Hẳn quý vị còn nhớ tình hình an ninh quốc tế cực kỳ căng thẳng sau vụ khủng bố 9/11 tại Hoa kỳ. Trong bối cảnh dư luận thế giới chia xẻ những đau buồn mà nước Mỹ phải gánh chịu và đồng thời lên án nạn khủng bố quốc tế, Tổng thống George Bush đã ra lệnh tiến hành hai cuộc chiến tranh chống Iraq và Afghanistan nhằm tiêu diệt đầu não của lực lượng khủng bố toàn thế giới.
Chiến tranh xảy ra, chuyện chết chóc là đương nhiên với các bên tham chiến và dân lành vô tội. Tuy nhiên trong bối cảnh cuộc chiến tranh chống khủng bố vừa qua cũng có cả những người ở vào những hoàn cảnh không may bị tai bay vạ gió đến nỗi thân tàn ma dại. Khi nhìn lại số phận của những người không may này chúng ta có thể thấy rằng trong nhiều trường hợp chính phủ các nước đã nhẫn tâm bỏ rơi công dân của nước mình, vi phạm nhân quyền nghiêm trọng và uốn nắn luật pháp quốc tế như một trò chơi nhằm che dấu những hành động phạm pháp của mình. Một trong những nạn nhân như thế của nước Úc là Mamdouh Habib.
Mamdouh Habib sinh năm 1956 tại Ai Cập và di dân đến Úc năm 1981, trở thành công dân Úc. Sau đó Habib lấy vợ sinh con, vừa điều hành một quán cà phê vừa dạy giáo lý Hồi giáo, sống một cuộc đời bình lặng như bao người khác.
Năm 2001 Habib đến Pakistan hy vọng tìm ra một công việc vừa ý, và đồng thời cũng tìm một trường nơi các con của ông có thể theo học giáo lý của đạo Hồi. Không may cũng chính lúc đó vụ khủng bố 9/11 xảy ra và vô số người bị bắt tại Pakistan, bị cáo buộc tội khủng bố. Theo tình báo Hoa Kỳ thì Habib bị bắt giữ ngày 5/10/2001 khi đang tìm cách vượt biên từ Pakistan vào Afghanistan. Habib bị cáo buộc tham gia những khóa huấn luyện cho các phi vụ cướp máy bay tại Afghanistan, có quan hệ công tác với những tên khủng bố trực tiếp tham gia vụ khủng bố 9/11, chuyển giao vũ khí hóa học và hoạt động tình báo thu thập tin tức cho lực lượng khủng bố.
Mamdouh Habib đầu tiên bị giam tại Pakistan, sau đó được chuyển sang Ai Cập. Bị giam tại Ai cập 5 tháng sau đó được Ai Cập chuyển giao lại cho giới chức quân sự Hoa kỳ. Tiếp đến bị quân đội Hoa kỳ giam giữ tại Afghanistan rồi cuối cùng bị chuyển đến giam tại nhà tù Camp X của quân đội Mỹ, nằm trên lãnh thổ của Cuba. Có thể nói rằng Habib đã đi qua tất cả những địa ngục trần gian trong tư cách của một tội phạm khủng bố quốc tế. Với cáo buộc đó, có thể nói rằng Habib đã bị cả thế giới căm thù.
Điều đáng nói cuộc chiến tranh chống khủng bố quốc tế đã tạo ra những tù nhân mới chưa từng được biết đến trong các cuộc chiến tranh từ trước đến nay. Đó là loại tù nhân không phải quân nhân của phía đối phương, cũng không phải điệp viên nằm vùng, mang nhiều quốc tịch khác nhau, bị bắt tại nhiều quốc gia khác nhau và không được bảo vệ bởi công ước Geneva Conventions 1949 về tù nhân chiến tranh. Đa số các tù nhân này được chuyển giao cho Hoa kỳ với lý do khủng bố thế giới tiến hành cuộc thánh chiến nhắm vào kẻ thù số một là Hoa kỳ. Vì không được bảo vệ bởi Công Ước Geneva 1949, nên những tù nhân này dưới sự cai quản của quân đội Mỹ bắt buộc phải được xét xử và giam giữ theo luật pháp của Hoa kỳ. Tuy nhiên luật pháp của Hoa kỳ không cho phép giam giữ bất cứ người nào quá thời gian quy định mà không bị xét xử và bị tòa kết án. Chính vì thế chính phủ Hoa kỳ đã giam giữ những tù nhân đặc biệt này tại căn cứ quân sự trên lãnh thổ Cuba, tức đặt những tù nhân này ra ngoài vùng pháp luật của Hoa kỳ. Khi làm điều này Hoa kỳ đã cố gắng để không vi phạm pháp luật của nước Mỹ, nhưng đã vi phạm nghiêm trọng công pháp quốc tế trên lãnh vực nhân quyền.
