Tổng thống đắc cử Trump ủng hộ chương trình visa H-1B cho lao động nước ngoài có tay nghề cao

(Ảnh: Shutterstock)

Tổng thống đắc cử Hoa Kỳ Donald Trump đã nhấn mạnh sự ủng hộ kiên định của ông đối với chương trình visa H-1B dành cho lao động nước ngoài có tay nghề cao, nhận định đây là một “chương trình tuyệt vời” và khẳng định đã áp dụng rộng rãi chương trình này tại các cơ sở kinh doanh thuộc quyền sở hữu của ông. Đây là một chuyển biến đáng chú ý so với chính sách hạn chế mà ông Trump từng áp dụng đối với chương trình này trong nhiệm kỳ Trump đầu tiên.

“Tôi luôn thích chương trình visa này, tôi luôn ủng hộ nó. Đó là lý do vì sao chúng ta có nó”, ông Trump nói với tờ New York Post.

Ông Trump cũng tiết lộ rằng: “Tôi có nhiều nhân viên sử dụng chương trình visa H-1B tại các cơ sở [kinh doanh] của tôi. Tôi luôn là người tin tưởng vào chương trình H-1B. Tôi đã sử dụng chương trình này nhiều lần. Đây là một chương trình tuyệt vời”.

Ông Trump đã quyết định đứng cùng phía với ông Elon Musk, doanh nhân đầy ảnh hưởng trong lĩnh vực công nghệ và cũng là người ủng hộ mạnh mẽ của ông, trong nỗ lực bảo vệ chương trình visa H-1B.

Chương trình visa H-1B, vốn là một phần của Đạo luật Nhập cư năm 1990, thường có thời hạn ba năm. Visa H-1B là loại visa không định cư, cho phép các nhà tuyển dụng tại Hoa Kỳ thuê lao động nước ngoài trong một khoảng thời gian để đảm nhận các ngành nghề chuyên môn. Tuy nhiên người sở hữu có thể gia hạn hoặc nộp đơn xin thẻ xanh.

Trong năm 2024, công ty sản xuất ô tô điện Tesla của ông Elon Musk đã tiếp nhận 724 visa H-1B. Theo Built In, Apple, Google, Microsoft và Amazon là những công ty tài trợ cho chương trình visa H-1B nhiều nhất.

Cuộc tranh luận về chương trình visa H-1B đã tạo ra sự chia rẽ sâu sắc trong nội bộ những người ủng hộ ông Trump. Một số đặt trọng tâm thực hiện chương trình nghị sự “Nước Mỹ Trên hết” nhằm hạn chế di dân nhập cư, trong khi một số khác nhận ra giá trị không thể phủ nhận của chương trình này đối với các ngành công nghiệp như công nghệ.

Lập luận của phe ủng hộ

Ông Elon Musk, một công dân Hoa Kỳ nhập tịch sinh ra tại Nam Phi, từng sở hữu visa H-1B, và cũng là CEO của đại công ty Tesla lẫn SpaceX, đã công khai cam kết sẽ “chiến đấu” để bảo vệ chương trình mà ông cùng nhiều lãnh đạo khác trong ngành công nghệ coi là trụ cột đối với ngành công nghệ của Hoa Kỳ.

Ông Musk nhấn mạnh tầm quan trọng của chương trình visa H-1B chính là nền móng giúp xây dựng những công ty đột phá như SpaceX và Tesla. Ông cho rằng sự thành công của các công ty này không thể tách rời khỏi những đóng góp to lớn của lực lượng lao động nước ngoài được đưa vào Hoa Kỳ thông qua chương trình này.

“Lý do tôi ở Mỹ cùng với rất nhiều người quan trọng đã xây dựng SpaceX, Tesla và hàng trăm công ty khác làm cho nước Mỹ mạnh mẽ là nhờ H-1B”, ông Musk viết trên mạng xã hội X.

Ông Musk cũng lên tiếng phàn nàn trong nhiều bài đăng về sự thiếu hụt nhân tài nội địa để lấp đầy các vị trí cần thiết trong các công ty công nghệ của Mỹ.

