Theo dữ liệu do hải quan Trung Quốc công bố hôm thứ Ba (10/12), xuất nhập khẩu của Trung Quốc trong tháng 11 đều không đạt được kỳ vọng, không chỉ nhập khẩu bất ngờ giảm mà xuất khẩu cũng chậm lại mạnh so với tháng trước.
Dữ liệu hải quan Trung Quốc cho thấy, số liệu nhập khẩu của Trung Quốc trong tháng 11 giảm 3,9% – mức giảm lớn nhất kể từ tháng 9/2023, biểu hiện tồi tệ nhất trong 9 tháng qua và không đạt được mức tăng trưởng dự kiến là 0,3%; còn đối với xuất khẩu chỉ tăng 6,7%, thấp hơn nhiều so với mức tăng 12,7% của tháng trước.
Bên cạnh dữ liệu hiện tại phản ánh nhu cầu tiêu dùng yếu của Trung Quốc làm tăng thêm lo ngại về sức khỏe của nền kinh tế Trung Quốc, việc ông Trump sắp trở lại Nhà Trắng khiến cuộc chiến thuế quan của Mỹ có thể gia tăng, tình trạng thương mại Trung Quốc có thể hứng chịu những áp lực mới nặng nề hơn.
Một số doanh nghiệp Trung Quốc cho biết đơn hàng xuất khẩu của họ vẫn đang tiếp tục giảm, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy thoái rất khó tìm được bên mua mới, các nhà xuất khẩu đang chuyển hàng tồn kho sang kho hàng ở nước ngoài với hy vọng nhu cầu sẽ tăng trở lại.
Xuất khẩu của Hàn Quốc sang Trung Quốc giảm lần đầu tiên trong 8 tháng, cho thấy các nhà sản xuất Trung Quốc mua ít linh kiện của Hàn Quốc hơn, ảnh hưởng đến xuất khẩu điện tử.
Ngược lại, xuất khẩu của Mỹ, EU và ASEAN trong tháng 11 đều tăng so với cùng kỳ năm ngoái.
Nhiều người dự tính rằng việc Mỹ tăng thuế quan có thể gây ra mối đe dọa lớn hơn, vì xuất khẩu là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc, bên cạnh đó cuộc khủng hoảng bất động sản kéo dài đã làm suy yếu niềm tin của các hộ gia đình và doanh nghiệp Trung Quốc.
Ông Trump đã hứa sẽ áp thuế hơn 60% đối với hàng hóa Trung Quốc. Trong khi đó vào ngày 31/10, EU đã áp thuế 45,3% đối với xe điện của Trung Quốc. Phân tích của Reuters cho rằng trong cuộc xung đột thương mại này thì EU và Trung Quốc có thể mở ra mặt trận thứ hai – ngoài mặt trận của Mỹ với Trung Quốc .
Dữ liệu hải quan Trung Quốc cho thấy xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ tăng 8% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi nhập khẩu giảm hơn 11%.
Tương tự đối với EU, xuất khẩu của Trung Quốc sang EU tăng 7,2%, trong khi nhập khẩu giảm 6,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đối với Nga, xuất khẩu của Trung Quốc sang Nga giảm 2,5%, trong khi nhập khẩu giảm 6,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Chuyên gia kinh tế cấp cao tại Cơ quan Tình báo Kinh tế EIU, ông Xu Tianchen cho biết: “Nhu cầu toàn cầu hiện nay không mạnh, nhìn vào các nơi xuất khẩu lớn khác như Hàn Quốc và Việt Nam cũng có sự chậm lại ở các mức độ khác nhau”.
“Để đối phó với việc ông Trump áp thuế vào năm tới, các dấu hiệu ban đầu của việc doanh nghiệp [Trung Quốc] điều chỉnh hành vi thương mại đã bắt đầu xuất hiện, nhưng tác động như thế nào thì phải xem, đặc biệt là tháng 12 và tháng 1,” ông Xu nói.
Thặng dư thương mại của Trung Quốc từ 95,72 tỷ USD trong tháng 10 đã tăng lên 97,44 tỷ USD trong tháng 11.
Chiến lược gia Xing Zhaopeng chuyên về Trung Quốc tại Tập đoàn Ngân hàng Úc và New Zealand (ANZ) cho rằng số liệu nhập khẩu yếu là do giá hàng hóa giảm.
Dữ liệu cho thấy trong tháng 11, Trung Quốc đã nhập khẩu 48,52 triệu tấn dầu thô, tăng 14,3% so với cùng kỳ năm trước đó, do giá cung giảm ở Trung Đông và nhu cầu dự trữ tăng.
Trong tháng 11, lượng nhập khẩu than của Trung Quốc tăng 26% so với cùng kỳ năm trước, là mức cao kỷ lục, vì than nhập khẩu rẻ hơn than nội địa. Nhập khẩu đồng cũng đạt mức cao nhất trong một năm qua, chủ yếu do khối lượng vận chuyển tăng ở châu Phi và nỗ lực bổ sung nguồn nguyên liệu xây dựng trong nước Trung Quốc.
Theo Tăng Tử Hành, Epoch Times