MỘT CHUYẾN VƯỢT BIỂN KHÔNG CÓ TÀI CÔNG

Trời tối đen như mực, trong căn nhà giữ vườn ở cồn Tân Phong huyện Cái Bè tỉnh Tiền Giang. Tôi đã ém chặt mấy chục người từ chiều hôm qua, lấy cớ là đi ăn mừng đám sinh nhựt của thằng cháu mới vừa 1 tuổi. Nhưng căn dặn thằng Hai Trung, biểu nó phải thật bình tỉnh, nếu chủ nhà là ông Sáu Hảo có lên thăm vườn thình lình thì nói “Mấy người nầy là bà con bên vợ của em…”.

Trước khi quyết định ém người ở đây, tôi đã ở đó hết mấy tháng trời. Lấy cớ là bị bịnh lao phổi nên về vườn dưỡng bịnh, nhờ vậy mà tôi cũng có quen mặt được vài người chòm xóm, khi mang giỏ đi bắt ốc bưu ở trong khu vực mấy mẫu vườn của ông Sáu Hảo.

Dường như ông Sáu Hảo hồ nghi, cho rằng tôi lên ở đây để dò đường, chớ một người khỏe mạnh như tôi thì làm sao mắc chứng bịnh lao cho được. Khi ông ta cố tình hỏi thằng Trung về thân thế của tôi, hồi trước ngày 30/04/1975 làm nghề gì ở đâu, sau đó học tập cải tạo tại cơ quan, hay trên Vườn Điều Cai Lậy?.

Thế là hai cậu cháu tôi sống ở đó hết mấy tháng trời. Thằng Trung thì nó đi hái nhãn cho ông Sáu Hảo, khi nào vườn Sáu Hảo hết mùa thì nó đi hái mấy nhà vườn xung quanh. Công việc nặng nhọc như vậy cứ tiếp tục đè xuống trên đôi vai bé nhỏ mỗi ngày, còn tôi thì cứ lủi thủi trong nhà khi nào thấy vắng bóng người ta, thì tôi xách cái giỏ nhỏ đi theo bờ vườn bắt óc bưu “dính cặp”. Nhờ vậy mà cũng được ăn no ngày hai bữa…

Rồi ngày vượt biển cũng tới. Chiếc ghe mà tôi mua ở tại chợ Vĩnh Long, do một người quen giới thiệu, bề dài chỉ có chừng 10 thước. Gắn máy Dodge chạy xăng, nhưng người chủ ghe nói với tôi là đã sửa lại chạy dầu.

Đêm tối đen như mực, khách tôi đã nhờ người quen dẫn xuống ém trước một ngày. Cũng may mọi chuyện đều xuông xẻ. Tôi và thằng con, với thằng tài công đi xuống bằng đò máy như một người dân ở xã Tân Phong, mỗi người có xách trên tay hai cái lọp để đặt cá bóng dừa, với một bịt cá rô phi để đem về thả xuống ao.

Ngồi trong quán cà phê để chờ đò chạy, đó là một quảng thời gian tôi có cảm tưởng thật dài. Khi thấy hành khách lát đát đi xuống bến đò, chúng tôi cũng xuống theo, và ngồi rải rác cách xa nhau cho không ai để ý. Từ nơi huyện Cái Bè đò máy chạy qua cồn Tân Phong phải mất hơn 1 tiếng đồng hồ, chiếc đò máy nầy lại tấp vô cho xuống khách hết bến nầy rồi tới bến khác, tới bến cuối cùng là nhà của thằng Hai Trung thì chúng tôi lại bước lên.

Khi bước vô nhà thì tôi đã thấy khách ém trong buồng chừng 10 người, đây là thời khắc quan trọng nhứt. Sau một hồi suy nghĩ, tôi liền biểu Hai Trung “mầy cứ tự nhiên đi mời thêm mấy người chòm xóm xung quanh, nói là ngày mai cúng thôi nôi của con mầy là Cu Tý, nên có mời cậu Năm và mấy người bên vợ từ dưới Mỹ Tho lên chơi, nhưng phải giấu ông Sáu Hảo, nếu ổng có lên bất ngờ thì nói ‘Ban đầu không định làm, nhưng bà ngoại mấy đứa nhỏ muốn lên cồn Tân Phong chơi cho biết nên mới làm luôn, thành thử không có chuẩn bị nên không có mời xin anh đừng chấp…’”