Ngoài ra, ông Musk cũng thẳng thắn chỉ trích những người phản đối, bao gồm cả một số chính trị gia hoạt động trong nghị trình “Làm nước Mỹ vĩ đại trở lại” (MAGA), viện dẫn sự nhầm lẫn giữa di dân nhập cư hợp pháp và bất hợp pháp khiến những nhà lãnh đạo chống lại chương trình visa này.

Ông Vivek Ramaswamy cũng lên tiếng bảo vệ chương trình visa H-1B, khẳng định rằng hệ thống giáo dục Hoa Kỳ đã thất bại trong việc đào tạo đầy đủ nhân tài STEM có tay nghề cao từ đó đã tạo ra nhu cầu không thể thay thế cho chương trình này.

Thậm chí, ông Ramaswamy còn thẳng thắn quy trách nhiệm cho văn hóa Mỹ hiện đại là nguyên nhân then chốt gây ra sự thất bại của hệ thống giáo dục tại Hoa Kỳ, viện dẫn lý do chính khiến các công ty công nghệ tuyển dụng kỹ sư gốc nước ngoài và thế hệ đầu tiên di cư đến Mỹ thay vì người Mỹ “bản địa” là do văn hóa giáo dục Hoa Kỳ cổ xúy sự tầm thường, thay vì phấn đấu để đạt đến sự xuất sắc.

“Một nền văn hóa ca ngợi nữ hoàng vũ hội hơn là nhà vô địch Olympic toán học, hoặc cầu thủ bóng bầu dục hơn là thủ khoa, sẽ không bao giờ tạo ra những kỹ sư giỏi nhất”, ông Ramaswamy nhận định trong một bài đăng dài trên mạng xã hội X.

Ông Ramaswamy cho rằng đây chính là vấn đề cốt lõi cần được giải quyết, đồng thời kêu gọi đất nước thức tỉnh và tận dụng thời cơ để khôi phục một nền văn hóa xuất sắc đề cao trí tuệ và sự chăm chỉ.

“Đây có thể là khoảnh khắc Sputnik của chúng ta. Chúng ta từng tỉnh giấc từ cơn mê trước đây và chúng ta có thể thực hiện lại một lần nữa. Cuộc bầu cử [tổng thống] của ông Trump được kỳ vọng sẽ khởi đầu một kỷ nguyên hoàng kim mới ở Mỹ, nhưng chỉ khi văn hóa của chúng ta thực sự tỉnh giấc. Một nền văn hóa một lần nữa ưu tiên thành tựu hơn là sự bình thường; xuất sắc hơn là sự tầm thường; tính học thuật hơn là tuân thủ; sự chăm chỉ hơn là lười biếng”, ông Ramaswamy nói thêm.

Lập luận của phe phản đối

Những nhà hoạt động cực hữu, chẳng hạn như ông Stephen Miller và bà Laura Loomer đã bày tỏ quan ngại rằng chương trình visa này có thể khiến lực lượng lao động nội địa tại Hoa Kỳ suy yếu.

Ông Miller đề xuất áp đặt các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt đối với chương trình visa H-1B.

Ông Miller, vị cố vấn cấp cao của ông Trump cũng từng có ảnh hưởng đối với một dự luật đề xuất những hạn chế lớn đối với chương trình visa H-1B, như yêu cầu các ứng viên phải làm việc ở nước ngoài ít nhất 10 năm, theo The Times of India.

Bà Loomer lên án quyết định bổ nhiệm nhà đầu tư người Mỹ gốc Ấn Sriram Krishnan giữ cương vị cố vấn chính sách trí tuệ nhân tạo, nhận định rằng động thái này đi ngược lại tinh thần của nghị trình “Nước Mỹ Trên hết“. Bà Loomer cho rằng ông Krishnan sẽ có ảnh hưởng đến các chính sách nhập cư của chính quyền Trump thứ hai.

“Thật đáng báo động khi thấy số lượng những người cánh tả chuyên nghiệp hiện đang được bổ nhiệm vào chính quyền Trump [thứ hai], trong khi họ có quan điểm trái ngược hoàn toàn với chương trình nghị sự ‘Nước Mỹ Trước Tiên’ của [ông] Trump”, bà Loomer viết.

