
Ngày 26/3, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố mức thuế 25% đối với ôtô và phụ tùng nhập khẩu, có hiệu lực từ ngày 3/4, với mục tiêu thúc đẩy sản xuất nội địa.
Tuy nhiên, quyết định này vấp phải sự phản ứng dữ dội từ nhiều đối tác thương mại lớn, làm dấy lên lo ngại về căng thẳng kinh tế toàn cầu.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã bày tỏ phản đối mạnh mẽ chính sách thuế quan của Mỹ, cho rằng việc áp thuế này vi phạm quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), làm suy yếu hệ thống thương mại đa phương dựa trên luật lệ và gây phương hại cho các lợi ích chung của tất cả các nước.
Phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc Quách Gia Khôn (Guo Jiakun) nhấn mạnh rằng áp đặt thuế quan không giúp Mỹ giải quyết các vấn đề nội bộ, cũng như không mang lại tăng trưởng hay thịnh vượng. Ông đồng thời khẳng định không quốc gia nào đạt được những điều này thông qua biện pháp thuế quan.
Tại châu Âu, Bộ trưởng Tài chính Pháp Eric Lombard gọi đây là một diễn biến “rất xấu.” Ông đề nghị Liên minh châu Âu cần nâng thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ để bảo vệ lợi ích kinh tế của mình.
Ông cũng bày tỏ mong muốn sớm đàm phán với các quan chức Mỹ để tìm cách giảm mức thuế này, đồng thời cảnh báo rằng một cuộc chiến thương mại sẽ không mang lại lợi ích cho bất kỳ bên nào.
Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Anh Rachel Reeves khẳng định nước này không muốn có bất kỳ hành động nào làm leo thang căng thẳng thương mại. Bà nhấn mạnh rằng chiến tranh thương mại không có lợi cho bất kỳ bên nào, đồng thời cảnh báo việc gia tăng thuế quan sẽ ảnh hưởng tiêu cực không chỉ đến Anh mà cả Mỹ.
Anh lập luận rằng hai nước có quan hệ thương mại cân bằng, với cả hàng hóa và dịch vụ, do đó không nên bị áp thuế như các quốc gia có thâm hụt thương mại lớn với Mỹ.
London cũng đang thúc đẩy một thỏa thuận thương mại dựa trên công nghệ với Washington, nhằm giảm thiểu tác động từ các chính sách thuế quan mới.
Hiệp hội các nhà sản xuất và kinh doanh ôtô Anh (SMMT) cũng bày tỏ sự thất vọng với chính sách thuế mới của Mỹ.
Ông Mike Hawes, Giám đốc điều hành SMMT, kêu gọi hai bên đàm phán để đạt được một thỏa thuận có lợi thay vì áp đặt thêm thuế quan. SMMT nhấn mạnh Mỹ là thị trường lớn thứ 2 của các nhà sản xuất ôtô Anh và mối quan hệ thương mại lâu dài giữa hai nước cần được duy trì để đảm bảo lợi ích cho người tiêu dùng, cũng như bảo vệ việc làm và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế song phương.
Trong diễn biến liên quan, ngày 27/3, Tổng thống Trump tuyên bố có thể áp thuế cao hơn đối với Liên minh châu Âu và Canada nếu hai bên hợp tác “gây tổn hại kinh tế cho Mỹ.”
Trước đó, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen gọi động thái áp đặt thuế quan mới của Mỹ là gây hại cho doanh nghiệp và người tiêu dùng, trong khi Thủ tướng Canada Mark Carney cáo buộc đây là “một cuộc tấn công trực tiếp” vào người lao động Canada. Ông cho biết Ottawa đang xem xét các biện pháp đáp trả./.
Canada dọa sớm đáp trả thuế xe hơi của Mỹ
Ngày 26/3, Thủ tướng Canada Mark Carney cho biết nước này sẽ sớm đáp trả thuế 25% mà Tổng thống Mỹ Donald Trump áp lên xe hơi nhập khẩu.
Ông Carney nhận xét động thái của Mỹ “là đòn tấn công trực tiếp” và triệu tập một cuộc họp nội các cấp cao trong ngày 27/3 để quyết định về cách đáp trả. “Chúng tôi sẽ bảo vệ công nhân, doanh nghiệp và đất nước”, ông cho biết.
Trả lời câu hỏi của báo giới về thời điểm đưa ra phản ứng, Thủ tướng Canada nói: “Việc này xảy ra sớm thôi. Chúng tôi đã có các lựa chọn rồi. Canada có thể áp thuế nhập khẩu để trả đũa”.

Thuế mới được dự báo làm tổn hại nghiêm trọng ngành xe hơi tại Bắc Mỹ. Năm 2024, Mỹ nhập 474 tỷ USD sản phẩm liên quan đến xe hơi, trong đó riêng xe hơi nhỏ là 220 tỷ USD. Mexico, Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada và Đức – các đồng minh thân cận của Mỹ – đều là nhà cung cấp lớn cho nước này.
Ông Carney cho biết sẽ sớm nói chuyện với ông Trump. Hai bên chưa có cuộc nói chuyện nào kể từ khi ông Carney nhậm chức đầu tháng này.
Thủ tướng Canada cũng tiết lộ đã nói chuyện với thủ hiến tiểu bang Ontario Doug Ford. Ông Ford trước đó cho biết trước báo giới rằng “sẽ gây thiệt hại nhiều nhất có thể cho người Mỹ, mà không ảnh hưởng đến người Canada”. Ông cũng có kế hoạch thảo luận với 9 tiểu bang khác để đưa ra phản ứng cùng nhau. Ontario – tiểu bang đông dân nhất Canada – hiện là trung tâm sản xuất xe hơi của nước này.
Hồi đầu tháng, Ontario thông báo phụ thu 25% với điện xuất khẩu sang Mỹ từ ngày 10/3, nhằm đáp trả thuế nhập khẩu của ông Trump với Canada. Tiểu bang này cũng là nơi xuất khẩu phần lớn điện cung cấp cho các bang New York, Michigan và Minnesota. Tuy nhiên, ngày 11/3, Ford cho biết dừng việc phụ thu giá điện sau cuộc nói chuyện với Bộ trưởng Thương mại Mỹ Howard Lutnick.
Đầu tháng 2, Canada công bố kế hoạch áp thuế nhập khẩu với 155 tỷ đôla Canada hàng Mỹ, áp dụng theo từng giai đoạn, tùy vào động thái của ông Trump. Đến nay, họ đã 2 lần áp thuế trả đũa nước láng giềng, sau khi Mỹ công bố thuế với toàn bộ hàng hóa Canada và thuế khác với riêng sản phẩm nhôm, thép.
Hà Thu (theo Reuters)