Có một bài thơ của một kẻ sĩ Việt Nam viết trong cơn loạn cuồng của thời thế lịch sử. Và cũng có một bài thơ của một thi sĩ viết từ tâm cảm thâm trầm của một thời tao loạn để như tiên tri cho một thời đại rất đen tối của dân tộc. Bài thơ viết vào mùa xuân Bính Thìn năm 1976, sau biến cố tháng tư năm 1975 với sự sụp đổ của chính quyền VNCH. Bài thơ viết theo thể Đường Luật chỉ có thất ngôn bát cú nhưng chuyên chở được cả một thế thời đầy chật nỗi niềm của một buổi đời tranh tối tranh sáng mà đen thẳm như đe dọa ở tương lai. Thơ đầy những ẩn dụ, có thể xuất phát từ ngôn ngữ bình dân hàng ngày nhưng lại ẩn chứa những ngụ ý châm biếm của một liên tưởng đến những kẻ chiến thắng. Bài thơ được truyền tụng và trong hoàn cảnh của một xã hội đang xuống dốc và tan vỡ, đã có nhiều âm vang trong dư luận những người dân miền Nam đang thảng thốt vì đường lối độc tài đảng trị đang siết chặt đời sống mà nghèo đói và bạo ngược là hậu qủa dẫn đến đầu tiên.
Dù bài thơ ấy chỉ được truyền tụng và không có văn bản chính thức nhưng trong không gian và thời gian của biến cố toàn miền nam Việt Nam vừa bị quân Cộng sản chiếm đóng. Dân tình náo loạn bởi những tấn thảm kịch cá nhân tạo thành một xã hội bất an của một bức tranh om xòm hỗn loạn. Hầu như mọi người dân miền Nam đều đọc bài thơ này và truyền tụng ra tận hải ngoại nữa. Có phải đó là bài Vịnh Tranh Gà Lợn của nhà thơ Vũ Hoàng Chương mà tác giả đã viết vào mùa xuân Bính Thìn, cái tết cuối cùng của một đời thi bá. Có người thắc mắc tại sao nhan đề bài thơ là Vịnh Tranh Gà Lợn. Tranh gà lợn có liên quan gì đến tết Việt Nam và tác giả đã có ngụ ý nào trong hoàn cảnh đặc biệt của không gian thời gian lúc đó. Hãy đọc từng chữ từng câu và cố tìm kiếm và suy nghĩ để giải đáp như khi làm một bài toán khó.
Tôi tự nhủ tôi phải cẩn trọng, không thể chủ quan bàn luận mà làm sai lệch ý tưởng mà tác giả muốn chuyên chở trong ngôn ngữ.
Nguyên văn bài thơ:
Vịnh Tranh Gà Lợn
Sáng trưa hẳn sáng tối chưa đành
Gà lợn om xòm rối bức tranh
Rằng vách có tai thơ có họa
Biết lòng ai đỏ mắt ai xanh
Mắt gà huynh đệ bao lần quáng
Lòng lợn âm dương một tấc thành
Cục tác nữa chi đừng ủn ỉn
Nghe rồng ngâm váng khúc tân thanh.
Từ những câu thơ này, tôi đã có suy nghĩ nào về nội dung của bài thơ ấy? Có một điều cảm nhận thấy ngay là chữ và nghĩa hình như cân phân không đơn giản và chữ có thể hiểu theo nhiều nghĩa. Thành ra, giải thích những câu thơ trên phải cần đến sự suy luận qua những từ ngữ có nhiều cách định nghĩa cũng như hiểu biết khác nhau..
Như vậy, giải thích một bài thơ thật đích xác rõ ràng thì thật là khó. Nhưng đọc để hiểu và cảm thì tôi cũng cố gắng dù chữ nghĩa của mình hạn hẹp.
Hai câu mở đầu của bài thơ: sáng chưa hẳn sáng tối không đành/ gà lợn om xòm rối bức tranh/ bắt đầu từ một không gian nửa tối nửa sáng để nhìn bức tranh dân gian gà lợn với sự khó chịu bực bội. Thâm ý của hai câu thơ này ám chỉ đến một thời thế hỗn loạn của những ngày quân Bắc Việt xâm chiếm miền Nam. Và gà lợn trong tranh hay những bộ đội thắng trận đang nghênh ngang ở Sài Gòn chỉ làm “om xòm “và gây ngứa mắt cho những người dân miền Nam trong một tấn tuồng vân cẩu tang thương.
