“Thầy Tân Văn Công đã tạ thế ngày 28/03/2019. Hưởng thọ 94 tuổi. Hôm nay tôi hồi tưởng lại viết bài nầy để tưởng nhớ tới một người Thầy, hay tưởng nhớ tới một bạn văn, mà ngày xưa trong những lần đi về Mỹ Tho tôi với Thầy thường hay đối ẩm. Có lúc ngồi bàn thế sự, có lúc bàn luận văn chương, chuyện nào tôi cũng học được ở Thầy những điều bổ ích”
Vào năm 1979 thì thầy Tân Văn Công rỗi rảnh, thất nghiệp không có việc làm, lúc đó vừa tròn 53 tuổi nên thầy bắt đầu khởi sự “văn chương”. Nhờ trước kia khi còn dạy học, thầy đã có viết vài ba cái truyện ngắn cho báo Điện Tín, Tiếng Chuông nên việc cầm bút trở lại của thầy cũng không có gì là khó lắm.
Nhưng cầm bút lần nầy đang ở trong tâm trạng của một ông thầy giáo, đã từng đứng trên bục gỗ suốt mấy mươi năm, nhưng bây giờ phải chịu cảnh xa trường, xa lớp xa bảng đen phấn trắng nên thầy viết văn với bút hiệt Mặc Nhân TVC. Không biết cái bút hiệu nầy nó vận vào người Thầy lúc nào, mãi cho đến sau nầy cũng không thay đổi.
Chữ Mặc Nhân dường như có nghĩa là một người yếm thế, khiêm tốn hay là một người đang mang một tâm sự cô đơn u hoài trong cuộc sống. Nhưng theo tôi điều đó không quan trọng, mà nó phải thể hiện được nếp sống của một con người. Điều nầy đã chứng tỏ bằng bao nhiêu tác phẩm của thầy Công, khi thầy vừa mừng sinh nhựt ở cái tuổi 87 vừa qua, với những tấm hình chụp cùng thân hữu, cùng gia đình, cùng mấy cô học trò nhỏ cũng thích văn thơ, mà thầy Công hiện nay là một đầu tàu để dẫn dắt đàn em, học trò của mình đang chạy đi trên con đường thiên lý. Ai có đi trên con đường “thiên lý” văn chương, thì mới thấm thía câu “văn mình vợ người” nó đúng với trường hợp nào. Có người văn chương chữ nghĩa chẳng bao nhiêu, nhưng khi viết được một vài bài báo, hoặc cho ra đời một vài tác phẩm thì sanh ra tự phụ.
Trường hợp của thầy Công là một sự rong chơi của tuổi già nó rất hiếm hoi, khi con người đã bước qua cái tuổi 87 để tri thiên mệnh. Có biết được điều đó, mới cảm thấy đời sống của con người không dễ thích nghi với hoàn cảnh xung quanh. Vậy mà thầy Công lúc nào trên môi cũng nở nụ cười, với một chiếc xe đạp làm chưn, với một xấp bản thảo viết lỡ tay đang nằm yên trong cặp.
Thầy Công chẳng bao giờ bận tâm lo nghĩ tới bạc tiền, mà thầy chỉ nghĩ tới những cô học trò ngày xưa, bây giờ đang bước đi trên con đường văn nghệ, văn chương chữ nghĩa của những nhóm thơ, của những nhóm văn. Thầy đến với họ để thắp lên ngọn lửa rồi thôi, nhưng hôm nào mà thiếu thầy, thì bữa tiệc đó dường như còn đang thiếu sót một cái gì về mặt tinh thần mà người ta không thể nhận ra…
Tôi nhớ có lần, tôi mời thầy đi uống cà phê ở quán Nét Xưa Mỹ Tho. Thầy vẫn mặc một cái áo ghi lê bỏ bên ngoài hờ hững, trên đầu thì đội cái nón vải trông rất bụi đời, làm cho tôi liên tưởng đến những ông nhà báo ngày xưa, đã một thời nổi danh trên tờ báo Sống do ông Chu Tử phụ trách. Còn thầy coi vậy mà hiền, văn chương chữ nghĩa của thầy chưa bao giờ dám xúc phạm tới ai, mà thầy chỉ viết về những điều hoài niệm. Mỗi cái truyện ngắn của thầy có ý nghĩa như một truyện ngụ ngôn, còn nếu viết về loài vật, thì phải thể hiện được sự yêu thương và che chở. Như truyện kể về một con chó lạc tới nhà được thầy nuôi dưỡng, hay một con chuột lắc chết khô trong tủ áo. Hay chuyện của một con chim đã bị nhốt trong lồng. Khi được bay lên bầu trời rộng bao la, thì tôi mới thấm thiá tới đời sống nhân văn, nhân bản của con người, mà hiện nay trong xã hội đương thời những cái truyện có nội dung như vậy thì rất hiếm.
