Đầu thập niên thế kỷ 21, mạng lưới truyền thông đã thay thế sách với phương tiện nhanh chóng và cập nhật cùng những điện thoại thông minh, iPad và máy điện toán. Nhưng những năm gần đây sách đã trở lại trên thị trường, giới trẻ đang quý trọng sách, đọc trên máy bay, trong các tiệm cà phê.
Sách đang trở lại vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa. Sách như Bertrand Barère trong thời kỳ cách mạng kỹ nghệ Pháp đã nói: “Sách làm được tất cả, sách tạo ra quan điểm cho cá nhân và xã hội, sách mở mang kiến thức cho tất cả các tầng lớp xã hội, sách đập tan cuồng tín và dẹp bỏ những định kiến.”
Có những cuốn sách đã đi vào lịch sử nhân loại và có những cuốn sách bán chạy được truyền tay đọc. Cuốn sách “1984” của nhà văn Anh George Orwell (tên thật Eric Arthur Blair) xuất bản năm 1949 sau Thế Chiến Thứ Hai và những cuộc cách mạng vô sản đã được xem là những lời cảnh cáo cho nhân loại. 70 năm sau, năm 2019 cuốn sách “1984” lại trở thành cuốn sách bán chạy trên thị trường. Cuốn sách này được xem là cuốn sách tiên tri với những điều Orwell viết đã xảy ra như những lời tiên tri.
Bốn cuốn sách khác trong giữa thế kỷ 20 cùng thời với George Owell đã lưu truyền cho các thế hệ sau về những xã hội không tưởng thực hiện sau cách mạng vô sản.
“Darkness at Noon” (tạm dịch “Bóng Tối Giữa Trưa”) của Arthur Koestler viết ngụ ý về chiến tranh lạnh.
“Brave New World” (tạm dịch “Dũng Cảm Trong Thế Giới Mới”) của Aldous Huxley năm 1932 viết về một xã hội kỹ nghệ Tây phương trong tương lai đặt vấn đề tương lai con người với những câu hỏi triết lý và tâm lý cũng như nhân chủng học. Kỹ nghệ tân tiến với những tiến bộ về sinh học (như di thể thay đổi Crisp) có khiến con người thay đổi nhân tính, con người có quên đi phẩm cách, tình yêu nhân loại, tự do, công lý và sự thật?
“Fahrenheit 451” năm 1953 của nhà văn Mỹ Ray Bradbury: xảy ra trong xã hội Mỹ tương lai với những sách bị cấm bán, bị “nhân viên đốt sách” lùng và tịch thu rồi đốt giống như xã hội Cộng Sản Việt Nam sau 1975.
Cuốn “We” (tạm dịch “Chúng Ta”) của nhà văn Nga Yevgeny Zamyatin viết năm 1920 diễn tả chế độ độc tài Xô Viết đã làm con người không còn là một cá nhân trong xã hội nhưng trong xã hội độc tài Cộng Sản vẫn còn một thế giới hòa đồng của những người còn giữ được nhân tính và tư cách.
Cả hai cuốn sách “We” và “1984” của Zamyatin và Orwell là một ví dụ điển hình của xã hội độc tài Stalin và Đức Quốc Xã. 47 năm sau, sách “1984” đã nổi bật hơn tất cả bốn cuốn sách khác nổi tiếng cùng thời. Một Orwell đã cảnh cáo về thất vọng mới của tương lai nhân loại nếu lịch sử không thay đổi, con người sẽ mất nhân cách và nhân tính. Con người trở thành người máy không có cảm giác, không cảm thông với nỗi đau khổ của người khác trong thế giới đánh mất công lý và hòa bình. Một George Orwell diễn tả chế độ độc tài dùng tra tấn và tẩy não hai chính sách của các chế độ Cộng Sản.
