Thiếu Nữ và Con Mắt Trái

Thiếu nữ ấy là bạn tôi. Cô ta có thói quen nhìn cuộc sống bằng con mắt phía trái. Điều này có nghĩa là cô thường nhìn sự việc phía mặt sau của nó.
Cho nên tính tình cô hơi khó chịu, bạn bè không ai ưa vì cái tật nói thẳng, nói như đâm vào tim. Có lẽ thế nên cô chưa có chổng, dù năm nay đã gần bốn chục xuân. Tôi cũng độc thân như cô, tuy nhiên tôi có người yêu. Người tôi yêu đang còn ở Việt Nam. Chúng tôi yêu nhau từ ngày xa xưa, lúc chưa có trại tù mọc lên như nấm trên thân thể quê hương hình chữ S. Tôi chờ chàng ra tù, vì chúng tôi đã hứa hôn.
Thiếu nữ và tôi có hai nghề nghiệp khác nhau, cô ấy hiện là y tá trong một bệnh viện lớn ở Paris, phụ trách phòng hồi sinh, nghĩa là người nào sắp được ăn bát cháo lú quên chuyện đời, bước qua cây cầu biên giới giữa sống và chết thì cô ta kéo ngược họ trở về, bắt họ đổ mồ hôi lẫn nước mắt cho cuộc trần ai này. Còn tôi, đứng bán hàng ờ một trung tâm mỹ phẩm và nước hoa danh tiếng tại Champs- Élysées, có thể vì ảnh hưởng nghề nghiệp nên tôi ngửi cuộc đời này bằng mùi hương hoa, còn tô thêm son thêm phấn cho đời thêm diễm ảo.
Chúng tôi thuê chung một căn nhà. Ban ngày có chuyện gì vui, tối kể cho nhau nghe.
“Hôm nay bạn ơi, có một ông người Ý mua một lô nước hoa toàn mùi trứ danh của ba nhà Christian Dior, Chanel và Rochas. Ông ta bắt phải gói thật đẹp để làm quà. Thật ít có người đàn ông nào tặng vợ lịch sự như thế.”
Thiếu nữ:
“Người đàn ông như thế phải giàu, mà giàu thì cũng đã năm mươi sáu mươi. Tuổi này ít nhất là một vợ và hai nhân tình.”
“Sao biết?”
“Mua 3 loại nước hoa khác nhau nghĩa là tặng vợ một, còn thì tặng bồ.”
Tôi ngẩn mặt, hình ảnh ông khách lịch sự trịnh trọng ban sáng trở nên tầm thường.
Tôi cãi:
“Nhưng ông ta đứng đắn lắm.”
Thiếu nữ:
“Sự đứng đắn của đàn ông cố thể ẩn dấu một khoái cảm đàn bà cao độ.”
Tôi hỏi:
“Vậy đàn bà là gì?”
Thiếu nữ:
“Đàn bà là một thứ “Sex” có quyền lực lớn hơn hết mọi quyền lực ở đời.” 
“Chỉ có thế thôi?”
Cô bạn trả lời:
“Trong thế giới văn minh này, người đàn bà được trau chuốt óng ả cốt để quyến rũ thu hút dâm tính đàn ông.”
Tôi không còn thắc mắc tại sao lâu nay cô bạn mình sống dửng dưng với áo quần thời trang, với son phấn xanh đỏ vàng tím. Đàn ông với cô chỉ là một con thú bất trung tầm thường. Nhưng tôi khơi niềm hy vọng:
“Thế còn tình yêu?”
Thiếu nữ lãng đãng:
“Đó là một sản phẩm trí óc con người. Con người từng đau khổ do sự tưởng tượng về tình yêu của mình. Thật ra tình yêu chỉ là rung động của hai thể xác. Hết rung động là hết yêu. ”
Tôi nhìn thiếu nữ:
“Không nên tuyệt vọng với đời như thế, hãy giữ gìn một điều tốt đẹp cho mình và cho người.”
