“Chiến Tranh Ðông Dương III: Cuộc Chiến. Việt -Hoa -Miên 1979-1989” và “Sau Bức Màn Ðỏ”, hai tác phẩm của tác giả Hoàng Dung (bút hiệu của Bác sĩ Hoàng Xuân Trường) đã chuyên chở nhiều thông điệp của nhửng vấn đề liên quan chằng chịt đến nhiều thế lực siêu cường của những ý thức hệ làm bình phong cho những âm mưu khuynh đảo chimh trị trong cuộc chiến ở Việt Nam.Từ một thời gian dài, tiếp tục những âm mưu bành trướng, tác động từ những tham vọng điên cuồng xử dụng lý thuyết ngoại lai thế giới đại đồng của những người Cộng sản Việt Nam. Hậu quả là hiện nay nảy sinh ra những thành phần lãnh đạo quên đi quyền lợi của đất nước mà mưu toan bán nước cầu vinh. Cuốn sách phân tích và khai triển trên nhiều bình diện chính trị, ngoại giao, quân sự đầy những chi tiết phức tạp. Những người ưu thời mẫn thế đã tự đặt cho mình những câu hỏi và câu trả lời sẽ không đơn giản nếu không có cái nhìn rộng khắp về chiến thuật ngắn hạn và chiến lược lâu dài. Nỗi ưu tư về một hiểm họa mất nước từ đế quốc phương bắc càng ngày càng rõ. Tôi đọc lại hai tác phẩm trên đã lâu từ lúc xuất bản lần đầu tiên và cảm giác là hai cuốn sách vẫn nêu ra những vấn đề thời sự nóng hổi mà tất cả những người Việt Nam ở trong nước hay hải ngoại phải quan tâm. Có lúc tôi tự hỏi. Tại sao tác phẩm Bên Thắng Cuộc của tác giả Huy Ðức, một ký giả sống trong nước in ở hải ngoại viết về hậu trường chính trị Việt Nam hiện nay thì “Sau Bức Màn Ðỏ” và “Chiến tranh Ðông Dương III: Cuộc chiến Việt-Hoa-Miên 1979-1989” không được in ở trong nước? Với nội dung chứa đựng nhiều khám phá từ tổng hợp tài liệu báo chí từ những nguồn truyền thông khác nhau sẽ làm độc giả trong nước thích thú. Nhưng, tôi lại “mê ngủ” khi ý nghĩ ấy chợt qua. Bởi vì, một chế độ độc tài chuyên chế như chính quyền Cộng sản Việt Nam đời nào lại chấp nhận chuyện đó…
Ðọc “Sau Bức Màn Ðỏ và “Cuộc Chiến Việt- Hoa- Miên 1979-1989” tôi có cảm giác như tác giả Hoàng Dung đã cố gắng tìm tòi trong sách vở cũng như theo dõi tình trọng thời sự trên thế giới để trả lời những thắc mắc tôi nghĩ không phải của riêng ông mà là những thắc mắc của chung nhiều người Việt Nam trước tình cảnh ngả nghiêng của đất nước.
Theo bài tựa sách của nhà văn Hoàng Khởi Phong, người bạn nối khố từ lúc hai người còn thơ ấu, thì tác gỉa vì sống và làm việc ở một thành phố nhỏ nên nhàn rỗi có thời giờ đọc sách và sưu tầm tài liệu để viết hai tác phẩm này. Nhưng theo tôi, ở ví trí rất chủ quan của người đọc, thì nhàn rỗi không phải là nguyên nhân chính để cầm bút. Mà phải là sự thôi thúc rất mãnh liệt của một tấm lòng vẫn còn nghĩ đến đất nước vì chính đó là vấn nạn chung của dân tộc và đất nước chúng ta. Trong những trang sách ông đã tự mình làm mờ đi cái chủ quan của mình để trình bày những sự kiện khách quan hầu để có những nhận định dễ dàng cho người đọc.
