Mạ tôi không có nhiều áo dài, đâu chừng chỉ ba chiếc. Áo của mạ đúng là áo dài, dài miên man, vướng víu hai tà gần chấm gót. Cổ cao, in tuồng có độn mi-ca ở trong cho cứng cáp. Không mấy khi thấy mạ ủi, xếp trong tủ mà chừng như luôn phẳng phiu, chẳng nhăn nhàu. Thợ may khéo, đã đành, qua thời gian hàng vải lạ thường kia không hề thu rút lại một mảy may. Chúng vẫn ôm lấy, sát sao cơ thể một người đàn bà có đông con. Thường thì thời gian hậu sản, da thịt người mẹ hơi bị “phát tướng”, hơi bị sỗ sữa; nhưng mạ tôi cứ rứa, thuỷ chung thi gan cùng tuế nguyệt. Nếu dùng thuật ngữ mà thời buổi lạ lùng này, người trong nước cắc cớ ưa nhắc là “số đo ba vòng” thì chẳng cần dùng thước đo đạc, ngày đó mạ tôi vẫn “chuẩn” không cần “chỉnh”, không phì nhiêu chẳng giảm sút, ôm vào lòng vẫn ấm gọn một vòng tay, vẫn bất di bất dịch lượng suối trong nguồn chảy ra, vẫn chuối chín cây, vẫn biển Thái bình hiền hoà sóng vỗ êm đềm, che chở và bảo vệ suốt đời một bờ bãi luôn được bồi đắp phù sa. Có một câu tiếng Pháp viết như thế này: Je n’ai pas besoin de m’aimer avant de t’aimer, parce qu’il n’y a pas d’ordre, juste l’amour. Có lẽ tác giả chỉ dành cho tình yêu lứa đôi. Đâu cần phải yêu mình trước khi yêu người… Mình được mạ đẻ ra thì mình yêu thương mạ là chuyện ắt có và đủ. Không so đo, chẳng phân bì. Vẻ đẹp do tình yêu mang lại nó vốn thế.
Mạ tôi thương người con đầu ra sao thì thương thằng út một mực như vậy. Người con đầu ra riêng thì cán cân tự động lệch hẳn một phía. Nào lạ gì khi trong gia đình ai nấy đều thông hiểu câu “con út trút gia tài”. Tôi là đứa hưởng được cái đặc ân kia, thứ lề luật không tiện viết ra văn bản. Trong mâm cơm, món ngon hoặc thứ “hắn” thích mạ luôn xí phần: Ăn chi vô hậu rứa bây, cứ tranh ăn với em là tại vì răng? Thằng út hay bị chảy máu cam, mạ nấu cho nồi chè đậu đỏ ăn giải nhiệt sau khi biểu hắn nằm xuống tấm phản đắp trán bằng khăn ủ nước lạnh và lỗ mũi đã nhét chật một lá trầu xanh nhằm ngăn chận giọt máu đào thất thoát, hao hụt.