Cuốn “1984” như cuốn tiểu thuyết nối dài của “Animal Farm” (tạm dịch “Trại Súc Vật”) của ông viết năm 1945 sau cách mạng Xô Viết của Stalin. Cuốn tiểu thuyết viết như chuyện cổ tích trong đó con Gấu (tượng trưng nước Nga). Heo làm cách mạng, thiếu tá Heo đực dạy: “Tất cả súc vật sinh ra bình đẳng.” Heo được dạy đọc và viết để xã hội có văn hóa. Khi cách mạng thành công, trại súc vật có kinh tế khá hơn, các con vật tham gia cách mạng đã chết hay già, con heo trẻ bắt đầu đi bằng hai chân giống như con người, mặc quần áo cầm roi cầm gậy. Cách mạng thành công, lãnh tụ heo Napoleon bỏ truyền thống cách mạng truyền cho bảy lãnh tụ heo trong trại súc vật khẩu hiệu mới: “Tất cả súc vật đều bình đẳng nhưng có con sinh ra bình đẳng hơn con khác!” và “Bốn chân tốt nhưng hai chân tốt hơn bốn chân!”
Bối cảnh truyện “1984” nằm trong khung cảnh từ năm 1944 khi thế giới bắt đầu được chia thành các vùng ảnh hưởng bởi các cường quốc định bởi hội nghị quốc tế Tehran, Iran. Trong truyện, Anh đã trở thành một tỉnh của siêu quốc gia Oceania. Một trong ba quốc gia sau thế chiến, Anh lâm vào tình trạng nội chiến, đánh nhau trên đường phố Luân Đôn, đảng xã hội chủ nghĩa Anh Ingsoc thắng, thành lập chế độ độc tài. Anh và Châu Mỹ La Tinh bị Mỹ thu tóm, kết quả siêu quốc gia Oceania được thành lập, Ingsoc trở thành chính quyền của tân quốc gia Oceania. Trong khi đó Xô Viết xâm lăng Âu Châu và thành lập siêu quốc gia Eurasia (Âu Á) dưới chính quyền Bolshevik mới. Bên kia vùng Viễn Đông, Trung Quốc chiếm tất cả các quốc gia trong vùng lập ra siêu quốc gia thứ ba. Ba siêu quốc gia tiếp tục chiến tranh dành quyền bá chủ với các chính quyền độc tài dạy dân ghét chủ nghĩa của các siêu quốc gia khác, xem các quốc gia địch là man rợ vô văn minh nhưng thật ra tất cả ba siêu quốc gia đều giống nhau, cầm quyền với bộ máy chính quyền và chủ thuyết giống nhau.
Đảng cầm quyền Oceania tự hào đã giải phóng dân ra khỏi thống trị của bọn tư bản, dân bị đánh đập, đàn bà bị bắt đi lao động trong các hầm mỏ than, trẻ em đã bị bán làm nô lệ lao động khi mới lên 6 nhưng khi cầm quyền đảng dạy dân: Con người sinh ra đã thuộc thành phần hạ đẳng, sống vinh quang là phải sống lao động như trâu bò.
Hệ thống cầm quyền của đảng đứng trên hết là Anh Cả (Big Brother) do đảng lựa chọn, đại diện cho đảng với thế giới bên ngoài. Dưới Anh Cả là vòng trong, số đảng viên được giới hạn 6 triệu hay dưới 2% dân số Oceania. Dưới vòng trong là vòng ngoài đảng được xem là bộ óc của quốc gia. Chống bọn tư bản nên nguyên tắc đảng viên không theo cha truyền con nối mà được lưạ chọn qua kỳ thi tuyển. Đảng viên khi được chọn trở thành giai cấp thượng lưu tự chọn người nối nghiệp. Đảng cấm làm cách mạng bằng vũ lực.
Anh Cả luôn luôn có cặp mắt thăm dò canh chừng đảng viên và dân. Từ khi sinh ra cho đến khi chết, đảng viên luôn luôn bị cặp mắt cảnh sát tư tưởng (thought police) theo dõi: Thức ngủ, trong khi làm việc, khi ngủ trên giường, khi tắm đảng điều biết mà đảng viên không biết. Các đảng viên bị theo dõi bằng màn ảnh truyền hình Telescreen (Orwell đã tưởng tượng trước thời ti vi).