Theo Habib thì ông đã bị tra tấn và sĩ nhục trong khi bị giam tại Pakistan. Tại đó những điều tra viên người Pakistan đã dùng tất cả mọi nhục hình mà họ có thể nghĩ ra được để khảo cung Habib. Habib đã khai rằng trong nhiều buổi khảo cung này có sự hiện diện của các nhân viên tình báo Úc. Một điều mà chính phủ Úc một mực chối từ.
Trong 5 tháng bị giam giữ tại Ai Cập những cuộc khảo cung dữ dội lại tiếp diễn. Trong những buổi khảo cung này cũng có sự hiện diện của các nhân viên tình báo quân sự Úc. Chính phủ Ai Cập chối rằng họ đã dùng nhục hình để khảo cung Habib trong khi chính phủ Úc một lần nữa từ chối có sự hiện diện của nhân viên tình báo Úc.
Khi bị giam giữ tại Cuba, những nhân viên tra tấn của quân đội Hoa kỳ đã bảo với Habib rằng toàn bộ gia đình ông tại Úc đã bị giết chết. Có một lần trong buổi khảo cung, Habib nói rằng ông đã bị cột chặt xuống nền nhà và một cô gái điếm đang hành kinh đã đứng trên người của ông để cho máu kinh chảy lên người của Habib. Dĩ nhiên là cả Hoa kỳ và Úc đều từ chối cáo buộc tra tấn Habib. Bộ trưởng ngoại giao của Úc thời đó là ông Alexandre Downer đã tuyên bố rằng làm gì có gái điếm trong trại lính ở Cuba…Tuy nhiên ai cũng biết rằng hễ chỗ nào có lính Mỹ thì chỗ đó có gái điếm.
Trong các cuộc khám nghiệm sau khi được trả tự do tại Úc, nhiều bác sĩ và chuyên viên tâm lý đã khẳng định rằng việc Habib bị tra tấn dã man không những trên thân thể mà còn bị tra tấn cả về mặt tinh thần.
Ngày 11 tháng Giêng 2005 chính phủ Hoa kỳ tuyên bố không truy tố Habib bất cứ tội danh nào và Úc được mang Habib về nước. Ngày 28 tháng Giêng 2005 Habib về đến Úc trong tình trạng chẳng phải tù nhân cũng chẳng phải người hoàn toàn tự do, cũng chẳng có ai buộc ông tội gì. Tuy nhiên giới tình báo Úc thì gắn cho Habib bảng hiệu “đối tượng cực kỳ nguy hiểm” và có nhiều áp lực từ phía chính phủ để buộc Habib phải vĩnh viễn im lặng. Ngặt nỗi, Habib là loại người thích nói, nói nhiều và ông tuyên bố là sẽ cho dư luận Úc biết rõ tất cả mọi bí mật.
Trong năm 2009 Habib đứng đơn kiện chính phủ Úc do chính phủ Úc đã gián tiếp tiếp tay với các chính phủ Pakistan, Ai Cập và Hoa kỳ trong việc hành hạ tra tấn ông dã man. Luật sư của chính phủ là Stephen Gageler đã tranh luận trước tòa án liên bang tại Sydney rằng các tòa án của Úc không được phép xét xử trường hợp của Habib vì vi phạm công pháp quốc tế. Chính phủ dựa vào học thuyết “act of state” (hành vi của quốc gia) để thuyết phục tòa trả lại hồ sơ vụ kiện của Habib. Theo Công Ước 2004 của Liên Hiệp Quốc về Quyền Miễn Tố Của Các Quốc Gia (UN Convention on Jurisdictional Immunities of States and Their Property) thì một quốc gia có quyền được miễn tố liên quan đến những hành vi của quốc gia đó trên lãnh thổ của mình. Tòa án của những quốc gia khác không có quyền xét xử những hành vi của các quốc gia có chủ quyền khác.