Hôm ấy (một sáng sương Thu đầy gió lạnh?) mạ tôi mặc lấy chiếc áo dài màu xanh rêu, hàng nhung êm mịn. Bối tóc sau khi chải mượt bằng chiếc lược làm bằng sừng trâu, xỏ đôi bông tai có nạm ngọc xanh vào trái tai chỉ thua đức Phật chút đỉnh về độ dài. Mạ đeo vòng kiềng bằng vàng 24 le lói, chỉ hèn kém thua vật trang sức của Nam Phương hoàng hậu nhưng đủ tăng hào quang khi tôi ngó sững tới mạ. Nó “ăn” với chiếc áo màu xanh rêu nhung gấm ấy quá và tổng thể, những vật phụ kiện vừa cài đặt kia đã khiến mạ ăn gian thần thời gian tới cả chục niên, hàm hồ mà nói rứa. Trong xóm vắng có ai lạc giọng hát bài “Tôi đưa em sang sông”, giọng chất ngất tâm sự:… chiều xưa mưa rơi âm thầm để thấm ướt chiếc áo xanh… hôm nao em sang ngang, bằng xe hoa thay con thuyền, giờ phút cuối đến tiễn em… gót chân ngày xa xưa sợ lấm trong bùn khi mưa…
Khi mạ chính thức sang ngang, bản nhạc này chưa thể hiện hữu. Ngoài làng mạ ở cũng có một dòng sông, nhưng cây đa bến cũ con đò năm xưa hình như chỉ dành riêng cho một mình ba tôi đến đón đưa. Thời đó, khi thất tình, người ta sẽ làm gì? Người ta bỏ làng nước để trốn đi làm cách mạng ư? Bây giờ thì xem chừng người ta đã làm quen với tất cả những cơn sóng tràn bờ, với thứ lãng mạn tiểu tư sản, dùng nó vỗ về chút thương đau. Ai thất tình mà hát giọng buồn chi lắm thế? “Anh” nhắc tôi nhớ hôm nay là ngày chị tôi thực sự lên xe hoa, không sang ngang chẳng qua đò, cũng không xác pháo vướng gót chân. Vì đại sự nên mạ tôi đã “diện” chiếc áo đẹp nhất mà mạ có. Chiếc áo “ăn nói” ít khi tìm ra cớ để khoác thân. Nôm na là xếp trong đáy tủ để “phòng khi hữu sự”. Và hữu sự đã tới, sánh đôi cùng những lời mạ thủ thỉ dành cho chị tôi, người từng ái ngại để bùn hoen gót chân trong ngày mưa:
Kể từ
ngày mạ đẻ con ra
Ai mớm cơm, trún cháo lớn mà từng ni?
Hai tay bưng đọi chè tàu
Vừa đôi thì lấy ham giàu làm chi.
Rõ là:
Có cha có
mẹ thì hơn
Không cha không mẹ như đờn đứt dây.
Có ngồi chào vao, có kiếm cách chuyển vẫn gì đi nữa thì cuối cùng chị tôi cũng “bỏ nhà ra đi”. Dù anh hàng xóm buồn đời hát hỏng “mưa bên chồng có làm em khóc?” thì mọi chuyện cũng đã lỡ sang trang. Dâu bể cuồng nộ vùi dập phận người tả tơi rồi cũng đâu vào đó huống hồ chuyện nhi nữ thường tình. Xe hoa mang đi chỉ một người đâu sánh bằng chiếc thuyền chở hàng trăm tính mạng bọt bèo trôi sông đổ biển? Nghe ai đó nói “người tình không chân dung” nọ đã xếp bút nghiên theo việc đao cung. Là sĩ quan lính thứ dữ, đánh đấm ra trò ở mặt trận cổ thành Quảng Trị, là nơi do vua Minh Mạng dựng xây mà trong phạm vi lớn chưa tới 3 cây số vuông đã hứng chịu 320 ngàn tấn bom đạn chăm cày xới trong 81 ngày đêm khói lửa triền miên. “Anh không chết đâu anh”. Anh cũng không làm bại tướng cụt chân, nhưng khi anh trở về thăm xóm, vô tình anh khiến mạ tôi siêng đi chùa.
Ngoài chiếc áo nhung xanh rêu mạ còn hai chiếc khác: Một màu lam và một màu nâu. Có người gọi lam là màu khói nhang, có người kêu nâu thành màu nu. Và có người đưa nhận xét, đó là những màu căn bản mà con em gia đình Phật tử vẫn thích mặc vào người. Không tin hả? Mấy sư cô, các sư nữ hằng tin rằng thứ sắc độ ấy ít trêu ngươi, ưa lắng chìm vào sự trầm tịch. Vậy thì chẳng lẽ kiếp trước mạ tôi là o con gái quét lá sân chùa, rót nước dâng hoa lên bàn Phật? Bên ngoài cảnh giới nghiêm cẩn đạm bạc ấy có lắm màu vui nhộn non tươi là thế răng mạ lại đi chọn thứ màu “kín đáo” rứa hè?
