Nhập cát từ Campuchia

Đào Tuấn

24-2-2025

Nghe qua tưởng chuyện đùa nhưng sự thật thì rất hài: Nhiều khả năng – và cũng chẳng còn cách nào khác – là chúng ta phải nhập cát từ Campuchia. Nếu như không muốn chứng kiến những con đường cao tốc tắc tịt chỉ vì thiếu cát.

Mà cát ở đây là cát cờ át cát – cát san lấp í, chứ chẳng phải cát vàng cát bạc gì.

Tháng 10 năm ngoái, một báo cáo của WWF nhận định việc gia tăng khai thác cát đang làm cạn kiệt nhanh chóng tài nguyên này. Báo cáo “dự” rằng với tốc độ khai thác 35-55 triệu m3/ năm thì “trữ lượng cát (có thể được khai thác dưới lòng sông) chỉ còn tồn tại được khoảng một thập kỷ”. Nhưng, giờ thì báo động thiếu đã luôn và ngay rồi.

Cát, cũng như rừng vậy, cũng cần có thời gian để lắng. Chứ không như đất, cứ đào ra mà ăn được.

Xét ra, việc nhập cát Campuchia – nghe cũng cay – nhưng từ giờ trở đi thì lại đúng. Và nó càng đúng nếu như mấy năm gần đây Campuchia đã tạm thời cho xuất khẩu cát sang Việt Nam, ta phải tranh thủ nhập trước khi họ ngừng xuất để bảo vệ môi trường và phục vụ nhu cầu trong nước của họ (cũng như chúng ta đang phải cấm xuất khẩu cát xây dựng, cát san lấp).

Đấy là chưa kể nhập cát của Campuchia cũng không dễ, cũng đầy rủi ro, đầy “cò”, đầy bẫy giá rẻ.

Bởi khi vựa cát sông Mê Kông ở Đồng bằng sông Cửu Long đã cạn kiệt, khi các quốc gia đầu nguồn đã ngăn đập thủy điện, đã gìn giữ và khai thác cát sông thì cuối nguồn như nước ta chỉ còn… cặn!

Khi phần lớn các mỏ trữ lượng chỉ còn nhiều ở… trên giấy tờ báo cáo, thực tế đã bị bòn rút đến cạn kiệt; khi các dòng sông đang bị các nhà thầu và chính quyền địa phương lùng sục, vào từng đoạn mỏ, dò từng khối cát để ưu tiên cho cao tốc; khi cát tặc, chẳng đâu xa xôi, vào tận cửa ngõ thủ đô… thì không còn chỉ là chuyện thiếu cát, mà còn là chuyện mất đất (lúa), mất (nguồn) nước và có thể là… an ninh nguồn cát.

Hồi bác ‘Nghiêng’ đương chức, một trong những việc đúng nhất là lập tức đóng cửa rừng. Bởi đúng là với cách khai thác của chúng mình thì đến sa mạc cũng phải nhập cát thật.

Còn giờ, dường như cát cũng phải bảo tồn, như bảo tồn gấu vậy.

Related posts