Hai câu thực tiếp theo. Rằng vách có tai thơ có họa/ biết lòng ai đỏ mắt ai xanh/ như một lời nhắc nhở. Đang có kẻ theo dõi rình mò, vách ngăn bên cạnh biết đâu có tai mắt của những kẻ chực chờ tâng công báo cáo. Và chữ họa cũng có thể hiểu theo hai nghĩa, thơ có thể có ở trong tranh(bức vẽ) nhưng cũng có thể thơ là tai nạn(họa). Cũng như ở thời thế này biết ai gian biết ai ngay, ai là bạn ai là thù, ai lòng đỏ ai mắt xanh. Câu thơ nhắc đến hệ thống công an kiểm soát nghiệt ngã đời sống của thời gian tai ương của không gian đen thẳm của một xã hội đang dần tan vỡ
Hai câu luận. Mắt gà huynh đệ bao lần quáng/Lòng lợn âm dương một tấc thành/ có ý là Huynh đệ đã bị quáng gà vì cường quốc lợi dụng ở phía bắc và dân miền Nam thua trận vẫn thành thật tin vào lẽ phải. Trong khi Cộng sản khoác lên chiến thắng cho chủ nghĩa đỏ ngoại lai thì dân miền Nam vẫn tin tưởng ở đạo nghĩa của dân tộc. Những biểu tượng ngôn ngữ như mắt quáng gà, như lòng lợn âm dương, chuyên chở nhiều ý và tình.
Hai câu kết: Cục tác nữa chi đừng ủn ỉn/ Nghe rồng ngâm váng khúc tân thanh. Hỡi lũ gà lợn kia, hãy ngừng đi những lời “cục tác” hay “ủn ỉn”. Bởi vì trong năm sắp tới, năm Bính Thìn con rồng, sẽ nghe vẳng thanh âm khúc Đoạn Trường Tân Thanh, khúc trăm năm trước cụ Tiên Điền Nguyễn Du viết về những đời bạc mệnh tài mệnh tương đố ngàn xưa.
Có lúc tôi như cậu học trò trung học đệ nhất cấp soạn bài giảng văn để nộp cho thấy. Chọn một cách suy nghĩ đơn sơ để ít ra cũng nắm được những cảm nghĩ trung thực từ ngôn ngữ. Nhưng có nhiều tác giả đã có những nhận định và liên tưởng sâu xa hơn từ những câu hỏi.
Đặng Tiến viết trong bài Thơ Xuân Vũ Hoàng Chương:
“Thơ xuân thơ Tết cuối cùng của Vũ Hoàng Chương là bài Vịnh Tranh Gà Lợn làm vào ngày Tết Bính Thìn. Bài thơ được truyền tụng nhờ được truyền khẩu. Nhưng cũng vì truyền khẩu nên có nhiều dị bản khác nhau, nhiều bản sai lạc vô nghĩa. Bà Vũ Hoàng Chương đã than phiền và ghi lại cho chúng tôi chính văn. Bà Vũ Hoàng Chương ghi chú:
“Thơ có họa có ba nghĩa: thơ có xướng thì phải có họa, gọi là thơ xướng họa: thơ phản nghịch là tai họa và thơ họa (vẽ) ra tranh. Vũ Hoàng Chương nổi tiếng là uyên bác; thơ ông thường xử dụng nhiều điển cố. Đặc biệt bài này ông xử dụng tục ngữ theo truyền thống Nguyễn Trãi, Nguyễn Du. Bà Vũ Hoàng Chương lưu ý đến những câu tục ngữ “dừng có mạch, vách có tai”; “xanh vỏ đỏ lòng”. Nhưng còn nhiều thành ngữ, tục ngữ khác như “tranh tối tranh sáng”, “mắt xanh”, “mắt quáng gà”, “gà cùng một mẹ”, “lợn âm dương”, “con gà cục tác lá chanh”, “con lợn ủn ỉn mua hành cho tôi”, “khúc tân thanh” ngụ ý đoạn trường… Còn ý nghĩa, ngụ ý dí dỏm nhưng thâm trầm của từng câu, từng chữ thì chúng tôi xin miễn giải thích sợ làm mất cái duyên ngầm của bài thơ”.
Có phải đó là bài thơ được truyền khẩu như là một chứng tích của thời thế đảo điên. Người thi sĩ, cả đời chỉ muốn làm thơ ca tụng tình yêu nhưng lại có những bài thơ ghi lại được những thời điểm khốc liệt của lịch sử. Như bài thơ Vịnh Tranh Gà Lợn đã làm trong khoảng thời gian tranh tối tranh sáng của dân tộc. Lúc ấy, ngày tết Bính Thìn, khi quân Cộng sản chiếm được cả đất nước và một chính sách trả thù phân biệt được áp đặt lên toàn thể người dân miền Nam. Cả gần một triệu người thuộc quân cán chính VNCH bị tù đày. Những viên chức sĩ quan của chế độ VNCH và gia đình thân tộc họ là mục tiêu của đầy ải trả thù. Văn nghệ sĩ bị truy bức, bắt bớ. Sách vở bị tịch thu đốt bỏ. Cả một nền văn hóa văn học xây dựng suốt 20 năm bị triệt hủy. Lúc ấy, là buổi hỗn quân hỗn quan, thú vật đội lốt người tác yêu tác quái. Tác giả đã có những chủ đích nào khi mượn ý từ một bức tranh Tết của dân gian để phác họa lại một không gian thời gian đen tối nhất của lịch sử Việt Nam.Trong không khí đe dọa mà bạo quyền Cộng sản tạo ra, làm thơ như vậy là một cách đối đầu với chế độ và cái tội phản động chắc chắn được mang ra hành tội.