Giống hầu hết quý vị phụ nữ thời đó, mạ tôi làm thứ nghề nghiệp kỳ cục được ghi nắn nót trong sổ gia đình: Nội trợ. Phong trào nữ quyền là gì? Nào ai hay! Cũng như kế hoạch hoá gia đình là gì? Condom là cái quỷ sứ chi? Quý ông đầu đội trời chân đạp đất vẫn như vịt nghe sấm, nước đổ lá môn, chẳng làm nhăn mặt nước hồ thu từ bao lâu vẫn phẳng lặng. Nội trợ là giúp đỡ việc trong nhà? Quán xuyến việc chăm con, giặt giũ, may vá, đi chợ, nhặt rau, nấu ăn, rửa chén bát. Nếu có nuôi bầy gà thì sáng ra sân vãi nắm gạo cho chúng ăn để chạng vạng thì tục tác gọi chúng về chuồng. Đầu tắt mặt tối thì có vẻ hàm oan vì mạ tôi tự ví mình là ba đầu sáu tay “mặt trận nào cũng đánh thắng”. Đã thế còn biết cách thu xếp lịch lao động để chừa ra một khoảng trống trong hai mươi bốn giờ lu bu trấn nhậm hậu phương. Khoảng thời gian phù du ấy mạ tôi dành vào việc đọc sách. Bà có một trí nhớ phi thường, kể ra vanh vách từng chi tiết, tên các nhân vật nằm trong toàn bộ các tiểu thuyết của bao tác giả ở nhóm Tự Lực văn đoàn. Mạ nào con nấy, tôi cũng bắt đầu sa ngã lòng mình, thổn thức theo những trang văn chương có khả năng dắt trí tưởng mình dẫm chân vào những “vùng địa đàng” tuyệt đối không hề có cảnh tên bay đạn lạc. Người sĩ quan binh chủng Thuỷ quân lục chiến xóm giềng hết ba ngày phép, sang chào mạ tôi để kịp có mặt ở một trận đánh ác liệt khác. Anh nhìn tôi: Mi không lo học thì bữa mô chân cẳng cũng phải lội khắp bốn vùng chiến thuật như tao. Một xanh cỏ hai đỏ ngực là thứ khiến mạ tao phải ăn chay trường trì chú tụng kinh. Coi chừng, mạ mi cũng rứa thôi, kêu trời răng thấu?
Tôi học rất kém. Vẫn ước ao có được đầu óc minh mẫn giống mạ mình. Thông tín bạ luôn có hàng chữ mực đỏ của thầy cô phê: “Chăm chỉ, hiền ngoan nhưng học lực cứ không thấy tiến bộ”. Mấy thầy cô “học lực” coi bộ kém thua ba tôi. Ông phán, kiểu tam đoạn luận: Thằng ni luôn coi sách vở là kẻ thù, đã là kẻ thù thì buộc phải tránh xa, vì xa lánh sách đèn nên dốt đặc cán mai nào là chuyện lạ! Thấy chưa toàn vẹn, ba tôi buông một dấu chấm: Đồ con hư tại mạ! Mạ tôi chẳng lấy đó làm điều, bà hoá thân thành một nhà hiền triết: Không có học trò dốt, chỉ có thầy cô chẳng nắm vững phương pháp giáo dục thôi! Chao ôi, một người chỉ biết nghề nội trợ mà dõng dạc phát ngôn ra thế. Dễ nể thật! Khẩu khí nọ đi thẳng vào người tôi, sướng như cởi được tấc lòng, như đả thông được hai huyệt nhâm đốc. Mạ tôi mô phải là người mạ bình thường, bà còn là thần tượng của tôi nữa, không phải rứa hay răng? Bà là chưởng môn nhân môn phái Tình Thương: Hỡi những con chim chưa ra ràng đang bị vặt lông, hãy nối kết cánh lại. Tôi chưa đủ lông đủ cánh vì rứa nên cứ bu mạ như sam. Tôi nghĩ quẩn, e chiếc áo dài xanh rêu nhung gấm sang trọng và đẹp đẽ của mạ sẽ bị xếp xó, ngủ yên dưới đáy tủ, vì rằng cái ngày mà tôi cả gan “đem nàng về dinh”, đưa nàng sang sông, tam thập nhi lập… thì ngày đó có diễn ra sẽ không cách chi có sự hiện diện của mạ. Sức người có hạn, có là tài thánh mới bắt mạ mình chờ được, nhìn ngó đứa con út dại khờ tự lập thân chập chững vào đời.
