PHẠM LÃI & TÂY THI VÀ MỘT THỜI TAO LOẠN

Trước khi vô đề tài này, tôi xin nêu lên một hai điều mà đã từ lâu, một số chúng ta đã hiểu lầm hay nhìn không đúng thực tế về một số giai thoại lịch sử của nước Tầu ngày xưa:

Thứ nhất: trong “Tứ Đại Mỹ Nhân” của nước Tầu xưa gồm: Tây Thi, Chiêu Quân, Điêu Thuyền, Dương Qúy Phi… thì Tây Thi là người luôn luôn đứng đầu sổ, vậy Tây Thi phải là người đẹp nhất trong “Tứ đại mỹ nhân”. Điều này có lẽ không đúng vì hai lý do sau đây:

 – Sự xắp xếp ai trước ai sau là theo diễn biến trước sau của lịch sử: Tây Thi sống vào thời Xuân Thu (thế kỷ thứ 5 trước Công Nguyên)- Vương Chiêu Quân: vào thời Tây Hán (thế kỷ thứ 1 TCN – Điêu thuyền: thời Tam Quốc (thế kỷ thứ 2 sau CN) và Dương Qúy Phi (thế kỷ thứ 8 sau CN): như vậy, ta thấy rõ ràng là sự sắp xếp này là theo niên biểu trước sau của lịch sử mà thôi 

 – Nếu ta nói là bà này đẹp hơn bà kia, thì ít ra ta phải để hai bà đứng cạnh nhau để so sánh (kiểu như thi hoa hậu ngày nay vậy). Tuy nhiên, khi Vương Chiêu Quân sinh ra thì Tây Thi đã ra người thiên cổ từ lâu, và cái kẻ có diễm phúc được nhìn thấy Tây Thi thì đã khuất bóng từ vài thế kỷ trước khi Vương Chiêu Quân ra đời. Do đó, ai là người có thể nói là Tây Thi đẹp hơn Chiêu Quân hay Dương Qúy Phi? Vậy thì khi chuyện nhìn thấy để so sánh đã không có, thì chuyện nói người này đẹp hơn người kia chỉ là chuyện tưởng tượng mà thôi. Ấy vậy mà các thi nhân nước Tầu qua các triều đại, hầu như không thời nào là thiếu những thi sĩ ca tụng sắc đẹp Tây Thi: đời Đường (thế kỷ thứ 8) có Lý Bạch, Bạch Cư Dị, Vương Duy…, đời Tống (thế kỷ thứ 11) có Tô Đông Pha.v.v. Các ông này đều làm thơ theo trí tưởng tượng của các ông về một người đẹp trong lịch sử. Họ có được nhìn thấy Tây Thi bao giờ đâu?

Thứ hai: Chuyện trầm ngư, lạc nhạn… (chim sa, cá lặn): trong tứ đại mỹ nhân của Trung Hoa, thì Tây Thi được coi như là người có sắc đẹp “trầm ngư” (cá thấy nàng đẹp quá… nên lặn sâu đáy nước). Chiêu Quân: lạc nhạn (chim thấy nàng, mải ngắm nhìn ngưng vỗ cánh và rơi xuống đất). Điêu Thuyền: bế nguyệt – nàng đẹp đến nỗi trăng phải thẹn và núp vào mây. Và Dương Qúy Phi: Tu hoa (khi nàng ngắm hoa thì hoa rũ héo vì hổ thẹn trước sắc đẹp của nàng!). Tất cả những mô tả trên đây đều là những tưởng tượng thái quá của những anh Tầu thời xưa, nhưng ngặt một nỗi là các cụ ta xưa đều nhắc lại bằng những câu như: Hoa nhường, nguyệt thẹn, chim sa, cá lặn v.v Xin thưa: tất cả đều là hoang tưởng. Chuyện Tây Thi có sắc đẹp “trầm ngư”, thì hãy thử hỏi khi ta ra bờ sông, cá thấy bóng người đều lặn xa. Như vậy là ta có vẻ đẹp “trầm ngư” của Tây Thi chăng? Cũng như khi ta đụng vào cây “xấu hổ” (cây hoa trinh nữ) thì cây này cụp xuống, vậy thì ta cũng đẹp như Dương Qúy Phi? Do đó, ta hiểu là những mô tả này đều là mộng của mấy anh Tầu xưa mà thôi

Thứ ba: Chuyện Phạm Lãi & Tây Thi: sau binh biến trở về, thì hai người cùng nhau hưởng cảnh thần tiên của Thái Hồ (nơi có 90 đảo nhỏ, và thành Tô Châu soi bóng; Thái Hồ ở giữa hai tỉnh Giang Tô và Chiết Giang ngày nay) và không về với thế giới trần tục: chuyện này cũng lại là mộng nữa. Lý do tại sao thì xin đọc phần dưới bài

 Bối cảnh lịch sử của thời Phạm Lãi & Tây Thi:

 Đời Xuân Thu (722-481 tr CN): đây là một thời đại hỗn loạn với sự suy đồi của nhà Chu (hoàng đế Tầu thời đó) và nước Tầu gồm nhiều nước chư hầu hợp lại. Nhà Chu có danh nhưng không có thực quyền: các chư hầu người xưng hùng, kẻ xưng bá đánh nhau không ngớt. Nhân dân phải đi xâu, đi lính, và chiến tranh liên miên. Ông Khổng Tử sống vào thời binh đao này, làm ra cuốn sử nước Lỗ (là một chư hầu) kể chuyện thời gian đó, ông gọi tên sách là “Xuân Thu”. Người sau nhân đó gọi thời đại này là thời “Xuân Thu” (tức là cùng thời với ông Khổng Tử). Trong thời loạn lạc, ta hãy kéo trọng tâm tầm nhìn của ta vào hai chư hầu ở phía đông nước Tầu quanh vùng Thượng Hải ngày nay là: Ngô (nay thuộc tỉnh Giang Tô với thành phố Tô Châu) và Việt (nay thuộc tỉnh Chiết Giang với thành phố Hàng Châu). (Chú thích: xin nêu rõ nước Việt này không phải là nước Việt của chúng ta, vì vào thời đại này nước ta có tên là Văn Lang, gồm các bộ: Giao Chỉ, Cửu Chân, Việt Thường…, do họ Hồng Bàng (2879- 258 tr CN) với các vua Hùng trị vì).