Chính quyền Oceania cai trị dân với bốn bộ: Bộ Hòa Bình, Bộ Thặng Dư (Minister of plenty), Bộ Sự Thật, Bộ Tình Yêu, bằng ngôn ngữ tuyên truyền Newspeak trên căn bản chủ nghĩa quốc gia, kiểm duyệt, theo dõi và nhìn về tương lai.
Bộ Sự Thật của Orwell 1984 khiến người đọc liên tưởng đến hình ảnh Stalin, Nga và Trung Cộng. Sự thật là sự thật do đảng định nghĩa. Điều gì đảng nói là sự thật. Đảng kiểm soát tư tưởng người dân, kiểm soát được tư tưởng là kiểm soát được sự thật. Sức mạnh cầm quyền không có nghĩa là con đường cuối cùng đảng muốn đạt được. “Sức mạnh của đảng là khả năng gây đau khổ cho người khác.” Bị đau khổ thì dân mới phục tùng đảng và nhà cầm quyền.
Muốn khống chế dân, bộ sự thật dùng phương pháp suy nghĩ hai hàng “Double think.”
Suy nghĩ kép có nghĩa là hai ý tưởng đối lập trong đầu người dân phải chấp nhận. Châm ngôn của đảng: “Chiến tranh là hòa bình, Tự do là nô lệ, Ngu dốt là sức mạnh.” Với ba châm ngôn này đảng đã thành công trong việc tẩy não dân, con người không còn khả năng tự suy nghĩ, điều gì trái với suy tưởng dân Oceania cảm thấy đúng và họ nghĩ là sự thật muôn mặt, không có gì là chắc chắn, nhờ đảng khai trí mà dân có được người dẫn dắt đi trên con đường đến thiên đường trần gian. Con nguời từ từ mất tư duy và bản chất cá nhân.
Dân Oceania không còn đời sống riêng tư, ngoài màn truyền hình theo dõi dân ở nơi công cộng, nơi làm việc còn micro đặt trong vách. Thơ bị kiểm duyệt, chính quyền mở đọc. Cảnh sát tư tưởng dùng mật vụ. Trẻ em báo cáo những kẻ nghi ngờ cho chính quyền, tố cáo cha mẹ. Bất cứ dấu hiệu phản kháng nhỏ nào của người dân thể hiện qua khuôn mặt cũng có thể bị bắt nhốt tù.
Nhân vật chính trong truyện là Winston, còn đầu óc tự suy nghĩ, viết nhật ký, từ từ chống đảng và lý thuyết của đảng giống như các nhân vật đối kháng. Bị tố cáo, Winston nhất định không tin 2 + 2 = 5. Cán bộ O’Brien đưa Winston đến phòng 101 thuộc bộ yêu thương (Ministry of love) nơi tù nhân được đảng đặc biệt yêu thương, tra tấn, nhốt trong chuồng sống với chuột (con vật Winston sợ nhất) phòng 101 được đặt tên là trại cải tạo. Winston cuối cùng được cải tạo vì không còn con đường sống nào khác trong xã hội Oceania, từ con người “Đả đảo Anh Cả” trở thành con người “Tôi yêu Anh Cả.”
Trong xã hội kinh tế với chính sách của Bộ Sung Túc. Bộ này làm kinh tế với tiêu chuẩn: Sống trong cảnh nghèo đói để kiểm soát dân, bệnh tật và mất vệ sinh là điều kiện bình thường. Bộ Sung Túc tiên đoán kinh tế với chương trình tam niên, thống kê tưởng tượng trong khi dân nghèo đói đi chân không thì thống kê viết “đời sống khá hơn trước thời cách mạng.” Sau vài năm đời sống khá hơn nữa thì phải hiểu là cán bộ khá hơn còn dân vẫn khổ giống như xã hội cộng sản sau khi không còn bị cấm vận kinh tế.