Rồi thần thời gian đã lén “đi đêm” với thần chết. Quỷ khóc thần sầu đã vi phạm hiệp định ngưng bắn, đang an vui là thế họ tới gõ cửa, điểm danh đúng tên mạ tôi. Bà chẳng có một biểu hiện nào trước đó, rất đột ngột một cơn bệnh ngặt nghèo đã vật bà xuống. Anh chị tôi mang bà vào Sài Gòn, tìm đến một bệnh viện nổi tiếng nhất, nhưng họ bó tay sau một tuần làm đủ các xét nghiệm. Sẽ không lâu nữa đâu, chúng tôi buộc lòng phải nói thế. Hãy mang cụ về nhà để nhỡ có những việc cụ đang dở dang việc hoàn thành… Một người nội trợ, hãy nghiệm xem, những việc nhỏ nhặt họ làm thường nhật có đáng không để bận tâm mưu cầu một vuông tròn? Cho dù chẳng ra cơm ra cháo thì… ba vạn cũng bỏ. Hãy thõng tay vào chợ. Xin cho một lần được thảnh thơi. Không, tôi quả thật hồ đồ, tôi quá trẻ người non dạ. Tôi đâu biết tâm niệm của mạ là được ngó mặt tôi lần cuối. Không biết ở ngoài nớ, việc ăn uống ngủ nghê sách đèn của thằng út con mạ ra răng? Mạ ở xa hắn có nhớ quay quắt không?
Chị tôi nói trong nước mắt: Theo chị đoán thì thực sự tim mạ đã ngừng đập khi nằm trên máy bay, tay chân lạnh ngắt. Chị không ngờ mạ đã gắng gượng, dùng tàn lực để mở mắt ra trông em phút cuối. Hãy nhớ đến thời khắc nọ để ghi chính xác tới ngày giờ tử của mạ. Tôi không vuốt mắt vì thứ nhãn tuyến mù mờ ấy đã vội đóng, đồng tử khép lại liệu có kịp thu giữ nhân diện thằng con út của người? Một giọt nước mắt trườn ra khỏi khoé, bò chậm xuống những đường da nhăn. Ai đã mặc cho mạ tôi chiếc áo dài màu khói nhang trên người? Chiếc áo đã bạc tình thôi ôm giữ sát sao cơ thể mạ như ngày nào. Một bầu trời vừa sụp đổ xuống người tôi.
Trước khi chạy được sang tới đây, tôi mất cả mạ lẫn ba, bỏ lại hai nấm mồ hoang lạnh. Như ca dao ví, tôi là một cây đờn bị đứt hết dây, tình tang chi nữa hỡi con bạn mình ơi! Tôi vượt biển cùng một người con gái đất Thần kinh mà mạ tôi nào chứng giám là hắn vừa có vợ. Tôi lên đò chòng chành sóng lớn, ôm theo hành trang một “con sáo sổ lồng bay đi” vô phương hướng. Đất lành chim đậu là một từ ngữ thậm chính xác. Đất lành cho nên thống kê về số tử vong gần như chỉ đếm trên đầu ngón tay. Chuyện nhỏ. Cũng vì đất lành cho nên đến lúc trái gió trở trời, chim có lạc đường bay, có rụng lông gãy cánh thì người sống trên cuộc đất ấy sẽ ra công tô đậm thành ngữ “cho chim liền cánh như cây liền cành”. Tôi từng vào nằm nhà thương, mát dạ mát gan khi nằm yên cho họ lắp cánh tháp cành. An tâm, rồi bạn sẽ chóng bình phục. Họ hỏi: Trong gia đình bạn có ai mất vì chứng ung thư không? Tôi nói có, hiền mẫu. Họ bày dao kéo chuẩn bị làm một cuộc banh da xẻ thịt, họ bảo mức độ nguy hiểm chỉ lên tới 17% và rồi tôi bị đánh thuốc mê, chìm trôi không hay biết chuyến đò chèo mát mái hay sông trôi lộn bờ. Nhận chén cháo lú hay hoàn hồn reo to chữ Freedom như ngày nào chính thức giã từ kiếp thuyền nhân.