 Năm 496 tr CN: vua Ngô là Hạp Lư nghe tin vua Việt tên là Doãn Thường chết, bèn đem quân đánh Việt. Vua Việt là Câu Tiễn (con Doãn Thường), sai quân quyết tử ra khiêu chiến. 300 quân quyết tử cầm dao ngắn, chỏ vào cổ mình, rồi dàn thành 3 hàng, tiến vào trận tuyến quân Ngô, thét to, rồi tự đâm vào cổ. Quân Ngô bàng hoàng lấy làm quái lạ, mải nhìn rồi hỏi lẫn nau, mà không hiểu đây chỉ là một màn tự sát tập thể để cho quân Ngô chú ý theo dõi và không phòng bị: trong khoảng khắc quân Việt nổi hiệu trống và cầm dao ngắn, cắp mộc xông vào đánh úp. Quân Ngô hoảng hốt và trở thành rối loạn. Lúc này Câu Tiễn – vua Việt – đem đại binh tràn qua. Quân Ngô bị thua to ở thành Huệ Lý, vua Ngô Hạp Lư bị tên bắn trúng. Hạp Lư, trong lúc sắp chết, trối trăn với con là Phù Sai: Phải trả thù này. Việc này có thể coi là khởi thủy cho một mối thù đưa tới sự tiêu diệt một nước trong cổ sử 

Phạm Lãi (517 trCN – 448 trCN): Phạm Lãi (tên tự là Thiếu Bá) là một chính khách lỗi lạc, một kinh tế gia, một người làm từ thiện đầu tiên và lớn nhất trong lịch sử Trung quốc, một nhà quân sự đại tài, trên thông thiên văn dưới hiểu điạ lý. Ông là cha đẻ của ngành thương nghiệp Trung quốc: điều đáng chú ý là nhờ thương nghiệp, ông trở nên giầu có 3 lần – và cả 3 lần, ông đều mang hết tài sản hiến cho từ thiện. 

Dưới thời Việt vương Câu Tiễn, Phạm Lãi cùng với Văn Chủng đều làm Đại Phu (quan đầu triều) và là quân sư cho Câu Tiễn.

Mùa xuân năm 493, Ngô Phù Sai đã hết tang cha, mới cáo nhà Thái Miếu, rồi bái Ngũ Viên (tức Ngũ Tử Tư) làm đại tướng, Bá Hi làm phó tướng, cử đại binh qua đường thủy Thái Hồ sang đánh nước Việt. Vua Việt là Câu Tiễn họp triều thần để thương nghị. Đại phu Phạm Lãi tâu: “Nước Ngô bị ta giết mất vua, lập chí báo thù 3 năm nay rồi, khí lực đang ngất trời, ta khó lòng mà địch nổi. Cách tốt nhất là cố thủ mà thôi.” Đại phu Văn Chủng cũng khuyên là nên hòa

 Câu Tiễn nói “Nước Ngô là kẻ thù của ta, đem quân sang đánh. Nay nếu ta không đánh lại thì tưởng cũng là hèn lắm ru?”. Câu Tiễn đem 3 vạn quân ra đón đánh quân Ngô ở dưới núi Tiêu Sơn. Lúc mới giao chiến, Quân Ngô giả lui, Câu Tiễn thừa thắng tiến vào- thì gặp đại quân của Phù Sai. Hai bên giàn trận quyết chiến. Phù Sai đứng ở mũi thuyền, tay cầm dùi trống đích thân đốc suất quân sĩ. Tướng sĩ hăng hái quên mình xông lên trước. Lúc đó gió bắc nổi lên, sóng xô dữ dội đưa thuyền của quân Ngô vun vút về Nam. Ngũ Viên và Bá Hi mỗi người một chiếc thuyền lớn giương buồm thuận gió mà tiến. Quân Ngô đem cung nỏ bắn như mưa. Quân Việt từ phía Nam, bị ngược gió, thua to bỏ chạy, quân sĩ chết không biết bao nhiêu mà kể. Câu Tiễn và tàn quân – lúc đó chỉ còn 5 ngàn người – chạy về cố thủ ở núi Cối Kê (nay thuộc phủ Thiệu Hưng- tỉnh Chiết Giang). Trong lúc khốn cùng ông thở dài mà than rằng “Bởi ta không nghe lời Phạm Lãi và Văn Chủng nên mới nên nông nỗi này”. Sau đó muốn giết hết vợ con, đốt của cải châu báu, xông ra đánh một trận để tìm cái chết. Phạm Lãi can: “Kẻ nào hóa giải được tình hình nguy ngập là kẻ biết lòng người. Nhà vua hãy dùng lễ hậu để mua lòng người ta. Nếu người ta không nghe thì xin thân hành đến thờ người ta”. Văn Chủng tiến lên hiến kế: “Lúc này xin hòa cũng còn kịp. Thần biết phó tướng nước Ngô là Bá Hi là người tham của và mê sắc. Ta nên sang dinh Bá Hi khéo nói với hắn, để hắn chủ việc giảng hòa cho”. Câu Tiễn nghe theo và tức khắc sai sứ về đô thành tuyển 8 mỹ nữ trong cung, trang sức thật lịch sự và một nghìn nén vàng, gấp rút sai Văn chủng sang dinh Bá Hi xin yết kiến. Bá Hi nhận lễ vật cùng mỹ nữ và nhận lời giúp cho Văn Chủng được gặp vua Ngô.