Những thành ngữ, tục ngữ của dân gian dưới tay thi bá đã thành ngôn ngữ đắc địa để bày tỏ một thái độ kẻ sĩ. Chữ không phải đơn thuần một nghĩa mà bao hàm nhiều nghĩa dẫn đến những ý tưởng thâm trầm. Ngữ nghĩa như lòng biển sâu thăm thẳm để kiếp người Việt Nam chứa chất tâm sự vời vợi của một cuộc cờ tàn mà tương lai chỉ toàn bất trắc bi thảm.
Bài thơ được truyền tụng trong thời buổi ấy và có thể là một nguyên nhân để công an Cộng sản bắt giam tác giả. Thi sĩ bị giải đến Khám Chí Hòa sau vì đau yếu nên được thả về nhà và mấy hôm sau thì từ trần, đúng vào ngày 6 tháng 9 năm 1976. Trong tù, ông viết một bài thơ cuối cùng, gửi cho người thân như linh cảm một chuyến đi đã chờ sẵn để lên đường về thế giới bên kia. Bài thơ cũng được truyền tụng vì làm ở trong tù ngục được lén gửi về cho gia đình là những lời thơ thống thiết của một người linh cảm đến lúc lâm chung.
Vâng, bài thơ như tiếng khóc nén thầm từ muôn thuở những dòng thơ, từ dòng cổ thi dân tộc từ thuở Nguyễn Du xưa xa, của nỗi niềm bất tri tam bách dư niên hậu, thiên hạ thùy nhân khấp Tố Như đến nỗi đau quặn thất bây giờ. Bài Thơ Gửi Vợ viết ở trong tù và được truyền tụng phổ biến từ những người bạn tù cùng tâm cảm.
Thấm thoát vào đây tháng đã tròn
Lông hồng gieo xuống nặng bằng non
Một manh chiếu lỉa hồn ngây ngất
Ba chén cơm rau xác mỏi mòn
Ngày tới bữa ăn càng nhớ vợ
Đêm về giấc ngủ lại thương con
Bao nhiêu nước chảy qua cầu nữa
Chẳng dễ gì phai một tấm son.
Con chim trước khi chết, tiếng hót bi thương. Người thi sĩ, trước khi lìa bỏ trần gian, lời kêu ai oán. Bài thơ thất ngôn bát cú trên gói ghém một tâm tình. Quốc phá, gia vong, thân trong ngục tù nhưng tất cả rồi sẽ trôi qua như nước chảy dưới cầu và không bao giờ phai nhạt tấm lòng son sắt với đời, vối người, với dân tộc với đất nước.
Bài thơ có nhiều dị bản. Như bài thơ này đã được in trong Chiêu Niệm Văn Chương của Viên Linh có thêm bốn câu tiếp:
Tình thương nỗi nhớ chon von
Trưa nay bừng thức vẫn còn đổi trao
Thật rồi đâu phải chiêm bao.
Tin ra Vĩnh Hội, thư vào Hòa Hưng.
Người đọc như tôi cũng phân vân không biết bản nào thực bản nào giả. Nhưng trong cảm nhận, đọc xong vẫn là một. Là tấm lòng son với đời với người không phai nhạt. Thơ và thi sĩ vẫn là vời vợi muôn trùng tâm sự. Dẫu thân giam cấm trong tù, dẫu nước mất nhà tan, nhưng tất cả rồi sẽ như nước chảy qua cầu, dòng sông vẫn trôi đi như đời kẻ sĩ vằng vặc trăng sao.
Có rất nhiều phê binh gia viết về nhà thơ Vũ Hoàng Chương. Kể từ khi tiền chiến, đến lúc hậu chiến và kể từ trong văn học Việt Nam đến văn học hải ngoại tên tuổi và thi ca của ông được nhìn ngắm, phân tích, nhận định. Có cả những người nổi tiếng và cả những người không nổi tiếng. Nhưng, đăc biệt một điều, vì nhãn quan chính trị,những nhận xét về tác giả Vũ Hoàng Chương của những nhà phê bình ở trong nước thường chú trọng đến phần thơ tiền chiến với những tập thơ như Thơ Say, như Mây,… mà ít chú trọng đến những tập thơ sau này với những bài thơ nhị thập bát tú hay thơ đạo, hoặc thơ gắn liền với thời cuộc. Trong cảm quan riêng tôi, nhận định như thế là có cái nhìn không bao quát và bị những thiên kiến chính trị ảnh hưởng.