Sách về chiến tranh Việt Nam rất nhiều và sự tham khảo cũng phải cẩn thận để chọn lựa. Sẽ có trường hợp hai cuốn sách trình bày chung một vấn đề, một sự kiện lịch sử nhưng lại trình bày theo chủ kiến trái ngược nhau khiến nhận xét có thể bị thiên lệch không giữ được sự chân thực của lịch sử. Chiến tranh ở Việt Nam có nhiều giai đoạn và vị trí địa lý đã là nguyên nhân căn bản. Thời chiến tranh lạnh với chủ thuyết domino, thì Việt Nam là một tiền đồn của thế giới tự do để ngăn chặn đà phát triển của Cộng sản Trung Hoa xuống phía nam sau khi vị trí tiền đồn ở Lào bị trung lập hóa. Nhưng khi Hoa Kỳ và Trung Hoa bắt tay nhau thì vị trí tiền đồn không còn là chính yếu và Hoa Kỳ rút khỏi Việt Nam. Sau khi Cộng sản Bắc Việt chiếm được cả nước thì lại nẩy sinh ra những xung đột về lãnh thổ giữa ba nước Việt, Miên và Trung Hoa.
Ðã có nhiều cuốn sách viết về những sự kiện xảy ra từ thế kỷ 20 và tới bây giờ, thế kỷ 21.Thì ngòi nổ chiến tranh vẫn còn tiếp tục đe dọa và hệ quả của nó sẽ còn gây nhiều biến động cho an ninh khu vực Ðông Nam Á Châu. Việt Nam hiện đang phải đối phó với tham vọng xâm chiếm từng bước của Trung Hoa. Và bài học của tổng thống Putin xâm lăng Ukraine hiện nay có rút tỉa kinh nghiệm nào để Tập Cận Bình và Ðảng Cộng sản Trung Hoa khống chế và thôn tính Việt Nam?
Tác giả Hoàng Dung (tức bác sĩ Hoàng Xuân Trường) đã viết: “Sau Bức Màn Ðỏ” và “Chiến Tranh Việt Nam III: Cuộc Chiến Việt- Hoa – Miên 1979-1989” như một cách chứng minh rằng chính cái lý thuyết quái quỷ Mác Lênin của chủ nghĩa thế giới đại đồng là một nguyên nhân chính gây ra những cuộc núi xương sông máu cho dân tộc Việt Nam. Có người nói khi đọc lại “Sau Bức Màn Ðỏ” tác giả viết cách nay hơn chục năm rồi đọc “Bên Thắng Cuộc” của Huy Ðức một thời gây xáo động trong dư luận, họ thấy rằng quả thật trong lịch sử Việt Nam có nhiều sự kiện được lý giải và nhận xét theo những chiều hướng khác nhau.
Huy Ðức thì viết từ nhận định chủ quan của một người sống ở trong xã hội đó, thời thế đo và đưa ra ánh sáng nhiều uẩn khúc lịch sử và hình như đối tượng độc giả là những người Việt ở hải ngoại. Có lẽ là sự thích thú tạo ra được từ hiếu kỳ nên có khi nguồn gốc của dữ kiện ấy nhiều khi chỉ là tin đồn trong dân gian. Huy Ðức là một người viết ở trong nước có sự hấp dẫn của một văn phong khác lạ của một ký giả tay nghề cao. Có người khen, có người chê, nhưng phần đông đều coi như là một cuốn sách đặt ra nhiều vấn đề mà những người Việt Nam cần quan tâm. Một cuộc chiến tuy đã qua bốn chục năm nhưng vẫn còn để lại những vết thương. Bên thắng cuộc và bên thua cuộc, vẫn còn hiển hiện giới tuyến ngăn cách. Có người vượt qua để nhìn lại nhưng có người vẫn còn nguyên vị trí đối kháng ở bên trong nhưng bề ngoài thì tỏ ra “hiểu biết” với một lý do nào đó… Tùy cách nhận định, phản cảm hay chia sẻ, sự thực lịch sử vẫn là những ẩn số đi tìm. Bên này hay bên kia, vẫn chỉ là một góc cạnh nhìn ngắm. Còn ở toàn phần thì hình như “sự thực lịch sử” vẫn là đích đến chưa đạt?