Chuyến “sang ngang” ấy tối đen hơn mộ huyệt, chừng tám tiếng sau có người cúi mặt thấp xuống thăm dò sự hô hấp của tôi, mặt nạ dưỡng khí làm tôi trông lên không rõ hư thực một quang cảnh xa lạ, đầy hơi nước mù ẩm. Người ấy nói: Tôi tên Sylvie, y tá chăm nom bạn hôm nay, chúng tôi sẽ chuyển bạn lên tầng bốn, nằm ở phòng đầy đủ máy móc dụng cụ để dễ theo dõi tiến độ sức khoẻ bạn mang. Bạn thấy thế nào? Từ một tới mười, cơn đau của bạn đang ở lằn mức số mấy? Không cần nói, bạn dùng tay để ra dấu. Sylvie có mái tóc vàng, tôi chỉ nhận ra điều ấy trước tiên. Thật có hơi bất tiện nếu tôi di chuyển cánh tay trái, bởi ở đó còn ghim một mũi kim với ống nhựa chuyền nước biển. Tay phải tôi xoè cả 5 ngón, cộng thêm 3 ngón ở lần hai. Ô, vậy thì thuốc tê đã bắt đầu hết gây ảnh hưởng, hãy uống bốn viên này đi. Vừa morphin giảm đau vừa thuốc tăng lực, giúp chóng hồi phục.
Cửa thang máy mở. Một nam y tá cao to đẩy chiếc giường tôi nằm vào một diện tích quá đỗi rộng rãi. Sylvie theo cùng, cô ta cũng đẩy một cái bàn có bốn bánh xe đặt để hai cái máy hình thù kỳ lạ. Cô nhặt một tấm mền mỏng từ dưới giường, trải rộng rồi đắp vào người tôi. Trong bệnh viện dường như bao giờ cũng có một cơn gió lạnh vụt thoáng qua. Một ngày có mấy chục bệnh nhân câm lặng thay đổi chỗ trú thân? Từ “khách sạn 3 sao” này xuôi đổ về cái motel hoang lạnh mọc chơ vơ bên xa lộ, đưa mặt cho người ta tô son trét phấn như kiểu thủ tục làm đẹp để trình diện Diêm vương ngó sao cho tử tế?
Tôi nghĩ
là bạn khỏi cần thở bình dưỡng khí nữa. Chừng nửa giờ sau, có người sẽ mang
phim đặt dưới lưng bạn để chụp quang tuyến X. Sylvie nói khi phụ người y tá lực
lưỡng cẩn trọng nhấc hỏng tôi đặt sang một chiếc giường khác, êm ái hơn, tươm
tất hơn. Tối nay chúng tôi gồm ba người sẽ thay phiên vào xem chừng bạn, sợi
dây này có cái nút nhựa đỏ, bấm nó chừng nào bạn cần tới sự giúp đỡ. Trong lúc
này bạn ngủ được chừng nào tốt chừng đó. Tấm màn được kéo lại, bóng điện hạ độ
sáng xuống sau khi Sylvie hý hoáy ghi vài hàng chữ vào tấm bìa cứng rồi máng nó
gần đầu nằm. Cô bóp nhẹ vào vai tôi thế một lời tạm biệt.