Thiếu nữ trả lời:
“Tôi không tuyệt vọng vì đã không hề hy vọng bất cứ điều gì. Rồi cô kể tiếp- Sáng nay trong nhà thương có một bà tự tử vì ghen, đem vào cấp cứu thì đã muộn. Trong túi áo có bức thư tuyệt mệnh cho biết vì quá yêu chồng, không muốn thấy người mình yêu chia sẻ tình cho kẻ khác. Tự tử chỉ vì quá tin vào tình yêu. ”
Tôi trầm ngâm:
“Đời sống lứa đôi là một thảm kịch.”
Sau lúc trò chuyện, tôi im lặng vì tôi xót xa cho tôi, một người thích bám víu những màu mè cuộc sống để thấy nó tươi tắn nồng nàn. Tuần này chúng tôỉ nhận được giấy mời dự buổi họp mặt của một Hội đoàn. Thiếu nữ không thích đám dông, tôi trái lại vì có dịp trang điểm chưng diện, thiếu nữ nhìn tôi cười:
“Coi chừng, diện đẹp thế là nguy. ”
“Sao lại nguy?”
“Có người tán tỉnh thêm mệt.”
Tôi chỉnh:
“Vui chứ. Không có đàn ông theo mới buồn.”
Thiếu nữ:
“Nè bạn, hãy trung tín với người đàn ông đang ở trong tù.”
“Tôi luôn luôn chờ đợi.”
Thiếu nữ nói:
“Chải chuốt bóng bẩy là ngụ ý quyến rũ đàn ông, bạn chờ đợi trong manh nha phản bội.”
Tôi bực mình vì cách nói cay độc, nhưng thiếu nữ xin lỗi đã lỡ nói lên điều suy nghĩ thật thà của mình.
Đến buổi họp mặt, gổm những khuôn mặt đàn ông, đàn bà đã thấy nhiều lần. Có ông đến gần thiếu nữ bắt chuyện:
“Có ai lọt vào mắt xanh của cô chưa?”
Tức thì bạn tôi trả lời:
“Xin lỗi ông, tôi là người Việt, mắt tôi không xanh, mắt tôi đen nên thấy mọi điều đen tối cả. Kể cả ông.”
Người đàn ông hoảng sợ bỏ đi.
Tôi kéo tay cô bạn gái:
“Quái ác vừa thôi, ông ta mấy lần điện thoại hỏi thăm bạn. ”
“Ăn mặc bảnh bao, đúng mốt nhưng ngu, ăn nối vô duyên, đuổi thằng cha đi tán cô khác.”
Trên bục diễn có một ông đang hùng hổ phát biểu.
Thiếu nữ nói lớn:
“Lão này có bệnh mê mi-crô.”
Tôi suỵt bảo nói khẽ chứ. Hơn nửa giờ sau, cái mi-crô mỏi mệt kêu rè rè. Nghỉ, uống nước ăn bánh ngọt. Sau đó có mục trao đổi ý kiến các vấn đề Việt Nam, những nạn nhân Cộng Sản, kêu gọi tình người.
Cô bạn nói với tôi:
“Đám đông của bạn là những người có bằng cấp cao, có tiền có bạc, trông mãn nguyện quá. Họ làm việc xã hội với những toan tính cá nhân làm gì có tâm hồn để đau khổ chân thật mà thương yêu kẻ khác.”
Giọng cô ta sắc làm mấy ông bà sang trọng đứng cạnh coi bộ khó chịu.
Có bà nói:
“Con này khùng!”
Tôi ngượng kéo tay thiếu nữ ra về.
Mấy hôm nay trời đã sang Thu, cái lành lạnh làm tôi nhớ nhung người yêu đang ở xa, cảm thấy mình thật đơn độc. Tôi đi mua một lô sách báo Việt về nằm đọc buổi tối. Không còn muốn trò chuyện với cô bạn cùng nhà. Những trang sách chứa đựng khắc khoải, bỗng dưng tôi thèm viết lạ kỳ, biết đâu yêu chữ yêu nghĩa lại sung sướng hơn yêu người. Thiếu nữ vào phòng tôi hỏi han:
“Buồn lắm hả?”