Thời gian lạnh lùng trôi qua trong sự hồi họp của nhiều người, đến khoảng 9 giờ đêm thì có tiếng ghe máy chạy vô vàm. Tôi bấm tay thằng Hai Trung cầm đèn Pin mở cửa bước ra, thì thấy chiếc “ghe Cui” chở củi mà tôi đặt mua đã tới. Nhưng hai anh em chủ ghe họ muốn lật lộng, biểu tôi phải chung vàng cho đủ rồi mới giao ghe. Thế là hai bên cự cãi, trong lúc nóng tánh tôi chửi thề “Bộ… tụi bây muốn giựt tiền cọc của tao đó hả”. Tức thời hai anh em chủ ghe, họ nhảy xuống ghe nổ máy la làng, nói là tôi có ý định cướp ghe vượt biển.

Tất cả những người khách hoảng hồn, mạnh ai nấy chạy ra ngoài vườn tìm chỗ thoát thân. Nhưng ban đêm trời tối, xòe bàn tay ra còn không thấy thì biết đường đâu mà chạy. Tôi tưởng phen nầy chỉ chờ bị bắt mà thôi, nằm như vậy chừng 30 phút sau thì nghe có tiếng ghe chạy lại rồi hảm máy chun vô vàm. Thằng Út Lớn chủ ghe bước lên bờ chạy vô nhà kêu cửa, nói:

– Anh Năm, tôi chịu giao ghe, nhưng tôi đưa xuống tới chỗ Vườn Hoa Lạc Hồng Mỹ Tho thì nhận vàng đủ. Được không?

Tôi trả lời:

– Được, sao hồi nãy mầy lật lộng, trở mặt bẻ cò. Tao nói thiệt, có chết thì chết chung. Bộ mầy tưởng xách ghe chạy đi như vậy là thoát hả? Thôi lở rồi, xuống luôn…

Từ trong nhà mấy người vượt biển chạy ùa ra bước xuống ghe. Vừa lúc đó chiếc ghe của ông tư Viễn Trường chạy tới, khiên chiếc máy Yanmar F7 thảy qua, cùng với một số người lố nhố không biết bao nhiêu mà đếm. Tôi cũng phải đành khoát tay, ra dấu biểu họ chung vô ghe cho lẹ đi đừng đứng đó bị bắt bây giờ.

Khi chiếc ghe chạy hoành lên tới đầu cồn, ở đây có một cái nhà máy xay lúa họ lại pha đèn rọi theo, rồi đồng loạt hô lên “ghe vượt biển”. Những tiếng hô đó nó cứ đuổi theo cho tới khi chiếc ghe vượt biển của tôi chạy khuất qua cái voi bần…

Chiếc ghe cứ chạy như vậy cho tới khi vừa múm vô đầu cồn Phụng, tôi biểu thằng Út Lớn, mầy cho đi ép bên phía cồn ông Đạo Dừa được hôn?

Nó trả lời:

– Được, anh muốn đi bên nào cũng được…

Khi chạy tới ngang chỗ lãnh thổ của ông Đạo Dừa chắc cũng 12 giờ khuya. Giữ lời hứa, tôi thò tay vô túi quần móc ra một bịt vàng, kêu thằng Út Lớn bước ra sau lái nói:

– Mầy rọi đèn lên kiểm lại cho chắc đi…

Phải nói thằng nầy là dân sông nước giang hồ. Nó đưa lên miệng cắn thử vài cây. Sau đó nó bỏ hết vào trong cái ruột tượng rồi cột vòng quanh qua bụng. Ôm chặt lấy tôi để tỏ dấu thân tình, rồi nói:

– Chúc anh Năm đi bình an. Cho em gởi theo thằng Tuấn, qua tới đảo có gì nhờ anh giúp đỡ. Nói xong thì nó ôm cái can nhựa 5 lít, nhảy cái đùng xuống sông rồi mất dạng…