Nửa khuya, chừng khoảng hai giờ sáng, tôi bị lôi ra cơn ngủ vùi do ảnh hưởng
thuốc cứ mãi uống cách khoảng bốn tiếng. Một bóng trắng vừa lẻn vào, mang theo
chút giá lạnh và bà mặc đồng phục y tá ấy đã vạch áo tôi thăm dò vết cắt cùng
những đường chỉ khâu y như có một con rết mãi bám cứng, mãi hút máu, mãi truyền
độc tố làm tê nhức. Đẹp. Ổn thoả. Chẳng sưng tấy. Bà từ tốn chậm rãi lau mặt
cho tôi bằng chiếc khăn ấm áp vừa hấp tẩy xong. Bà dịu dàng điều chỉnh cho
chiếc giường gấp lại để từ nằm tôi đổi qua thế ngồi, xong thì bà ôm lấy tôi vào
lòng vỗ về, thì thầm nói hãy mơ tới một điều gì thật tốt đẹp, phải tự nhìn nhận
rằng cuộc đời này vẫn còn đó những điều đáng yêu, dẫu nhỏ nhặt. Tôi dựa đầu vào
vai bà, khứu giác ngửi ra một hương mùi quen thuộc, xa vắng. Tôi vòng tay ra ôm
cứng lấy bà, tôi lục soạn trí nhớ và mơ hồ nghĩ rằng thân thể vừa kích ấy rất
trùng hợp với mạ tôi. Bà nói bà biết tôi đang đắng miệng, vậy thì thèm ăn hoặc
uống một thức gì cứ cho hay, khuya mai bà sẽ mang vô. Tôi có những cuốn truyện
hay nhưng ngại là mắt người bệnh hẳn còn yếu, chưa nên đọc. Hãy nên thương mình
trước khi yêu tha nhân. Hãy cố tĩnh dưỡng, bởi được đi lại bình thường là một
món quà của thượng đế trao tặng cho mỗi chúng ta.
Những gì
bà nói thoảng qua tai tôi có mãnh lực khiến căn phòng hồi sức này tự động biến
sang vuông không gian ở Huế ngày cũ. Tự dưng tôi nhớ mạ mình đến muốn khóc.
Trong đời, chỉ có mạ tôi mới quan ngại chăm lo kiểu đó, kỳ dư chẳng còn một ai.
Lương y như từ mẫu hoặc y tá như mẹ hiền thì cũng nằm ở một chừng mực nào đấy
thôi. Từ một tới mười, bà thương tôi ngang mức số mấy? Nếu có hỏi e rằng bà ấy
chỉ xoè bàn tay đủ năm ngón là cùng. Mức trung bình. Vậy cũng nên xem là tốt
phước.
Tôi chóng bình phục, tình trạng khả quan đến độ cả bác sĩ lẫn năm cô y tá
thường theo dõi chăm sóc tôi cũng phải ngạc nhiên. Họ nhận xét: Thường thì người
Á châu tuy thể lực không bằng dân Âu châu Nam Mỹ nhưng ngược lại, tinh thần của
họ rất vững vàng, giỏi chịu đựng. Sự chịu đựng của bạn là phương thuốc quý,
nhưng chúng tôi nghĩ, ngoài ra hẳn bạn phải nương vào một phép nhiệm mầu nào
đó, khó giải thích. Họ thay phiên bắt tay tôi, chúc mừng ngày tôi trở lại sinh
hoạt với nhân quần bên ngoài khuôn viên bệnh viện. Tạm thời quên chuyện mưu
sinh đi nhé, chúng tôi sẽ viết giấy chứng nhận rằng bạn cần tĩnh dưỡng ít lắm
là một tháng. Tháng sau nhớ vào lại đây cho chúng tôi xét nghiệm, một thủ tục
cần có, chỉ vậy thôi.