Có một người đã viết về Thơ xuân Vũ Hoàng Chương là Đặng Tiến, một nhà văn sống ở Pháp nhưng hình như chịu nhiều ảnh hưởng của phong trào thiên tả nên cái nhìn không được trong sáng và trung thực.
Bài Thơ Xuân Vũ Hoàng Chương của Đặng Tiến đã được phổ biến nhiều trên mạng. Là độc giả tôi đã đọc và cũng rất ngạc nhiên với phần mở đầu bài viết này. Không hiểu tại sao, nhà văn Đặng Tiến lại mở đầu với câu thơ “Xuân đã đem mong nhớ trở về” của bài thơ Cô Lái Đò của thi sĩ Nguyễn Bính. Cái liên tưởng từ những câu nhớ nhung của một cô gái chèo đò quê mùa có đủ tạo ấn tượng để ông Đặng Tiến viết về nhà thơ Vũ Hoàng Chương không? Ông Đặng Tiến viết: “Câu thơ Nguyễn Bính, ý thường thôi. Lời e cũng thường thôi. Nhưng dư vang vô tận, xoáy sâu vào tâm tư khách xa quê, nhất là những kẻ không có ngày về. Xuân đã… đau lòng một chữ đã. Xuân đã. Người chưa. Những lỡ làng và những bẽ bàng…
Nỗi niềm của cô lái đò đã ảnh hưởng thế nào để ông Đặng Tiến thấy “xuân đã… đau lòng một chữ đã!”…
Tôi đọc thơ Nguyễn Bính cả bốn câu đầu của bài thơ Cô Lái Đò.
Xuân đã đem mong nhớ trở về
Lòng cô gái ở bến sông kia
Cô hồi tưởng lại ba xuân trước
Trên bến cùng ai đã hẹn thề.
Và tôi ước chừng rằng chỉ có câu đầu tiên của bài thơ đã làm ông Đặng Tiến cảm khái như thế. Ông đã quên nỗi niềm nhớ nhung mùa xuân của cô gái quê của toàn bài thơ chăng? Mang câu thơ “trật chìa” này để tạo dư vang vô tận xoáy sâu vào tâm tư khách xa quê, nhất là kẻ không có ngày về. “Xuân đã… đau lòng một chữ đã. Xuân đã. Người chưa. Những lỡ làng và bẽ bàng”. Tôi cố găng hiểu câu thơ “gợi ý” của Đặng Tiến nhưng sao khó khăn quá?
Ông Đặng Tiến lại viết:
“Đã có nhiều người nói và nói có cơ sở là men rượu và khói thuốc đưa thơ Vũ Hoàng Chương ra khỏi không gian và thơ Đường, thơ Tống, người đẹp Liêu Trai đưa thơ ông ra khỏi thời gian. Điều đó có thật, nhưng con người dù là người thơ, vẫn còn xương còn thịt chuyển động theo bốn mùa mưa nắng. Và cả bốn mùa đều in nét trong thơ Vũ Hoàng Chương”.
Theo lời viết trên, thơ Vũ Hoàng Chương có không gian thời gian khác tạo ra bởi men rượu và khói thuốc và huyễn tượng xưa thời Đường Tống hoặc người đẹp Liêu Trai lạc lõng cõi trần nhưng lại có xương thịt con người nên bốn mùa thời tiết đều in nét trong thơ Vũ Hoàng Chương. Nhưng có điều ông quên không nói rõ ra những người nói và những cơ sở để làm luân cứ. Cái lối nói khơi khơi như thế có phải là sở trường của ông Đặng Tiến? Không hiểu tôi có sai lầm không khi nghĩ Đặng Tiến có cái nhìn phê phán “thâm ý và ác ý” đối với thơ Vũ Hoàng Chương.
Nhiều lần trong bài viết, ông Đặng Tiến cho rằng nhà thơ Vũ Hoàng Chương là người thiết tha với vận mệnh dân tộc và đất nước. Tôi chợt nghĩ, thi sĩ mà “vượt không gian vì men rượu và khói thuốc và vượt thời gian vì thơ Đường, thơ Tống và người đẹp Liêu Trai lạc lõng cõi trần” thì khó lòng mà thiết tha với vận mệnh đất nước… như vậy, ông có ngụ ý gì khi ông khen “Vũ Hoàng Chương thi sĩ còn là một Vũ Hoàng Chương kẻ sĩ tâm hồn luôn luôn gắn bó với vận hưng suy của đất nước” không? Chỉ có một mình ông Đặng Tiến trả lời vấn nạn ấy một cách rõ ràng…
Trong bài viết Thơ Xuân, Vũ Hoàng Chương có viết về một bài thơ “Nửa Đêm Trừ Tịch” viết năm 1955, mùa xuân đầu tiên xa xứ:
Đây là một bài thơ hay, giàu cảm xúc, chĩu nặng u hoài. Không mang nội dung chính trị nào nhưng đã bị Chế Lan Viên chiếu cố và mạt sát thậm tệ cho rằng “cái điều Vũ Hoàng Chương đáng hổ thẹn nhất và chúng ta đau xót căm giận nhất là bốn câu sau này:
Có nghĩa gì đâu một chữ “về”
Nếu không ngàn dặm ngươc sơn khê
Nếu không ngược cả mười năm ấy
Về tận kinh đô của ước thề.