Theo Công Ước này, thì tòa án tại Úc không có quyền nghe và xét xử các nước như Pakistan, Ai Cập và Hoa kỳ về các hành vi vi phạm nhân quyền quốc tế như tra tấn thể xác và tinh thần của Habib của các nước đó, vì các hành vi đó xảy ra trên đất nước họ, chứ không phải xảy ra trên nước Úc. Tuy nhiên Công Ước này cũng đề ra những ngoại lệ khiến hành vi của một quốc gia có thể bị truy tố trước tòa án của một quốc gia khác. Nếu tòa án Úc không thụ lý vụ kiện thì có thể Habib phải đưa vụ kiện ra trước tòa án quốc tế.
Các luật sư của Habib biện luận rằng tòa án Úc có quyền nghe vụ kiện của Habib vì đây là những hành vi vi phạm nhân quyền quốc tế đặc biệt nghiêm trọng. Tuy nhiên luật sư của chính phủ viện dẫn một kết luận của tòa án Hoa kỳ liên quan đến vấn đề này, trong đó quan tòa của Hoa kỳ đã phán rằng, chỉ riêng với lý do vi phạm nhân quyền thì không đủ để tòa án của Úc có thể bỏ qua học thuyết “hành vi của quốc gia” nhằm nhận đơn kiện của Habib. Điều đáng ngạc nhiên là ngày 25/2/2010 tòa Liên bang Úc đã tuyên bố rằng tòa án Úc có quyền nghe và xét xử vụ kiện của Habib liên quan đến hành vi tra tấn Habib tại các quốc gia khác. Theo tòa án Úc, thì hành vi vi phạm nhân quyền đối với Habib là đặc biệt nghiêm trọng vì thế đây là một ngoại lệ cho phép tòa án Úc có thể thụ lý vụ kiện của Habib.
Có thể nói công pháp quốc tế hay luật quốc tế là một lĩnh vực rất phức tạp và tế nhị. Trên thực tế những công ước của Liên Hiệp Quốc, tức là những luật căn bản của thế giới, không có hiệu lực để buộc các quốc gia phải thi hành mặc dầu các quốc gia đó đã đặt bút ký. Bởi vì việc thực thi luật quốc tế phải được quốc hội của mỗi quốc gia chấp thuận. Và dù cho quốc hội của các quốc gia đó đã ban hành những đạo luật liên quan đến việc thực thi luật pháp quốc tế, thì các chính phủ cũng vẫn có quyền không thi hành. Trong quan hệ quốc tế, chủ quyền quốc gia là trên hết và vì thế công pháp quốc tế chỉ có tính cách thi hành tự nguyện chứ không có hiệu lực bắt buộc.
Sau khi nghe tòa liên bang đồng ý xét xử vụ Habib, chính phủ liên bang bắt đầu cân nhắc lợi hại và ngày 17/12/2011 chính phủ Úc đã đồng ý trả cho Habib một số tiền bí mật để Habib rút đơn kiện. Điều này có thể lý giải là chính phủ Úc không muốn làm rùm beng lên những chuyện phức tạp có liên quan đến công pháp quốc tế. Nhưng đồng thời cũng có thể lý giải rằng chính phủ Úc phải dập tắt vụ kiện ngay lập tức vì nếu để tòa liên bang nghe các bằng chứng, thì sẽ bùng ra chuyện chính phủ nói láo quá nhiều.
Một thập niên sau vụ 9/11 nhiều tài liệu được giải mật cho thấy chính phủ Úc nắm được hoàn toàn mọi sự việc liên quan đến Habib, từ khi bị bắt giữ, đến khi bị chuyển giao qua các nước, đến việc tra tấn và cả việc là có sự hiện diện của các nhân viên tình báo Úc trong các buổi khảo cung. Những bí mật được tiết lộ một phần nhờ vào những lời khai của nhân chứng trước tòa, những biên bản hỏi cung của nhân chứng, những tài liệu của chính phủ…Những điều này trước đây chính phủ Úc hoàn toàn chối bay chối biến.
Ls Lê Đức Minh