Tôi thưa với họ là tôi chưa an lòng ra đi khi lỡ quên thốt lời cảm ơn chân thành đến một bà y tá. Ai vậy? Bà đó tên gì? Họ trố mắt nhìn tôi. Bằng vào sự ấp úng khi diễn đạt vừa tiếng Anh chen lẫn tiếng Pháp: Tôi thật vụng về quên hỏi tên bà ấy. Bà vẫn đến hằng đêm, vào khoảng hai giờ sáng, ôm ấp tôi, vỗ về tôi… Không biết tên, vậy thì nhân dáng bà ta ra sao? Mập, ốm, màu da, độ tuổi? Tôi cà lăm, phụ diễn bằng tay… rằng thì là tôi trông không rõ mặt, chỉ biết bà có một mái tóc đen… bà ngồi trên giường nên tôi cũng chẳng biết cao thấp ngang đâu… không ốm chẳng mập, đủ ôm vừa một vòng tay và người bà thơm thứ mùi nồng đậm tựa trầm hương. Cả ê-kíp vây quanh tôi, đứng nhìn nhau mặt nhăn mày nhíu, Sylvie là phát ngôn viên sau cùng: Mỗi ca trực chúng tôi đều ghi rõ tên họ, giờ giấc của từng y tá. Điều anh nói thì rõ là hoang đường, không riêng khu này, tôi e là khu lân cận cũng chẳng có một người y tá như anh vừa tả. Chúng tôi hy vọng là liều lượng thuốc mà chúng tôi trao anh uống suốt tuần lễ qua sẽ không gây cho bệnh nhân một ảo giác nào cả. Dù sao thì trường hợp này sẽ buộc chúng tôi nên lưu tâm. Vậy đi nhé. Chúc may mắn.
Về nhà, việc đầu tiên là tôi quét dọn bàn thờ, mua trái cây đặt lên, rót nước trà, thắp ba cây nhang cắm trước di ảnh đen trắng mạ tôi. Tấm ảnh duy nhất mà tôi có chụp mạ trong ngày cưới chị tôi. Chiếc áo dài nhung xanh rêu, đôi bông tai, cái vòng vàng quanh cổ, đầu tóc bối cao, đôi mắt đen láy, nụ cười đôn hậu hiền lành. Mạ tôi không thể hình dung được là có ngày đứa con út của bà vụng dại đi vào nghiệp viết văn. Tổn hao bao giấy mực nó chưa hề lắng lòng viết riêng cho mạ hắn một trang. Tôi nghĩ là chắc các bạn đọc cũng rộng lòng tha thứ cho lỗi lầm tôi mang. Khi đứng trước biển, bạn có tài cán gì để lột tả hết sự bao la vô bờ đến choáng ngộp mà con sóng từ ngàn trùng cứ mãi chuyên cần vỗ lao xao vào bờ, vào triền cát ẩm mơn trớn bàn chân trần mình đặt để, mỗi khi một lún xuống? Nếu bạn không có được sự ví von biển cả là lòng mẹ thì tôi xin thôi đối thoại cùng bạn. Chỉ một chuyện sau cùng xin bạn hiểu cho, mỗi khi gặp điều bất ưng khiến lòng sầu muộn tôi đều nhớ tới mạ mình để tìm quên. Ngay cả khi hoạn nạn bất ngờ đổ ập xuống, hình bóng mạ tôi là cái phao giúp tôi vượt qua gian khổ, kể cả vực tôi lên khỏi hai bờ tử sinh. Tôi quả quyết để thưa với bạn rằng: Bà y tá “vô danh” xuất hiện hằng đêm trong bệnh viện ấy, đó chính là mạ tôi.
Tôi đợi
ba cây nhang cháy hết chiều dài nó mang, lụn tàn trong bát đựng gạo rồi mới “đi
thưa về trình”: Mạ ơi, chừ thì đến giờ con vô phòng uống thuốc đã, mạ nghe!
Hồ Đình Nghiêm