Theo Chế Lan Viên chữ “về” là cái việc về thành cái việc dinh tê về Hà Nội (mà) chẳng có nghĩa gì cả, thì trong tâm hồn nhà thơ này không còn ranh giới giữa cái tốt, cái xấu, cái đúng cái sai cái có nghĩa và không có nghĩa.
Đây là lối viết vu oan giá họa vì chữ “về” trong bài thơ không có ngụ ý chính trị, chỉ là một ước vọng tình cảm hay xa hơn nữa là một xu hướng tâm linh. Từ xưa thơ Vũ Hoàng Chương đã là một lối tìm về: “lang thang từ độ luân hồi/u minh nẻo trước xa xôi dặm về” (bài Nguyện Cầu, 1950). Còn mấy chữ “có nghĩa gì đâu” là phỏng theo thơ Xuân Diệu: “làm sao cắt nghĩa được tình yêu/ có nghĩa gì đâu một buổi chiếu”.
Nếu nhất định gán cho câu thơ một dụng ý thời sự thì nên hiểu: việc hồi cư năm 1950 với Vũ Hoàng Chương không mang ý nghĩa một chọn lựa chính trị, mà chỉ do một nhu cầu một tình cảm riêng tư- một phần nào đó hoang tưởng- “có nghĩa gì đâu”. Còn về thời gian mười năm, từ thời “Mây”(1943) thì thi nhân đã nhiều lần nói đến “mười năm thôi thế mộng tan tành”…
“Tình mười năm còn lại mấy tờ thư”. Thận trọng chúng tôi đã hỏi lại bà Vũ Hoàng Chương và được chị trả lời là đúng như thế và còn cho biết thêm “ước thề ở đây không phải là chị ấy”.
Chúng ta đã biết tuyên huấn Cộng sản kết tội rất nặng những văn nghệ sĩ từ bỏ vùng kháng chiến hồi cư trở về Hà Nội. Có thể có nhiều lý do để họ “dinh tê” về thành. Nhưng phần đông là vì Đảng Cộng sản đã ra mặt lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Pháp chỉ đạo những cuộc đấu tranh giai cấp đầy chất sắt máu đẩy văn nghệ sĩ thành những người tuyên truyền cho chế độ của giai cấp vô sản. Và theo tôi, nhà thơ Vũ Hoàng Chương cũng là một người bị chế độ Cộng sản kết tội phản động. Trí Phú Địa Hào, đào tận gốc bốc tận rễ, cái chủ trương ấy được thưc hiện thì làm sao những văn nghệ sĩ, những trí thức có thể sống được nên phải trở về. Cũng như, sau năm 1975, hàng triệu người vượt biển ra đi tìm tự do.
Nhưng, Đặng Tiến lại khăng khăng viết trong bài này sự rời bỏ vùng kháng chiến không mang một chọn lựa chính trị mà chỉ do một nhu cầu một tình cảm riêng tư- phần nào đó hoang tưởng- “có nghĩa gì đâu”. Viết một cách khẳng định như vậy không biết ông Đặng Tiến có đọc đoạn văn này của chính thi sĩ Vũ Hoàng Chương bày tỏ chính kiến của mình (bài viết Sao Lại Thế Được nhân dịp nhà văn lão thành Phan Khôi bị Cộng sản đàn áp. Và để góp vào cho lý tưởng Tự Do):
“Mười năm qua! Giữa bầu không khí tưng bừng của mùa xuân cành Nam chim Việt tôi đang hướng về Thăng Long để ghi ngày giỗ trận, mơ Bắc Bình Vương thì tin đâu sét đánh: ông Phan Khôi bị Cộng sản ngoài ấy thẳng tay đàn áp bạch đoạt phi lý cái “quyền tự do tư tưởng của người viết văn”.
Mà tiên sinh thì từ trước tới sau, trong cử chỉ ngôn ngữ cũng như trong nét bút văn thơ, há chẳng đã biểu lộ đầy đủ cái tinh thần trác việt của những chiến sĩ tranh đấu cho tự do hay sao? Hồi tưởng lại mười năm trước, nghe tiếng quát thét sang sảng của tiên sinh càng như cuồn cuộn dội về… Không về được! Sao lại thế được? Văn nghệ phải là văn nghệ! Thiếu tự do thà ném bút đi! Cầm lấy một mũi nhọn khác.