Về văn hóa, thống kê tiên đoán năm 2050 tất cả kiến thức của chế độ cũ sẽ biết mất hẳn nhờ Newspeak thay cho Oldspeak, phương pháp tuyên truyền kiểm duyệt đốt sách giống như các thời cách mạng Cộng Sản.
Ý tưởng của Orwell qua sách “1984” giống như ý tưởng Cộng Sản, Phát Xít, con đường kinh tế chỉ huy với chế độ độc tài đảng trị. Chính sách Oceania giống như của Stalin thời kỳ 1936-1938 nhằm thanh trừng thành phần Bolshevik cũ, tù nhân phải nhận tội nếu không nhận sẽ bị bắn chết, giống như chính sách Cộng Sản Việt Nam sau 30 Tháng Tư, 1975. Tù cải tạo bị bỏ đói, tra khảo, không có ngày về với gia đình, tâm lý khủng hoảng nên phải nhận tội dù họ không có tội. Cán bộ O’Brien, trong “1984,” nghĩ: “Con người trí thức tham quyền và trong con người, ai cũng có tham vọng như Hitler và Stalin.”
Trong thời kỳ chiến tranh lạnh, sách “1984” được xem như là môt cảnh cáo đúng cho xã hội Cộng Sản Đông Âu. Xã hội Xô Viết và Đông Âu giống như Orwell mô tả trong sách nhưng sách không hẳn chỉ nói về đời sống dưới chế độ Cộng Sản mà còn là một báo động về các chế độ độc tài.
Trong thời kỳ 1950 -1954 với phong trào McCarthy (do Thượng Nghị Sĩ Joseph McCarthy) Mỹ đã sống trong cảnh chính trị lo sợ với phương pháp truy lùng người tình nghi Cộng Sản dù không có bằng cớ chính đáng nghi can cũng bị mất việc và bị đưa vào sổ bìa đen FBI. Phương pháp Thượng Nghị Sĩ McCarthy cổ võ là điều tra và chụp mũ. Thời kỳ này được đặt tên là “Nỗi sợ hãi đỏ” lần thứ hai (lần thứ nhất là Cộng Sản Xô Viết). Thập niên năm 1970 với Richard Nixon đặt máy dò lén trong vụ xì căng đan Watergate, nhờ đó cuốn “1984” bán chạy.
Năm 1984, bốn triệu sách bán chạy trên nước Mỹ tình cờ đúng vào năm công ty Apple quảng cáo các máy điện tính mới Mac Intosh nhân Superbowl XVIII trên đài CBS. Dân Mỹ nghĩ ngay đến sách “1984” của George Orwell với màn truyền hình theo dõi dân. Cảnh cáo của Orwell về các chế độ tư bản đe dọa nền dân chủ bằng kỹ thuật truyền thông đến với dân Mỹ qua sự theo dõi của tư bản (danh từ của Shoshana Zuboff). Steve Jobs chủ công ty Apple lên tiếng, Apple có bộ mặt khác hơn là bộ mặt Anh Cả. Nhưng từ 1984 đến 2019 với kỹ thuật điện tính, thông tin mạng, điện thoại thông minh đã xâm phạm vào đời sống riêng tư của mọi người đồng thời cũng là Telescreen như trong truyện Orwell.
Các công ty Apple, Google, Facebook… đã biến xã hội Âu Mỹ tự do thành xã hội theo dõi dân. Năm 2000, Google thu thập tất cả những kinh nghiệm cá nhân, đời sống, lối sống của mỗi người trên mạng biến thành dữ liệu (data) cho công ty Google và các công ty khác biết ý muốn chọn hàng của khách. Phục vụ của các công ty tốt hơn, đời sống khá hơn nhưng dân không còn đời sống riêng tư. Từ giáo dục, tài chính, thương mại cho đến hành nghề y khoa, qua mạng lưới các công ty nay kiểm soát và chỉ huy tất cả dịch vụ. Bác sĩ hành nghề y khoa mất lựa chọn và quyết định theo kiến thức cá nhân.