Tác giả Hoàng Dung, cũng có một thời sống ở trong nước cả trong thời gian những cuộc biến động như cuộc chiến Việt Nam với Miên Cộng và Trung Cộng, cũng đã đọc báo chí trong nước thời ấy nên hiểu được sự thiếu chính xác và lý luận một chiều của những cơ quan truyền thông này. Do đo ông đã có sự cẩn trọng để những chi tiết được chính xác hơn và phản ảnh đúng thực tại lịch sử. Thực ra tài liệu để khai thác theo chủ đề này thì rất nhiều bằng nhiều ngoại ngữ khác nhau nhưng nguồn gốc thì phải chọn lọc để có thể khả tín bởi vì một sự kiện lịch sử nhiều khi bị nhìn ngắm với con mắt quan sát khác nhau và vị trí, chỗ đứng khác nhau nên sự so sánh mức độ hợp lý là điều cần thiết. Chuyện đó là yếu tố quan trọng và nếu người nghiên cứu sơ ý sẽ bị lọt vào khu rừng rậm rạp khó nhận định phương hướng để có đường ra.
“Sau Bức Màn Ðỏ” có nội dung bao gồm những diễn tiến sinh hoạt chủ yếu của Ðảng Cộng Sản Việt Nam từ năm 1976 qua 7 kỳ đại hội toàn đang vào các năm 1976, 1981,1986,1991,1997, 2001, 2006. Mỗi một kỳ đại hội đảng là thời điểm kết thúc một giai đoạn để mở ra một giai đoạn kế tiếp khác trong tương lai. Tại Việt Nam, chính quyền chỉ là một bộ phận tuân hành sự chỉ đạo của đảng nên guồng máy lãnh đạo quốc gia thực sự chính là guồng máy của đảng. Qua bảy lần đại hội đảng, chính tình Việt Nam đã có nhiều giai đoạn nhân sự điều hành những chính sách khác nhau. Mỗi khi tiến hành đại hội là một sự tranh dành địa vị khốc liệt và nhiều khi đồng chí đối xử với nhau như kẻ thù truyền kiếp. Nhưng dù phe phái nào, nhóm lợi ích nào, thì quyền lợi của quốc gia của đất nước vẫn được đặt dưới quyền lợi của đảng. Vì lợi ích cá nhân, nên đảng là bình phong cho những nhân vật của thời thế lộng hành với những hành động trắng trợn không còn nghĩ gì đến lẽ phải đến đạo lý.
Ðọc “Sau Bức Màn Ðỏ”, độc giả thấy được ý định của một người viết muốn có một tác phẩm nêu nói lên được những uẩn khúc của thời thế để có sự xác định chân thực những diễn biến của chính tình Việt Nam. Với thái độ không thiên kiến, với tinh thần của một người trí thức luôn đi tìm kiếm chân lý, để may ra có thể đạt được mục đích cho tác phẩm. Là giải đáp được những câu hỏi của vấn nạn đang đè nặng lên suy tư của những người Việt Nam yêu nước và mong mỏi một nền độc lập vững bền cũng như tự do dân chủ cho cả đất nước và dân tộc.
Ðọc hai tác phẩm của tác giả Hoàng Dung thấy sự thoải mái trong cảm nhận chủ quan của tôi. Không phải là vấn đề nhức đầu nặng nề có tính giáo khoa nữa mà tôi thấy như đang được nghe một câu chuyện tuy dài nhưng nhiều lôi kéo hấp dẫn để đọc từ trang đầu đến trang cuối. Những vấn đề được trình bày một cách trong sáng với một bố cục rõ ràng có tính khách quan làm người đọc lãnh hội được chủ đích của tác giả. Nhưng, không phải trình tự tìm hiểu ấy là kết quả của thái độ xốc nổi dễ dàng. Mà là sự thâm cứu. Một điều chứng minh như phần cước chú sau một chương sách gói ghém và trình bày về những nhân vật, những chi tiết để làm hậu thuẫn cho những điều đã viết. Phần cước chú này phải là của công trình nghiên cứu cẩn trọng.