Phải lắm! Tôi tin rằng con người cầm bút từ ngàn xưa đã mang trong mỗi tế bào cái truyển thống “uy vũ bất năng khuất” chẳng một thế lực nào bẻ cong nổi, dầu đó là thế lực bạo tàn nó đang đè chĩu lên phân nửa đất nước chúng ta hiện nay. Bởi vậy, tôi đoan quyết rằng Nguyễn Tuân, Thế Lữ, Hoàng Cầm, Hoàng Tích Chù,… sẽ lần lượt đứng lên, không ném bút đi, nhưng dùng ngay mũi nhọn đó mà khai sơn phá thạch, nối gót ông Phan Khôi, vượt bước ông Phan Khôi. Một tiếng xướng lại một phen có muôn tiếng họa. Chính sách văn nghệ chỉ huy của độc tài sẽ bị vằm nát. Kinh Kha thời nay không những chỉ “giữa triều Tần nên tội ác vua Tần”. Kinh Kha thời nay dùng bằng một mũi nhọn đẫm mực vẽ phăng đời bạo chính cho coi! Phải chăng Phan Khôi tiên sinh. Phải chăng các bạn văn nghệ trong nước và ngoài nước? Đó là cái tương lai rất gần của chế độ phi nhân phi lý kia, gần đến rồi chúng ta trông thấy, sờ thấy… Ngay trên ngọn bút của chúng ta!”
Một điều rõ ràng, thơ của Vũ Hoàng Chương là thơ của một thi sĩ có chính kiến khác với chủ nghĩa Cộng sản. Với những câu thơ mà Chế Lan Viên đã dẫn chứng trong bài viết thóa mạ ông. Những câu như:
“Gío nổi vần mây giục đấu tranh
Tâm tư lồng lộng kết nên thành
Thành ngăn sóng Đỏ mây sừng sững
Nước Tổ về ngôi đẹp sử xanh.”
Hoặc những câu kêu gọi một thái độ quyết liệt đòi hỏi tự do chống lại bạo quyền áp bức Hà Nội:
“Các bạn nào ta hãy đứng lên
Trái tim dân tộc đã xây nền
Tự do đã hiển linh thần tượng
Cánh vỗ hào quang tỏa bốn bên”
Những văn nô Cộng sản dẫn chứng và thóa mạ như thế. Nhưng Đặng Tiến thì lại cho rằng thi sĩ Vũ Hoàng Chương đã ngầm ý tán dương chế độ độc tài Bắc Bộ Phủ khi bình hai câu thơ trong bài Đón Xuân Mười Chín:
“Bài này đăng trên Giai Phẩm Văn Xuân Qúy Sửu phát hành ngày 15 tháng 1 năm 1973 trước khi ký hòa ước Paris. Vậy Vũ Hoàng Chương phải làm trước đó, vào thời điểm
“Lửa ném tràn lan đầu gió Bắc
Vàng rung thăm thẳm đáy hồ Tây”
Câu thơ ngụ ý: lửa thử vàng. Vàng Mười không sợ lửa, chế độ miền Bắc không khuất phục trước vũ lực thô bạo. Đây là một câu thơ nặng tình dân tộc, nhưng không mấy người để ý, như một thứ cung đàn lẻ loi. Ngược lại người ta bới móc những câu thơ “chống Cộng” để lên án và hạ ngục Vũ Hoàng Chương khi có cơ hội.”
Ngụ ý của hai câu thơ mà ông Đặng Tiến gán cho là của thi sĩ Vũ Hoàng Chương có vẻ ít hợp lý. Với ông Đặng Tiến một kẻ đào ngũ phản chiến ăn cơm Quốc Gia thờ ma Cộng sản thì có thể hợp người hợp cảnh nhưng với kẻ sĩ Vũ Hoàng Chương thì hoàn toàn không thể chấp nhận được. Một người đã chọn lựa lý tưởng chống độc tài đảng trị bằng văn thơ không thể nào có ngụ ý như Đặng Tiến văn nô diễn tả. Căn cứ nào mà Đặng Tiến chuyển câu thơ “vàng rung thăm thẳm đáy Hồ Tây” thành “lửa thử vàng. Vàng Mười không sợ lửa.” Và suy nghĩ ra sao khi từ câu “lửa ném tràn lan đầu gió Bắc” thành “chế độ miền Bắc không khuất phục trước vũ lực thô bạo.” Ông Đặng Tiến bình thơ và giải nghĩa thơ như thế có hiểu được nghệ thuật dùng chữ đặc sắc và thâm trầm của thi bá Vũ Hoàng Chương không? Hoặc viết như thế theo một hướng dẫn chỉ thị nào?