Tôi cũng không biết thằng nầy nó lội đi đâu, lội qua bên Vườn Hoa Lạc Hồng để cỡi quần áo ra vắt cho khô rồi mặc lại, hay là nó lội đi tìm nhà người quen ngủ đỡ đêm nay. Đó là một điều bí mật, đã mấy chục năm trôi qua làm cho tôi cứ thắc mắc trong lòng. Nhưng không biết hỏi ai, hôm nay tôi viết bài nầy mong nó đọc được…

Tài công chánh của tôi là thằng Hai Ro ở dưới Xóm Lăng Ông phường 2 Mỹ Tho tỉnh Tiền Giang. Thằng nầy đã có nhiều thành tích, gạt người ta lấy vàng rồi trốn cũng có, đưa ghe ra khỏi cửa biển Bình Đại rồi lái cho trườn lên Cồn Ngựa, sau đó làm bộ loay hoay nhảy xuống gở chưn vịt một hồi rồi ôm can nhựa lội vô. Tất cả những lý lịch của thằng nầy tôi đều biết hết, nhưng tôi không sợ, nên tôi mới mướn nó làm tài công…

Chiếc ghe chạy xuống tới Bình Châu, chỗ nầy có 2 chiếc tàu Cảnh Sát Đường Sông đang neo đậu để bắt ghe vượt biển. Hai Ro biểu tôi cho người lấy bao bố nhúng nước bịt bô lại để hảm thanh.

Tôi ngồi sau lái với nó, tay cầm chiếc búa tai mài thật bén, gỏ xuống ghe nói nhỏ:

– Ro, tao đi kỳ nầy không có trở vô, vậy mầy phải lái cho đàng hoàng, đừng tấp vô Cồn Ngựa thì tao chặt giò mầy đó…

Hai Ro dạ nhỏ, nói:

– Anh nói cái gì đâu mà nghe dễ sợ vậy anh Năm…

Chiếc ghe vẫn chạy lầm lũi trong bóng đêm. Chỉ có một mình tôi ngồi sau lái, cúi khom mình xuống bên ngoài còn phủ một cái bao bố phòng hờ khi gặp tụi Cảnh Sát Đường Sông rọi đèn xét hỏi. Thằng Hai Ro là một thằng rái cá trên khúc sông nầy. Tôi cũng biết trước là khi bị cảnh sát pha đèn thì nó nhảy xuống sông rồi lội vô bờ, nên tôi cứ cầm cái búa tai mà kê lên bàn chưn của nó, dường như nó biết sợ nên nói “Coi chừng đứt giò của em…”

Ghe ra khỏi cửa mọi người nhẹ nhõm. Gặp lúc nước lớn, ngọn gió chướng non thổi rau rau làm bọt sóng nhấp nhô. Tuy là tôi có đề phòng như vậy, mà thằng Hai Ro thừa cơ trong lúc tôi lơ đểnh, nó lái lách qua bên phải, khi chiếc bánh lái ghe trườn lên mặt cát. Tôi nghe mấy tiếng sựt sựt, chiếc ghe khựng lại. Tôi la lớn. Ro bẻ lái qua trái liền cho tao “Đụ má … chút nữa mầy lái nó lên Cồn Ngựa nữa rồi. Mầy nhắm hàng đáy Sông Cầu mà chạy tới cho tao…”

Lần đầu tiên tôi mới thấy mặt trời trên mặt biển. Một màu đỏ rực, phản chiếu mặt biển nhấp nhô, khi đó chiếc ghe của tôi đã ra khỏi cửa thật xa, nhìn phía bên tay trái thì ngọn hải đăng Vũng Tàu vẫn còn sau lái. Bất ngờ thì Hai Ro kêu tôi nói:

– Anh Năm. Kêu thằng Kiệt lên lái thế em. Em xuống hầm máy coi dầu, nhớt, để rủi ro thì cháy máy…

Thằng Kiệt và tôi căng mắt ra trên mặt biển. Mặt biển thật hiền từ như một bà mẹ đang che chở cho ngư dân, cho tàu buôn, cho thuyền buồm lướt sóng. Chớ không có một dấu hiệu gì giận giữ thét gào. Một lát sau thằng con tôi nói “Ba kêu anh Ro ra bắt la bàn được rồi, để con chạy phía trong của đảo Côn Sơn”. 

