Ông Tập Cận Bình cố gắng xây dựng hình ảnh lãnh đạo toàn cầu qua Hội nghị APEC

Chủ tịch Tập Cận Bình tại Peru ngày 14 tháng 11 năm 2024. Hội nghị thượng đỉnh Hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC). (Ảnh: ERNESTO BENAVIDES/AFP qua Getty Images)

Lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Biden hôm 16/11 đã có cuộc tọa đàm sau khi kết thúc Hội nghị thượng đỉnh APEC tại Lima – Peru. Tại hội nghị, ông Tập còn gặp gỡ các nguyên thủ Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Thái Lan và New Zealand. Có phân tích rằng ông Tập hy vọng thông qua ông Biden để truyền đạt tới ông Trump (mới thắng cử) “điểm mấu chốt” của ĐCSTQ, ngoài ra cũng nỗ lực xây dựng hình ảnh nhà lãnh đạo thế giới qua cuộc gặp.

Biden chưa từng thăm Trung Quốc trên cương vị tổng thống

Nhà bình luận thời sự Chương Thiên Lượng (người Hoa tại Mỹ) chỉ ra trên kênh truyền thông cá nhân rằng ông Biden đã tạo lập một kỷ lục khi chưa một lần đến thăm Trung Quốc trong thời gian làm tổng thống Mỹ – điều chưa từng thấy trong hơn 50 năm trải qua nhiều thế hệ tổng thống Mỹ – cho thấy mối quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ hiện nay tồi tệ như thế nào. Tuy nhiên do vấn đề quan hệ đối ngoại và ứng phó những vấn đề chung, ông Biden vẫn không thể không thảo luận với ông Tập Cận Bình trên một số lĩnh vực mà hai bên có thể hợp tác, chẳng hạn như khôi phục liên lạc giữa hai quân đội, đối phó với cuộc khủng hoảng fentanyl toàn cầu và những rủi ro liên quan đến trí tuệ nhân tạo.

Theo một tuyên bố sau cuộc họp do Nhà Trắng đưa ra, ông Biden bày tỏ quan ngại sâu sắc về việc ĐCSTQ tiếp tục hỗ trợ nền tảng công nghiệp quốc phòng của Nga, cũng lên án việc Triều Tiên gửi quân đến hỗ trợ Nga là mở rộng nguy hiểm cuộc chiến tranh bất hợp pháp của Nga xâm lược Ukraine, gây ra hậu quả nghiêm trọng cho hòa bình và an ninh ở châu Âu và khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương.

Ông Biden bày tỏ lo ngại về các chính sách thương mại không công bằng của Trung Quốc và kêu gọi Trung Quốc ngừng các hoạt động quân sự gây bất ổn xung quanh Đài Loan. Ông cũng chỉ ra tầm quan trọng của nhân quyền và tất cả các nước có trách nhiệm tôn trọng các cam kết nhân quyền. Ông cũng bày tỏ lo ngại về các cuộc tấn công mạng của Trung Quốc vào Mỹ.

Tập muốn thông qua Biden để lên tiếng với Trump

Đài RFA dẫn phân tích từ Giáo sư Diệp Diệu Nguyên, chủ nhiệm Khoa Nghiên cứu Quốc tế tại Đại học St. Thomas (Mỹ), cho rằng dù hiện trong mắt Tập Cận Bình thì chính quyền Biden chỉ “tạm quyền”, nhưng ông muốn qua đó để nhắn tới chính quyền kế nhiệm Trump về “điểm mấu chốt” của Trung Quốc.

Giáo sư Diệp nói về các điểm mấu chốt, “Thứ nhất chắc chắn là vấn đề Đài Loan, thứ hai là vai trò của Trung Quốc trong cộng đồng quốc tế, và thực tế là Trung Quốc đã trỗi dậy. Ông ấy (Tập Cận Bình) muốn nhấn mạnh việc ‘đàn áp’ Trung Quốc là không hợp lý”.