“Ừ.”
“Đọc sách viết văn có đỡ buồn không?”
Tôi không biết trả lời, cô bạn gái nói một hơi dài:
“Văn chương tạo ra ảo ảnh. Nhà văn bị ảo ảnh quyến rũ nên vô tình bày ra một thế giới mới nhằm đánh lừa độc giả. Nhưng chính nhà văn là kẻ bị lừa trước tiên. Đau đớn thay bị lừa gạt bởi mình mà mình không hay.”
Nói xong thiếu nữ cười lảnh lót, tiếng cười vừa cay đắng vừa ghê rợn làm tôi sợ hãi co người lại không dám nhìn cô bạn mang tính ác quỷ.
Cô ta nhìn tôi thương hại:
“Muốn khỏi buồn đừng mơ tưởng.”
Tôi đau nhói, mơ tưởng là điều quý giá nhất khi con người còn lại một mình. Tôi mỉa mai:
“Bạn là người bệnh, trước hết hãy đi bác sĩ chữa mắt, võng mô trong mắt bạn bị cấu tạo ngược chiều.”
“A! Chính nhờ con mắt ngược ấy mới thấy rõ sự giả hình của người đời.”
“Để làm gì chứ?” Tôi hỏi.
Thiếu nữ chậm rãi:
“Để thương cho họ.”
Lòng tôi chùng lại vì câu nói. Tôi thấy tôi cách biệt với bạn. Tôi luôn đi tìm cái ưu tú nơi người để yêu thương, còn cô, cô tìm sự tầm thường thấp hơn để yêu mến họ. Đó là cái nhìn vững chắc về cuộc sống, về người. Thiếu nữ không bao giờ tuyệt vọng, cô thản nhiên. Đúng. Hơn nữa, tôi còn biết thêm trước khi cô có con mắt ác quỷ cô đã thiên thẩn.
Một hôm, thiếu nữ trở về nhà mặt mày thờ thẫn, tôi hỏi tại sao, cô cho biết: 
“Vừa mới hồi sinh một ông sống chết vì tự tử. ”
“Vậy, nên mừng đã cứu một mạng người. ”
Cô lắc đầu:
“Nếu không vì cái lương tâm vô lý của nhân đạo mà người ta bày đặt ra, tôi để chết luôn cho được việc. Ít ra người đàn ông ấy đã thành công trên đời một lần trong việc chấm dứt cuộc sống của mình.”
“Hãy săn sóc ông ta.”
Thiếu nữ nhún vai:
“Ông ta hét om sòm khi biết mình còn sống, ông thù hận tôi, mỗi lần đến gần, tôi bị ông ta mắng nhiếc thô bỉ. Nghĩ cho cùng, tôi đã phạm tội với ông ấy như người giết chết một kẻ đang muốn sống, vì ông cho rằng sau cái chết, ông được hạnh phúc.”
Lần đầu tiên tôi thấy nét mặt cô bạn băn khoăn. Băn khoăn vì phạm tội cứu sống một đời người, vì tự hỏi công việc đang làm thực sự đúng hay sai.
Đời sống của hai chúng tôi những buổi tối trò chuyện như thế, tôi chẳng bao giờ giải đáp được điều gì cho nhau. Tôi chợt nói:
“Chúng mình sống, thiêu thiếu một cái gì.”
Thiếu nữ cười vang:
“Thiếu đàn ông.”
“Ừ, đúng.”
Cô bạn khuyên:
“Hãy sống như chẳng bao giờ có đàn ông.”
Tôi nói:
“Nhưng Thượng Đế sinh đàn ông trước khi sinh đàn bà.”