Tôi gọi vào trong ghe nói lớn:

– Ro ơi Ro. Ra bắt dùm cái la bàn cho anh nghen, rồi mầy vô mui ghe ngủ tiếp.

Tôi kêu như vậy tới mấy lần, thì thằng Hai Trung nói vọng ra:

– Không có anh Ro cậu Năm ơi, mà con coi lại thì mất một can dầu, còn dầu thì đổ lênh láng trong khoan ghe…

Thế là tôi đã hiểu. Thằng Ro đã trốn, ôm can nhựa nhảy xuống biển lội vô bờ rồi. Tôi bước vô muôi ghe nói lớn:

– Thằng Ro tài công chính của mình đã bỏ trốn rồi bà con ơi, bây giờ chỉ còn thằng Kiệt với thằng “Siêu Nhân” và tôi. Vậy tùy bà con mình quyết định, tiếp tục đi hay là quay trở vô bờ…

Nhiều tiếng la lớn thất thanh:

– Không được, phải đi. Trở vô thì cũng bị bắt hết…

Chiếc ghe vẫn nổ máy chạy với một tốc độ bình thường, khi cách đảo Côn Sơn không biết bao xa, mà tôi đưa ống dòm chỉ nhìn thấy một đóm đen là là nằm trên mặt nước. Tôi vừa mừng, vừa lo. Bất ngờ có một cơn giông thổi đến, sóng dữ bắt đầu dựng lên làm chiếc ghe khựng lại. Tôi chưa kịp định thần, thì từng đám mây đen sà thấp xuống mặt biển, phủ kín trước mũi ghe. Trời bắt đầu vầng vũ, tối đen. Chiếc ghe khịt lên vài tiếng, bắn lại sau đít một vệt khói đen rồi chết máy.

Tôi quay mặt vô ghe nói lớn:

– Thằng Trung đâu, coi mở cái thùng đồ nghề, lấy cây cưa, dao búa ra, rồi banh tấm bạt cắt lấy kẻm may một lá buồm lẹ lên, bão tới bây giờ, nhớ cưa gốc cây tầm vong cao chừng 3 mét thôi, vì làm cột buồm cao quá thì sẽ bị gãy…

Khi thằng Trung và thằng Siêu Nhân, may tấm buồm xong thì nhìn tôi hỏi:

– Bây giờ mình đem cậm nó ở đâu Cậu?

Tôi vội trả lời:

– Coi cái bửng nào có lỗ khoen thì cậm đại nó xuống gấp đi…

Sau một hồi quần tới quần lui, thì thằng Trung nói:

– Chỉ có tấm bửng sát mũi ghe mới có lỗ Cậu ơi, để con cậm nó xuống ngay chỗ nầy nghen (nhờ vậy mà mũi ghe nhảy sóng, chớ còn cậm gần sau lái thì sẽ bị chìm ngay).

Tôi ừ cho có tiếng nói, vì lúc nầy từng cơn sóng bạt đầu dựng đứng trước mũi ghe. Một cơn mưa dường như đang trút nước xuống thình lình, từng cơn sấm chớp lóe lên rồi vụt tắt. Thằng Kiệt và Siêu Nhân hai đứa đang ôm cần lái để nương theo con sóng lướt qua. Chiếc buồm bọc gió, rồi nâng mũi ghe lên cao, để xuống nghe một cái rầm, rầm. Một hồi sau thì cái giàn cào sau lái ghe bị gãy. Tôi bò vô ghe lấy ra một nùi giây luột, biểu thằng Siêu Nhân và thằng Kiệt “lòn dây cột qua eo ếch hết đi, nhớ trụ chưn cho vững đừng để té”, còn tôi thì nằm ép sát xuống sàn ghe, ngước mắt nhìn theo tia chớp, rồi la bẻ trái, bẻ phải để đi theo cơn sóng lượng…

Sáng hôm sau thì cơn bão cũng đã tàn, nhìn lại chiếc ghe nó rách tang hoang, chỗ nào cũng mang đầy thương tích. Tôi nói:

– Anh tư Viễn Trường đâu, cái máy đuôi tôm của anh chở theo, có thợ máy hôn, coi lo bắt lên cho lẹ, để mình lấy lại số la bàn, chớ cơn bão hồi hôm, làm chiếc ghe của mình trôi đi xa dữ lắm.