Nhà xuất bản Tiếng Quê Hương đã viết về “Sau Bức Màn Ðỏ”: “Tác giả không chuyên nghiệp cầm bút mà là một bác sĩ y khoa. Với tư cách này tác giả đã có mặt bên cạnh những chiến binh miền Nam trước 30-4-1975 và có mặt trong nhiều trại tù cải tạo sau 30-4-1975, trải nghiệm không ít cảnh huống thực tế mà hầu hết người dân Việt Nam từng gánh chịu, sau đó còn trải nghiệm các bất trắc khó lường của hành động vượt biển và chia xẻ nhiều tháng ngày lạc lõng của kiếp sống lưu vong.
Các trải nghiệm này đã thúc đẩy nỗi khát khao nhìn rõ những bước đường mà đất nước phải qua…
Con tim luôn luôn quặn thắt trước cảnh sống oan khiên của đồng loại đã không ngừng đặt tác giả ở vị thế liên tục đối diện với những thăng trầm của đất nước, trong đó in hẳn hình bóng cả người đã nằm xuống lẫn người đang vùng vẫy giữa trăm nghìn thử thách gian nan ở quê nhà.
“Sau Bức Màn Ðỏ” vì thế, hình thành không chỉ để góp thêm lời giải đáp cho một thắc mắc đã kéo quá dài về vấn đề Việt Nam mà còn biểu hiện sự tưởng niệm những người đã nằm xuống đồng thời là sự bày tỏ lời cám ơn và cảm phục những người đang chấp nhận mọi gian nguy để mưu tìm một cuộc đổi đời cho dân tộc.”
Với “Chiến tranh Ðông Dương III; Cuộc Chiến Việt Hoa Miên 1979-1989” một khoảng thời gian được vẽ lại. Hai mươi năm không phải là dài đối với lịch sử nhưng ở Ðông Dương đã có biết bao nhiêu biến cố xảy ra và liên quan đến cả tình hình thế giới. Chiến tranh lần thứ nhất bắt đầu từ 1945 đến 1954 giữa quân đội Liên Hiệp Pháp và quân đội Cộng sản Việt Minh chấm dứt với trận Ðiện Biên Phủ và Việt Nam bị chia đôi thành hai quốc gia Việt Nam Cộng Hòa ở miền nam vĩ truyến 17 và Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa ở miền Bắc. Chiến tranh Ðông Dương lần thứ hai từ năm 1960 đến 1975 giữa hai bên Nam Bắc với sự hỗ trợ của hai phe Thế Giới Tự Do và Cộng sản cho mỗi bên trong chiến tranh lạnh. Mỹ rút quân khỏi Việt Nam và không tôn trọng những cam kết với đồng minh trong khi phe Cộng sản do Nga và Trung Hoa tích cực yểm trợ vũ khí tiếp liệu nên Cộng sản BV chiếm được cả nước. Chiến tranh Ðông Dương lần thứ ba giữa những nước đã là đồng minh của nhau thời kỳ trước. Vì hận thù dân tộc giữa người Việt và người Miên, Khờ Me Ðỏ gây ra chiến tranh ở vùng biên giới năm 1979 khiến Việt Nam xua quân qua biên giới và tấn chiếm cả nước Cam Bốt một cách dễ dàng. Cộng sản Trung Hoa yểm trợ Khờ me Ðỏ và tung quân tràn xuống biên giới Việt Hoa để “dạy cho Cộng sản Việt Nam một bài học”. Sau khi tàn phá tất cả những lãnh thổ chiếm được quân Trung Hoa rút về với những thiệt hại khá nặng. Chiến tranh vẫn tiếp diễn ở biên giới với những cuộc pháo kích hoặc tấn chiếm từng vùng tương đối nhỏ. Nhưng khi chế độ Cộng Sản Nga Xô Viết bị giải thể thì Cộng Sản Việt Nam thay đổi đường lối hòa hoãn với Trung Hoa và chiến tranh lắng dịu đi. Sau đó Việt Nam phải chịu những ức hiếp của Trung Hoa, bị mất một phần lãnh thổ, bị chiếm các đảo Hòang Sa và Trường Sa. Trung Hoa muốn độc chiếm Biển Ðông nhòm ngó những tài nguyên thiên nhiên dưới đáy biển nên vẽ ra vùng biển hình lưỡi bò, áp dụng luật của kẻ mạnh coi thường qui luật quốc tế. Việt Nam đã không có một phản ứng nào và đó là một nỗi nhục nhã cho dân tộc Việt. Một chế độ bán nước đàn áp dân chúng trong nước nhưng hèn kém với ngoại bang. Dù có hai khuynh hướng theo Tàu hay theo Mỹ, nhưng hình như chế độ ấy đã chọn Ðảng làm mục tiêu bảo vệ hơn là bảo vệ đất nước.
