Thủ tướng Anh quan ngại vụ Hoàng tử Andrew và doanh nhân gián điệp Trung Quốc

Lãnh đạo Đảng Lao động và Thủ tướng Anh Keir Starmer phát biểu với truyền thông khi ông tới Số 10 Phố Downing, London, Anh Quốc vào ngày 5/7/2024. (Nguồn ảnh: Alison Jackson/Getty Images)

Trong bình luận đầu tiên hôm thứ Hai, về việc một doanh nhân Trung Quốc – người có liên hệ với Hoàng tử Andrew – bị cáo buộc là gián điệp và bị cấm nhập cảnh vào Vương quốc Anh, Thủ tướng Anh Keir Starmer bày tỏ sự “lo ngại” về thách thức mà Trung Quốc mang đến.

Ông Starmer nói trong một cuộc họp báo ở Oslo, Na Uy, rằng ông không thể bình luận về việc liệu Chính phủ có thảo luận về tình hình với Cung điện Buckingham hay không. Ông nói rằng có một “thông lệ lâu đời” ở Anh là các cuộc đàm phán giữa Văn phòng Thủ tướng và Hoàng gia “không bao giờ được thảo luận ở bên ngoài”.

Tuy nhiên, ông Starmer lưu ý rằng “tất nhiên chúng tôi lo ngại về những thách thức do Trung Quốc đặt ra”, đồng thời cũng bảo vệ cho chủ trương thúc đẩy mối quan hệ “thực tế” với Bắc Kinh của ông. Starmer nói: “Phương pháp của chúng tôi … là một kiểu tiếp xúc, tiến hành hợp tác ở những lĩnh vực chúng tôi cần hợp tác trong các vấn đề như biến đổi khí hậu, thách thức những lĩnh vực mà chúng tôi phải và nên thách thức trong các vấn đề như nhân quyền, và cạnh tranh về thương mại”.

Tại tòa, doanh nhân Trung Quốc, chỉ được biết đến với cái tên H6, được mô tả là đã xây dựng “sự tin tưởng bất thường” với Hoàng tử Andrew. Tuần trước, một thẩm phán đã giữ nguyên phán quyết cấm H6 vào Vương quốc Anh. Tờ Sky News của Anh đã nhìn thấy một bức ảnh của người được cho là doanh nhân Trung Quốc này chụp chung với ông David Cameron và bà Theresa May khi họ còn là thủ tướng.

Ông Jim McMahon, Bộ trưởng thuộc Công Đảng, cho biết trước đó rằng việc xác định danh tính của đặc vụ này là “chuyện của tòa án”, vì Đảng Cải cách Anh đã đe dọa sử dụng đặc quyền nghị viện để công khai tên của người này tại Hạ viện. Đặc quyền nghị viện của Anh cho phép các nghị sĩ tự do phát biểu trong các phiên họp nghị viện, mà không phải lo ngại về các vụ kiện pháp lý.

Doanh nhân Trung Quốc bị cáo buộc làm gián điệp được xác định là Dương Đằng Ba (Yang Tengbo), tên tiếng Anh là Chris Yang. Danh tính của Dương Đằng Ba, trước đây được bảo vệ bởi lệnh giấu tên, đã được công khai sau khi thẩm phán bãi bỏ lệnh vào chiều thứ Hai. Dương Đằng Ba cho biết trong một tuyên bố rằng ông đã nộp đơn xin dỡ bỏ lệnh cấm là vì để công khai phủ nhận những cáo buộc đối với mình, và nói rằng ông không phải là gián điệp, “không làm bất cứ điều gì sai trái hay bất hợp pháp, những lo ngại mà Bộ Nội vụ nêu ra về tôi là vô căn cứ”.

Theo báo cáo, ông Dương Đằng Ba, 50 tuổi, là cựu chủ tịch của Hampton Group, đồng thời giữ chức chủ tịch điều hành dự án Trung Quốc “Pitch@Palace” của Hoàng tử Andrew. Ông đã ở Anh gần hai thập kỷ. Lần đầu tiên ông bị cơ quan chống khủng bố chặn lại là vào năm 2021 và được lệnh giao nộp thiết bị của mình. Hồ sơ tòa án cho biết, ông thường đi lại giữa Trung Quốc và Anh, và nói với các quan chức rằng ông coi Vương quốc Anh là quê hương thứ hai của mình.

Vào tháng 2/2023, khi chuyến bay từ Bắc Kinh đến London vừa hạ cánh, ông được thông báo rằng Bộ trưởng Nội vụ Anh lúc đó đang xem xét trường hợp trục xuất ông. Lệnh được ban hành vào tháng sau. Tuần trước, Ủy ban Khiếu nại Nhập cư Đặc biệt (SIAC) đã bác bỏ đơn kháng cáo của ông về quyết định này.

Ông Iain Duncan Smith, cựu lãnh đạo Đảng Bảo thủ đối lập và là thành viên Hạ viện, hy vọng sẽ đưa ra một câu hỏi khẩn cấp tại Quốc hội vào thứ Hai về Ban Mặt trận Thống nhất (của Đảng Cộng sản Trung Quốc), cơ quan bị cáo buộc có liên quan đến H6. Nếu được Chủ tịch Hạ viện, Ngài Lindsay Hoyle chấp thuận, cuộc điều tra có thể được tổ chức sớm nhất là vào buổi chiều theo giờ địa phương.

Ông Duncan-Smith cảnh báo có “rất, rất nhiều” người có ảnh hưởng như H6 ở Anh, ông cũng nói với kênh BBC Radio 4: “Chúng ta chỉ đang giải quyết phần nổi của tảng băng trôi”. Ông nói, “Thực tế là có rất nhiều hoạt động gián điệp tương tự đang diễn ra. Đối với chúng ta, thực tế rất đơn giản – Trung Quốc là một mối đe dọa rất rõ ràng.”