Sau một hồi vất vả, thì thằng Hùng thợ máy của ông tư Viễn Trường dắt theo cũng gắn được cái máy đuôi tôm. Phải quay ngang cho cái đuôi tôm thòng xuống biển, rồi đút tay quay vô quay mấy vòng thì tiếng nổ phát ra, mọi người đều thở phào nhẹ nhõm, nhưng thằng Hùng thợ máy lại la lên:

– Thôi… chết mẹ rồi, máy nổ không hút nước bơm lên, thì làm sao mà chạy. Nó liền tắt máy. Tôi nhìn nó, hỏi:

– Như vậy là sao hả Hùng?

Thằng Hùng sau một hồi quan sát, rồi buông gọn một câu:

– Ống dẫn nước nầy quá lớn. Trong khi máy của mình chỉ có F7, nên nó không đủ sức dẫn nước lên…

Mọi người trong ghe bắt đầu lộn xộn, hết người nầy quay, tới người kia. Cái máy vẫn nổ tạch tạch xè một chút rồi cũng tắt. Tới phiên ông Thiếu úy Chính Dân ở Cái Bè, từ trong mui bò ra. Sau một hồi mò tới mò lui, rồi ông ta tra chiếc tay quây vô bánh trớn, bắt đầu quay mạnh mấy vòng. Ông ta cũng không ngờ khi bánh trớn trả lại quá nhanh nên buông tay, bộ tay quay văng xa một vòng thì rớt trên mặt biển nghe cái chủm. Thế là hết hy vọng, thần chết lảng vảng đến gần. Trên ghe mùi tang tóc sắp xảy ra!

Thiếu úy Chính biết mình có lỗi, nên mở thùng đồ nghề ra tìm được mấy ông tuýp sắt bắt đầu cưa để làm tay quay. Nhưng không thể nào làm được, cho dầu có cố gắng tới bực nào, thì cũng không thể làm chấu cho vừa cái lỗ đế đút nó vô. Chừng 1 giờ đồng hồ sau thì mồ hôi nhể nhại. Tôi vỗ vai, nói:

– Thôi anh đừng hoài công vô ích. Chỉ có đúng chìa khóa với nó thì mới quay máy được thôi. Nói xong, tôi liền thò tay xuống ôm ngang cái máy đuôi tôm F7 lăn xuôi cho nó rớt xuống biển nghe một cái đùng. Sau vài cái suổi tăm, thì cái máy đuôi tôm nằm sâu trong lòng biển mặn!

Chiếc ghe như vậy cứ bồng bềnh trôi theo lượng sóng. Tôi bèn họp hết bà con đi trên ghe lại nói:

– Bây giờ trên ghe của mình còn được 2 bao gạo, chắc gần 200 kí lô. Còn nước ngọt thì được 1 thùng phuy. Củi thì còn hơn 10 bó, theo tôi nếu muốn được sống còn để chờ tàu buôn họ vớt, thì mình phải có một luật lệ đặt ra, chớ không để tùy tiện, nước mạnh ai nấy uống, rồi sẽ có ngưới chết khát…

Vừa dứt lời tôi, thì có người nói:

– Như vậy thì anh Năm phải đặt ra một luật lệ cho nghiêm nhặt trước đi, để cho bà con anh em trên ghe của mình biểu quyết.

Sau một hồi lưỡng lự, tôi nói:

– Cơm thì tôi giao cho anh Vinh nấu và chia. Hai người một chén. Nếu người nào xin lấy nước cơm, thì không có được phần cơm. Phuy nước tôi giao cho thằng Gấu giữ, một ngày chỉ phát một ca, khi có mưa thì căng bạt ra hứng tiếp. Tôi mong bà con trên ghe triệt để thi hành. Riêng phần tôi sẽ bắt cặp với thằng Tuấn mồ côi, tới bữa ăn, anh Vinh cứ xúc cơm ra, rồi biểu nó chia ra tôi cho nó bắt trước.