Tác giả đã viết theo một bố cục trải dài theo thời gian. Những biến cố về quân sự, chính trị, ngoại giao được đan kết lại theo một trình tự hợp lý. Không những tác giả chỉ kể lại diễn biến cuộc chiến mà còn muốn đi sâu hơn vào những nguyên do và cả những tình huống khiến các bên tham chiến có những ảnh hưởng quyết định. Ông muốn lý giải thời thế theo những định hướng khoa học theo luật nhân quả. Việt Nam lúc thắng trận năm 1975 thì kiêu căng và có tham vọng bành trướng tới Thái Lan. Dựa vào hậu thuẫn của Nga nên đã gây nhiều va chạm với Trung Hoa, đuổi người Hoa ra khỏi Việt Nam và có mưu toan tạo một nước Cam Bốt chư hầu. Cam Bốt, không ưa Việt Nam vì thái độ kẻ cả cũng như vì mối thù dân tộc truyền kiếp nên đã gây ra cuộc chiến ở biên giới Tây Nam và rốt cuộc quân Khờ Me Ðỏ bị quân đội Việt Nam đuổi khỏi Nam Vang. Và tiếp theo mười năm đóng quân trên lãnh thổ Miên quân đôi Việt Nam Cộng Sản bị một trận chiến tiêu hao và kéo dài nên phải lui về. Khi chiếm Cam Bốt, Việt Nam bị cả thế giới lên án và cấm vận. Kinh tế trì trệ, ngoại quốc không giúp đỡ viện trợ, không đầu tư lại thêm chính sách kinh tế theo chủ nghĩa xã hội khiến cho Việt Nam bắt buộc phải đổi mới chấp nhận nền kinh tế thĩ trường và vận động ngoại giao để khỏi bị cấm vận…
Sau năm 1975, tình đồng chí giữa Việt Nam và Trung Hoa có nhiều rạn nứt. Nga thì muốn Việt Nam về phe mình làm một ví trí chống giữ Trung Hoa ở phía nam và có những căn cứ quân sự để khống chế vùng Ðông Nam Á. Trung Hoa thì chính sách ngoại giao với Hoa Kỳ đã có tiến triển nên coi Nga như là kẻ thù số một nên đã cắt viện trợ cho Việt Nam và hận thuẫn cho Cộng Sản Cam Bốt chống lại Việt Nam. Có lúc, Việt Nam đã chơi trò đu giây giữa Nga và Trung Hoa. Năm 1977, khi sang Bắc Kinh trong phát biểu Lê Duẩn nói: “Chúng tôi như những đứa em nhỏ, luôn luôn sát cánh bên những người anh”. Tuy nhiên ý định này bị thất bại. Khác biệt giữa hai bên trở nên công khai thù địch trong buổi tiếp tân do Hoa Quốc Phong khoản đãi trong đó Hoa Quốc Phong tuyên bố sẽ liên minh với tất cả những quốc gia chống bá quyền. Ðáp từ, Lê Duẫn cũng tuyên bố cương quyết không cho bất cứ một lưc lượng đế quốc hay phản động nào vi phạm đến độc lập quốc gia đồng thời Lê Duẩn cũng công khai ca ngợi Liên Xô. Như vậy, Việt Nam đã đứng hẳn vào quỹ đạo của Liên Xô, tìm kế hoạch trục xuất người Viêt gốc Hoa và tấn công Campuchia một cách quyết liệt bằng quân sự.