Nhắc đến Trời, thiếu nữ nói một hơi dài:
“Đó là cái nhìn của Thánh Kinh, bạn không hiểu rằng kẻ hậu sinh giải thích Thánh Kinh cho hợp thời, cho hợp với đạo lý xã hội. Trước kia Giáo hội Công Giáo buộc đàn ông đi tu không lấy vợ, cho rằng Chúa không có vợ. Đây giờ họ đang nghiên cứu cho phép linh mục có thể có vợ. Để có lý do chính đáng, họ sẽ giải thích ngày xưa Chứa Giê-su cũng có người yêu là bà Thánh Madeleine. Con người khá thông minh dùng chữ nghĩa linh thiêng biện luận sự sống trần thế: Tôn giáo chỉ là một phương tiện cho đời người. ”
Tôi đau xót:
“Vậy niềm tin tìm nơi đâu?”
Cô ta nói bâng quơ:
“Có gì vĩnh cửu mà tin.”
Vào một chiều thứ bảy trời nắng, tôi đang dọn dẹp áo quần son phấn, thiếu nữ qua phòng hối hả:
“Ê, bạn ơi qua đây nhờ chút việc.”
“Gì thế?”
“Vào chọn giùm tôi bộ áo quần nào thích ý nhất.”
“Đi đâu?”
“Mặc đi ăn tối nay.”
Chuyện lạ, lần đầu tiên cô hỏi han tôi về cách ăn mặc. Mọỉ ngày cô chỉ jeans, pull, trời lạnh khoác blouson.
“Nhanh đi, kẻo trễ.”
Tủ áo của cô toàn màu tối, đen, nâu hay vàng úa như lá khô rụng trên đất. Tôi chọn một bộ màu xanh đen, có lẽ mua từ kiếp nào: Cái váy ngắn và chiếc vét. Tôi cho cô mượn cái sơ-mi màu hồng nhạt bằng lụa mặc bên trong. Tôi đưa cô đôi bông tai vàng óng ả. Thiếu nữ sợ nữ trang. Tôi thuyết phục:
“Đàn bà phải có nữ trang, bạn không muốn mình là đàn bà sao, ít nhất tối hôm nay?”
Sau khi mặc áo quần, đeo bông tai trông thiếu nữ lạ hẳn đi. Trong gương hiện ra người con gái mặn mà duyên dáng. Tôi đề nghị phớt lên đôi má chút phấn hồng. Thiếu nữ đưa tay sờ vào gương như muốn tìm xem đây có phải thân xác thật của mình hay không.
Tôi vui vui nói:
“Đó là hình ảnh phản chiếu con người thật của bạn, không phải là ảnh ảo.”
Tôi chải lại mái tóc ngắn cho cô và xức nhẹ một chút nước hoa Chanel. Thiếu nữ sợ hãi né tránh mùi hương giả tạo. Cô nói:
“Tôi muốn đến với chàng bằng bộ mặt thật của mình không hương phấn.” 
Lòng tôi bừng nở:
“Có một người đàn ông rồi. Ai?”
Do dự một lát, thiếu nữ cầm tay tôi:
“Người đàn ông mà tôi đã phạm tội cứu sống.”
Im lặng, tôi tiếp lời:
“Sau lần thất bại không được chết, ông ta thành công.”
Thiếu nữ gật đầu:
“Đó là người đàn ông hỉểu rõ tình thương và giá trị của nó.”
Từ đấy, tính tình thiếu nữ dịu dàng hơn, tươi mát hơn. Môi luôn luôn sẵn sàng cười. Nói những câu làm dịu lòng người nghe. Cô nhìn cuộc đời bằng hai con mắt phải và trái với một chiều rộng nhân ái. Tâm đạo chìm sâu dưới đáy lòng cô nay thoát hiện, bắt đầu bén rễ trên mảnh đất bụi bặm này.
Bởi vì thiếu nữ đã yêu.

Trần Thị Diệu Tâm

Related posts