Câu Tiễn chịu nhục nằm nhà đá 

Lúc vào chầu vua Ngô, Chủng lết đi bằng đầu gối, rồi đập đầu xuống đất mà nói: “Kẻ bề tôi của bệ hạ là Câu Tiễn, sai bồi thần là Văn Chủng tâu bệ hạ là Câu Tiễn xin làm tôi nước Ngô, vợ Câu Tiễn xin làm thiếp của bệ hạ. Nếu bệ hạ không tha cho thì Câu Tiễn sẽ giết vợ con, đốt tất cả châu báu, đem 5 ngàn quân ra đánh để chịu chết.” Phù Sai nói: “Nay vua ngươi đã xin làm tôi Ngô, vậy có chịu theo ta về Ngô hay không?” Chủng xụp lậy và tâu: “Kẻ đã xin làm tôi thì sống chết ở trong tay nhà vua, thế nào cũng xin vâng mệnh”. Vua Ngô sắp ưng thuận, thì tướng quốc nước Ngô là Ngũ Tử Tư tiến ra can: “Trời đem nước Việt cho nước Ngô, nếu nhà vua không diệt họ hôm nay thì sau này sẽ hối hận”. Phù Sai không nghe lời can của Ngũ Tử Tư, tha cho Câu Tiễn, cho ông về nước sửa soạn ngọc ngà châu báu sang cống và hẹn tháng 5 năm đó (493 tr CN) thì vợ chồng Câu Tiễn phải sang Ngô- nếu không thì sẽ đem đại quân diệt nước Việt. Sau đó sai làm một cái nhà đá bên cạnh mộ Hạp Lư, cho vợ chồng Câu Tiễn ở đấy, lột mũ áo đi mà cho mặc quần áo vải thô, bắt giữ việc chăn ngựạ. Mỗi khi Phù Sai đi đâu lại bắt Câu Tiễn cầm roi ngựa, đi đất ở trước xe. Người nước Ngô đứng ở ven đường chỉ trỏ mà bảo nhau rằng: Đấy là vua nước Việt. Câu Tiễn cúi đầu mà đi.

 Tiễn ở nhà đá, Phạm Lãi sớm hôm hầu hạ không rời một bước. Một hôm Phù Sai triệu Câu Tiễn vào yết kiến. Tiễn sụp lạy, Phạm Lãi đứng đàng sau. Phù Sai bảo Phạm Lãi rằng: “Ta nghe nói danh hiền không làm quan ở một nước diệt vong. Nay Câu Tiễn vô đạo, nước sắp bị diệt, chịu nhục trong tù. Vậy ta tha tội cho nhà ngươi, và nếu ngươi bỏ Việt theo Ngô, thì ta sẽ trọng dụng. Đó là bỏ nơi tối tăm mà tìm về với ánh sáng. vậy nhà ngươi nghĩ sao?”. Bấy giờ Câu Tiễn phục ở dưới đất khóc ngất, chỉ sợ Phạm Lãi theo Ngô.

 Phạm Lãi xụp lậy và tâu Phù Sai rằng: “Kẻ mất nước không dám nói hay, tướng đã thua không dám nói giỏi. Tôi là kẻ bất trung ở nước Việt đã không biết giúp chúa công tôi, để đến nỗi đắc tội với đại vương. Nay đại vương đã tha cho không giết mà để cho vua tôi được gần nhau, sớm hôm cùng hầu hạ đại vương. Như vậy là tôi được mãn nguyện rồi, đâu còn dám mong phú qúy!”.

Phù Sai biết không lay chuyển được Lãi, truyền cho vua tôi được trở về nhà đá. 

 Sau 2 năm bỏ Câu Tiễn trong nhà đá, một hôm Phù Sai lên Cô Tô đài (nay thuộc Tô Châu), thấy vợ chồng Câu Tiễn ngồi cạnh đống phân ngựa, Phạm Lãi cầm chổi đứng hầu một bên, mới ngoảnh lại bảo quan Thái tể Bá Hi rằng: “Họ chẳng qua là người nước nhỏ, vậy mà trong khi hoạn nạn, vẫn giữ được lễ vua tôi, ta rất có lòng kính trọng, nay ta muốn tha cho vua Việt về nước”. Tướng quốc Ngũ Tử Tư nghe Phù Sai sắp thả Câu Tiễn, vội vào yết kiến và tâu rằng: “Xưa Vua Kiệt nhà Hạ giam vua Thang mà không giết, vua Trụ nhà Thương giam Văn Vương rồi tha, đến lúc đạo trời quay lại, thì vua Kiệt bị vua Thang đuổi, Trụ bị Văn Vương nhà Chu diệt. Nay đại vương giam Câu Tiễn mà không giết, lại có ý thả, tôi e rằng lại sắp có họa như nhà Hạ và nhà Thương”. Phù Sai không nghe vì tin rằng vua Việt thực lòng phục tùng mình như nghĩa chúa tôi và vài hôm sau thả vợ chồng Câu Tiễn cùng Phạm Lãi về nước.

