Lộ Khắc
Công dân Trung Quốc bị theo dõi trên đường phố London, các nhà hoạt động chống Bắc Kinh bị tấn công ở California, và thậm chí người thân của chính người phương Tây cũng bị bắt làm con tin để buộc họ đánh cắp bí mật của công ty…, những hành động đó đều là công việc của Ban Công tác Mặt trận Thống nhất (United Front Work Department, UFWD, ghi tắt trong bài: MTTN) mà lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Tập Cận Bình xem là “vũ khí ma thuật”.
Theo tờ Telegraph (Anh), Ban MTTN là trung tâm của vụ bê bối Dương Đằng Ba (Yang Tengbo) – một doanh nhân Trung Quốc bị cấm nhập cảnh vào Anh vì gây ảnh hưởng đến giới thượng lưu Anh thông qua mối quan hệ với Hoàng tử Andrew. Theo một bức thư được trích dẫn trong phán quyết của Ủy ban Kháng cáo Nhập cư Đặc biệt (Special Immigration Appeals Commission), các quan chức Anh tin rằng Dương Đằng Ba “đang hoặc đã tham gia vào các hoạt động ảnh hưởng chính trị bí mật thay mặt cho Ban MTTN – một cơ quan nhà nước của ĐCSTQ”.
Ban Mặt trận Thống nhất (MTTN) là gì?
Ban MTTN tích hợp các hành động ảnh hưởng và thu thập thông tin tình báo, ở một mức độ nhất định, đã bù đắp cho sự thiếu hụt quyền lực mềm của Trung Quốc.
Mục đích chính trị của hệ thống này là nỗ lực định hướng môi trường chính trị toàn cầu có lợi cho Bắc Kinh, bao gồm ảnh hưởng đến chính sách của các nước khác, tiếp cận công nghệ nước ngoài tiên tiến, đàn áp bất kỳ tiếng nói nào được coi là chỉ trích ĐCSTQ và thúc đẩy chính phủ kể lại các sự kiện, chẳng hạn như dán nhãn các nhà hoạt động dân chủ ở Hồng Kông là “khủng bố”.
Ban MTTN cũng thực hiện các hoạt động răn đe xuyên quốc gia, cung cấp vỏ bọc cho cảnh sát mật đáng sợ của Bộ An ninh Nhà nước Trung Quốc. Những cảnh sát này bắt cóc những người bất đồng chính kiến ở nước ngoài và bí mật đưa họ trở lại Trung Quốc để giam giữ; ngoài ra Ban MTTN cũng được biết đến về thủ đoạn bắt giữ người nước ngoài ở Trung Quốc để sử dụng trong ngoại giao con tin nhằm gây áp lực lên các nước khác.
Nói cách khác, Ban MTTN là công cụ che đậy cho “trò chơi bẩn thỉu” của ĐCSTQ.
Hoạt động như thế nào?
Ban MTTN báo cáo trực tiếp với cơ quan quyền lực cao nhất của Trung Quốc là Ủy ban Trung ương ĐCSTQ do ông Tổng Bí thư Tập Cận Bình phụ trách. Ông Tập Cận Bình từng mô tả Ban MTTN là “công việc của toàn Đảng” và thường xuyên kêu gọi “toàn Đảng thực hiện đầy đủ và trung thành” các hoạt động này.
Một ví dụ điển hình, năm 2022 một người biểu tình ủng hộ dân chủ đã bị các nhà ngoại giao Trung Quốc kéo vào khu vực Lãnh sự quán Trung Quốc ở Manchester và đánh đập – đối với các cán bộ của ĐCSTQ, hành động theo cách này được coi là biểu hiện thể hiện lòng trung thành tuyệt đối của cá nhân đối với Đảng.
Vùng xám
Thuật ngữ “thống nhất” dường như nhấn mạnh đến mục tiêu chung chứ không phải một tổ chức cụ thể thống nhất, do vậy các hoạt động của Ban MTTN còn đi xa hơn… Phạm vi hoạt động rộng rãi các hoạt động Ban MTTN về cơ bản đã được tích hợp vào hệ thống quản trị của ĐCSTQ – khiến các nước khó đối phó. Hơn nữa, các hoạt động của Ban MTTN thường lợi dụng các vùng xám – loại vấn đề không thể phân loại rõ ràng là hoạt động bất hợp pháp hoặc gián điệp.
Ví dụ, sinh viên Trung Quốc ở nước ngoài có thể được yêu cầu báo cáo tình hình bạn học, qua đó đảm bảo họ vẫn “ngoan ngoãn” ở nước ngoài và hạn chế vấn đề họ đưa ra những bình luận chỉ trích ĐCSTQ. Tháng 9 năm nay, Đại học Cambridge đã được Đại sứ Trung Quốc tại Anh là Trịnh Trạch Quang (Zheng Zeguang) ghé thăm riêng, quan chức này đã kêu gọi sinh viên Trung Quốc “đền ơn tổ quốc”.
