Ý NGHĨA ÂM NHẠC TRONG TƯƠNG QUAN VỚI CUỘC SỐNG

Âm nhạc là một nghệ thuật. Nghệ thuật là một hình thái đặc thù của ý thức xã hội, nhận thức hiện thực và thay đổi hiện thực bằng tư duy hình tượng, bằng ngôn ngữ riêng. Theo Belinski: “Nghệ thuật không dung nạp những tư tưởng triết lý trừu tượng, nhất là những tư tưởng duy lý; nó chỉ dung nạp những tư tưởng giầu chất thơ, mà những tư tưởng này thì không phải là tam đoạn luận, là giáo điều, là qui tắc, mà là dục vọng sống, là cảm hứng và nhiệt tình sôi nổi.

Ngôn ngữ âm nhạc là âm thanh, ít có khả năng gợi lên những hình ảnh thị giác, vì âm nhạc là nghệ thuật của thính giác. Cho nên âm hình không phải là tiêu chuẩn duy nhất để biểu lộ đặc trưng cơ bản, giá trị của âm nhạc. Có lẽ ta phải xét rộng hơn đến ý nghĩa của âm nhạc, như M.S. Kagan đã định nghĩa: ” Giá trị là ý nghĩa của khách thể đối với chủ thể….Ý nghĩa này khoa học không xác định được, bởi ví nó có tính chủ quan… Nó được xác lập bởi ý thức hệ, thế giới quan, và cảm nghiệm trực tiếp.

Ý nghĩa ở đây bao hàm cái lý tưởng, cái luận đề, cái lý thuyết, cái ý kiến, cái đạo đức, tóm lại là điều khẳng định mà người ta cho rằng tác phẩm biểu thị. Mặc dù không phải lúc nào cũng đúng, nhưng thường nó cũng còn bao hàm thái độ, ý định, mục đích của tác giả.

Chúng ta có thể phân biệt nhiều mức độ ý nghĩa trong âm nhạc. Dễ nhận biết nhất là ý nghĩa tường thuật, miêu tả, minh họa, bắt chước âm thanh thực sự hoặc diễn tả tượng trưng cảnh tượng. Loại này nhiều tính cụ thể, cho nên có khả năng giầu âm hình thị giác. Vd. Lê Thương sử dụng nhạc giật giọng, đều đều ngay đầu bài Hòn Vọng Phu để mô tả hình ảnh đoàn quân nhịp bước lên đường. Loại này cũng có thể dùng âm hình thính giác. Vd. tả cơn bão, có âm thanh gào rít lên.

Tiếp theo là ý nghĩa tác dụng tình cảm: âm nhạc khêu gợi nơi thính giả cảm nhận vui, buồn, ước muốn, hối tiếc, hăng hái… Cao hơn hết là ý nghĩa thuần túy âm nhạc, chú ý đến kết hợp âm thanh có giá trị thẩm mỹ về phương diện âm nhạc, mặc dù cũng có thể đượm chút tình cảm nhưng nhấn mạnh đến tác động giữa các âm thanh hơn. Loại này thường dành cho khí nhạc, gọi là nhạc tuyệt đối (absolute music).

Hai loại sau nhiều tính cách trừu tượng hơn, cho nên đặc trưng cơ bản của âm nhạc loại này nhiều phần phải tìm trong cái năng lực gợi cảm bén nhậy, khả năng tác động vào tâm hồn người nghe. Nhân tố tạo nên sức truyền cảm đó là âm thanh phải được kết hợp tài tình sao cho tác phẩm được tạo nên không còn chỉ là những âm thanh, mà là sự sống mãnh liệt, là tiếng nói của con tim (Beethoven), làm rung động mọi người. Nhiều tác phẩm lớn nằm trong hai loại này.

Về ý nghĩa của âm nhạc, các nhạc sĩ có ý kiến khác nhau. Có thể tạm chia thành hai phe. Phe thuần túy cho rằng âm nhạc không có ý nghĩa, hoặc nếu cho là có, thì ý nghĩa này hoàn toàn có tính cách âm nhạc, không thể diễn tả bằng ngôn ngữ thông thường. Phe dung hòa cho rằng âm nhạc có ý nghĩa, một loại ý nghĩa giống như cuộc sống ngoài đời.

Theo phe thuần túy, mô tả âm nhạc bằng những từ như “gợi cảm”, “giầu cảm xúc”…hoàn toàn thiếu sót, giống như giải thích khuôn mặt, hình dáng một người bằng quần áo đang mặc. Ngay các từ như “vui, buồn, hăng hái…” cũng không thích hợp cho việc thưởng ngoạn tác phẩm. Cái huyền diệu thiết yếu thật ra vẫn nằm thật xa sau những từ này.