Nung đúc mối thù: 

Khi Câu Tiễn về tới Việt, Văn Chủng đem triều thần và dân trong thành ra đón ở bến Chiết Giang. Câu Tiễn lòng bồi hồi nhìn cảnh xưa người cũ mà bật khóc, nói vài lời ủy lạo, rồi giục ngựa vào thành. Muốn ghi sâu trong lòng cái nhục ở Cối kê, Câu Tiễn muốn thiên đô ra đấy để luôn luôn nhớ tới, bèn giao việc này cho Phạm Lãi lo liệu. Khi thành Cối Kê xây xong, Câu Tiễn dời đô ra nơi đây. Nay Phạm Lãi làm tướng quốc, tâu vua rằng: “Xin chúa công chớ khi nào quên cái nhục ở nhà đá, thì mới có cơ báo thù được nước Ngô”. Câu Tiễn ngày đêm muốn báo thù, cho nên khổ mình, nhọc sức, sai treo một quả mật ở chỗ ngồi, khi ngồi hay nằm đều nhìn mật, khi uống hay ăn đều nếm mật. Câu Tiễn thường tự nói với mình: “Mày quên cái nhục ở Cối kê rồi hay sao?”. Mùa đông thì ngồi gần nước băng, mùa hạ thì ngồi gần đống lửa, xếp củi mà nằm lên trên chứ không nằm giường nệm (Tiễn thực hành đúng mấy chữ “nằm gai nếm mật”). Trong 7 năm, chưa tháng nào, Câu Tiễn không sai sứ sang triều cống nước Ngô. Nhân Phù Sai trong khi đắc chí, muốn xây thêm cung thất để lấy chỗ vui chơi, nên cho xây đài Cô Tô lên cao để có thể từ đây nhìn ra trăm dậm, và dự trù đài có thể chứa cả nghìn người, rồi đưa nghệ nhân mỹ nữ vô đây để ca múa mua vui. Đài cần gỗ qúy, thì Văn Chủng khuyên Câu Tiễn gởi ba ngàn thợ khéo đi vô rừng, tìm những cây gỗ lớn và qúy nhất của nước Việt sang cống Phù Sai. Văn Chủng nhân chuyện này tâu: “Con cá lặn dưới vực sâu, chỉ chết vì miếng mồi thơm. Nay chúa công muốn báo thù nước Ngô thì phải tìm mồi xem họ thích cái gì rồi mới có thể trị nổi. Nay tôi có 7 thuật để đánh Ngô. 7 thuật này là: 1. Chịu tốn của cải để đút lót vua Ngô 2. Xuất tiền mua lúa Ngô, để cho Ngô thiếu lương thực 3.Dâng mỹ nữ để mê hoặc vua Ngô 4. Đút lót cho các nịnh thần 5. Xui dục người can gián để gây mâu thuẫn 6. Làm cho nước giàu để bồi đắp võ lực 7. Tích quân nhu, luyện sĩ tốt, chờ lúc Ngô kiệt quệ thì động binh”.

 Câu Tiễn nói: “Hôm trước quan Đại phu khuyên nên đem thợ khéo gỗ tốt sang dâng để cho hắn xây cung thất tốn hại tiền của, làm lao lực dân chúng, làm dân oán hận. Nay chúng xây đài to, cần mỹ nữ để mua vui trên đài thì ta nên làm sao?”, Chủng tâu: “Tôi có một kế, có thể xem mặt hết con gái trong nước. Xin chúa công phái một trăm nội thị đi cùng với bọn thầy tướng, giả cách đi xem tướng khắp nơi, thấy mỹ nữ thì lấy tên và chỗ ở. Dùng cách này mà chọn thì sẽ không thiếu gì mỹ nữ”. Câu Tiễn theo kế ấy, mới trong nửa năm mà đã tuyển được hai nghìn mỹ nữ, trong số này có Tây Thi và Trịnh Đán

Tây Thi, cô gái Trữ La Thôn

 Tây Thi tên thật là Thi Di Quang, sinh năm 506 Tr CN tại thôn Trữ la (nay thuộc phủ Thiệu Hưng, tỉnh Chiết Giang). Trữ La có hai thôn: thôn Đông và thôn Tây. Tây thi là người ở thôn Tây, nên gọi là Tây Thi- Nàng sinh ra trong một gia đình nghèo khó, cha nuôi tằm ươm tơ, mẹ thì giặt lụa mưu sinh. Tây Thi lớn lên ở chốn sơn khê song hương sắc tuyệt trần. Vì gia cảnh khó khăn nên quanh năm suốt tháng, nàng phải mặc xiêm y bằng vải bố, nhưng vẫn không thể che lấp được vẻ đẹp hiếm có. Nơi thôn Trữ la, có con suối gọi là suối Hoán Sa, bên trong suối có tảng đá lớn cũng gọi là đá Hoán sa, nới Tây thi cùng các cô gái trong thôn giặt lụa tại đây.