Một ví dụ khác là các Viện Khổng Tử (Confucius Institutes), các trung tâm ngôn ngữ và văn hóa này do Chính phủ Trung Quốc kiểm soát. Mặc dù Bắc Kinh từ lâu đã mô tả chúng là cầu nối giao lưu văn hóa, nhưng chúng thường bị cáo buộc là vỏ bọc để ĐCSTQ đàn áp tiếng nói chỉ trích.
Những vấn đề này nghiêm trọng đến mức nước Anh gần đây đã từ bỏ chính sách ủng hộ mở các Viện Khổng Tử trong khuôn viên trường đại học.
Sử dụng mối quan hệ
Đối với các doanh nhân hàng đầu của Trung Quốc, bí quyết thành công nằm ở việc giành được ủng hộ của ĐCSTQ ở trong nước, mặt khác thiết lập quan hệ với các nhân vật quyền lực như chính trị gia và quan chức ở nước ngoài.
Mặc dù hầu hết các hoạt động dường như phù hợp với hành vi kinh doanh bình thường, nhưng một khi những mối quan hệ này được thiết lập – ngay cả khi ban đầu chỉ vì mục đích thương mại thuần túy – chúng sẽ trở thành nguồn lực mà ĐCSTQ có thể sử dụng. Ví dụ trường hợp vài năm trước luật sư Christine Lee tích cực thúc đẩy quan hệ Anh-Trung, bị cáo buộc can thiệp vào chính trị Anh.
Trung Quốc thậm chí còn sử dụng robot truyền thông xã hội để cố gắng tác động đến kết quả của các cuộc bầu cử cấp thấp hơn ở Mỹ. Logic đằng sau hành vi chính trị đó là mở đường cho chương trình nghị sự của Bắc Kinh thông qua các mối quan hệ ở tất cả các cấp.
Thủ đoạn cực đoan
Công việc của Ban MTTN còn bao gồm huy động những người ủng hộ ĐCSTQ ở nước ngoài tham gia hoạt động biểu tình.
Tháng 11 năm ngoái khi ông Tập Cận Bình đã đến San Francisco Mỹ để gặp Tổng thống Mỹ Joe Biden, nhằm phục hồi quan hệ song phương đang ‘chạm đáy’. Khi đó ĐCSTQ đã trả tiền cho hàng trăm hoặc thậm chí hàng ngàn người đến San Francisco hưởng ứng, sinh viên Trung Quốc ở California cũng được tuyển dụng để tham gia.
Nhiệm vụ được đóng gói như hành động yêu nước “chào đón Tập Cận Bình”, đồng thời đàn áp tiếng nói của các nhà hoạt động kêu gọi dân chủ ở Hồng Kông và nhân quyền của người Duy Ngô Nhĩ tại Tây Tạng và Tân Cương.
Theo một báo cáo của Hội đồng Dân chủ Hồng Kông (Hong Kong Democracy Council) và Sinh viên Tây Tạng Tự do (Students for Free Tibet), những người được tuyển dụng này đã tham gia vào các hoạt động quấy rối như đe dọa và ngăn chặn người biểu tình, tấn công vũ lực, theo dõi và thậm chí đánh cắp điện thoại di động… Báo cáo cũng cho thấy những người biểu tình thân ĐCSTQ đã sử dụng cờ Trung Quốc khổng lồ để che đậy các hoạt động bạo lực, sử dụng cột cờ để tấn công các nhà hoạt động phản đối chuyến thăm của Tập Cận Bình.
Thúc đẩy tinh thần tự giác ủng hộ ĐCSTQ
Phần khó khăn nhất có lẽ là tác động của chủ nghĩa dân tộc ngày càng tăng của Trung Quốc ở trong và ngoài nước. Các quan chức của Ban MTTN và toàn bộ hệ thống tuyên truyền của ĐCSTQ cố gắng tạo điều kiện để các cá nhân dù không có người chỉ huy cũng sẽ chủ động lặp lại luận điệu của ĐCSTQ.
Chuyên gia về Trung Quốc là Anne-Marie Brady đã chỉ ra trong một báo cáo viết cho tổ chức tư vấn của Mỹ Wilson (Wilson Center): “Mục tiêu thành công của công việc MTTN là để cộng đồng người Hoa ở nước ngoài có thể chủ động và thậm chí tự phát tham gia vào các hoạt động thúc đẩy chương trình nghị sự chính sách đối ngoại của Trung Quốc”.
Bản thân bà Brady đã bị quấy rối vì những lời chỉ trích của bà đối với ĐCSTQ, bao gồm một loạt các vụ việc mà bà tin là những hành động của Ban MTTN nhằm đe dọa bà.
Chính quyền Trung Quốc bác bỏ cáo buộc Dương Đằng Ba là gián điệp, khẳng định Ban MTTN là cơ quan hợp pháp của họ.
Lộ Khắc, Vision Times