Ðường lối thân Liên Xô và thái độ thách đố qua chính sách đối xử với Hoa Kiều cũng như tấn công chiếm đóng Cam Bốt khiến Trung Hoa bị mất mặt cần thiết phải dạy cho Việt Nam “một bài học”. Khi đã đổ hơn 20 tỉ Mỹ Kim viện trợ trong cuộc chiến vừa qua mà bị trở mặt thì Trung Hoa cho là rõ ràng bị phản bội thô bạo. Do đó tấn công trừng phạt được sự đồng tình của tất cả nhân vật của Chính Trị Bộ và kế hoạch “phản công tự vệ giới hạn” của Ðặng Tiểu Bình được thực hiện với mục tiêu làm suy yếu Việt Nam, hạ thấp tiềm năng chính trị, quân sự, kinh tế. Và mục đích khác cũng nhằm đoàn kết nội bộ trước nguy cơ bị đe dọa từ biên giới phương nam. Cũng như để chứng tỏ cho thế giới biết Liên Xô chỉ là con hổ giấy khi Trung Hoa thách thức liên minh quân sự Việt Nam-Liên Xô.
Cuộc chiến giữa Miên-Việt và Việt-Hoa đã được tác giả nêu lên từng chi tiết từ diễn biến mặt trận, từ hồ sơ trận liệt đến kết quả trận đánh. Tác giả Hoàng Dung đã tổng họp từ nhiều tài liệu, từ sách vở báo chí đến những tài liệu ngoại giao và quân sử đã được giải mật. Người bình thường không có nhiều kiến thức về quân sự cũng mường tượng được trận chiến như thế nào và hậu quả sẽ ra sao. Những câu hỏi không những chỉ xuất hiện cho người đọc sau khi đóng lại những trang sách mà nó còn là nỗi ám ảnh thúc đẩy cho người đọc tìm kiếm cho ra đáp số của những vấn nạn mà từ mấy thập niên nay vẫn còn ray rứt trong suy tư độc giả. Tích cực hơn là câu hỏi chúng ta phải làm gì trong tình thế này. Chúng ta có đành cam chịu sự ức hiếp của một kẻ thù truyền kiếp phương Bắc mà hiện giờ bọn bạo quyền trong nước vẫn phải bị bắt buộc gọi là người bạn tốt?
Viết hai cuốn sách có đủ để giải quyết được vấn đề sinh tử của đất nước không? Tôi không nghĩ lạc quan đến độ như vậy. Nhưng ít nhất, cũng tỏ bầy được cái tâm của một kẻ sĩ yêu nước, tự mình đặt ra những câu hỏi có khi cho mình nhưng cũng có khi cho những người đồng tâm đồng chí còn ưu tư đến vận nước. Tác giả không phải là người cầm bút chuyên nghiệp? Nhưng thế nào là chuyên nghiệp, mấy ai có được căn bản nghề nghiệp từ trường ốc hay sinh sống toàn thời gian bằng cây bút của mình? Ðọc hai tác phẩm của Hoàng Dung, khi đến trang cuối cùng, tôi hiểu được rõ ràng vấn đề đến những chi tiết và rút ra được nhiều điều mà trước đây tôi còn thắc mắc.
Tác giả Hoàng Dung có sự trải nghiệm của riêng ông từ đời sống và nhận thức có được giãi bày trên trang sách không phải chỉ là của phút giây nghĩ ngợi mà là một chuỗi suy tưởng kéo dài nhiều năm nhiều tháng. Như người chơi cờ thế một mình, ít nhất cũng phải nghĩ đến và đối phó ít nhất là năm bảy thế liên tiếp cho cuộc cờ đã xảy ra, biết đâu đọc xong nghững trang sách, thế cờ sẽ sáng sủa hơn.