Người ta vẫn cho rằng âm nhạc là ngôn ngữ của tình cảm, là tiếng nói con tim, nghĩa là của những cảm xúc tương tự trong cuộc sống thực, rằng nhiệm vụ chính của âm nhạc bao gồm việc khêu gợi lên những tình cảm này, và mặt biểu hiện đó đã xác lập khả năng lớn lao của âm nhạc Nhưng người ta không tự hỏi và giải đáp tại sao cái đẹp của giai điệu này lại được coi như hơn cái đẹp của giai điệu kia. Thành thử biểu tả những tình cảm ngoại âm nhạc không phải là nhiệm vụ của âm nhạc. Lý do dẫn chứng có thể kể:

Đối với hầu hết các tác phẩm hay, người ta không xác định được những yếu tố diễn tả nào đã khiến tác phẩm giá trị. Cho dù nếu có thì cũng rất mơ hồ. Và ngay trong những tác phẩm không hay, không tác dụng gì trên thính giả, cũng thấy xuất hiện các đặc trưng của yếu tố này.

Một bản nhạc cả hai người đều ưa thích, nhưng mỗi người diễn tả, giải thích rất khác nhau. Có khi người này thấy buồn mà người kia không cảm thấy gì.

Khả năng khêu gợi tình cảm có thể như nhau, nhưng mỗi bản nhạc là một cá thể độc đáo với vẻ đẹp đặc biệt riêng. Đối với người yêu nó, mỗi bài còn là nguồn khám phá vô vàn những thích thú mới lạ.

Không trả lời được những câu hỏi như: Tại sao biểu tả của âm nhạc lại dễ khơi động tình cảm hơn là một người thực ngoài đời? Buồn vui âm nhạc khác buồn vui ngoài đời ở chỗ nào?

Thực tế cho thấy càng làm quen với âm nhạc thì càng ít dùng những từ như “vui, buồn, tình cảm…” đễ diễn tả, giải thích âm nhạc. Giá trị tác phẩm âm nhạc không tùy thuộc vào việc diễn đạt hay khêu gợi tình cảm của cuộc sống, mà vào “tính chất âm nhạc đặc biệt” chỉ trực giác được qua người có năng khiếu và được huấn luyện về âm nhạc. Khả năng nhận thức đó đem lại những đặc tính và hiệu quả phải được thừa nhận như sự kiện độc nhất, tối hậu. Những đánh giá của nó là tuyệt đối, không tranh cãi, không thắc mắc, có tính chung thẩm.

Ngược lại, theo phe dung hòa, âm nhạc bằng cách này hay cách khác liên quan đến cuộc sống. Âm nhạc không ở trong một thế giới biệt lập, mặc dù tính chất và mức độ liên quan khó chỉ ra chính xác. Trong kinh nghiệm âm nhạc của chúng ta, chúng ta quả có cảm thấy đang tiếp xúc một tư tưởng, một trí tuệ, chứ không phải chỉ với một tài năng thiên bẩm.

Câu nhạc giống như những câu thơ là độc đáo, nhưng không vì thế mà tách biệt. Kinh nghiệm âm nhạc không tạo nên một thế giới khép kín của riêng chúng. Nhiệm vụ cao nhất của âm nhạc là diễn đạt được cảm nghiệm của nhạc sĩ, qua sắp xếp, tổ chức các âm thanh. Cả con người tổng thể hợp tác để tạo nên tác phẩm.

Quả thật để cảm nhận một tác phẩm trong bất cứ môi trường nào, cần phải có nhậy cảm đặc biệt, và các cảm tính đó có thể đạt được thoải mái, gần như hoàn toàn độc lập, không bị cái gì khác chi phối. Nhưng âm nhạc không cần phải nhất thiết không có ý nghĩa. Mọi âm nhạc lớn, và ngay cả âm nhạc bình thường, cũng đều có khơi gợi một bối cảnh tinh thần. Không những khơi gợi, mà chính những trạng huống này là điều kiện hiện hữu của âm nhạc.

Theo phe thuần túy, chỉ có thể bảo tác phẩm đã tạo dược thích thú ( mà mỗi người mỗi cảm nhận khác nhau và không thể truyền đạt) ở một mức độ nhiều hay ít. Thế nhưng, người ta vẫn không thể tránh được những đánh giá: tác phẩm này sâu sắc hơn; giai điệu kia cao nhã hay tình cảm hơn…

Quả thật có những tác phẩm có giá trị thẩm mỹ ở bề mặt, ở hình thức. Nhưng thế không có nghĩa là hầu hết âm nhạc không cần đến cái chiều thứ ba, tức chiều giá trị cuộc sống. Tác phẩm mang dấu ấn tác giả (kinh nghiệm cuộc sống, chiều sâu tâm hồn) khơi gợi được cảm xúc, mong ước.. bên cạnh đáp ứng khách quan của chúng ta đối với âm nhạc thuần túy.

Âm nhạc không biệt lập, mà độc đáo. Ý nghĩa của nó không thể giải thích bằng lời, hay bất cứ môi trường nào khác hơn là chính âm nhạc. Nghệ thuật tồn tại để truyền đạt cái không thể diễn đạt bằng cách khác. Nghệ thuật không thay thế cho nhau. Tuy nhiên giữa những cái độc đáo cũng có sự giống nhau. Nhưng lời nói không thể diễn đạt ý nghĩa âm nhạc; đó là do ngôn ngữ nghèo nàn chứ ý nghĩa của âm nhạc không phải là không liên quan đến cuộc sống, tách biệt khỏi cuộc sống.