Bà Nicole Shanahan, chính trị gia đồng hành tranh cử cùng cựu ứng cử viên tổng thống Robert F. Kennedy Jr. cho chức vị phó tổng thống, cho rằng quy trách nhiệm cho văn hóa là nguyên nhân chính khiến Mỹ không đạt hiệu quả cao trong lĩnh vực công nghệ là điều xúc phạm. Bà Shanahan mạnh mẽ phản bác luận điểm cho rằng văn hóa Mỹ là nguyên nhân khiến các công ty phụ thuộc vào lao động nước ngoài, ngược lại, bà thẳng thắn chỉ trích các công ty công nghệ đang cố tình lợi dụng chương trình visa H-1B để tìm kiếm lao động giá rẻ, gây tổn hại đến lối sống Mỹ truyền thống.

“Tôi không đồng tình với một số tranh luận … cho rằng ‘văn hóa lười biếng của người Mỹ’ là nguyên nhân chính khiến chúng ta cần tiếp tục chương trình visa H-1B. Hãy thực tế: các công ty công nghệ được hưởng lợi lớn từ lao động giá rẻ với chi phí là lối sống của người Mỹ là một hành động mang tính bóc lột. Việc đổ lỗi cho văn hóa vì lý do sinh viên tốt nghiệp STEM người Mỹ không nhận những công việc lương thấp là điều vô lý và xúc phạm”, bà Shanahan viết trên mạng xã hội X.

Ông Steve Bannon, một cố vấn lâu năm của ông Trump, đã cũng lên tiếng chỉ trích các “đại gia công nghệ” vì ủng hộ chương trình visa H-1B đồng thời nhận định nhập cư là một mối đe dọa đối với nền văn minh phương Tây.

“Ưu tiên nước Mỹ có nghĩa là ưu tiên người Mỹ. Chúng ta không ưu tiên vaccine. Chúng ta không ưu tiên công ty công nghệ. Chúng ta không ưu tiên tổ hợp công nghiệp quân sự. Không, chúng ta ưu tiên người dân Mỹ trước tiên”, biên tập viên Jack Posobiec của Human Events viết trên mạng xã hội X.

Những nhà phê bình như Dân biểu Marjorie Taylor Greene lại kêu gọi cải cách toàn diện hệ thống giáo dục Hoa Kỳ, nhằm nâng cao chất lượng giáo dục STEM, nhằm giúp các công ty công nghệ giảm sự phụ thuộc vào chương trình visa H-1B, cũng như chuẩn bị một lực lượng lao động nội địa Hoa Kỳ có tay nghề cao để đáp ứng nhu cầu thị trường.

“Để tiến lên phía trước, chúng ta phải thay đổi hệ thống giáo dục, tạo ra một nền văn hóa tôn trọng sự chăm chỉ và năng suất, cắt giảm lãng phí/chí phí/chế tài của chính phủ để tạo ra một nền kinh tế lành mạnh, mạnh mẽ, giảm lạm phát và trả lương cao hơn cho lực lượng lao động Hoa Kỳ, để visa H-1B không còn cần thiết và có thể bị hủy bỏ”, nữ dân biểu Marjorie Taylor Greene viết trên mạng xã hội X.

Theo một báo cáo từ tháng 2 năm 2024, Hoa Kỳ hiện đang đối mặt với cuộc khủng hoảng mù chữ trong lĩnh vực giáo dục STEM và dữ liệu. Điểm số môn toán của học sinh 15 tuổi tại Hoa Kỳ đã giảm 13 điểm trên thang điểm toàn cầu vào năm 2023, theo The Hill.

Hiệp hội Quản trị Nguồn nhân lực (Society for Human Resource Management) cho biết trong một thông cáo báo chí rằng Hoa Kỳ cần “thúc đẩy giáo dục STEM để chuẩn bị cho gần 3,5 triệu việc làm trong lĩnh vực STEM cần được lấp đầy vào năm 2025”.

Thiên Vân

Related posts