Nhiều lúc tôi bâng khuâng tự hỏi, điều gì đã cho thầy sức mạnh phi thường, 87 tuổi rồi mà vẫn đạp xe chạy bon bon trên đường lộ, điều gì đã cho thầy minh mẫn đến lạ thường, thầy có thể viết lại thời mới ra trường, được đổi về dạy dưới xã Thới Lai, Vang Quới, Phú Vang quận Bình Đại tỉnh Bến Tre. Được đề cử làm trọng tài cầm còi cho một trận đá banh, nhưng tình cảm ở nơi dạy học làm cho thầy quên đi bổn phận, xử phạt thiên vị rồi bị mấy ông cầu thủ vây quanh, làm cho thầy sợ đến nổi lên xe đạp chạy đi mà quên ly nước chanh giải khát. Nhiều khi đọc lại một đoạn văn trên, tôi cảm thấy thương thầy. Một ông thầy giáo còn nặng nợ văn chương, thôi thì không còn dạy học nữa thì ngồi viết lại những chuyện đã qua, để mà “ôn cố tri tân” cho vơi đi những ngày tàn tháng lụn.
Với cái tuổi già như thế, lại ngao du trong đời sống hiện nay, thầy quả thật là “một ông đạo sống”. Thầy sống thật hồn nhiên, không gò bó, không nề hà bất cứ chuyện gì, miễn sao chuyện đó nằm trong đạo lý. Tôi còn nhớ rất rõ, hồi năm ngoái về ghé Mỹ Tho thăm thầy. Thầy Công rủ tôi đi lên Cai Lậy dự một cuộc họp mặt bạn thơ. Thú thiệt tôi rất ngại. Bởi tôi rất sợ những tiếng thị phi, rất sợ cảnh trâu cột nó ghét trâu ăn. Cuối cùng thì tôi từ chối. Một mình thầy vác cái tuổi 87 lên vai, thầy đi dự rồi về kể lại. Một cuộc họp mặt với các bạn thơ, không phải để bình phẩm về tài năng sáng tác, mà cốt ở tấm lòng. Có gắn bó với văn nghệ hay không, cho nên sự có mặt của thầy đã nói lên điều đó…
Mỗi lần đến nhà thầy, tôi thường thấy “thầy” thơ thẩn ngoài vườn, âu yếm với những chậu cây cảnh Bonsai. Hoặc ngồi trầm tư trước cái máy Computer rồi gõ nghe lách tách. Động lực nào để giúp cho thầy có đủ trí óc sáng tạo viết lên những tác phẩm văn chương, nhạc, thơ, vọng cổ. Điều nầy làm cho tôi thắc mắc, nên có lần tôi hỏi “thầy viết cái gì đó?”, thì thầy cũng chỉ trả lời theo kiểu lấp lửng “Buồn quá viết cho bớt buồn vậy mà, chớ cái tuổi của tui bây giờ biết làm cái gì nữa. Ngoài việc “vọc” máy Computer với đàn con chữ cho vui, chớ thiệt tình tui không nghĩ viết để trở thành nhà văn, hay nhà biên khảo thuộc vùng đồng bằng Nam bộ đâu nghen, đừng đi về bển rồi ngứa tay viết về tui cho thiên hạ họ cười. Vì đất Mỹ Tho của mình còn rầt nhiều người tài danh dữ lắm…”
Cuộc đời của thầy Tân Văn Công cũng như một cây cổ thụ mọc giữa dòng đời, lúc nào cũng toả ra bóng mát, để cho những em học sinh khi tan trường về có chỗ dừng chưn tránh nắng, hay những bà bán hàng rong ở khu phố Mỹ Tho. Khi nào gánh gồng mệt mỏi, thì cũng tạt vào để nghỉ chưn. Chính vì vậy mà tôi xin gọi thầy là “bóng cây cổ thụ”. Bởi vì trong 87 năm dãi gió dầm sương, vậy mà thầy cũng vẫn còn minh mẫn để gò lưng viết về “Cầu Rạch Miễu Qua Bề Dày Lịch Sử, do Nhà Xuất Bản Trẻ xuất bản năm 2009”.