Năm 2013, Facebook nghiên cứu xúc cảm xảy ra trong khi người sử dụng đăng lên mạng, hành động của khách hàng, thị trường thay đổi ảnh hưởng đến tâm tính của mỗi người… Tất cả dự kiện được bán và trao đổi từ vụ xì căng đan chính trị Cambridge Analytica cho đến Starbucks, hay McDonald’s.
George Orwell qua sách “1984” kêu gọi độc tài không phải là sự lựa chọn, dân phải cảnh tỉnh không chấp nhận sự theo dõi của Anh Cả nay dân xứ tự do vui vẻ chập nhận sự theo dõi của tư bản với kỹ thuật mạng điện tử vì Anh Cả mới qua màn ảnh điện thoại thông minh không gây bạo động, không gây sợ hãi, khác dân chủ nhưng hợp pháp. Các sự thăm dò kín đáo xảy ra vào 3 giờ sáng khi mọi người còn ngủ, dữ kiện cá nhân được truyền trên mạng.
Ngoài cặp mắt theo dõi, Anh Cả trên mạng còn dùng giọng nói để kiểm soát, đóng cửa nhà, đóng cửa ga-ra? Hỏi Siri, mua hàng trên Amazon gọi Alexa, Siri mua Pizza, Alexa mở máy lạnh trong nhà, Google chơi bản nhạc ưng ý. Mỗi khi giọng nói bạn dùng ra lệnh Facebook ghi nhận giọng bạn với màn hình theo dõi bạn từ phòng khách qua phòng ngủ.
Cặp mắt điện tử còn theo dõi dân nơi công cộng. Đoàn xiệc Picadilly dùng máy quay phim không để thu những màn xiệc mà dùng để phân tích bộ mặt khán giả với kỹ thuật thông minh nhân tạo AI. Kỹ thuật nhận diện được sử dụng phổ thông nơi công cộng ở Trung Cộng nhất là ở vùng Tân Cương, các vùng dân thiểu số. Kỹ thuật có vấn đề: Kỹ thuật chưa được chính xác nhất là đối với dân thiểu số da màu mức độ lầm lẫn cao hơn so với dân Hàn và dân da trắng.
Kỹ thuật nhận diện bị cấm tại tiểu bang California và San Francisco nhưng chỉ cấm ở nơi công cộng, luật không cấm các điện thoại thông minh iPhone như iPhone X.
Năm 2016, cuốn truyện “1984” của Orwell lại được bán chạy nhờ tân Tổng Thống Donald Trump. Trong ngày nhậm chức, bà Kellyanne Conway đã theo Tổng Thống Trump nói: “Đám đông dự lễ nhậm chức của Donald Trump đông nhất từ trước đến nay, dùng những dữ kiện phóng tác tưởng tượng của tân tổng thống.” Sau đó ông Trump nói: “Điều gì quý vị nhìn thấy, báo chí thấy, không phải là sự thật đang diễn ra!” Fake News! Được Tổng Thống Trump dùng nhiều lần và dân Mỹ bắt đầu nghĩ đến sự sùng bái lãnh tụ trong các chế độ Mao, Stalin, Hồ Chí Minh. Double Think, Double Speak, Thought Control, Thought Police, các danh từ trong sách “1984” của Orwell lại trở về với dân Mỹ.
Bài học của Orwell qua sách “1984” là đừng để tư tưởng các nhà độc tài hay kỹ thuật hiện đại thay đổi tư tưởng bạn, quyết định cuộc đời nằm trong tay bạn.
Năm 2019, sách “1984” của Orwell đang là sách bán chạy nhất và 2019 có vẻ đang xảy ra từ Âu, Á qua Mỹ. Một điều khác với lo sợ của Orwell là xã hội tư bản Âu Mỹ khác với Nga, Trung Quốc và các nước Cộng Sản còn lại, xã hội Âu Mỹ vẫn còn luật pháp bảo vệ dân.
Theo dõi dân ở các nước độc tài không gì lạ, người Việt vẫn nói “ông Trời có mắt,” các nhà lãnh đạo độc tài và vua chúa từ xưa đến nay vẫn xem mình là ông Trời!
Việt Nguyên
__._,_.___