ thể để phát triển ngành điện ảnh – với tư cách là một phần quan trọng trong các ngành công nghiệp văn hóa.
Theo các nhà sản xuất điện ảnh trong thư Kiến nghị thì cả ba chủ trương chính sách pháp luật trên về văn hoá trong đó có điện ảnh sẽ khó mà có tác dụng làm đòn bẩy cho sự phát triển nền công nghiệp văn hoá nước nhà,
khi:
– Chúng tôi nhận được đề xuất của Ban soạn thảo dự án Luật thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) là tăng thuế suất từ 5% lên 10% mà không có bất kỳ lý giải hay lập luận khoa học và thực tiễn nào cho việc đề xuất tăng như vậy.
Khi:
– Việc đề xuất tăng thuế suất không chỉ là gánh nặng tài chính cho các doanh nghiệp mà còn làm mất đi cơ hội vượt qua khó khăn hiện tại của các doanh nghiệp điện ảnh, làm cho thói quen tiêu dùng của khách hàng thay đổi thêm sâu sắc trong khi sức mua của họ đang giảm.
Khi:
– Chúng tôi cho rằng, ở điều kiện thị trường và nền kinh tế phát triển bình thường, việc thay đổi mức thuế suất cần có sự cân nhắc, lập luận dựa trên các căn cứ khoa học, sự phát triển của ngành và sức chịu đựng của người dân. Ngược lại, trong bối cảnh kinh tế đang suy thoái, ngành điện ảnh đang gặp những khó khăn hữu hình và hiện thực, việc thay đổi thuế suất theo hướng tăng lên 2 lần mà không có cơ sở thực tiễn, khoa học sẽ khó thuyết phục được người dân và doanh nghiệp.
Chúng tôi cho rằng, trong bối cảnh này, khi nền điện ảnh Việt Nam đang đối diện với những khó khăn và đang chuyển mình để phát triển, cùng với các chính sách đúng đắn mà Đảng và Nhà nước đề ra, chính sách thuế nên “khoan thư sức dân” để người dân có cơ hội sử dụng các dịch vụ văn hóa chất lượng cao, doanh nghiệp có cơ hội phát triển và góp phần vào sự phát triển chung của Đất nước.
Vì vậy, chúng tôi mạnh dạn đề nghị Thuế suất thuế giá trị gia tăng cho hoạt động điện ảnh là 3% (giảm 2% so với hiện nay).
Cá nhân bà Ngô Thị Bích Hiền một nhà đầu tư tâm huyết cho điện ảnh nước nhà đã viết trên facebook của mình:
“Dự thảo về việc tăng thuế VAT đối với các sản phẩm văn hoá sẽ được Quốc hội biểu quyết vào ngày 26/11 này thật sự đã làm mình quá lo âu cho tương lai sắp tới của ngành điện ảnh.
Là một người quản lý rạp, mình hồi hộp mỗi giờ khi có một bộ phim điện ảnh đang phát hành ở rạp, lo âu mỗi ngày khi có những hôm các rạp vắng vẻ không chỉ ngày thường mà cả cuối tuần, stress mỗi tháng khi đến thời gian phải chi trả đủ thứ tiền mặt bằng cao ngất, tiền điện tăng liên tục, tiền lương đủ để các đồng nghiệp yên tâm làm việc… Trong và sau covid, ngành điện ảnh đã bị suy thoái một cách nghiêm trọng. Những thay đổi về công nghệ, về cách sống một cách chóng mặt đã tác động vô cùng lớn vào thói quen đi ra rạp của khán giả. Và sự suy thoái của kinh tế toàn cầu, của Việt Nam lại tác động thêm nữa vào thói quen này.
Là một nhà sản xuất điện ảnh đã nhiều năm, chúng mình gặp nhau và thường đùa cộng trừ nhân chia phim thắng, phim thua thì hoà vốn đã là thành công. Tất nhiên, trừ một hai nhà sản xuất đặc biệt.
Để tồn tại trong thời gian này đã là vô cùng khó. Vậy mà còn thêm việc Chính phủ trình Quốc hội việc tăng thuế VAT lên gấp đôi hiện nay, từ 5% lên 10% nữa thì lấy đâu ra năng lượng mà cố gắng.
Chẳng có cách nào để phát triển ngành công nghiệp này khi chúng ta chỉ là các nhóm nhỏ, đam mê điện ảnh, với bao giấc mơ kỳ diệu nhưng phải đối mặt với một thực tế về tài chính vô cùng nhỏ bé. Chẳng có cách nào khi chúng ta không có sự trợ giúp của Chính phủ, các bộ ngành bằng những chính sách thiết thực về tài chính, và trước tiên là từ các chính sách thuế.
Đã từng có những ngày thấy một bình minh xanh mướt khi Thủ tướng Chính phủ chủ trì Hội nghị toàn quốc về phát triển ngành công nghiệp văn hoá thì giờ thấy luôn hoàng hôn xám ngắt xuất hiện mất rồi.
Chẳng có nghề nào vất vả và mất tiền nhanh như làm điện ảnh. Có ai thấy như mình không nhỉ? Và những giấc mơ điện ảnh phía trước có nên tiếp tục làm?”
Báo Tiền phong đã rút một cái “tit” đầy ấn tượng về dự thảo tăng thuế gấp đôi các hoạt động văn hoá:
ĐỪNG VẮT SỮA Ở LĨNH VỰC VĂN HOÁ.
L.T.V.