Năm 2011 thầy Tân Văn Công cùng với Tiến sĩ Võ Thành Dũng hợp soạn cuốn Mỹ Tho Xưa Trong Nam Kỳ Lục Tỉnh, cũng do Nhà Xuất Bản Trẻ xuất bản. Đời Sống Nơi Hoang Mạc nhà xuất bản Tiền Giang phát hành. Tuổi Thơ Xa Rồi (truyện ngắn), nhà xuất bản Văn Hoá phát hành.
Rồi còn những cuốn đang đợi lên khuôn như: Những Mảnh Tình (truyện ngắn). Chuyện Những Dòng Sông (truyện ngắn). Ngơ Ngác Tuổi Đời (tiểu luận). Một Thầy Giáo Làng (tự truyện). Tình Tôi … Tình Em (ký sự). Tạp Văn (tập hợp những bài viết tản mạn). Lịch Sử Chùa Vĩnh Tràng (sưu khảo) Những Người Bạn Của Chúng Ta (tình yêu loài vật). Lã Sơn Môn (phóng tác – tiểu luận). À là mémoire d’un grand’homme Alexandre Yersin (để tưởng nhớ một vĩ nhân nhà bác học Alexandre Yersin – Pháp văn). Bộ môn thơ gồm có: Mỹ Tho, Mười Chuyện Tình Buồn (những chuyện tình có thật ở Mỹ Tho). Lệ Thơ (150 bài thơ khóc vợ). Tình Muộn (tình thơ tuổi về chiều). Hạt Sỏi Cũng Buồn (tuyển tập thơ) Về nhạc, thì thầy Công đã viết trên 26 bài, đã được trình diễn trên 75%. Cổ nhạc viết trên 7 bài ca vọng cổ. Có một bản được cô Bích Luyến ca chiếm giải tại cuộc thi ca cổ tại thành phố Mỹ Tho.
Ngoài những thú tiêu khiển văn, thơ. Thầy công còn chơi qua ảnh nghệ thuật. Tôi cũng không biết thầy học với ai, học ở đâu, và xử dụng loại máy gì. Nhưng mỗi lần đi chơi với tôi thì thầy lôi trong túi vải ra một cái máy cũ mèm, nhỏ xíu. Vậy mà thầy đã từng đoạt giải ba và giải khuyến khích Nhiếp Ảnh Nghệ Thuật Đồng Bằng Sông Cữu Long. Cái đó mới làm cho tôi đáng nễ…
Bao nhiêu tác phẩm đó, nếu nói về một cuộc đời của người cầm viết thì cũng không nhiều. Nhưng với tôi, thì thầy Tân Văn Công là một tấm gương ngời sáng, cho những người già cả ốm yếu ho hen. Bởi khi đời người đã bước qua cái tuổi 70 (thất thập cổ lai hi) rồi, nội có cái đi đứng, ăn uống thì cũng khó khăn, nói chi tới đụng tới cái máy computer thật là rắc rối. Vậy mà thầy Công xử dụng nó khỏe re, thậm chí còn nhuần nhuyễn như một người thành thạo.
Cái cảm hứng của thầy dường như triền miên bất tận, mấy người bạn Việt Kiều đã một thời học ở hai ngôi trường Trung Học Nguyễn Đình Chiểu & và Lê Ngọc Hân Mỹ Tho năm xưa. Mỗi khi có việc về Việt Nam, rồi ghé lại thăm thầy. Chỉ cần nói ra tâm sự nỗi nhớ niềm riêng, của người sống xa quê hương bản quán. Nếu người nào thích vọng cổ thì thầy Công liền soạn cho 6 câu, rồi tự hát thâu vào dĩa để làm kỷ niệm…
Chính những sáng tác vừa nhanh, vừa đạt yêu cầu của văn chương miền Lục Tỉnh. Đó mới là một điều rất đặc biệt của thầy. Có những bài ca vọng cổ người ca rơi lệ, mà người nghe cũng thổn thức trong lòng. Không biết thầy Công thẩm định để đo ni đóng giày bằng cách nào, mà những bản nhạc, 6 câu vọng cổ của thầy vừa mới viết ra, cho dầu người đó là một người tài tử nghiệp dư, hay một người chỉ mới ham mê tài tử. Vậy mà khi bước vào phòng thâu, chỉ cần dợt sơ qua chừng một tiếng đồng hồ thì ca bắt nhịp rất mùi.
