Tham vọng Trung Đông của Nga đối diện thách thức lớn

Nguồn: Hanna Notte, “Rebel advances in Syria spell danger for Russia’s Middle Eastern ambitions,” Financial Times, 04/12/2024

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Khả năng của Moscow trong việc hỗ trợ đối tác khu vực, Iran, đang bị đẩy đến giới hạn.

Dù đang tiến lên mạnh mẽ ở Ukraine, nhưng Nga đã phải chịu thất bại về mặt chiến thuật ở Trung Đông. Việc Aleppo rơi vào tay quân nổi dậy Syria chỉ là diễn biến mới nhất trong một loạt các diễn biến – bắt đầu từ các sự kiện ngày 7 tháng 10 năm ngoái – gây khó khăn cho Điện Kremlin.

Giữa bối cảnh cuộc chiến đang diễn ra ở Gaza, Israel đã đối đầu với đối tác của Nga là Iran và các đồng minh của nước này trong “trục kháng chiến” trong một cuộc trả đũa kéo dài. Vào mùa xuân, các chiến dịch tăng cường của Israel ở Syria đã tiêu diệt hàng loạt chiến binh và vũ khí có liên kết với Iran. Sang tháng 9, Israel giáng thêm một đòn khi phát động chiến dịch tấn công mạng chống lại Hezbollah, lên đến đỉnh điểm là vụ ám sát thủ lĩnh của nhóm này. Cuối tháng 10, Israel ném không kích trình tên lửa đạn đạo của Iran và nhiều địa điểm công nghiệp quốc phòng khác .

Trong khi phía Israel cho thấy họ sẵn sàng ăn miếng trả miếng với Iran, thì Moscow, với cuộc chiến ở Ukraine là ưu tiên hàng đầu, không đủ khả năng và cũng không mong muốn trở thành hiệp sĩ trong bộ áo giáp sáng chói đến giúp Iran. Quan trọng hơn, các chiến dịch của Israel có thể đã ảnh hưởng đến khả năng vận chuyển tên lửa và các thiết bị khác của Iran sang Nga – chí ít là trong ngắn hạn. Hai cuộc chiến xảy ra đồng thời ở Ukraine và Trung Đông có thể đã thúc đẩy mong muốn hợp tác giữa Nga và Iran, nhưng điều đó cũng hạn chế sự hỗ trợ mà họ có thể dành cho nhau.

Cuộc tấn công chớp nhoáng của quân nổi dậy Syria giờ đây càng làm tăng thêm khó khăn cho Nga trong khu vực. Syria từng là câu chuyện thành công của Nga. Bằng cách can thiệp vào cuộc nội chiến năm 2015, Vladimir Putin đã cứu Tổng thống Syria Bashar al-Assad, qua đó vun đắp hình ảnh của một đồng minh trung thành. Việc chính quyền Syria chiếm được Aleppo vào cuối năm 2016 được xem như bước ngoặt, mở đường cho Nga khởi động tiến trình Astana với Iran và Thổ Nhĩ Kỳ. Kể từ năm 2017, tiến trình đó đã quyết định quỹ đạo của cuộc xung đột, tạo điều kiện cho sự xuất hiện của một trạng thái cân bằng mong manh giữa các tác nhân bên trong và bên ngoài đang chia cắt đất nước.

Sau cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine năm 2022, người Nga tính toán rằng họ có thể duy trì tình hình ở Syria với nỗ lực hạn chế. Họ đã điều chỉnh lại mức độ hiện diện quân sự của mình và tìm cách phục hồi danh tiếng cho Assad trong khu vực và quốc tế, nhưng không đạt được tiến độ nào vì nhà lãnh đạo Syria kiên quyết không nhân nhượng bất kỳ điều gì cho Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdoğan. Trong khi đó, tiến trình hướng tới một giải pháp chính trị thực sự cho cuộc xung đột đã hoàn toàn dừng lại, khi Nga cản trở việc triệu tập ủy ban hiến pháp của Syria.

Tuần trước, người Nga đã học được bài học đắt giá rằng những cuộc xung đột đóng băng như Syria sẽ chỉ đóng băng cho đến khi chúng không còn như thế nữa. Suốt nhiều tháng, Moscow đã lo sợ rằng Syria có thể bị cuốn vào các dư chấn khu vực sau vụ ngày 07/10 và dường như đã bị giật mình bởi quy mô và tốc độ của cuộc tấn công của quân nổi dậy.

Đúng là tình hình hậu 07/10 đã mang lại lợi ích cho Nga bằng cách chuyển hướng sự chú ý và nguồn lực của phương Tây từ Ukraine sang Trung Đông. Nhưng nó cũng mang lại rủi ro đáng kể cho một nước Nga mong manh. Iran giờ đây đang yếu hơn so với một năm trước; chiến dịch của Israel chống lại Hezbollah đã giúp thiết lập các điều kiện thuận lợi cho cuộc tấn công Aleppo; và Thổ Nhĩ Kỳ, đối tác của Nga trong tiến trình Astana, đang nhận ra một cơ hội để giải quyết công việc còn dang dở ở Syria.

Cho đến nay, những thất bại trong khu vực của Nga chủ yếu mang tính chiến thuật và không có nhiều hậu quả đối với chiến dịch Ukraine. Liệu chúng có trở thành cơn đau đầu về mặt chiến lược hay không sẽ phụ thuộc vào tình hình chiến trường ở Syria, vào mong muốn tiếp tục đối đầu với Iran của Israel, và vào chính quyền Trump sắp tới tại Mỹ.

Nga đang cố gắng ngăn chặn các cuộc tiến công của quân nổi dậy mà không cần phải gửi quân tiếp viện đến Syria. Họ có thể thành công trong việc bảo vệ tầm ảnh hưởng của mình. Nhưng nếu Israel hoặc Mỹ tăng cường áp lực lên Iran, khả năng bảo vệ đối tác của Nga sẽ bị hạn chế.

Hanna Notte là giám đốc Chương trình Không Phổ biến Vũ khí Hạt nhân Á-Âu tại Trung tâm Nghiên cứu Không Phổ biến Vũ khí Hạt nhân James Martin.

Related posts