Lúc bấy giờ, Câu Tiễn nghe nội thị về báo là có người đẹp nghiêng nước đang sinh sống tại Trữ la thôn, bèn phái Phạm Lãi đem một trăm nén vàng đón về, ra lệnh cho nàng bỏ đồ vải bố, mặc đồ the lụa, ngồi xe có màn phủ. Người trong thành Cối Kê nghe tiếng có mỹ nữ, ai cũng muốn xem mặt, tranh nhau đổ ra ngoài làm đường phố chật ních. Phạm Lãi để Tây Thi và Trịnh Đán ở ngoài quán xá, rồi truyền dụ rằng ai muốn xem mặt mỹ nữ phải nộp một đồng tiền. Chỉ trong một lúc mà tiền bỏ đầy quỹ. Hai nàng trèo lên lầu, đứng tựa vào bao lan, từ dưới trông lên, khác nào tiên nữ đứng trên không. Tây Thi và Trịnh Đán ở lại ngoại thành 3 ngày, tiền thu được rồi bỏ vô kho không biết bao nhiêu mà kể. Từ ngày đó cũng như về sau, sắc đẹp của Tây Thi (cũng như Trịnh Đán) được truyền miệng đi khắp nước Việt và ra ngoài biên cương. Câu Tiễn cho hai mỹ nữ ở riêng tại Thổ Thành, rồi sai một nhạc sư già dậy hát múa. Sau ba năm rèn luyện tác phong qúy phái và học cách làm vừa lòng Phù Sai tại Việt cung Cối Kê, Tây Thi và Trịnh Đán được giao phó trọng trách là làm thê thiếp cho Phù Sai, đưa Phù Sai đắm chìm trong tửu sắc mà quên chính sự.

 Khi sang tới Ngô, Phạm Lãi tâu: “Vua của tôi là Câu Tiễn tìm được hai mỹ nhân. Hiện nước Việt gặp khó khăn nên không dám giữ lại hai nàng. Nay kính dâng lên đại vương, kẻo không thì ngọc tàn hoa úa”. Tướng quốc Ngô là Ngũ Tử Tư biết được dụng ý của Câu Tiễn, nên lên tiếng can ngăn: “Thần nghe nói ngũ sắc làm mắt ta mờ, ngũ âm làm tai ta điếc. Nhà Hạ mất vì Muội Hỷ, nhà Ân vong bởi Đắc Kỷ, Chu diệt bởi Bao Tự, nếu đại vương thâu nhận, e có tai họa về sau.” Tuy nhiên Phù Sai sau khi nhìn thấy Tây Thi thì lòng mê mẩn, quyết có nàng cho bằng được, nói với Tử Tư: “Người ta ai không thích cái đẹp? Câu Tiễn tìm được mỹ nữ, mà chịu đem tiến ta. Điều đó chứng tỏ Câu Tiễn một lòng trung thành với ta. Quan tướng quốc chớ nghi”. Rồi không nghe lời Ngũ Viên, mà nhận Tây Thi và Trịnh Đán làm thê thiếp. Phù Sai yêu cả hai, nhưng đẹp lộng lẫy và lôi cuốn lòng người, thì Tây Thi có phần hơn. Sau đó, tại Ngô cung, đúng như mong đợi, Tây Thi đã dắt Phù Sai vào mê cung tình ái mà sao lãng bổn phận làm vua của mình

Mê cung tình ái:

Tây Thi vô ở đài Cô Tô với Phù Sai lúc nàng ở tuổi đôi mươi nhưng mỗi khi đi chơi đâu, thì nghi vệ chẳng khác gì hoàng hậu. Trịnh Đán ở Ngô cung, ghen với Tây Thi, uất ức không nói ra được, sau một năm thì chết. Phù Sai là con người tình cảm, rất thương tiếc, cho đem chôn ở núi Hoàng Mao và lập đền thờ cúng. Vì yêu Tây Thi, Phù Sai sai quan đại phu Vương Tôn Hùng lập ra cung Quán Khuê ở núi Linh Nham, trang hoàng toàn bằng châu ngọc để làm chỗ cho Tây Thi ra chơi. Tại nơi đây, Phù Sai lập ra Hưởng Điệp Lang- đây là một hành lang, bên dưới đặt rất nhiều chum, trên lát ván. Nàng Tây thi đi guốc (tức là điệp) lượn ở trên, tiếng kêu như chuông, như nhạc cho nên gọi là hưởng điệp. Trên núi Linh Nham có hồ ngoạn hoa (Hồ xem hoa), ao Ngoạn nguyệt, giếng Ngô Vương để Tây Thi soi mặt. Trên núi có động Tây Thi để Phù Sai và Tây thi ngồi chơi ở nơi này (nay đá ngoài cửa động có chỗ sụt, người ta gọi là vết chân Tây Thi). Trên núi có Cầm Đài, là nơi Phù Sai nghe Tây Thi chơi đàn. Phù Sai sai người trồng hoa ở Hương sơn, là một giải nước ở phía nam núi Linh Nham, để Tây Thi và cung nhân chở thuyền đi hái hoa. Phù sai thường cùng tây Thi ra nghỉ mát tại Nam Loan. Đây là một cái vịnh độ hơn mười dậm, ba mặt là núi, chỉ có mặt nam trống không, trông như cửa núi mở ra bầu trời, mới đặt lại tên nơi này là Tiên Hạ Loan.