Cách nay chừng vài tháng, anh Võ Thành Dũng có forward cho tôi một đoạn Video Clip của đài Phát Thanh Tỉnh Cần Thơ, họ đã mời thầy chở đi qua Rạch Miễu để quay cảnh “Điạ Linh Rạch Miễu”, để nhắc nhở cho con cháu nhớ đến công lao của những bậc tiền nhân, đã một thời tạo nên vùng đất cầu Rạch Miễu bây giờ. Nhìn thầy như một ông đạo sĩ đã 87 tuổi đầu bạc trắng như bông, mà gương mặt trông rất còn tráng kiện, nói năng lưu loát không có soạn bài trước làm cho tôi rất kính phục thầy.
Một việc làm tuy có vẻ bình thường, nhưng nếu một người nào khác, thì cũng rất khó khi đứng trước ống kính truyền hình. Vì khúc phim phóng sự chỉ quay lướt qua rất nhanh, nhưng người đứng nói phải diễn tả cho được hết quang cảnh mà người đạo diễn sắp đặt. Bởi vì nó không cắt xén, không tẩy sửa, chỉ có phụ hoạ của người thuyết minh để dẫn chương trình mà thôi. Nhìn thầy trong một đoạn phim phóng sự, làm cho tôi liên tưởng đến tổ tiên khi đi mở cõi đất Phương Nam. Cũng đứng trên một cái gò cao, rồi chỉ cho con cháu bầy đàn “tụi con phải ruồng phá chỗ nầy trước, chỗ kia sau. Phải cất cho được một cái chòi mà che mưa trốn nắng…”
Dường như với thầy Công, tiêu khiển giải sầu là chính. Chớ thầy không bao giờ nhớ tới tiền tài danh vọng phải đeo mang, nên thầy lúc nào cũng để tâm đến một điều: “Thầy chẳng có gì ngoài ước vọng, Cho trò một chữ TRÍ để khai TÂM, Và một chữ NHÂN để sống, Chỉ mong trò có TRÍ để sống NHÂN”.
Rồi có lần tôi về Mỹ Tho thăm thầy, hai thầy trò ngồi ăn Hủ Tíu ở nhà hàng Chương Dương. Tôi nhìn cách ăn của thầy, nó thật là ung dung đạo mạo. Vượt lên trên tất cả tầm thường của thế thái nhân tình, thầy ăn mà dường như không ăn. Khi buông đũa mà tô hủ tíu còn đầy nhóc. Tôi ái ngại nhìn thầy hỏi “bộ không ngon, ăn không nổi hả thầy”.
Thầy mỉm cười rồi nói “ngon lắm chớ”. Nhưng cái ăn cốt để sống, chớ không phải sống để ăn, nên thầy ăn như vậy đã quen, bây giờ ở đâu thì vẫn vậy. Tôi nhìn thầy, rồi nhìn xuống dòng sông Tiền với con nước ròng đang chảy băng băng ra biển cả. Phiá bên kia cồn Tàu ngày xưa dưới thời Pháp thuộc, đã nhốt những người mắc bịnh phong cùi, bây giờ là xã Tân Long với những chiếc ghe lưới đậu nối dài mút mắt. Phiá xa hơn một chút là Cồn Phụng, đã một thời là giang sơn lãnh thổ của ông Đạo Dừa Nguyễn Thành Nam, một người vào thời Pháp thuộc, đã đi Tây học mang về một bằng cấp kỹ sư hoá học, nhưng ông Nguyễn Thành Nam không làm với cái nghề kỹ sư, mà thời đó đã có nhiều người mơ ước. Ông lên vùng bảy núi Thất Sơn Châu Đốc tầm sư học đạo. Sau bao năm khổ hạnh, khi xuống núi ông lập ra một Giáo Phái Đạo Dừa, với những bài kinh, bài kệ, bài giảng do ông tự viết ra để truyền rao trong bá tánh. Nhưng rồi cái đạo của ông cũng không còn, khi đất nước đổi chủ vào ngày 30/04/1975, quần thể Đạo Dừa trên Cồn Phụng cũng bị san bằng. Ở nơi đó bây giờ là khu du lịch vui chơi. Không biết rồi đây có còn ai nhắc tới một giáo phái, một con người kỳ dị đã từng xé bỏ bằng cấp kỹ sư để làm một ông thầy tu khổ hạnh, hằng ngày chỉ có uống nước dừa rồi ngồi tụng kinh cầu an cho bá tánh, ngồi năm nầy sang năm khác, đến nổi xương sống của ông co lại đóng thành vôi, nên ông đứng trong chiếc Taxi chỉ ló lên có một cái đầu. Đó là ông Đạo Dừa hiện nay chỉ còn lờ mờ trong huyền thoại. Mà ngày xưa ông đã dám bán hết điền sản của mình, để mua Cồn Phụng làm chỗ giảng đạo khai kinh, nhưng khi chết chấm dứt của một kiếp người, thì ông Đạo Dừa Nguyễn Thành Nam cũng nằm ở một nơi hiu quạnh.