Xong cuộc họp, tôi chun xuống bước vào ghe, thấy chỗ nấu cơm bất tiện, sợ bị cháy ghe, nên tôi biểu thằng Hai Trung lấy một cái can sắt, đụt làm thành một cái cà ràn, mỗi lần nấu cơm, gom tro lại để dành. Sau đó cứ việc rót dầu vào đống tro rồi bật lửa. Nhờ vậy mà việc nấu nồi cơm cũng không có khó khăn, lúc đầu thì khói có vận vào ghe, nhưng sau đó nhờ ngọn gió nam thổi thông, nên khói cũng bay ra ngoài hết.

Luật lệ nghiêm nhặt đã được ban hành. Có nhiều buổi trưa biển êm không sóng, tôi động viên mọi người cứ múc nước biển tắm đi. Riêng về phần mấy bà, thì tôi biểu cứ quay tấm Nylon ra tắm. Chiếc ghe cứ trôi lều bều như vậy qua tới ngày thứ 9, thì có một bầy cá cả trăm con nổi lên gần sát chiếc ghe. Lúc đó thì không ai biết cá gì, cứ tưởng là cá Ông nổi lên cứu nạn. Sau một màn cầu kinh niệm Phật, thì bà A Phò hỏi xin một nắm muối, nắm gạo đốt nhang váy cúng xong, thì bầy cá lặn xuống sâu mất dấu (sau nầy định cư thì tôi mới biết đó là cá heo).

Cũng có lúc dòng nước biển đỏ lừ như máu, cũng có lúc dòng nước đen thui như mực tàu. Tôi bắt đầu lo sợ. Khi nào gió thổi mạnh, thì chiếc ghe căng buồm lên lướt sóng rào rào. Mỗi lần nhìn thấy tàu buôn, hay chiếc tàu sắt nào chạy ngang qua, chúng tôi đều làm mọi cách để cho họ vớt, nhưng dường như họ không nhìn thấy chiếc ghe bé nhỏ của chúng tôi, cũng có nhiều lúc gặp thuận gió chúng tôi cũng cố lái chiếc ghe chạy lại gần, họ lại chạy giạt ra xa. Tới lúc đó thì chúng tôi biết hết hy vọng gì sống sót.

Có những đêm trăng sáng tỏ, mặt biển thật hiền từ, mọi người đã quên hết sự lo âu, nên có người mong sao chiếc ghe của mình được tắp vào một đảo hoang nào cũng được. Khi đó sẽ đổ bao gạo ra lựa thóc, rồi đem ngâm làm giống gieo trồng. Họ cử tôi làm tù trưởng trên đảo nó sướng làm sao, mấy khi đó thì dường như mọi người đều tăng thêm sức lực.

Chiếc ghe cứ chạy theo ngọn sóng cho tới ngày thứ 15, mọi người đều mệt mỏi, đôi mắt thâm quần. Vì còn cầm cự được mỗi ngày với một chén cơm, và một ca nước mưa được phát theo tiêu chuẩn. Bất ngờ bà A Phò (người Hoa) lòm còm bò lại sau lái ghe, nhìn tôi nói:

– A… ông lăm (Năm). Bữa nay Nị cứ việc nấu cơm cho bà con mình ăn đi, đừng hà tiện nữa.

Tôi hỏi:

– Sao kỳ vậy A Phò, lỡ hết gạo rồi mình biết làm sao?

– Ông Lăm (năm) đừng lo, hồi hôm nầy nằm ngủ, ngộ thấy Phật Bà Quan Âm hiện xuống trước mũi ghe nói “bữa nay có tàu buôn vớt…”

Vừa lúc đó thì thằng Kiệt, thằng Siêu Nhân, tụi nó la lên, dường như có một chiếc tàu đang chạy về hướng ghe mình. Tôi nhìn theo tay nó chỉ, thì quả nhiên như vậy – một vệt trắng bự bằng cái nia đang lớn dần dưới ánh mặt trời, tôi quay vô ghe nói lớn:

– Anh Vinh, anh nấu cơm đi, cho bà con ăn sớm một bữa…

 Vinh hỏi lại:

– Thiệt như vậy phải hôn…

Chừng 2 tiếng đồng hồ sau thì chiếc tàu sơn trắng lộ dần, dường như nó đang chạy thẳng về phía chúng tôi, nên tôi hối anh Vinh:

– Anh coi lo chia cơm ra đi, rồi lo hốt gạo nấu thêm một nồi nữa…

Khoảng cách bắt đầu thu ngắn lại, một con tàu sơn màu trắng cao lớn dềnh dàng, chạy bao vòng tròn một hồi rồi dừng lại. Có tiếng loa gọi qua:

– Chúng tôi cần một người biết nói tiếng Anh, chuẩn bị khi thòng thang dây xuống thì hãy leo qua…

Tôi mừng rỡ hỏi lớn:

– Trong ghe, ai nói được tiếng Anh?