 Báo thù 

Phù Sai sau khi được Tây Thi, thì luôn luôn ở trên Cô Tô đài, bốn mùa vui chơi, rượu chè đàn địch mà quên hết việc nước. Chỉ cho Bá Hi và Vương Tôn Hùng được hầu ở bên cạnh. Mỗi khi Ngũ Viên xin yết kiến, Phù Sai đều từ chối không cho vào. Về phần nước Việt, thì Câu Tiễn cho Phạm Lãi ngày đêm luyên tập tướng sĩ quyết chờ ngày báo thù. Sau khi thắng Việt và được Việt triều cống thần phục, thì thanh thế nước Ngô gia tăng rất nhiều. Phù Sai muốn cất quân đánh Tề (ở phía bắc nước Ngô- thuộc Sơn Đông ngày nay) để hỏi tội là đã xin thần phục Ngô nhưng không chịu cống hiến. Câu Tiễn nghe tin Ngô sắp đánh Tề, nên sai đại phu Chư Kê Dĩnh đem ba nghìn quân Việt phụ giúp Ngô đánh Tề theo nghĩa thần tử với vua Ngô. Ngũ Viên nghe Phù Sai sắp cất quân đánh Tề, liều chết xin vào gặp vua và can rằng: “Đại vương tin nước Việt thần phục nước Ngô. Nay hạ thần nghe tin Việt dùng Phạm Lãi ngày đêm luyện tập quân sĩ, nay mai khi ta đánh Tề, Việt thừa cơ sang đánh nước ta thì nguy lắm. Nước Việt chính là bệnh trong tim ruột của ta, còn Tề chỉ như bệnh ghẻ ở bên ngoài. Nay đại vương đem quân đi xa, thì tôi nghĩ rằng chưa thắng được Tề mà phải khổ với Việt”. Phù Sai nổi giận nói rằng: “Ta sắp xuất quân mà lão tặc đã nói gở để cản trở quân ta, nghĩ có đáng tội không?”. Lúc bấy giờ Phù Sai đã có ý giết Ngũ Viên, nên sai Viên đem thư khai chiến sang Tề, trong thư dùng lời lẽ nặng nề kể tội nước Tề, chủ ý mượn tay Tề giết Viên để khỏi mang tiếng là giết công thần. Tuy nhiên Tề không giết Viên và sau khi giao chiến với quân Ngô, Tề thua to ở Ngải Lăng, và phải xin triều cống.

 Riêng Ngũ Viên, khi sang Tề đã biết là Phù Sai có ý giết mình, hơn nữa ông nghĩ nước Ngô chẳng còn tồn tại bao lâu nữa, nên mang theo người con trai sang gởi ở bên Tề để phòng khi nguy biến. Riêng ông, ông không nỡ bỏ Ngô, nên trở về đất nước. Đây là một quyết định sai lầm trong đời Ngũ Viên và đưa tới cái chết của chính ông. Phù Sai sau khi thắng trân trở về, biết Ngũ Viên có gởi một người con ở Tề, nên cho là ông có ý phản Ngô. Phù Sai lấy cớ này cho người mang thanh kiếm Chúc Lâu đưa cho Viên. Viên hiểu ý Phù Sai và cầm thanh kiếm đứng giữa sân nhà nói: “Đại vương muốn ta chết đây. Khi ta chết rồi, các ngươi phải khoét mắt ta, mà treo ở cửa đông để xem quân Việt kéo đến”. Nói xong tự đâm cổ mà chết.

Phù Sai từ ngày dẹp Việt, thắng Tề uy danh lừng lẫy trong các chư hầu, nên trở thành kiêu bạc muốn tranh ngôi bá chủ Trung nguyên. Đo đó, vào năm 483 Tr CN, Phù Sai để thế tử Hữu cùng một số người già yếu ở lại giữ nước, còn mình thì đem tất cả quân tinh nhuệ tới hội quân với chư hầu ở Hoằng Trì (thuộc nước Vệ, nay thuộc tỉnh Hà Nam, gần Lạc Dương) mong tranh nghiệp bá với nước Tấn. Trong khi Phù Sai đang hội quân với chư hầu, thì Câu Tiễn, theo lời khuyên của Phạm Lãi, đem quân đánh úp nước Ngô. Thế tử Hữu của Ngô bị quân Việt bắt sống và sau đó tự sát. Phù Sai phải bỏ Hoằng Trì kéo quân về – tuy nhiên vì quân Ngô đi đường xa mỏi mệt, bị Câu Tiễn đánh thảm bại. Phù Sai phải mang nhiều của cải sai sứ sang giảng hòa với nước Việt. Trong nhiều năm sau, Ngô bị bị Việt tấn công liên tiếp, và sau khi Ngũ Tử Tư bị bức tử, thì những phò tá của Phù Sai như Bá Hi, Vương Tôn Hùng.. chỉ là những bị thịt, so với những người tài của Việt như Phạm Lãi, Văn Chủng… Cho nên chuyện gì phải đến đã đến: trong 3 năm, từ 476 TCN tới 473 TCN, quân Việt vây hãm quân Ngô rất ngặt trên núi Cô Tô (Tô Châu ngày nay). Phù Sai không còn đường thoát, sai đại phu Công Tôn Hùng ở trần, đi bằng đầu gối đến xin gặp vua Việt, tâu rằng: “Kẻ bề tôi cô độc là Phù Sai trước đắc tội ở Cối Kê, nhưng không dám trái mệnh, được cùng với đại vương giảng hòa (ý nói đã tha cho Câu Tiễn trước đây). Nay kẻ bề tôi cô độc cũng mong đại vương nghĩ đến việc Cối Kê trước mà mà xá tội cho”. Câu Tiễn có ý không nỡ, đã toan cho hòa. Phạm Lãi nói: “Nhà vua đã lo lắng hai mươi năm trời để trả thù Ngô, nay trời đem nước Ngô trao cho nước Việt, ta có nên làm trái mệnh trời mà bỏ đi chăng?”. Câu Tiễn nghe lời Phạm Lãi không cho hòa. Tuy nhiên Tiễn thương hại cho người tới nói với vua Ngô: “Ta cho nhà ngươi làm vương một trăm nhà ở đất Dũng Đông (điều này có nghĩa là đày vua Ngô ra Dũng Đông)”. Phù Sai thấy nhục nhã không thể chấp nhận, nói “Ta không còn mặt mũi nào nhìn thấy Tử Tư” và che mặt rồi dùng dao tự đâm cổ chết. Từ đó, nước Ngô bị Việt tiêu diệt, và Phù Sai trở thành vị vua cuối cùng của nước Ngô. 