Tôi nhìn thầy Công đang đưa mắt nhìn lên hướng cầu Rạch Miễu, chắc thầy đang bức rức xốn xang. Khi nhớ lại những chuyến Bắc đi sớm về khuya của từng em học sinh, từng cuộc đời công chức. Thỉnh thoảng thầy lại chép miệng thở dài, đó là hoài niệm của một nhà văn, mà cũng là hoài niệm của ông nhà giáo.
Thầy Công kể với tôi ngày làm lễ thông cầu, nó quan trọng cho ai, nhưng với thầy nó lại là một nỗi buồn man mác, bởi thầy khi sanh ra đã gắn liền với bến Bắc Rạch Miễu nầy rồi, làm sao quên những tiếng rao hàng, những bước chân trần hối hả khi chiếc Bắc sắp nhổ neo. Bao nhiêu kỷ niệm dường như đang hiện về theo nỗi nhớ, tôi nhìn thầy, rồi nhìn lại tôi, bao nhiêu năm lang bạc xứ người, bây giờ về lại ngồi đây, để nghe tuổi thơ, tuổi học trò của mình đang thức giấc.
Thầy Công là một người rất nặng nợ nhà quê, nhứt là ngôi làng Tân Thạch. Ở nơi đó đã có con Rạch Miễu, rồi Vàm Rạch Miễu, trường tiểu học Rạch Miễu, miếu bà Rạch Miễu. Bao nhiêu thứ đó nó đã hun đúc vào người thầy, vào một ông giáo làng đã tốt nghiệp trường sư phạm năm xưa, để bây giờ cũng vẫn là một ông giáo làng “ngày ấy”. Nhìn thầy, cách sống của thầy, theo tôi, thì nó cũng vẫn là người của muôn năm cũ. Cho dầu sự thế đổi thay, nhưng với thầy Công trước sau thì cũng vậy.
Tôi nhớ cách nay cũng khá lâu, tôi có viết một bài báo về thầy, chỉ giới thiệu vài bản nhạc của thầy do ca sĩ Thanh Hoa hát. Hôm nay tôi muốn viết về thầy Công, một bài viết thật sự mang một ý nghĩa của kiếp con người, nhưng liệu tôi có diễn tả được hay không, cái đó còn tùy thuộc từng cảm nghĩ của mỗi người khi đọc. Còn tôi thì chỉ viết theo dòng cảm xúc trào dâng, chớ tôi cũng không muốn dẫn dắt người đọc đi theo ý muốn.
Tôi thầm ao ước, học trò của thầy, bạn hữu của thầy sẽ chung tay góp sức lại để hằng năm, tới ngày đám giỗ của thầy, in và phát hành một vài tác phẩm để gìn giữ lại công lao, mà thuở sanh tiền thầy Tân Văn Công đã viết xong, nhưng chưa có dịp đem in thì thầy đã lìa trần với cái tuổi đời 94.
Những điều tôi đề nghị trong bài viết nầy tuy không quá đáng, nhưng liệu rồi đây có thực hiện được hay không, là còn tùy thuộc với những người đang yêu thích văn thơ. Nhứt là những người Việt Kiều đã từng về ghé thăm thầy, hát nhạc của thầy, ca bài ca vọng cổ của thầy, thì tại sao chúng ta không chung tay góp sức lại để làm một việc rất có ích cho mai sau. Hơn nữa nếu xét về mặt giá trị văn chương, thì những tác phẩm của thầy không thể bỏ nằm trong bóng tối. Chúng ta cần phải lên kế hoạch, mỗi năm phải phát hành, để thúc đẩy những đứa con tinh thần của thầy Công đi tới từng gia đình, từng độc giả, từng tủ sách để giựt dậy một nền văn chương Nam Bộ đang bỏ ngỏ từ mấy năm qua.
Bởi tôi cũng là một người cầm viết, tôi biết rõ tâm tư của nhà văn, nhà thơ họ muốn cái gì, họ không muốn giàu sang phú qúy, mà họ chỉ muốn những đứa con tinh thần của họ được sinh ra, rồi lớn lên trong lòng độc giả. Tôi tin rằng thầy Công cũng như tôi, như mọi người khác chớ không có gì ngoại lệ./-
Phùng Nhân