Hôm thứ Ba (19/11), Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã có chuyến thăm 2 ngày tới Philippines. Ông Austin thông báo rằng Chính phủ Mỹ đã cung cấp cho Hải quân Philippines tàu mặt nước không người lái (USV) để thực hiện nhiệm vụ ở biển tây Philippines, tuy nhiên không tiết lộ số lượng USV.
Tờ SCMP ngày 21/11 dẫn phân tích cho rằng việc Mỹ cung cấp USV tiên tiến cho Philippines sẽ là “cỗ máy tăng sức mạnh bội phần” của Hải quân Philippines, giúp Mỹ có thể tăng cường năng lực giám sát và tác chiến của đồng minh ở Biển Đông, đồng thời tránh tình hình Biển Đông leo thang.
Trong cuộc họp báo với Bộ trưởng Quốc phòng Gilberto Teodoro Jnr của Philippines, ông Austin cho biết Mỹ dự kiến sẽ cung cấp thêm các nền tảng như vậy để đảm bảo Philippines có khả năng và phương tiện bảo vệ quyền và chủ quyền của mình trong toàn bộ vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Philippines.
Trong cuộc họp báo chung hôm thứ Ba, Hải quân Philippines đã phát sóng một đoạn video cho thấy khả năng của USV Mantas T-12, do Công ty Hệ thống Chiến thuật Hàng hải (Martac) chế tạo.
Với chiều dài 3,6 mét và trọng tải 64 kg, T-12 là mẫu được chuộng nhất của Martac. USV này có khả năng phát hiện mìn, tiến hành giám sát, thực hiện các hoạt động tìm kiếm và cứu nạn, và tham gia vào các hoạt động chiến tranh điện tử và bầy đàn.
Các nhà phân tích cho rằng tàu chiến mặt nước không người lái Mantas T-12 có thể dùng để trinh sát tàng hình, tiếp tế cho tàu BRP Sierra Madre, hoặc cải tạo để sử dụng trong chiến đấu.
Giáo sư Alessio Patalano về chiến tranh và chiến lược Đông Á thuộc Khoa nghiên cứu chiến tranh của Đại học King’s College London, nói với tờ SCMP hôm thứ Ba rằng USV có tính tự chủ và khả năng tải trọng hiệu quả; thông thường không dùng cho hoạt động tác chiến, nhưng loại tàu chiến này “phù hợp hơn với việc thu thập và giám sát dữ liệu, từ đó có thể hỗ trợ các hoạt động trên biển khác trong lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế của Philippines”.
Phóng viên Aaron Matthew-Lariosa về quốc phòng và an ninh Washington nói với tờ SCMP rằng T-12 là cỗ máy gia tăng bồi phần sức mạnh cho hạm đội hiện có của hải quân Philippines: “Những USV này có thể hỗ trợ nhiều nhiệm vụ khác nhau, chẳng hạn như cựu Tư lệnh Hải quân là Phó Đô đốc Toribio Adaci (Jnr) nhấn mạnh về giám sát”; “Nhiệm vụ nhận thức vùng biển này rất quan trọng đối với lực lượng của Philippines ở biển Tây Philippines, bởi vì có thể tăng cường giám sát đối với lực lượng Trung Quốc”.
Ông nói thêm, USV còn có thể giúp Philippines triệt tiêu lực lượng của Trung Quốc một cách bất đối xứng, giống như Hải quân Ukraine ở Biển Đen, hoặc lực lượng vũ trang Houthi ở Biển Đỏ.
Lariosa lưu ý rằng T-12 được trang bị thiết bị đầu cuối Starlink và hệ thống hình ảnh điện quang/hồng ngoại để chia sẻ dữ liệu và hình ảnh theo thời gian thực.
Theo Hạ Vũ, Epoch Times