Đặng Tiến còn viết về bài thơ Bài Ca Bình Bắc của Vũ Hoàng Chương với tâm cảm của một người đọc thơ khá lạ lùng. Ông chỉ mang một câu thơ dẫn chứng cho lập luận của mình mà không đọc toàn bài thơ và cả những chủ đích mà bài thơ chuyên chở: “Trời đất vô cùng một khúc hát ngao” được gán cho một bài thơ nhiều tính tranh đấu như Bài Ca Bình Bắc, bài thơ một thời được ví như tiếng gọi Bắc Tiến về chiếm lại đất nước quê hương. Giai đoạn này, Bài ca Bình Bắc, kể chuyện xuân chiến thắng của Quang Trung:
Nhớ trận Đống Đa hề thương mùa xuân tới
Sầu xuân vời vợi
Xuân tứ nao nao
Nghe đêm trừ tịch hề máu nở hoa đào
ngập giấc xuân tiêu hề lửa trùm quan tái
trời đất vô cùng một khúc hát ngao.
Bài thơ là một thiên sử thi ngợi ca hào quang dân tộc nhưng hay ở những âm vang vời vợi nao nao vô cùng quan tái. Nó là một khúc hát ngao hơn là một anh hùng ca.”
Thiên anh hùng ca hay một khúc hát ngao, tôi đọc những câu thơ đầy cảm khái trong Bài Thơ Bình Bắc:
“Ôi Nguyễn Huệ người anh hùng áo vải
Muôn chiến công một chiến công dồn lại
Một tấm long, muôn vạn tấm lòng mang
Ngọn kiếm trỏ bao cánh tay hăng hái
Ngọn cờ vung bao tính mạng sẵn sàng
Người cất bước cả non sông một dãi
Vươn mình theo ngọn Hoành Sơn mê mải
Chạy dọc lên thông cảm ý ngang tàng
Cùng chồm dậy đáp lời hô vĩ đại
Chín con rồng bơi ngược Cửu Long Giang
Người ra Bắc âm thanh mờ nhật nguyệt
Khí thế ai làm rung động càn khôn
Lệnh ban xuống, lời lời tâm huyết
Nẻo trường chinh ai dám bước chân dồn”
Bài thơ này có phải được viết lúc tiếng hô Bắc Tiến vang rền và có phải là tâm tư của người thi sĩ gửi đến mai sau. Thiên anh hùng ca? Hay một khúc hát ngao?
Hào khí của chiến thắng dân tộc năm Kỷ Dậu năm 1789 đã làm ông nhớ đến mùa xuân lừng lẫy và năm 1969 đã viết bài thơ chữ Hán:
“Kỷ Dậu hồi thanh
Kê minh nhật thướng cựu sơn xuyên
Hồi ức Quang Trung vũ hịch truyền
Sơn vĩ sơn đấu hoa giải ngữ
Hòa âm sơn thảo nhiễu bình nguyên”.
Tác giả tự dịch:
“Tiếng vang lịch sử
Đất xưa gà gáy mặt trời lên
Giục nhớ Quang Trung hịch sấm rền
Hoa mở cánh chào ngang dọc núi
Hòa âm cỏ ngát xuống bình nguyên”.
Không hiểu “hịch sấm rền” có khác biệt gì với “khúc hát ngao” không? Trong Tự Điển Văn Học in ở trong nước có viết một nhận định: “Vũ Hoàng Chương bắt chước Lý Bạch hát bài ca cuồng. Nhưng cũng có những bài có phần bốc đồng thiếu chín chắn về mặt chính trị”. Tôi tự hỏi không hiểu ông Đặng Tiến khi viết bài Thơ Xuân Vũ Hoàng Chương có chịu ảnh hưởng nào không từ nhận định này?
Trong bài viết Đặng Tiến hay dùng câu thơ “Hương mùa xuân- mất ngậm ngùi bay” để diễn tả tâm ý mình. Lúc thì “và từ đó, hay trước đó, với Vũ Hoàng Chương, tất cả những mùa xuân đều là Hương mùa xuân – mất ngậm ngùi bay”. Đặng Tiến muốn nói là từ trước khi làm tập thơ Mây và sau khi làm tập thơ Mây, nghĩa là thời điểm dài suốt cuộc đời, hương mùa xuân ngậm ngùi bay mất. Cả đời thơ Vũ Hoàng Chương viết về xuân chỉ có ngậm ngùi thôi sao? Chăc phải có nhiều ý xuân khác, như tức cảnh thời sự, như suy tư thời cuộc nhân dịp đầu năm. Nếu nói thơ xuân Vũ Hoàng Chương có ngậm ngùi hoài niệm, nhưng cũng có cảm hứng từ thời cuộc, từ đời sống hiện tại thì có lẽ chính xác hơn.