Bà vợ ông tư Viễn Trường lẹ miệng:

– Dạ… em, em nói được…

Thế là bà ta chun ra khỏi mui ghe. Khi chiếc thang dây vừa thòng xuống đúng tầm, thì bà ta vừa nắm vừa phăng, giữa những ánh chớp của máy chụp hình loé lên trên mặt biển.

Không biết sau khi lên tàu rồi bà ta nói những gì, chừng 10 phút đồng hồ sau thì chiếc tàu bỏ chạy. Mọi người trên ghe đồng qùy xuống lạy, nhưng chiếc tàu vẫn cương quyết chạy đi. Chiếc ghe vượt biển của tôi vẫn trôi bềnh bồng theo lượng sóng.

Bất ngờ chiếc tàu quay đầu trở lại, thằng Siêu Nhân thấy trước, nó la lên:

– Chiếc tàu trở lại kìa Ba.

Tôi nhìn theo bàn tay của nó mà lòng ngờ vực, khi nó đến gần, thì tiếng loa lại kêu vang. Biểu trên ghe của tôi cử thêm 2 người nữa, nhưng phải nói được tiếng Anh. Tôi khom người xuống, nhìn vô trong ghe nghiêm nghị nói:

– Ai nói được tiếng Anh?

Sau vài giây yên lặng, thì thằng Cường nói lớn:

– Con nói được, tuy không giỏi, vậy ông Năm hãy giao trách nhiệm cho con.

Tôi nhìn nó rồi nói thêm:

– Thằng Kiệt đâu, mầy lấy hai can nhựa ra vặn nút cho thật chặt, rồi lội xuống biển với thằng Cường, cột dây vòng qua eo ếch. Nhớ có bề gì thì phải cứu vớt với nhau, vì lần nầy chiếc tàu họ đậu hơi xa, có lẽ sợ đậu gần, sóng đánh làm chìm chiếc ghe vượt biển của mình, hay là họ sợ mình tràn qua, rồi trở tay không kịp.

Họ đã thòng xuống một chiếc thang dây bằng mắt lưới, bên trên mấy người thủy thủ họ đã hườm sẵn máy chụp hình. Từng ánh sáng lóe lên, phải mất chừng 5 phút đồng hồ sau thì thằng Kiệt với thằng Cường mới nắm được chiếc thang dây, rồi leo lên trên bong tàu trăm xí xô xí xào gì trên đó.

Tiếng thằng Cường cầm loa nói vọng xuống:

– Ông Năm ơi, họ đồng ý vớt rồi, nhưng tàu nầy chạy thẳng về nước Nam Hàn. Ông có chịu hôn?

– Tôi la lớn “đi đâu cũng được…”

Thế là họ tìm cách đưa con tàu đến gần chiếc ghe. Khi chiếc thang dây bằng lưới Nylon, được mấy người thủy thủ cột chặt với thân tàu, thì ánh chớp của máy chụp hình chớp lên liên tục.

Lúc nầy trên ghe của tôi bắt đầu lộn xộn, người nào cũng muốn nhanh chưn để bước lên tàu. Nhìn cảnh đó tôi la lớn:

– Bà con mình bình tỉnh, đừng để xẩy tay rớt xuống biển trong giờ phút nầy. Tôi với thằng Siêu Nhân sẽ đứng ở đây, dìu bà con lên tàu trước, rồi hai cha con tôi mới lên sau.

Gần 20 phút đồng hồ sau, thì tôi cúi người xuống nói:

– Còn ai ở trong ghe không, nếu đi không nổi thì nói lớn cho tôi biết.

Sau đó là những cơn gió thổi tạt ràu ràu, tôi và thằng Siêu Nhân đu dây bước lên sau cùng, giữa tiếng vổ tay của đoàn thủy thủ. Có người hỏi:

– Who is Captain this Ship?