Chúng ta phải làm gì? Khi: “Có nhiều nguyên nhân đưa tới phản ứng thụ động và tình trang gần như bất lực của Việt Nam. Dĩ nhiên là có những nguyên nhân khách quan như hoàn cảnh của một nước nhỏ yếu hơn bên cạnh một nước đông dân cư và hùng mạnh, hay nhu cầu cần chiếm đóng một vùng biển nhiều tài nguyên có vị trí chiến lược quan trọng của Trung Hoa. Tuy nhiên có những nguyên nhân chủ quan cũng rất quan trọng, là chính quyền Việt Nam đã tự đặt mình vào một thế hạ phong và bất lợi, mà căn bản là sự du nhập và áp đặt chủ nghĩa Cộng Sản vào đất nước Việt Nam đưa đến một chính sách đối ngoại thụ động, khép nép cầu cạnh, nhường nhịn một cách đầy nghịch lý đối với Trung Hoa
Chính sách đối ngoại khép nép này bắt đầu được thể hiện từ năm 1988 khi Hải Quân Việt Nam được đưa ra bảo vệ Trường Sa nhưng lại “không được phép nổ súng” và trở nên rõ ràng chính thức năm 1990 khi Nguyễn Văn Linh, Ðỗ Mười, Phạm văn Ðồng sang Thành Ðô muối mặt cầu hòa.”
Những cấp lãnh đạo của Việt Nam sau này từ chủ tịch nước đến thủ tướng Việt Nam mỗi khi gặp những nhân vật đối tác ngang hàng đều chỉ luôn nhắc đến “mười sáu chữ vàng” hay “bốn tốt” mà Giang Trạch Dân đã chỉ dạy. Với chủ trương coi trọng sự sống còn của Ðảng hơn là sự toàn vẹn lãnh thổ, các lãnh tụ Việt Nam đã có một thái độ hèn kém quy phục đối vơí Trung hoa. Nhưng đối với nhân dân trong nước, họ lại có thái độ của đường lối quyết liệt đàn áp. Họ che dấu thông tin, bản đồ chi tiết biên giới lãnh hải vịnh Bắc Bộ được ca tụng một cách hàm hồ khó hiểu là “thắng lợi cho cả hai bên” hoặc những tàu Trung Hoa bắt bớ và tàn sát ngư dân Việt Nam suốt hai chục năm nay chỉ được gọi là “tàu lạ”. Họ còn bắt bớ giam cầm những người biểu tình yêu nước chống đối Trung Hoa, gán tội vu vơ không căn bản pháp lý…
Tác giả đã kết luận cuốn sách bằng lời tuyên bố của hai nhân vật tượng trưng cho đường lối bán nước của chính quyền Cộng Sản Việt Nam. Một là Đại tá quân đội Cộng sản Nguyễn Ðăng Thanh, Phó Tiến sĩ, Nhà giáo nhân dân, Giáo sư học viện Chính trị của Tổng cục Chính Trị. Ngày 19 tháng 12 năm 2012, trước những khoa trưởng, giáo sư đại học, trưởng phòng công tác chính trị, quản lý sinh viên, các bí thư đoàn… ông đã dạy mọi người phải đời đời nhớ ơn Trung Hoa, phải bỏ qua những va chạm hay bất đồng đáng tiếc và ông đe dọa là những cấp lãnh đạo của trường sẽ phải chịu trách nhiệm nếu để sinh viên biểu tình chống Trung Hoa. Cuối cùng là lời khuyên “Phải làm mọi cách để bảo vệ bằng được tổ quốc Việt Nam thời Xã hội Chủ nghĩa và có thế mới bảo vệ được sổ hưu khi về già”.
Hai là Thượng tướng Bùi Văn Huấn, Phó Chủ Nhiệm Tổng Cục Chính Trị trong một bài phỏng vấn đăng trên mạng lưới của Trung tâm Phát Triển Văn Học Nghệ Thuật ngày 18/3/2012 khi trả lời về mưu toan chiếm đoạt Biển Ðông của Trung Hoa ông đăm chiêu một lúc rồi nói với giọng thật buồn “Trung Quốc lấy cái gì của ta thì ta phải chịu thôi”.
Bọn bán nước cầu vinh tay sai giặc kiểu Chiêu Thống như hai tên này “bỏ nước cứu đảng” sẽ tồn tại mãi sao? Chắc có ngày hồn thiêng sông núi run rủi để có những anh hùng dân tộc như Quang Trung Ðại Ðế quét sạch quân thù xâm lược phương Bắc? Ngày đó chắc không xa…
Nguyễn Mạnh Trinh