Hôm thứ Sáu (3/1), Ba Lan đã đảm nhiệm cương vị chủ tịch Hội đồng Liên minh châu Âu trong bối cảnh căng thẳng ngoại giao với Hungary gia tăng, cho thấy sự chia rẽ chính trị ngày càng sâu sắc trên khắp châu Âu khi khu vực này đang phải đối mặt với hàng loạt thách thức toàn cầu lớn.
Gánh chịu nền kinh tế trì trệ, Liên minh châu Âu (EU) đang chuẩn bị cho sự trở lại Nhà Trắng của Tổng thống đắc cử Hoa Kỳ Donald Trump vào tháng này với chương trình nghị sự “Nước Mỹ trên hết” và khả năng áp dụng thuế quan của Hoa Kỳ đối với hàng xuất khẩu từ châu Âu.
EU cũng phải đối mặt với mối quan hệ thương mại xấu đi với Trung Quốc và cuộc chiến tranh dai dẳng Nga-Ukraine, tất cả diễn ra trong thời điểm hai cường quốc hàng đầu của EU là Pháp và Đức đang bị phân tâm bởi tình hình biến động chính trị trong nước.
Trong bối cảnh ảm đạm này, Ba Lan đang tìm kiếm vai trò dẫn đầu trong việc định hình chính sách châu Âu, đặc biệt là về an ninh.
“Nếu châu Âu bất lực, châu Âu sẽ không thể tồn tại… Chúng ta hãy làm mọi thứ để châu Âu và Ba Lan không phải trả giá đắt nhất cho tự do, cho sức mạnh, cho chủ quyền. Chúng ta hãy làm mọi thứ để châu Âu mạnh mẽ trở lại”, Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk trình bày trong một buổi dạ tiệc ở thủ đô Vacsava.
Tham gia cùng ông Tusk còn có chủ tịch Hội đồng châu Âu Antonio Costa. Phát biểu tại buổi dạ tiệc nêu trên, ông Costa nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc tiếp tục hỗ trợ cho Kiev.
“Năm nay, chúng ta phải tiếp tục sát cánh cùng Ukraine – nhiều nhất có thể, trong thời gian cần thiết, để giành được một nền hòa bình toàn diện, công bằng và lâu dài. Vì vậy, chúng ta phải tiếp tục coi quốc phòng là ưu tiên chiến lược của Liên minh châu Âu”, ông Costa nói.
Tham vọng của Ba Lan
Ông Edit Zgut-Przybylska, phó giáo sư tại Viện Triết học và Xã hội học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Ba Lan, cho biết thủ tướng Tusk hy vọng “sẽ lãnh đạo cuộc cải tổ trong EU ở khía cạnh xây dựng một liên minh xung quanh việc ủng hộ Ukraine và nền hòa bình có ý nghĩa có lợi cho Kiev chứ không phải Moskva”.
Ông Tusk, cựu chủ tịch Hội đồng châu Âu và trước đây cũng từng là người đứng đầu Đảng Nhân dân châu Âu trung hữu, là một nhân vật có nhiều mối quan hệ trên chính trường EU.
Nhưng khi các quốc gia thành viên EU phải đối mặt với những quyết định khó khăn về các vấn đề như làm thế nào để tăng cường và tài trợ cho chi tiêu quốc phòng, các nhà phân tích cho rằng Vacsava khó có thể tự mình dẫn đầu.
Ông Piotr Buras, chuyên gia đứng đầu văn phòng Vacsava của Hội đồng quan hệ đối ngoại châu Âu, cho biết những thách thức mà EU phải đối mặt vượt quá khả năng và thời gian của bất kỳ nhiệm kỳ chủ tịch kéo dài sáu tháng nào.
Ông Buras cho biết: “Đây là thời điểm quan trọng đối với châu Âu, trước hết là do sự xuất hiện của ông Trump và tình hình ở Ukraine, nhưng cũng là những vấn đề liên quan đến nền kinh tế nói chung, khả năng cạnh tranh và có thể là cuộc chiến thương mại đồng thời cùng với sự yếu kém về mặt lãnh đạo và thời điểm chuyển giao trong chính EU”.
Liên quan đến vấn đề an ninh tập thể và sự ủng hộ của châu Âu dành cho Kiev, một số nhà phân tích cho biết Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, có thể đảm nhận vai trò lớn hơn sau cuộc bầu cử toàn quốc ngày 23/2, mà phe bảo thủ hiện đang được cho là sẽ giành chiến thắng.“Hy vọng duy nhất là giới lãnh đạo mới của Đức sẽ quyết định có lập trường tích cực và quyết đoán hơn nhiều”, ông Peter Bator, cựu đại sứ Slovakia tại NATO, hiện là trưởng nhóm phân tích của đảng đối lập Progressive Slovakia, cho biết.
Căng thẳng về ngoại giao với Hungary
Chính phủ Ba Lan cho biết đại sứ của Hungary không được chào đón tại buổi lễ đánh dấu việc Vacsava đảm nhiệm chức chủ tịch luân phiên sáu tháng của EU, một sự lạnh nhạt công khai sau nhiều tháng đấu khẩu chính trị giữa các nhà lãnh đạo của hai nước.
Hồi tháng trước, Hungary đã khiến Ba Lan giận dữ khi cấp quy chế tị nạn chính trị cho một cựu thứ trưởng tư pháp Ba Lan đang bị điều tra tại quê nhà vì cáo buộc sử dụng sai mục đích tiền công quỹ, điều mà ông đã phủ nhận. Vacsava gọi hành động này là “hành động thù địch” trái với các nguyên tắc của EU và triệu hồi đại sứ của mình tại Budapest.
Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto mô tả sự lạnh nhạt hôm thứ Sáu (3/1) là “như trẻ con”, trang web tin tức HVG.hu đưa tin. Hành động của Ba Lan chỉ làm tăng thêm các dấu hiệu bất hòa của châu Âu.
Slovakia, cùng với Hungary đã tìm cách duy trì một số mối quan hệ với Nga,hôm thứ Năm (2/1) đã đe dọa sẽ trả đũa Ukraine sau khi nước này dừng dòng khí đốt quá cảnh của Nga, trong khi các cuộc đàm phán về việc thành lập chính phủ mới tại Áo đã gặp phải một đòn giáng hôm thứ Sáu (3/1) khi một đảng chủ chốt rút khỏi các cuộc đàm phán.
Hân Nhi, theo Reuters