Thủ tướng Anh Starmer nói với giới truyền thông ở Oslo trước lời kêu gọi của các nghị sĩ Đảng Bảo thủ, yêu cầu Chính phủ Đảng Lao động tiếp tục kế hoạch “Đăng ký ảnh hưởng nước ngoài”, được phát triển dưới thời Đảng Bảo thủ nhưng chưa được thực hiện, kế hoạch này yêu cầu những người liên quan đến việc thúc đẩy lợi ích nước ngoài phải khai báo. Ông Starmer đã phát biểu với truyền thông tại Oslo rằng, “Chúng tôi đã nỗ lực về vấn đề này ngay từ ngày đầu tiên nhậm chức”, và tuyên bố rằng “sẽ sớm có những tiến triển mới’”.

Theo Reuters, trích dẫn 4 người quen thuộc với vấn đề này, Chính phủ Đảng Lao động đã thu hẹp quy mô đánh giá mối quan hệ với Trung Quốc để chuẩn bị cho một báo phê bình Trung Quốc tương đối yếu, báo cáo này sẽ giúp Chính phủ của ông Starmer cải thiện quan hệ kinh tế với Trung Quốc.

Trước khi lên nắm quyền, Đảng Lao động cho biết cuộc đánh giá sẽ là đánh giá chuyên sâu đầu tiên của Vương quốc Anh về mối quan hệ và chuỗi cung ứng với Trung Quốc, có thể kéo dài đến một năm. Trung Quốc được các cơ quan an ninh coi là mối đe dọa lâu dài lớn nhất của Vương quốc Anh.

Các nguồn tin cho biết, Chính phủ Đảng Lao động hiện đã chọn cách tiếp cận nhanh hơn, ít chuyên sâu hơn, và có khả năng sẽ ít chỉ trích các chính sách của Chính phủ ĐCSTQ hơn. Hai trong số các nguồn tin chỉ ra, chương trình tăng trưởng của ông Starmer và kế hoạch cải thiện quan hệ với các đối tác thương mại quan trọng là lý do cho quyết định này.

Khi được hỏi về tình hình mà Reuters biết, một phát ngôn viên của Chính phủ Anh tiết lộ “một cuộc đánh giá đang diễn ra”. Người phát ngôn cho biết: “Chúng tôi đang tiến hành kiểm tra đầy đủ và toàn diện về bề rộng mối quan hệ của Vương quốc Anh với Trung Quốc, điều này sẽ mang lại một cách tiếp cận nhất quán, lâu dài và chiến lược để quản lý mối quan hệ của Vương quốc Anh với Trung Quốc.” Đại sứ quán Trung Quốc tại Anh từ chối bình luận.

Trong đó có 3 nguồn tin của Reuters cho biết, các bộ trưởng muốn đảm bảo cuộc đánh giá, bắt đầu vào tháng 10, được hoàn thành trước lễ nhậm chức tổng thống Mỹ vào tháng tới, nhưng khung thời gian này có thể bị lùi lại.

Theo báo cáo, các nguồn tin nêu trên cho biết, Đảng Lao động ban đầu dự định sử dụng bản đánh giá để xây dựng lập trường rõ ràng và nhất quán cho Chính phủ, doanh nghiệp và các trường đại học về cách đối phó với các thách thức an ninh do Trung Quốc (ĐCSTQ) đặt ra. Đảng Lao động lên nắm quyền trong cuộc tổng tuyển cử vào tháng 7 năm nay, và cuộc đánh giá này là nội dung duy nhất liên quan đến mối quan hệ với Trung Quốc được đề cập trong tuyên ngôn của Đảng Lao động trước cuộc bầu cử.

Nhưng không giống như cuộc đánh giá quốc phòng chiến lược của Chính phủ Anh do cựu Tổng thư ký NATO George Robertson dẫn đầu và có sự tham gia của nhiều chuyên gia, cuộc đánh giá mối quan hệ với Trung Quốc bắt đầu vào tháng 10 chưa bao giờ được công bố chính thức.

Các quan chức Đảng Lao động cho biết khi phản đối rằng họ hy vọng sử dụng cuộc đánh giá này để giúp hạn chế hàng hóa từ khu vực Tân Cương lọt vào chuỗi cung ứng của Anh do lo ngại về nhân quyền. Nhưng các nguồn tin cho biết, Đảng Lao động sau đó đã ngừng phản đối việc thúc đẩy quốc tế công nhận cách Chính phủ ĐCSTQ đối xử với người Duy Ngô Nhĩ là “diệt chủng”.

Đảng Lao động cũng đã lên kế hoạch tiến hành một cuộc đánh giá theo mô hình đánh giá ở Đức vào năm ngoái, kéo dài một năm rưỡi và có sự tham gia của các quan chức chính phủ, nghị sĩ liên bang, doanh nghiệp, giới học thuật và các tổ chức phi chính phủ. Hai nguồn tin cho biết, hoạt động đánh giá của Anh giờ đây chủ yếu dựa vào chuyên môn của các quan chức chính phủ.

Được biết, Bộ Ngoại giao Anh chịu trách nhiệm về công việc đánh giá này và một số kết quả đánh giá chính sẽ được công bố. Reuters không thể xác định ai đã ra lệnh cho Chính phủ Đảng Lao động áp dụng phương pháp cắt giảm quy mô này. Các nguồn tin nêu trên cho rằng báo cáo được công bố phần lớn có thể lặp lại chiến lược “3C” (challenge, compete and cooperate tức thách thức, cạnh tranh và hợp tác) của Anh đối với Trung Quốc.

Theo RFI

Related posts