Ngày tàn chinh chiến 

 Sau khi thắng trận, Câu Tiễn giết tất cả các bề tôi của Phù Sai, kể cả Bá Hi, là người thực ra đã xin Phù Sai tha cho Câu Tiễn nhiều lần. Câu Tiễn không ban thưởng hay chia đất phong hầu cho các công thần, lại không muốn kề cận các công thần. Một hôm Câu Tiễn bày tiệc ở Văn Đài nước Ngô cũ, cùng với các quan uống rượu. Trong tiệc nhạc công gảy đàn cầm hát mừng chiến thắng, trong bài hát có câu: “Sự nghiệp lẫy lừng sử sách ghi. Thưởng phạt xứng đáng không tiếc gì.” Câu Tiễn nghe câu hát, nét mặt không vui. Phạm Lãi thấy vậy, hiểu rằng Tiễn không muốn nói đến cái công của kẻ thần hạ, và nay thì mọi chuyện đã rõ. Đêm hôm đó Phạm Lãi bỏ hết vợ con, đi một chiếc thuyền nhỏ qua Tam Giang, vào Ngũ Hồ. Khi đã ra khỏi nước VIệt, Phạm Lãi gởi một bức thư về cho Văn Chủng. Thư nói rằng: “Chim đã trúng tên thì cung tốt phải cất, thỏ đã chết thì chó săn bị nấu. Địch quốc diệt thì mưu thần cũng chẳng còn. Vua Việt là người cổ dài, mỏ qụa, có thể cùng lo lúc hoạn nạn, nhưng không thể cùng hưởng lúc thanh bình. Sao ông không bỏ đi?”. Văn Chủng nhận được thư, cáo ốm không vào triều. Có người dèm nói với Câu Tiễn: “Văn Chủng ỷ có công to mà được thưởng ít, nên có ý oán vọng!”. Câu Tiễn vốn biết tài của Văn Chủng, nhưng nghĩ là Ngô đã bị diệt rồi, nay ông ta (Tiễn) oai trùm chư hầu, nên cũng chẳng cần tới tài của Chủng nữa. Vậy chỉ sợ y làm loạn thì chẳng ai trị nổi. Do đó Tiễn vờ tới thăm bệnh Văn Chủng. Khi vô nhà, Tiễn cởi thanh kiếm ra mà ngồi. Tiễn nói: “Nhà ngươi dạy quả nhân bảy thuật để đánh Ngô. Nay quả nhân mới dùng có ba, mà đã diệt được Ngô. Còn bốn thuật nữa, nhà ngươi hãy giúp ta dùng những thuật ấy với tiên vương xem sao?” (câu nói này chứng tỏ tâm địa tàn độc của Câu Tiễn với một người đã hết lòng giúp ông ta nên nghiệp vương bá). Tiễn nói xong lên xe đi về, bỏ lại thanh kiếm ở chỗ ngồi. Chủng cầm lên xem thì thấy trên vỏ kiếm có hai chữ “Chúc Lâu”, tức là thanh kiếm của Phù Sai đưa cho Ngũ Viên để tự tử khi trước. Chủng hiểu ý, cầm thanh kiếm tự đâm cổ chết.

 Mấy hôm sau, Câu Tiễn rút quân về Nam, đem cả Tây Thi về. Câu Tiễn phu nhân mật sai người bắt Tây Thi ra bờ sông buộc viên đá lớn vào rồi đẩy xuống sông mà nói rằng “Nó là một kẻ vong quốc, còn để làm gì”. Sự thực thì vợ Câu Tiễn thấy Tây Thi quá đẹp, sợ Câu Tiễn cũng si mê Tây Thi như Phù Sai trước đây, nên giết nàng mà thôi. Nếu chuyện này là đúng thì Tây Thi mất năm 473 TCN (cùng năm Phù Sai thất trận và tự sát). Lúc đó nàng mới 33 tuổi 

Gần 100 năm sau, Mặc Tử trong thiên “Thân sĩ”, có liệt kê những cái chết đáng chú ý, ông viết: “Ngô Khởi chi liệt, kỳ công dã, Tây Thi chi trầm, kỳ mỹ dã.” (Ngô Khởi chết vì cái kỳ công của mình, Tây Thi trầm mình vì cái đẹp của mình) ý đoạn này nói là những người được nêu tên đều đã chết vì cái sở trường của họ: sở trường từng người đều thu nhận tai họa tương đồng. Mặc Tử đồng thời cũng xác minh cái chết của Tây Thi chính là do bị dìm trên sông

Thời gian trôi và cả ngàn năm sau, người ta vẫn coi Tây Hồ, nơi thành Hàng Châu soi bóng, là hình ảnh của Tây Thi. Và để tưởng nhớ Tây Thi, vào đời Đường thuộc thế kỷ thứ 8, thi sĩ Lý Bạch có những vần thơ như sau:

 Tú sắc yểm cổ kim

 Hà hoa tu ngọc nhan

 Cán sa nộng bích thủy

 Tự hưng thanh ba gian

Tạm dịch: 

 “Nhan sắc mờ kim cổ

 Hoa thắm thẹn sắc hương

 Giặt lụa bên giòng biếc

 Sóng bạc tỏa ngàn phương.”