Nội các diều hâu của Trump khiến ĐCSTQ lo lắng

Vấn đề Trump mạnh mẽ trở lại Nhà Trắng được nhiều chuyên gia phân tích là mối lo ngại đối với ĐCSTQ, vì ông sẽ áp dụng lập trường cứng rắn hơn đối với Trung Quốc. Như giáo sư Trịnh Chính Bỉnh (Zheng Zhengping) của Đại học Khoa học và Công nghệ Yunlin Đài Loan chỉ ra, đặc điểm của Trump là ông sẵn sàng thực hiện các giao dịch, nhưng không ổn định. Ngoài ra, bên cạnh ông chủ yếu là những nhân vật diều hâu, điều này sẽ rất phức tạp đối với Bắc Kinh.

Giáo sư Trịnh nói, về xung đột địa lý thì Trump về cơ bản là chủ nghĩa biệt lập hơn, ở Biển Đông, ở eo biển Đài Loan hoặc các nơi khác trên thế giới, ông có thể không có cách nào để triệu tập nhiều đồng minh, đặc biệt là những đồng minh trong Liên minh châu Âu, đối với ĐCSTQ thì vấn đề này khiến họ cảm thấy có lợi cho họ. Tuy nhiên có vấn đề là tính cách Trump khó lường, nên nếu có tình huống đặc biệt xảy ra thì cơ bản là không biết ông ấy sẽ hành động thế nào, và đây cũng là điều ĐCSTQ lo lắng. Do đó tóm lại, ông Trump là mối đe dọa đối với Trung Quốc (ĐCSTQ) với đầy biến số khó lường.

Nói với Đài RFA, ông Erin Murphy, phó giám đốc của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Ấn Độ và châu Á mới nổi (thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế), cho rằng điều khiến Bắc Kinh lo lắng hơn là lĩnh vực kinh tế. Trump tiết lộ ông sẽ áp thuế 60% đối với tất cả hàng xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ, vấn đề này chắc chắn sẽ gây ra tác động lớn hơn đến mối quan hệ Mỹ – Trung vốn đang hỗn loạn.

Tập Cận Bình cố gắng xây dựng hình ảnh lãnh đạo toàn cầu

Ông Chương Thiên Lượng tin rằng một loạt vấn đề mà ông Biden nêu ra với ông Tập Cận Bình, đều là những vấn đề mà ĐCSTQ lo ngại, “Nhưng tôi nghĩ một khi Trump lên nắm quyền và bắt đầu tiếp chiến tranh thương mại, khi đó quan hệ Mỹ – Trung sẽ đi xuống theo hình xoắn ốc, do các thành viên nội các mà ông Trump bổ nhiệm hầu như đều là những nhân vật diều hâu chống cộng”.

Ông nói trong bối cảnh đối đầu Mỹ – Trung ngày càng gay gắt, các nước đều có vấn đề từ góc độ lợi ích của nước đó. Ông Trump lên nắm quyền chắc chắn sẽ có những điều chỉnh lớn đối với chính trị trong nước và quốc tế. Do đối đầu Mỹ – Trung là không thể tránh khỏi, cộng đồng quốc tế sẽ hướng sự chú ý về phía Tập Cận Bình, dò xét giọng điệu của ông Tập – [chứ không phải tổng thống Mỹ] vì ông Biden dù sao cũng sắp mãn nhiệm.

Ông Chương Thiên Lượng nói: “Có lẽ Tập Cận Bình có suy nghĩ mơ tưởng rằng sau khi Trump lên nắm quyền sẽ thực hiện chính sách cô lập, thì ĐCSTQ có thể tận dụng cơ hội Trump rút khỏi vũ đài quốc tế để lấp đầy khoảng trống, qua đó bành trướng ảnh hưởng trên thế giới. Vì vậy, khi tham dự hội nghị thượng đỉnh APEC lần này, Tập Cận Bình trong vòng một ngày đã gặp các nguyên thủ Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Thái Lan và New Zealand, cố gắng tạo ra hình ảnh của một nhà lãnh đạo toàn cầu”.

Nhưng nước dân chủ phương Tây và Trung Quốc cộng sản có hệ giá trị cùng hệ thống chính trị khác nhau, nên các nước phương Tây khó mà dung hòa trước lôi kéo hay đe dọa từ ĐCSTQ.

Lý Tịnh Dao, Vision Times

Related posts