Có khi Đặng Tiến viết: “hương mùa xuân –mất ngậm ngùi bay… là một câu tiên tri. Di cư vào Nam, nhà thơ xem như thất lạc mùa xuân.” Và tôi cũng đã đọc cái ý tưởng ấy từ những người Cộng sản miền Bắc khi nói về những người di cư năm 1954 vào Nam. Trong thực tế, cái tiên tri ấy không chính xác. Hương mùa xuân không mất mà nồng nàn hơn trong một đất nước và xã hội tương đối tự do và phát triển nếu không bị chiến tranh xâm lược của những lãnh tụ Bắc Bộ Phủ.
Đặng Tiến quanh quẩn khai triển hai từ Thơ xuân và Thơ tết.. Có lúc viết “Dùng từ cho chính xác, có thể nói là Vũ Hoàng Chương làm nhiều thơ tết và ít thơ xuân.” Có nghĩa là có hai loại thơ của Vũ hoàng Chương làm trong lúc xuân về. Nhưng muốn cho chính xác, thì Đặng Tiến phải làm cho người đọc biết dịnh nghĩa rõ ràng thế nào là thơ tết, thế nào là thơ xuân và khác biệt hoặc tương tự với nhau như thế nào. Làm thơ khác với viết nhận định văn học. Thơ khó giải thích nhưng phe phán bình luận phải có dẫn chứng sáng tỏ. Cái lối nói lập lờ hai nghĩa nhiều ác ý không phải là của người viết nghiêm chỉnh đàng hoàng.
Đoạn kết của bài viết Thơ Xuân Vũ Hoàng Chương có câu kết làm tôi suy nghĩ
“Và nói chung thơ xuân Vũ Hoàng Chương ở cái phần đọng lại trong lòng người đọc thường là “Hương mùa xuân- mất ngậm ngùi bay” Người đời vẫn mơ ước những thành đạt làm nên sự nghiệp. Nhưng có những sự nghiệp lớn lao hình thành trên mất mát. Cao quý và thiêng liêng thay, một sự nghiệp làm bằng mất mát”.
Có phải Đặng Tiến muốn nói sự nghiệp lón lao của thi sĩ Vũ Hoàng Chương hình thành trên mất mát. Ông ta quan niệm thế nào về được và mất. Chỉ nói lửng lơ nhưng chắc cũng tự ngầm hiểu thế nào được và mất, thành và bại của sự nghiệp, hay dại và khôn trong cách ứng xử. Có người nói nhà thơ Vũ Hoàng Chương dại, không phù thịnh mà phù suy, không theo kẻ mạnh để khỏi bị tù tội là cách ứng xử của kẻ trí? Nhưng suy luận dại khôn như vậy chỉ hợp lý với những người yếu kém hèn hạ. Nói sự nghiệp của Vũ Hoàng Chương hình thành trên mất mát là quên đi hình ảnh kẻ sĩ cao vời vợi tuy gầy ốm nho nhã nhưng đanh thép một lòng với lý tưởng tự do.
Nhân dịp viết bài này, xin phỏng vấn riêng Đặng Tiến một câu hỏi phụ. Sự nghiệp của Đặng Tiến thì sao? Được hay mất? Thành hay bại? Có phải đào ngũ phản chiến là “được”? Có phải là xu nịnh đóng vai phê bình để tôn xưng Tố Hữu hít hà những câu thơ ô nhục tán tụng những tên bạo chúa của nhân loại là “được”. Có phải là làm văn nô Nam Chi từ hải ngoại cuối thập niên 80 về nước đóng vai mắt mù tai điếc phác họa và tôn xưng xã hội tàn tệ đến tan rã của Việt Nam là “được”? Có phải nhân dịp mới sinh đứa con gái tạo cơ hội để tán dương ngày tháng tư năm 1975 viết bài thơ cảm hứng để tỏ bày nịnh bợ nhưng lại bị chế độ đối xử bạc bẽo, là “được”.? Có lần Đặng Tiến đã ăn năn, nhưng gượng gao với ngụ ý là kẻ phi cầm phi thú, Quốc cũng từ mà Cộng cũng chê nhưng lúc nào cũng phân bua chỉ là người cầm bút không lý đến chính trị. Cái được và cái mất, có lúc nào Đặng Tiến mang đối chiếu với chân dung thi bá Vũ Hoàng chương không? Để viết văn trung thực hơn, không lối ngữ nghĩa vài ba lối, chữ này chửi nghĩa kia.
Tôi là kẻ hậu sinh, là học trò của thầy Vũ Hoàng Chương thấy có người viết về người thầy đáng kính của mình có nhiều điều không tôn trọng. Nên bất bằng và viết với cảm nghị thành thật của mình. Tuyệt nhiên không phải là thái độ của kẻ vạch lá tìm sâu khi viết bài này. Tôi muốn là một người đi tìm một thái độ nghiêm chỉnh đứng đắn.
Nguyễn Mạnh Trinh