 

Vũ Ngọc Tấn

Sydney 1/05/2019

Vài lời của người viết bài:

 – Qua câu chuyện kể trên, ta thấy Tây Thi là một người đẹp có “nhan sắc mờ kim cổ”. như Lý Bạch mô tả, nhưng về phương diện ảnh hưởng tới lịch sử, thì thực ra, nàng đã đóng một vai trò rất khiêm nhượng. Có những tác giả mô tả nàng như một nữ anh thư đã cứu nước Việt: họ nêu lên chuyện chính nàng đã áp lực với Phù Sai để ông này thả Câu Tiễn sớm. Sự thực thì Câu Tiễn bị tù tại Ngô từ năm 493 Tr CN tới 491Tr CN. Sau khi được thả về nước Việt, Câu Tiễn mới nghe theo kế của Văn Chủng mà tìm ra Tây Thi để cống cho Phù Sai. Vậy chuyện nữ anh thư Tây Thi cứu vua Việt ra khỏi nhà tù Ngô là chuyện mộng mà thôi. Khi sang Ngô, nàng được Phù Sai thương yêu say đắm, đưa vào “mê cung” để vui hưởng những giây phút thần tiên với nàng. Nhưng có thực nàng làm cho Phù Sai đam mê tới mức mất nước hay không? có lẽ là không. Quyết định đem hết quân tinh nhuệ đi Hoằng Trì phó hội (và bỏ trống nước Ngô – năm 483 Tr CN) là do Phù Sai và Tây Thi không đóng một vai trò gì trong đó. Hơn nữa, về phía đối phương của Phù Sai, ta cũng phải kể đến lòng kiên trì và quyết tâm của Câu Tiễn: trong suốt 10 năm trước ngày đánh úp nước Ngô, thì Câu Tiễn và các bề tôi của ông ta đã đóng một màn kịch chúa tôi, thầy trò rất tài tình đối với Phù Sai, và cuối cùng thừa cơ Phù Sai bỏ trống kinh thành rồi tấn công chớp nhoáng, sau đó liên tục tấn công trong 10 năm. Vậy chuyện Phù Sai thua trận và đi tới mất nước, không phải là do Tây Thi. 

 – Riêng về cái chết của Tây Thi thì có nhiều giái thích khác nhau. Vì Phạm Lãi và Tây Thi cùng biến mất khỏi xứ Việt vào năm 473 Tr CN, cho nên có một số giải thích là Phạm Lãi đã đưa Tây Thi lên Thái Hồ rồi từ đó buông lỏng cuộc đời như thần tiên và không muốn tiếp xúc với trần tục. Tuy nhiên, kẻ viết bài này tin rằng Tây Thi chết chìm là vì những lý do sau đây:

 – Mặc Tử (người đứng đầu học phái Mặc Gia, khoảng 100 năm sau thời Tây Thi), xác nhận là Tây Thi chết chìm (Tây Thi chi trầm, kỳ mỹ dã) như đã nói ở phần trên 

 – Tư Mã Thiên (145 Tr CN- 86 Tr CN – tức là khoảng 300 năm sau Tây Thi) tác giả bộ “Sử Ký”, sống dưới thời Hán Vũ Đế. Cuốn “Sử Ký” là công trình sử học lớn nhất của Trung Quốc và cũng là một trong những cuốn sử lớn nhất của thế giới. Để viết sử, Tư Mã Thiên năm 20 tuổi đã theo lời khuyên của cha ông (cũng là một sử gia thời nhà Hán) lên đường du lịch khắp nước Tầu để xem tận mắt những nơi sau này ông sẽ viết sử. Ông tới thăm mộ mẹ Hàn Tín, thăm Cối Kê nghe những chuyện kể về vua Việt Câu Tiễn và đặc biệt là ông đi thuyền trên Thái Hồ, sưu tầm truyền thuyết về Tây Thi và Phạm Lãi, sau đó ông viết cuốn Sử Ký. Trong Sử Ký, không có một chữ nào ông viết về Tây Thi nhưng lại viết rất nhiều về Phạm Lãi. Trong chương “Việt Vương Câu Tiễn Thế Gia”, ông ghi sự kiện Phạm Lãi rời Việt, đi biển sang Tề, đổi tên họ là Chi Di Tử Bì, khổ thân khổ sức, cha con cùng lo làm ăn, vả trở nên giàu có của cải có hàng nghìn lạng vàng. Tề biết ông là người có tài, mời làm tướng quốc. Một thời gian sau ông từ quan vì nghĩ rằng tiếng tăm lừng lẫy là không tốt. Ông trả ấn tướng quốc, đem tài sản cho hết bạn bè, người nghèo khó rồi ra đi. Ông sang đến đất Đào (nay là huyện Định Đào, tỉnh Sơn Đông) tự gọi mình là Đào Chu Công. Ông lại thành danh và sau đó chết ở đất Đào. Người ta có thể nghĩ rằng Tư Mã Thiên không nhắc tới Tây Thi vì có thể là ông là người bị tội cung hình (bị cắt dương vật) cho nên không muốn nói chuyện về đàn bà? tuy nhiên, trong cuốn Sử Ký, ông viết khá nhiều về các nhân vật nữ, điển hình là ông dành cả một chương viết về bà Lữ Hậu (chương này tựa đề: Lữ Hậu Bản Kỷ), là vợ của Hán Cao Tổ Lưu Bang. Vậy lý do ông không nói gì về Tây Thi trong suốt hành trình của Phạm Lãi sau khi rời xứ Việt, cho ta hiểu rằng Tây Thi đã không hề đi cùng Phạm Lãi sau ngày tàn chinh chiến.

 – Đông Chu Liệt Quốc: đây là cuốn dã sử về đời nhà Chu (gồm thời Xuân Thu và Chiến Quốc), được viết dưới thời nhà Minh. Cuốn này kể rất nhiều về Tây Thi và Phạm Lãi. Riêng về Tây Thi, cuốn này mô tả là nàng bị dìm chết trên sông vì lòng ghen của vợ Câu Tiễn

VNT

Related posts