Thằng Cường vội nói:

– Ông nầy, mít tờ Năm…

Người thủy thủ chạy tới bên tôi, rồi ôm tôi quay mấy vòng thả xuống. Sau đó ông ta nắm tay tôi dẫn đi vô phòng thuyền trưởng, chỉ tay lên bảng đồ nói:

– Chiếc tàu của “tao” chạy về cảng Pusan Nam Hàn. Mà con mẹ “Lady” của mầy cứ đòi chở đi Singapore thì làm sao đi được…

Rồi ông ta đưa cho tôi một gói thuốc Kent của Mỹ. Tôi bước trở ra bong tàu, nhìn theo chiếc ghe của tôi nhỏ như chiếc lá, tôi đưa tay lên chào lần cuối “Vĩnh biệt chiếc phao, vĩnh biệt chiếc ghe quá nhỏ, đã có mặt trên biển Thái Bình Dương suốt một cuộc hành trình, để chở 37 mạng người từ người lớn cho tới trẻ em đi tìm một đất nước tự do…”

Tôi đứng nhìn theo chiếc ghe một hồi mà nước mắt tuông rơi. Chiếc buồm bị gió cuốn, làm chiếc ghe quay mòng mòng theo cơn sóng. Bất ngờ từ xa có một chiếc tàu khác sơn màu vàng chạy tới. Rồi họ quan sát; thấy chiếc ghe không có người. Họ hiểu, đã có tàu khác vớt rồi. Thế là họ bỏ đi…

Chúng tôi được ông thuyền trưởng ân cần hỏi thăm sức khỏe từng người, sau đó dẫn đi nhận phòng, rồi dắt vào phòng tắm. Tôi cũng không ngờ ở giữa biển khơi, mà chúng tôi được tắm nước ngọt pha nóng bằng vòi hoa sen, tắm rửa xong, chúng tôi được mời xuống phòng ăn, để cho các thủy thủ dặn dò. Sau đó chúng tôi ăn cháo, rồi ngồi xem TV…

Từ nơi điểm tàu vớt, chạy về tới cảng Pusan mất hết 6 ngày. Sau một ngày nghỉ mệt, rồi chúng tôi được xịt thuốc sát trùng trước khi chở về trại tỵ nạn ở Pusan.

Tôi ở trại tỵ nạn Pusan hết 1 năm 21 ngày rồi đi định cư bên nước Úc. Ngày hôm nay ngồi đây nhớ lại để viết bài nầy, tôi cảm thấy vô cùng ân hận và xấu hổ vì tôi không nhớ được tên con tàu đã cứu vớt chúng tôi. Thậm chí đến mấy người thủy thủ sau đó có vô trại thăm chúng tôi, vậy mà tôi cũng không có ghi lại địa chỉ để sau nầy liên lạc.

Giờ nầy ông thuyền trưởng và những người thủy thủ năm xưa, chắc cũng già yếu lắm rồi, còn chúng tôi sau những tháng ngày chờ đợi, thì mỗi người mỗi ngã. Có người thì đi Mỹ, Canada, Na Uy. Riêng chiếc ghe của tôi, thì chỉ có hai cha con tôi và bà A Phò đi Úc.

Giờ đây trên xứ lạ quê người, tôi chạnh lòng mà gọi thầm hai tiếng quê hương. Còn câu chuyện Phật Bà Quan Âm hiện xuống mũi ghe báo mộng năm nào, chắc không ai còn nhớ. Chỉ có một mình tôi thỉnh thoảng trong những đêm khuya canh tàn bấc lụn, mà lòng thổn thức bồi hồi mà nhớ lại những ngày ở trại tỵ nạn Pusan Korea (Nam Hàn).

Tôi thầm mong có một ngày nào gặp lại ân nhân, để cho tôi nói lên hai tiếng cám ơn, và có dòng lệ nóng chảy ra từ đôi mắt già nua chờ đợi. Nhưng có lẻ ngày đó không bao giờ tới. Vì bây giờ tất cả đã già, như một chiếc lá khô, chỉ chờ cơn gió thoảng qua rồi rơi xuống nằm yên trên mặt đất./-

Phùng Nhân

Related posts