Trước hai ý kiến trái ngược, chúng ta có nhận xét như sau:

Ngôn từ cuộc sống không thích ứng cho âm nhạc, cũng như rất nhiều tình cảm có thực của con người mà không có từ để diễn tả. Nhưng thế không có nghĩa là âm nhạc không truyền đạt giá trị cuộc sống. Chống lại những ngôn từ đó không có nghĩa là chống lại những tình cảm ngôn từ đó diễn đạt (tất nhiên là diễn đạt một cách sai lạc).

Hình thức chiếm vai trò quan trọng trong đối tượng thẩm mỹ chính là vì tự nó, khi thưởng ngoạn, nó là nguồn suối cho những cảm xúc thẩm mỹ mà không cái gì khác có thể đem lại cụ thể.

Nhưng khác biệt giữa hai phe không chỉ là do ngôn ngữ nghèo nàn. Phe thuần túy cho rằng không nên có tình cảm cuộc sống xen vào việc thưởng ngoạn âm nhạc, ngôn từ không chỉ bất lực diễn tả mà còn không thích hợp.

Có lẽ phải hiểu thế này. Phe thuần túy bảo “âm nhạc không có ý nghĩa” không có nghĩa là âm nhạc không khơi gợi tác dụng, hiệu quả nào nơi thính giả (nếu thế thì nó tồn tại làm gì?); nhưng ngụ ý rằng những tác dụng này phải có tính âm nhạc triệt để. Kinh nghiệm nó gợi lên không có gì giống kinh nghiệm hoàn cảnh cuộc sống thực gợi nên.

Hai phe cũng khác nhau ở điểm những tác dụng này gồm những gì.

Cả hai phe công nhận tính độc đáo của âm nhạc, nhưng không nhất trí điểm tách biệt âm nhạc khỏi cuộc sống. Đây là vấn đề thuộc tính khí, không thể luận chứng, nhưng có thể đào sâu đề hai thái cực xích lại gần nhau hơn.

Kinh nghiệm cuộc sống đặc biệt và độc đáo, ngôn từ không diễn đạt được. Kinh nghiệm âm nhạc cũng không đủ từ diễn đạt. Nhưng cảm xúc tác phẩm gợi ra khác cảm xúc ngoài đời. Buồn của bài Tiễn Em (Phạm Duy – Cung Trầm Tưởng) gợi ra khác hẳn cái buồn thực của đôi lứa tiễn biệt. Sự kiện chính âm nhạc cho ta cái cảm giác này cho thấy có khác biệt: kinh nghiệm âm nhạc phong phú, độc đáo hơn.

Tuy nhiên quả có sự tương đồng kỳ diệu giữa kinh nghiệm sống và kinh nghiệm âm nhạc, cho nên chúng ta vẫn dùng ngôn ngữ cuộc sống để nói lên kinh nghiệm âm nhạc, dù rằng như thế là không thích hợp. Và phải luôn nhớ rằng cảm xúc âm nhạc gợi lên không giống cảm xúc cuộc sống gợi lên.

Truyền đạt tâm trạng là một trong những thuộc tính kỳ diệu của âm nhạc.và người ta có thói quen nghĩ nhạc sĩ đang truyền đạt một cái gì đó. Trong khi thực ra nhạc sĩ có thể không có mục đích như vậy. Tác phẩm chỉ đơn giản có tính thẩm mỹ và hiện hữu vì vẻ đẹp tự thân.

Nhạc sĩ cũng có thể sáng tác chỉ để thỏa mãn một nhu cầu bên trong, một tự thuật, một thanh tẩy, một giải thoát khỏi âu lo, một cố gắng để quên, bằng cách khách quan hoá nó thành một đối tượng; nghĩa là sáng tác hoàn toàn có tính cách cá nhân riêng tư.

Để kết luận, về thực tiễn cụ thể vấn đề ý nghĩa của âm nhạc, thiết tưởng nhận xét của I. Stravinsky (phe thuần túy) khá chính xác: “Người ta đa số thích âm nhạc là vì nó mang lại cho họ những xúc cảm như vui mừng, tiếc nuối, đau buồn, một hình ảnh thiên nhiên, một chủ thể mơ mộng, hay hơn thế nữa, một quên lãng cuộc sống thướng nhật. Họ cần một liều thuốc, một thứ ma túy. Âm nhạc sẽ không có giá trị lớn nếu bị giản lược vào mục đích như thế. Khi người ta biết yêu âm nhạc vì chính nó, khi người ta nghe nó với cái tai khác, việc thưởng ngoạn sẽ trở nên một kiểu bậc cao và hiệu quả hơn nhiều. Họ có thể đánh giá âm nhạc trên một bình diện cao hơn và nhận thức được giá trị nội tại của âm nhạc.

Phạm Đức Thân

Related posts